Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thế giới 2017 trong những vùng lửa cháy

Cập nhật: 07:00 ngày 04/02/2018
(BGĐT) - Khép lại một vòng xoay 365 ngày, thế giới ngỡ ngàng nhận ra rằng những biến động trong tiến trình tái sắp xếp trật tự của nó mỗi lúc lại một thêm dữ dội và phức tạp. Chẳng “điểm nóng” nào thực sự nguội lạnh, mà trái lại, những ngọn lửa mới lại đã sẵn sàng bùng lên. 
{keywords}

Hình ảnh, vị thế Việt Nam không ngừng nâng lên trên trường quốc tế. Ảnh: Các nhà lãnh đạo APEC tại Tuần lễ cấp cao APEC diễn ra ở TP Đà Nẵng.

Vào những ngày cuối cùng của tháng 12-2017, những vận động trên bàn cờ địa chính trị toàn cầu vẫn diễn ra dồn dập, đặc biệt là quanh các cuộc xung đột - ly khai ở miền Đông Ukraine. 

Một thỏa thuận cung cấp vũ khí sát thương mà Mỹ dành cho chính quyền Kiev được ký và ngay lập tức, đúng như dự đoán, phía Nga phản ứng dữ dội. Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ sự quan ngại và thất vọng, đồng thời lên án hành động này là “nỗ lực của phe diều hâu tại Washington nhằm nâng giá cuộc xung đột tại Donbass”. 

Trong khi đó, một cựu quan chức CIA - Phillip Giraldi nhận xét: Quyết định này đi ngược với mục đích bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, đồng thời làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa binh sĩ Mỹ và Nga tại Ukraine. 

Giữa rừng rực lửa cháy trên hành tinh, những điều tốt đẹp dù sao cũng vẫn tồn tại. Bên cạnh tâm lý kỳ thị, vẫn luôn có những tấm lòng rộng mở với người nhập cư. Trong bom đạn chiến tranh hay thiên tai, dịch bệnh, vẫn có những đoàn tình nguyện viên xả thân vì lòng nhân ái. Giữa bao nhiêu mịt mờ, Việt Nam vẫn là một điểm đến thanh bình nhờ sự ổn định tuyệt đối về chính trị.

Dĩ nhiên, Nhà trắng cũng cố gắng xoa dịu Điện Kremli với lời đề nghị Nga quay lại trung tâm điều phối ở Donbass. Song, Moskva chắc chắn sẽ không quá lưu tâm. Họ, đương nhiên, cần phải có những động thái đáp trả tương ứng. Họ không thể ngồi yên nhìn Mỹ và NATO “hoành hành” ngay cạnh biên giới của mình. Câu chuyện đột nhiên có nguy cơ bị đẩy lùi trở về điểm khởi đầu và lời kêu gọi các bên “nghiêm chỉnh tuân thủ thỏa thuận Minsk” mà trục Pháp - Đức đưa ra đột nhiên lại mang màu sắc đùa giỡn.

"Thỏa thuận Minsk” tưởng chừng đã có thể đóng vai trò một chiếc bản lề xoay chuyển cục diện rối ren và bế tắc tại Đông Ukraine cũng như việc lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bị quét sạch hoàn toàn khỏi những thành lũy cuối cùng ở Iraq và Syria dù sao cũng là một chiến thắng quan trọng của nhân loại trước chủ nghĩa khủng bố quốc tế. 

Tuy vậy, thực tế là chẳng có gì hoàn toàn kết thúc. Cuộc xung đột  ở Donbass vẫn sẽ còn tiếp diễn, cũng như IS đã, đang và sẽ tập hợp lực lượng để trở lại theo những phương thức tiến công mới. Chưa biết đến bao giờ, quy trình siết chặt an ninh ở các quốc gia châu Âu mới có thể được nới lỏng, nhất là trong những sự kiện quy tụ đông đảo người tham dự. 

Kiểm soát và chặn đứng âm mưu của các phần tử khủng bố trở thành một nhiệm vụ quá khó khăn khi những dòng người nhập cư vẫn ùn ùn vượt biển đổ bộ lên “cựu lục địa”. Trong khi đó, chính EU cũng còn đang loay hoay tìm cách tháo gỡ các vướng mắc và hàn gắn những sự chia rẽ chung quanh vấn đề tiếp nhận, sàng lọc và chăm sóc cho khối người này, đồng thời bảo đảm không gây ra xáo trộn cho xã hội. 

{keywords}

Dòng người Trung Đông nhập cư vào châu Âu chưa chấm dứt.

