Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Thế giới / Bình luận
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Những điều ít biết về “điệp viên giỏi nhất vùng Viễn Đông”

Cập nhật: 14:20 ngày 23/02/2018
(BGĐT) - Trong bối cảnh an ninh bán đảo Triều Tiên nóng lên từng ngày thì đầu tháng 10-2017, Mỹ lại cho xuất bản ấn phẩm nói về hoạt động gián điệp của Mỹ nhắm vào Triều Tiên trong thời Chiến tranh Lạnh.
{keywords}

Chân dung trùm điệp viên Donald Nichols.

“Điệp viên giỏi nhất vùng Viễn Đông” là ai?

Tạp chí chuyên đề chính trị Political Magazine của Mỹ số cuối năm 2017 cho biết, câu chuyện về “điệp viên giỏi nhất vùng Viễn Đông” chính là Donald Nichols, nhân vật chính của cuốn King of Spies: The Dark Reign of America’s Spymaster in Korea (tạm dịch: Vua gián điệp: Thời đại suy tàn của trùm điệp viên Mỹ tại Bắc Hàn) của Blaine Harden do Nhà xuất bản Viking ấn hành ngày 3-10-2017. 

Chuyện kể về điệp vụ thuộc lực lượng không quân Mỹ Donald Nichols, người đã thâm nhập vào bán đảo Triều Tiên năm 1946, ngay sau khi cuộc Chiến tranh Lạnh được bắt đầu. Sở dĩ Donald Nichols được tuyển chọn để tung vào Bắc Triều Tiên là do trẻ tuổi, linh hoạt lại thông thạo tiếng Hàn. Với chiến tích đạt được, có lúc Donald Nichols đã được Không quân Mỹ (USAF) tôn vinh  “cuộc chiến một người”, “điệp viên giỏi nhất vùng Viễn Đông”, hay “người đã thực hiện những công việc không thể” do tạo dựng thành công mạng lưới điệp viên sở tại bí mật trên khắp bán đảo, cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp máy bay Mỹ ném bom chính xác.

Trẻ tuổi, thông minh nhưng lại ngang tàng, vô tổ chức, Donald Nichols bỏ học khi đang học lớp 7 ở South Florida. Khi được tuyển dụng làm biệt kích, tính nết Donald Nichols đâu vẫn đóng đấy. Tuy là người đứng đầu tổ chức gián điệp song khi có thông tin, Donald Nichols lại gửi trực tiếp tới cho một vị tướng thay vì gửi theo hệ thống như quy định. 

Để củng cố mạng lưới, Nichols đã thu nạp, tuyển mộ nhiều phần tử bất mãn từ miền Bắc vượt biên. Thậm chí, Nichols còn xây dựng cả một mạng lưới bạn bè có thế lực trong quân đội và trên chính trường Hàn Quốc, thông qua mối quan hệ cả với Tổng thống Lý Thừa Vãn (Syngman Rhee) nhiệm kỳ tháng 7-1948 đến tháng 4-1960. Một trong số những người Triều Tiên được Nichols tuyển dụng là Kim Ji-eok. Năm 1951, nhằm trốn nghĩa vụ gia nhập quân đội nhân dân miền Bắc (KPA), Kim Ji-eok, một nông dân chính hiệu đã chạy chọt để vào làm công nhân đường sắt. Kim Ji-eok đã được biên chế vào đội quân gián điệp đông đảo bao gồm 52 sĩ quan không quân Mỹ, 178 sĩ quan không quân Hàn Quốc và khoảng 700 người Triều Tiên để đảm nhận việc thâm nhập vào miền Bắc. Sau nhiệm vụ đầu tiên tấn công sân bay quân sự Mirim ở gần Bình Nhưỡng thất bại, nhóm của Kim may mắn thoát chết. Từ tháng 5-1952, Kim tiếp tục làm việc cho Donald Nichols đóng trên đảo Jebu, đặc biệt là được huấn luyện nhảy dù và sử dụng bản đồ để chờ ngày tái đổ bộ xuống miền Bắc nhằm thực hiện nhiệm vụ chính là xác định những vị trí quan trọng giúp máy bay Mỹ ném bom.

