Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới / Bình luận
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

"Tư lệnh Ruiz" và vụ bắt cóc đổi mạng sống cho Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi

Cập nhật: 07:00 ngày 26/03/2017
(BGĐT) - Ngày 23-2 vừa qua, báo chí Venezuela đưa tin, du kích quân Carlos Argenis Martínez đã từ trần ở tuổi 73. Ông là du kích quân cuối cùng còn sống từng tham gia vụ bắt cóc viên Trung tá Mỹ Michael Smolen tại Thủ đô Caracas để đòi đổi lấy mạng sống của Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi vào năm 1964.
{keywords}

Trung tá Michael Smolen.

Tại Venezuela, Carlos Argenis Martínez còn được mọi người biết đến với cái tên thân mật "Tư lệnh Ruiz". Ông là thành viên trong nhóm bốn du kích quân Venezuela tham gia bắt cóc Trung tá Michael Smolen (có tài liệu nói là Đại tá)- tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ tại Venezuela khi đó. Tới trước khi Carlos Argenis Martínez qua đời vào ngày 21-2 vừa qua, ông là người du kích cuối cùng còn sống từng tham gia vụ bắt cóc chấn động thế giới vào thời kỳ đó.

Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, các phong trào du kích phát triển mạnh mẽ tại Venezuela và nhiều nước khu vực Mỹ la tinh, trong đó có Lực lượng vũ trang giải phóng dân tộc (FALN) dưới sự chỉ huy của Tư lệnh Luis Correa. Đích thân Luis Correa đã lên kế hoạch để 12 thành viên FALN, trong đó có Carlos Argenis Martínez bắt cóc tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ Michael Smolen nhằm đòi Nhà Trắng trả tự do cho anh Nguyễn Văn Trỗi bị chính quyền Việt Nam Cộng hòa bắt giam và kết án tử hình vì thực hiện vụ đặt mìn bất thành nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara ngày 2-5-1964 tại cầu Công lý ở Sài Gòn. Nếu vụ bắt cóc thành công, các du kích Venezuela yêu cầu thả anh Nguyễn Văn Trỗi để đổi lấy Michael Smolen.

Carlos Argenis Martínez từng kể lại sự kiện trên: “Sáng 9-10-1964, nhóm bốn người, trong có hai đồng chí David Salazar, Carlos Rey Gómez và tôi lái xe đến phố Los Mangos và chờ ở bên ngoài khu căn hộ của nhân viên CIA cao cấp là Michael Smolen, tùy viên Đại sứ quán Mỹ tại Venezuela. Sáng đó, Michael Smolen đi làm muộn hơn thường lệ vì có ăn sáng với cấp trên của ông ta là Đại tá Henry Lee. Khoảng 8 giờ, chúng tôi thấy Michael Smolen và Henry Lee bước ra. Khi họ chuẩn bị lên xe, chúng tôi lập tức áp sát và tôi hô lớn: Đứng lại! Đây là giải phóng quân! Henry Lee chạy mất nhưng chúng tôi bắt được Michael Smolen rồi đưa lên xe chở đi. 

Chúng tôi giữ Michael Smolen ba ngày trong một căn hộ ở gần Đại lộ El Porvenir. Trên đường đi, chúng tôi phải ngụy trang, cho ông ta đeo kính râm và đổi xe hơi ở Sabana Grande trước khi đến địa điểm cuối cùng. Chúng tôi không tra tấn hay hành hạ ông ta. Chúng tôi cho ông ta ăn uống đầy đủ, chỉ khám người và có một nhóm canh gác. Chúng tôi nói với ông ta về cuộc chiến phi nghĩa của Hoa Kỳ ở Việt Nam, về các trận ném bom, về Nguyễn Văn Trỗi và tại sao chúng tôi lại thực hiện phi vụ này để đổi mạng sống của ông ấy…”.

{keywords}
Carlos Argenis Martinez trên con phố lịch sử - nơi xảy ra vụ bắt cóc sáng 9-10-1964.

Ngay sau vụ bắt cóc, yêu cầu đổi Michael Smolen lấy anh hùng Nguyễn Văn Trỗi của nhóm du kích được công bố rộng rãi trên báo chí Venezuela. Mỹ tuyên bố đồng ý với điều kiện của FALN và đề nghị các du kích cho thêm thời gian nhưng trên thực tế đã mở chiến dịch săn lùng. Do khó khăn về thông tin và phải trốn chạy cùng Michael Smolen nên sau đó các du kích tuyên bố thả viên tùy viên và mong muốn chính quyền Mỹ cũng sẽ thả anh Nguyễn Văn Trỗi. Thế nhưng, sau khi Michael Smolen được thả ít ngày, anh Nguyễn Văn Trỗi đã bị chế độ Ngụy quyền đưa ra pháp trường xử bắn.

Trước sự săn lùng gắt gao của các lực lượng Mỹ và chính quyền quân sự Venezuela, Carlos Argenis Martínez bị bắt và bị tra tấn vô cùng dã man. Tòa án quân sự Venezuela đã tuyên án ông 12 năm tù. 12 du kích khác cùng tham gia vào vụ bắt cóc năm đó đều bị bắt và một người đã hy sinh. Bản thân Carlos Argenis Martínez từng chia sẻ với báo giới rằng sau khi biết tin Nguyễn Văn Trỗi vẫn bị xử tử, ông rất đau đớn vì thực sự đã hy vọng là có thể thay đổi được tình hình. 

Với du kích quân Venezuela, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng to lớn. Ông từng khẳng định, vụ bắt cóc viên sĩ quan Mỹ là hành động thể hiện tình đoàn kết với Việt Nam, với thế giới tiến bộ.

Lê Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...