Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyến thăm Việt Nam năm 1972 và những bức ảnh gây tranh cãi của Jane Fonda

Cập nhật: 07:00 ngày 24/06/2017
(BGĐT) - Tháng 7-1972, nữ diễn viên kiêm nhà văn, nhà hoạt động xã hội Jane Fonda đã đến Hà Nội đúng vào thời điểm Mỹ điên cuồng ném bom xuống miền Bắc. Hoạt động của Jane Fonda cùng với những bức ảnh bà chụp đã nói lên sự thật, tính khốc liệt của cuộc chiến, góp phần giúp dư luận hiểu thêm về chiến tranh và thúc đẩy Mỹ sớm chấm dứt cuộc chiến phi nghĩa hao người tốn của này.
{keywords}

Jane Fonda khi còn trẻ.

Jane Fonda với biệt danh “Jane Hà Nội”

Trang tin Chúng ta là sức mạnh (WMC) của Mỹ mới đây đã đăng tải bài viết với tựa đề The real story of Jane Fonda and the Vietnam vets who hate her (Sự thật chuyến thăm của Jane Fonda và nguyên nhân cựu binh Mỹ coi bà là tội đồ). Bài viết nói về hành động phản đối chiến tranh Việt Nam của Jane Fonda mà Mỹ gây ra, đặc biệt là những việc làm của bà trái ngược với lợi ích của Mỹ.

Trong khi Mỹ ồ ạt ném bom xuống Hà Nội và nhiều thành phố ở miền Bắc Việt Nam thì Jane Fonda lại xuất hiện tại Hà Nội để phản chiến. Để khởi động chiến dịch, Jane Fonda đã một mình đến Việt Nam, lưu trú tại Khách sạn Thống Nhất (nay là khách sạn Sofitel Legend Metropole Hà Nội). Hai tuần ở Việt Nam, bà đã đi thăm Bệnh viện Bạch Mai, khu Trương Định, nhà trẻ 20-10, một số trận địa pháo cao xạ của bộ đội Việt Nam... Phản ứng về các hành động nói trên, đương thời và sau nhiều năm chiến tranh kết thúc, nhiều cựu binh Mỹ vẫn gán cho bà tội "phản quốc", nhất là những bức ảnh bà ngồi trên nòng súng phòng không của quân đội đối phương miền Bắc Việt Nam đã làm cho họ thấy uất ức, hổ thẹn.

Cuối tháng 3-2015, hãng tin Anh BBC cũng xới lại sự kiện trên và nhận xét, bức ảnh Jane Fonda ngồi trên khẩu súng cao xạ đã khiến cho bà thêm nổi tiếng và có thêm biệt danh “Jane Hà Nội”. Cũng theo BBC, trong cuộc phỏng vấn với chương trình 60 Minutes của đài CBS, được phát đi hồi tháng 3-2005, Jane Fonda cho hay, bà có chụp những bức ảnh gây bất lợi cho Mỹ vào thời điểm đó nhưng không hối tiếc đã đến thăm Hà Nội cũng như chụp hình chung với các tù binh Mỹ. "Điều tôi muốn nói, đó là sự thật chứ không phản bội ai cả, bởi có hàng trăm đoàn nhà báo đã đến Việt Nam để phản ánh về chiến sự, cũng như những cuộc ném bom rải thảm xuống Hà Nội và đến gặp các tù nhân POW (tức các cựu phi công Mỹ bị bắn rơi tại miền Bắc Việt Nam). Cả hai phía đều dùng vấn đề POW để tuyên truyền, đây không phải là điều mà tôi phải xin lỗi". Jane Fonda trả lời trước hãng CBS.