Những gián điệp người miền Bắc như Kim Ji-eok rất có lợi cho Mỹ, được gọi là Class C (loại C), không lương, không cấp bậc, số hiệu hay thẻ căn cước, có nghĩa không tồn tại chính thức. Cứ vài ngày, lại có vài người tại trại huấn luyện trên đảo Jebu ra đi không về sau khi được phái trở về tại quê hương. Nhờ sự giúp đỡ của tướng Kim Chung Yu, sau 8 năm phục vụ không quân Hàn Quốc, Kim Ji-eok đã tìm được việc làm trong nhà hàng mì của người cô họ tại Seoul, Kim làm việc tới tận năm 2015, khi đã ngoài 82 tuổi. “Người ta gọi Nichols là người hùng nhưng tôi không tin. Nếu bị Nichols đưa trở lại Bắc Triều Tiên lần nữa thì chắc chắn tôi sẽ chết”, Kim Ji-eok nói với báo giới khi nhận xét về “cuộc chiến một người” hay đường dây gián điệp do Nichols chỉ huy.

{keywords}

Ấn phẩm “Vua gián điệp: Thời đại suy tàn của trùm điệp viên Mỹ tại Bắc Hàn”.

Chiến tích của người hùng Donald Nichols

Donald Nichols được gửi đến bán đảo Triều Tiên khi bình minh của Chiến tranh Lạnh mới bắt đầu. Đây cũng là giai đoạn hàng chục xe tăng Liên Xô cùng với hàng nghìn binh sĩ quân đội nhân dân Triều Tiên (KPA) ồ ạt vượt vĩ tuyến 38 tràn sang miền Nam. Nhờ các thông tin tình báo Nichols gửi về, Mỹ biết được người Nga đang vận chuyển máy bay, vũ khí và rất nhiều đạn dược đến khu vực này. Thông tin được gửi về cho bộ phận tình báo của tướng Douglas MacArthur, người phụ trách nhận tin là Charles Willoughby. Để thu được các thông tin trên, Nichols đã điều hành một đội quân gồm các điệp viên chuyên giải mã, dưới trướng  một người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc mang theo cả bộ mã hóa của KPA. Nhờ thủ thuật này, Nichols đã thu thập được nhiều thông tin quan trọng của KPA. 

Trong những ngày đầu của cuộc chiến, mạng lưới gián điệp của Nichols gồm hơn 50 cơ sở lớn nhỏ, mang bí số NICK. NICK thu thập khá nhiều thông tin có giá trị nhờ vào bộ mã hóa nói trên. Cũng nhờ thông tin của Nichols, phi đội không quân số 5 của Mỹ đã tiến hành chiến dịch rải bom thành công và phá hủy nhiều thành phố của Bắc Triều Tiên. Chỉ trong thời gian hai năm 1951 và 1952, hằng tháng Nichols đã gửi hàng nghìn báo cáo có giá trị, liên quan đến vị trí của những nhà máy sản xuất vũ khí đạn dược, thực phẩm, nhà máy, xí nghiệp... và những căn cứ hầm ngầm, quân sự của Nga cũng như những nơi đóng quân của Trung Quốc… Chiến dịch kéo dài liên tục 3 năm chiến tranh, phá hủy 85% các tòa nhà và cướp đi khoảng 1 triệu người dân vô tội. Trong điều hành Nichols là người vừa hách dịch lại tàn nhẫn, coi trời bằng vung. “Nichols sẵn sàng quăng ném bất cứ người nào ra khỏi máy bay hay tàu thuyền hoặc bắn chết nếu không tự nguyện trở lại Triều Tiên để làm gián điệp. Nichols bắn chết không ít người ngay trong trụ sở của mình ở Seoul mà không hề báo cáo lên cấp trên”, tác giả Blaine Harden viết.

