Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 27 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chiến dịch Linebacker II qua truyền thông Mỹ

Cập nhật: 07:00 ngày 16/12/2017
(BGĐT) - Cuối năm 1972, khi Hội nghị Paris bế tắc, Tổng thống Mỹ Nixon đã ra lệnh thực hiện Chiến dịch Linebacker II nhằm "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá" nhưng chính hành động này khiến Mỹ bị dư luận lên án và phải quay trở lại bàn đàm phán. Mới đây, báo chí Mỹ đã điểm lại những điều vô lý mà chính quyền Tổng thống Nixon đã thực hiện cách đây 45 năm.
{keywords}

Pháo đài bay B-52 trong trận mưa bom Giáng sinh 1972.

Chiến dịch quân sự cuối cùng 

Theo trang tin History.com (HC) của Mỹ số ra tháng 12-2017, ngày 18-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon thông báo bắt đầu Chiến dịch Linebacker II (Operation Linebacker II) hay Chiến dịch ném bom tháng 12 nhắm vào miền Bắc Việt Nam gần hai tuần liên tục. Bắt đầu từ ngày 18-12, máy bay ném bom của Mỹ, kể cả pháo đài bay B-52 được huy động tối đa ném bom Hà Nội và Hải Phòng. Mỹ tuyên bố mất 15 chiếc B-52 và 11 chiếc máy bay khác còn phía Việt Nam có tới hơn 1.600 dân thường đã bị giết hại.

Linebacker II là chiến dịch quân sự cuối cùng của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam sau khi Hội nghị Paris bế tắc, đặc biệt là phía Bắc Việt Nam không muốn thả hết số tù binh theo yêu cầu của phía Mỹ trong khi các tù binh của Việt Nam ở miền Nam lại không được thả. Ngoài ra còn có nguyên nhân sâu xa nữa đó là quân đội của chế độ Sài Gòn bị thất bại nặng nề trong Chiến dịch Lam Sơn 719 và sự lớn mạnh không ngừng của lực lượng quân giải phóng miền Nam cũng như các cuộc tấn công quy mô lớn của quân đội chính quy miền Bắc làm cho kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ bị thất bại. Nhằm giữ thể diện siêu cường và để rút quân trong danh dự, Mỹ quyết định tiến hành chiến dịch ném bom lần cuối với ý định "đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá", giảm bớt sự hỗ trợ quân sự cho chiến trường miền Nam.

Chiến dịch Linebacker II thực chất là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker I diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10-1972 nhưng lần này Mỹ huy động tối đa các loại máy bay ném bom chiến lược B-52 thay cho máy bay ném bom chiến thuật thông thường với mục đích dùng sức mạnh không hạn chế đánh thẳng vào các trung tâm đầu não của miền Bắc Việt Nam như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Lạng Sơn và các mục tiêu khác liên tục trong 12 ngày đêm. Chiến dịch Linebacker II được xem là một trong những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh của nhân loại. Trong 12 ngày, Mỹ đã thả hơn 36 nghìn tấn bom, vượt quá khối lượng bom đã ném xuống miền Bắc Việt Nam trong toàn bộ thời kỳ từ năm 1969 đến năm 1971.

Theo giới phân tích quân sự, xa hơn, đây là cuộc chiến Mỹ muốn thử vũ khí mà lâu nay họ cho là “vô đối’ giữa pháo đài bay B-52 với vũ khí chống trả không phải là cao siêu (tên lửa SAM-2, SAM-4 và SAM-5) nhưng cuối cùng Mỹ đã thất bại. 

Trận mưa bom Giáng sinh

Với tựa đề The Christmas Bombing (Trận mưa bom Giáng sinh), tạp chí Air & Space của Bảo tàng Smithsonian (Mỹ) công bố bài viết được trích từ cuốn sách The Eleven Days of Christmas: America’s Last Vietnam Battle (11 ngày Giáng sinh: Trận chiến Việt Nam cuối cùng của Mỹ) mới đây của tác giả Marshall Michel, người đã trực tiếp đến Hà Nội, mô tả khá chi tiết về Chiến dịch Linebacker II. Theo tác giả, ở Việt Nam người ta gọi đây là sự kiện "12 ngày đêm" còn giới truyền thông lại dùng hình tượng "Điện Biên Phủ trên không" để nhấn mạnh ý nghĩa thắng lợi to lớn mà người dân Việt Nam đạt được. 

{keywords}
Tên lửa SAM-2 của Việt Nam đã bắn hạ nhiều pháo đài bay B-52 của Mỹ.

Theo tác giả Marshall Michel, đầu tháng 12-1972, Tổng thống Nixon điện cho cố vấn an ninh Kissinger thông báo kế hoạch ném bom trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Ngày 14-12, Nixon họp với Kissinger, tướng Alexander Haig và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Đô đốc Thomas Moorer thông qua lần cuối Chiến dịch Linerbacker II. Mục tiêu Mỹ đặt ra là duy trì nỗ lực tối đa để phá hủy tất cả các tổ hợp mục tiêu chính ở Hà Nội, Hải Phòng và các vùng lân cận, tạo ra “cường độ khủng khiếp để buộc Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải chấp nhận điều khoản của Mỹ và cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Mỹ không bỏ rơi họ”. Cũng qua chiến dịch này, Nixon muốn răn đe Sài Gòn nếu giúp Nixon kéo dài đàm phán, xa hơn nữa là giành chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo thì Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ. 