Jane Fonda không buồn khi dư luận Mỹ gán cho bà biệt danh “Jane Hà Nội” (Hanoi Jane) chỉ vì những bức ảnh hay những điều bà phát biểu trước công luận, kể cả trên Đài tiếng nói Việt Nam, bởi đó là sự thật. Tuy nhiên, theo Jane Fonda thì chính phủ Mỹ đã nói dối người dân về cuộc chiến, buộc bà phải làm điều gì đó giúp dư luận hiểu thêm về sự thật. Một tuần sau khi trả lời phỏng vấn đài CBS, Jane Fonda đã cho ấn hành hồi ký dài hơn 600 trang với tựa đề  Jane Fonda: My Life So Far (Jane Fonda: Cuộc đời tôi là vậy). Hồi ký có đoạn nói về thời gian đến Hà Nội, với nhiều hình ảnh đến tận bây giờ vẫn ám ảnh bà. Trong hồi ký, Jane Fonda có nhắc đến tình tiết gặp cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và ông ta nói "Chính quyền đã sai". "Tôi rất cảm ơn ông ấy. Đó là điều tôi muốn được thừa nhận", Jane tâm sự.

{keywords}

Jane Fonda chụp ảnh một trận địa pháo cao xạ ở miền Bắc Việt Nam.

Giúp dư luận hiểu thêm sự thật

Theo WMC, Jane Fonda là một trong những nhân vật phản đối chiến tranh tiêu biểu nhất những năm 70 ở thế kỷ trước; bảo vệ quyền lợi của thanh niên Mỹ tham gia quân đội cũng như những người phản đối quân dịch. Sau khi chiến tranh kết thúc, Jane Fonda vẫn là người bảo vệ quyền lợi cho các cựu binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam. Bà đã bỏ ra nhiều thời gian, tiền bạc để làm những việc này. Bà là người hỗ trợ tài chính cho Tổ chức cựu binh Việt Nam phản chiến, tổ chức này có gần 7 nghìn người. Ngoài ra, bà còn đích thân tìm kiếm những người lính Mỹ trở về từ chiến trường Việt Nam để thuyết phục họ lên đài phát thanh, công khai tố cáo các hành động tàn ác của người Mỹ.

Tháng 7-1972, Jane Fonda đã đến Hà Nội, thăm các làng mạc, thành phố và cơ sở hạ tầng. Cùng với các hoạt động nói trên là hàng loạt những bức ảnh phóng sự nói về cuộc sống ác liệt dưới làn bom đạn Mỹ. Trong số này có những bức ảnh mang tính lịch sử nói về sự bất tử của người dân Việt Nam ở khắp mọi nơi, mặc dù bà không phải là nhà báo. Ngoài ra, còn có cả những bức ảnh nói về các cựu tù binh phi công Mỹ bị giam giữ sau khi gây tội ác đối với dân thường Việt Nam. Đáng tiếc là những bức ảnh này đã bị xuyên tạc dùng cho mục đích tuyên truyền của bộ máy chiến tranh do Mỹ khởi xướng.

Ngày cuối cùng tại Hà Nội, Jane Fonda xuất hiện trước làn sóng Đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam nói về ấn tượng hai tuần lễ tại Việt Nam. Bà đã đi thăm nhiều nơi, nói chuyện với nhiều tầng lớp nhân dân, thậm chí bà còn được xem trình diễn đoạn trích vở kịch All My Son (Tất cả đều là con tôi) của Arthur Miller nói về sự tàn khốc của chiến tranh. “Tôi thực sự xúc động khi các diễn viên người Việt trình diễn vở kịch Mỹ khi chính Mỹ đang thả bom xuống đất nước của họ”, Jane Fonda trải lòng trước dư luận. Jane Fonda nhớ mãi lần từ Nam Định về Hà Nội đã phải xuống hầm tránh bom cùng một bé gái khi máy bay Mỹ tấn công các mục tiêu dân sự mà người Mỹ gọi là mục tiêu nguy hiểm, như trường học, bệnh viện, chùa chiền hay hệ thống đê điều, giao thông. “Tổng thống Nixon tuyên bố với người dân, nước Mỹ đang đi đến kết thúc cuộc chiến nhưng những đổ nát trên đường phố Nam Định là bằng chứng nói dối trơ trẽn. Chiến tranh dù xảy ra tại Việt Nam nhưng thảm kịch chính là ở nước Mỹ... Tôi nghĩ Richard Nixon nên đọc lịch sử Việt Nam, đặc biệt là thi ca và đặc biệt hơn nữa là thơ của Hồ Chí Minh”, Jane Fonda nói trên đài phát thanh Hà Nội.