Cùng lúc, tại Trung Đông, những ván cờ mới lại đã được bày quân. IS không còn là kẻ thù chung trên chiến trường thực địa thì trên mảnh đất Syria tang thương, bóng ma của cuộc nội chiến đẫm máu lừng lững trở lại. Chính quyền Damascus được Nga ủng hộ và lực lượng đối lập (do Mỹ hậu thuẫn) đã lại sẵn sàng giành giật nhau từng tấc đất, trong khi các vòng hòa đàm vẫn diễn ra và kết thúc trong bế tắc. 

Quanh họ, thêm rất nhiều nhân tố tham dự cuộc chơi. Ta có người Kurd - những chiến binh chống IS trực diện trên tuyến đầu với khát khao thành lập quốc gia riêng Kurdistan. Cả Syria, Iraq và Thổ Nhĩ Kỳ đều không thể chấp nhận điều đó. 

Iran và Saudi Arabia là một cặp “kỳ phùng địch thủ” khác đang so kè từng bước nhằm trở thành cường quốc số 1 Trung Đông. Song, gần cuối năm, mối hiềm khích giữa họ lại bị che khuất bởi hận thù nghìn năm giữa Israel và Palestine (cũng như toàn khối Arab) được khơi dậy tại Jerusalem - nơi mà Mỹ công nhận là thủ đô mới của Israel. Đó là một quyết định bị phản đối dữ dội bởi đại đa số thành viên, thể hiện ngay ở Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Có điều, Mỹ không đổi ý. Mà qua câu chuyện này, ý chí áp đặt vị thế đơn cực của Washington cũng như tâm thức phản kháng từ phần còn lại của thế giới được thể hiện quá rõ. 

Nước Mỹ, dù thế nào, cũng vẫn còn đủ khả năng tác động đến mọi vấn đề hệ trọng nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Một năm “chấp chưởng đại quyền”, Tổng thống Donald Trump từng bước thực hiện những lời cam kết trong cương lĩnh tranh cử để phụng sự lợi ích của riêng cường quốc ấy theo cách mà ông chọn. Ông đã quyết định từ bỏ TPP. Ông khai tử TTIP. Ông đã làm ngơ với Hiệp định chống biến đổi khí hậu toàn cầu Paris. Ông muốn đàm phán lại, thương lượng lại, thỏa thuận lại tất cả. Ông gây sức ép với mọi đồng minh truyền thống để họ hiểu rằng nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của ông không còn rộng lòng “mở hầu bao” cho người khác nữa.

{keywords}

Biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô mới của Israel.

Những ánh khúc xạ từ chính sách của nước Mỹ phản chiếu lên thế giới, để trở thành những lát cắt mang gam màu khá u tối. Chủ nghĩa dân túy, chủ nghĩa biệt lập, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, sự rạn nứt của các khối liên kết, tiến trình thay đổi và tái xây dựng các hiệp định thương mại tự do (theo cả hướng đồng thuận và đối kháng với nước Mỹ) khiến nguy cơ bất ổn đủ điều kiện để rình rập ở bất cứ khu vực nào trên thế giới dù là châu Âu, châu Phi hay châu Mỹ, Trung Đông hay bán đảo Triều Tiên…  

Giữa rừng rực lửa cháy trên hành tinh, những điều tốt đẹp dù sao cũng vẫn tồn tại. Bên cạnh tâm lý kỳ thị, vẫn luôn có những tấm lòng rộng mở với người nhập cư. Trong bom đạn chiến tranh hay thiên tai, dịch bệnh, vẫn có những đoàn tình nguyện viên xả thân vì lòng nhân ái. Và khi nước Mỹ áp đặt Jerusalem là thủ đô của Israel, lương tri nhân loại lên tiếng bằng hàng loạt những lá phiếu phủ định. 

Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Việt Nam vẫn hiện diện trong quỹ đạo ấy của thế giới nhưng theo cách tự chủ, tự cường với đà tăng trưởng kinh tế vững chắc với vị thế ngày càng được coi trọng bởi cộng đồng quốc tế. Giữa bao nhiêu mịt mờ, Việt Nam vẫn là một điểm đến thanh bình nhờ sự ổn định tuyệt đối về chính trị. Thành tựu rực rỡ của APEC tại Đà Nẵng là minh chứng cho vị thế ấy, thành công ấy, sức sống ấy trong năm 2017. 

Và năm 2017 đã khép lại. Năm 2018 gọi mời những bước tiến mạnh mẽ hơn, những phần thưởng xứng đáng hơn.

Thiên Thư

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...