Ngày 16-12, Kissinger họp báo tại Washington DC đổ lỗi cho phía Việt Nam Dân chủ cộng hòa kéo dài đàm phán nên tối 18-12 khi đoàn đàm phán Việt Nam về đến nhà thì những chiếc B-52 trong Chiến dịch Linebacker II đã trút hàng nghìn tấn bom xuống Hà Nội. “Đây là trận oanh tạc lớn nhất từ sau Thế chiến thứ hai, một trong những phương châm của Nixon là nếu đã sử dụng vũ lực thì phải mạnh hết cỡ không giới hạn, đánh xả láng” Walter Isaacson đề cập trong tác phẩm Kissinger A Biography (Hồi ký  Kissinger), trang 468.

"Hệ thống điện tử trên B-52 rất tinh vi và đắt tiền nhưng vẫn không gây nhiễu nổi rađa Bắc Việt Nam”- Charles Barrows, Đại úy hoa tiêu B-52 bị bắt làm tù binh thừa nhận sau khi trở thành "công dân của Hỏa Lò".

Mỹ đã huy động gần 50% máy bay B-52 (197/400 chiếc), xuất kích 741 lần và hơn 1/3 số máy bay chiến thuật của toàn nước Mỹ (1.077/3.041 chiếc), tiến hành 3.920 lần xuất kích. 1/4 số tàu sân bay (6/24 chiếc) cùng nhiều tàu chỉ huy, dẫn đường, tàu khu trục, tàu tên lửa, tàu radar, tàu bảo vệ, tàu cấp cứu... tham gia chiến dịch. Hậu quả, thiệt hại của Không quân Mỹ theo phía Mỹ công bố là 11 chiếc B-52 bị bắn rơi trên lãnh thổ Bắc Việt Nam, 5 chiếc khác rơi tại Lào hoặc Thái Lan. 26 phi công B-52 được cứu thoát, 33 người khác bị chết hoặc mất tích, 33 bị bắt làm tù binh chiến tranh. Đồng thời không quân chiến thuật Mỹ mất 12 máy bay, 10 phi công chiến thuật bị chết, 8 bị bắt và 11 được cứu thoát... 

Một trong những thiệt hại lớn nhất người Việt Nam phải hứng chịu từ Chiến dịch Linebacker II là những trận bom rải thảm xuống phố Khâm Thiên (Hà Nội) đêm 26-12-1972 làm chết 278 người. Ngoài ra, bom B-52 của Mỹ còn ném trúng Bệnh viện Bạch Mai ngày 22-12 khiến một bệnh nhân và 30 y tá, bác sĩ thiệt mạng.

Hậu Chiến dịch Linebacker II

Do thiệt hại ngoài sức tưởng tượng nên ngày 30-12-1972, Tổng thống Nixon đã ra lệnh chấm dứt ném bom với lý do duy nhất được phát ngôn viên tổng thống phát ra là "có dấu hiệu rõ ràng rằng đàm phán nghiêm túc có thể được nối lại" và quyết định đàm phán lại để ký kết hiệp định. Dư luận cho rằng, việc Mỹ chấm dứt ném bom là do áp lực của dư luận thế giới và nhân dân Mỹ cũng như thất bại của Mỹ trong việc buộc Hà Nội nhượng bộ. 

Theo Hồi ký Henry Kissinger, ngày 6-1-1973, Nixon đã chỉ thị cho ông trở lại Paris và phải đạt cho được một giải pháp dù đối phương đưa ra những điều kiện nào. Ý nói Mỹ nên nhượng bộ chứ không nên làm cao nữa. Tổng thống Mỹ nhấn mạnh sẵn sàng chấp nhận trở lại văn bản đã thỏa thuận vào tháng 10-1972. 

{keywords}

Tổng thống Mỹ Nixon, tác giả của Chiến dịch Linebacker II.

Vậy là Hiệp định Paris đã được ký với nội dung về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt trước khi đàm phán bị giãn tiến độ do Mỹ từ chối ký kết trước đây. Dư luận cho rằng Mỹ đã mất hàng chục máy bay để rồi vẫn phải ngồi và ký vào văn bản mà họ không muốn ký, điều này đồng nghĩa mục tiêu của Mỹ khi phát động Chiến dịch Linebacker II đã thất bại. Chiến dịch Linebacker II bị phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới, thậm chí tại Mỹ, Nixon còn bị chỉ trích là kẻ điên rồ.

Theo cuốn Hồi ký Kissinger, đa số các nhà chính trị, quân sự, giới ký giả, học giả nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam đều nhận định trận oanh tạc cuối tháng 12-1972 không mang lại kết quả mong muốn, có nghĩa Hiệp định ký ngày 27-1-1973 không đòi hỏi được gì thêm so với bản Dự thảo trước đó ba tháng vào tháng 10-1972.

Kim Hùng 

(Theo Net/HC/ASC/BBC/EWO/QC- 11/2017)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...