Theo thống kê của Không quân Anh, trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, không quân Mỹ đã ném tới 32.000 tấn bom napalm bằng máy bay  B29 xuống bán đảo Triều Tiên, trong đó có công không nhỏ của Donald Nichols nhờ  thu thập "thông tin thích hợp cho việc lựa chọn mục tiêu", giúp những quả bom này rơi trúng đích, gây tác động "tâm lý đối phương". Chính thành tích này Donald Nichols còn được tôn vinh “một người giúp không quân Mỹ thiêu rụi  cả lãnh thổ Bắc Hàn”.

Donald Nichols - những năm tháng cuối đời

Theo Political Magazine, không phải những trận bom của Mỹ làm cho chiến tranh chấm dứt mà chính là sự can thiệp của phía Liên Xô, trong đó có công của Stalin. Cả Liên Xô lẫn Trung Quốc muốn tìm kiếm giải pháp hòa bình, sớm chấm dứt chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Sự kiện này được xem là một bước ngoặt đối với Donald Nichols. Theo đó, hòn đảo nơi Donald Nichols đặt đại bản doanh cho NICK đã bị mất việc, đặc biệt là vào cuối tháng 7-1953 khi Hiệp định đình chiến chấm dứt chiến tranh Triều Tiên được ký kết, vĩ tuyến 38 được hình thành công nhận lãnh thổ hai miền Bắc và Nam Triều Tiên. Riêng Nichols vẫn ở lại Hàn Quốc, duy trì cơ sở gián điệp và tiếp tục gặp gỡ thường xuyên với Syngman Rhee nhưng sự nghiệp gián điệp dừng lại khi tuổi đời chưa đầy 30.

{keywords}

Đội quân của Nichols được huấn luyện nhảy dù để xâm nhập miền Bắc.

Tháng 9 năm 1953, đơn vị tình báo 6004 của Nichols được tuyên dương công trạng, "cơ quan gián điệp thu thập nhiều thông tin hữu ích nhất" thuộc Không quân Viễn Đông Mỹ (FEEF) mặc dù thực tế thành tích này có đóng góp không nhỏ của USAF, CIA cũng như của Hải quân Hàn Quốc. Thực tế, trong suốt cuộc chiến, số thương vong của đơn vị do Donald Nichols tăng đột biến. Ngoài các chiến binh bị Bắc Triều Tiên bắt sống hoặc tiêu diệt còn có một lượng không nhỏ bị ép làm việc cho Mỹ, nhất là từ cuối năm 1952 trở đi, khi trở lại quê hương đã tự sát hoặc không quay lại, ước khoảng 40%, như lời Kim Ji-eok thú nhận “Nếu bị Nichols đưa trở lại Bắc Triều Tiên lần nữa thì chắc chắn tôi sẽ chết”.

Theo tác giả Blaine Harden, sau khi vai trò điệp viên kết thúc, chính quyền Mỹ đã quyết định cách đối xử với Nichols. “Mùa hè năm 1957, quân cảnh USAF đã tìm đến nhà Nichols vào lúc nửa đêm, trói gô Nichols lại, sau đó bị tra tấn bằng sốc điện. Sau này Nichols đã tiết lộ với người thân rằng USAF muốn xóa sạch ký ức của ông. Nhưng tiếc thay, việc này không thành, ký ức của Nichols vẫn không mất mà tiếp tục sống thêm 30 năm nữa”. Cũng theo tác giả Blaine Harden, do Nichols nắm giữ nhiều thông tin quan trọng về chiến tranh Triều Tiên trong khi người Mỹ lại không muốn dư luận biết về sự thật đen tối nên muốn giết hoặc để Nichols ngồi tù. Tác giả Blaine Harden cho biết, đây là thông tin chỉ huy của Nichols tiết lộ. 

Donald Nichols chính thức rời khỏi USAF do sức khỏe kém vào năm 1962 và qua đời tháng 6-1992 tại Bệnh viện Cựu binh ở Tuscaloosa, bang Alabama miền Nam nước Mỹ. Sau khi chết, những hồ sơ mật liên quan đến việc làm của Nichols vẫn giữ kín trong nhiều năm trước khi được giải mật theo Đạo luật tiết lộ thông tin quy định.

Kim Hùng 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...