{keywords}

Vợ chồng Jane Fonda và con trai thăm Việt Nam sau ngày miền Nam  được giải phóng.

Thời gian đã kiểm chứng

Jane Fonda sinh ngày 21-12-1937. Bà hai lần đoạt giải Oscar. Năm 2014, bà vinh dự được trao giải Thành tựu trọn đời của Viện Điện ảnh Hoa Kỳ. Ngoài các hoạt động chống chiến tranh Việt Nam, bà còn tham gia phản đối chiến tranh ở Irắc, bạo lực đối với phụ nữ... Năm 2005, bà cùng với Robin Morgan và Gloria Steinem sáng lập trung tâm Women's Media Center, một tổ chức đề cao vai trò phụ nữ qua các phương tiện truyền thông. Hiện Jane Fonda đã bước vào tuổi 80 và vẫn đang làm việc trong hội đồng quản trị của tổ chức này.

Mặc dù có nhiều dị nghị nhưng những việc làm của Jane Fonda đã được thời gian chứng minh. Về phần mình, Jane Fonda không hối tiếc khi đã thăm Hà Nội cũng như chụp hình chung với các tù binh Mỹ. Barbara Walters, phóng viên truyền hình hãng ABC đã dựng chuyện, lập luận vì sao Jane Fonda lại hết sức quan tâm đến những người lính Mỹ. Walters còn dẫn chứng trường hợp cựu Đại tá Larry Carrigan với 6 năm tù giam ở Hilton Hà Nội, trong đó ba năm đầu, gia đình ông chỉ biết là bị mất tích trong công vụ (MIA). Theo Barbara, nhóm của Larry Carrigan được gặp ủy ban hòa bình nên họ đã nghĩ ra một kế hoạch cho thế giới biết họ đang còn sống. Từng người giấu kín một mẩu giấy trong lòng bàn tay có ghi số an sinh xã hội của mình. Khi diễu qua trước mặt Jane Fonda và một người quay phim, bà bắt tay từng người và hỏi về thời gian bị giam giữ. Barbara cho rằng, Jane Fonda đã đóng kịch để tù binh Mỹ đưa vào tay Jane Fonda mẩu giấy. Jane Fonda nhận hết sau đó đưa lại cho sĩ quan chỉ huy những mẩu giấy này. Kết quả, ba người chết vì bị đánh đập bởi hành động nói trên. Đại tá Carrigan là người thứ tư may mắn sống sót, đó là nguyên do duy nhất chúng ta biết đến hành động của Jane Fonda vào thời điểm đó.

Về chi tiết này, Mike McGrath, cựu phi công, sau trở thành sử gia của nhóm Cựu quân nhân Tù binh tại Việt Nam đã lên tiếng thanh minh cho Jane Fonda trên tờ Star Tribune số ra ngày 25-5-2005. McGrath tuyên bố không hề có việc bị đánh đến chết sau cuộc viếng thăm của Jane Fonda.

Tuy không bênh vực cho Jane Fonda nhưng nhiều người cho rằng chi tiết ba tù binh bị đánh đập đến chết mà nữ nhà báo Barbara Walters đưa ra có phần thêu dệt, bởi Hà Nội không dại gì làm điều này, có chăng chỉ là những hình thức kỷ luật thông thường đối với tù binh như vẫn thấy ở bất kỳ trại cải tạo nào trên thế giới.

Năm 1975 - sau khi miền Nam được giải phóng, Jane Fonda đã quay trở lại Hà Nội, mang theo đứa con trai mới sinh với người chồng thứ hai Tom Hayden, thủ lĩnh Đảng Cộng sản Mỹ. Trong buổi lễ vinh danh bà vì những đóng góp cho miền Bắc, Jane Fonda đặt tên con là Troy, tên của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, người đã đặt mìn ám sát hụt Bộ trưởng Quốc phòng Mac Namara khi đặt chân đến miền Nam Việt Nam năm 1963.

Kim Hùng (Theo WTC/HPC/BBC)

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...