Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 32 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Thế giới
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Biển Baltic đang “nóng lên” sau vụ tàu ngầm lạ xâm nhập Thụy Điển

Cập nhật: 19:33 ngày 21/10/2014
Cuộc truy tìm tàu ngầm lớn nhất của Thụy Điển kể từ khi Liên Xô tan rã đang khiến căng thẳng gia tăng tại biển Baltic.
{keywords}

Bức ảnh mà Thụy Điển cho là đã chụp được “một chiếc tàu lạ” từ phía xa. (Ảnh Reuters).

Trong bối cảnh Thụy Điển không nêu tên bất cứ quốc gia nào có liên quan tới một vụ xâm nhập trái phép còn Nga cho rằng, đó là một tàu ngầm của Hà Lan, vụ việc này đang khiến khu vực biển Baltic trở nên căng thẳng, đặc biệt khi quân đội Nga từng bị cáo buộc về một loạt các hành vi xâm phạm biên giới trên biển, trên mặt đất và trên không trong những tháng gần đây.

Trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics phát biểu: “Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ các sự kiện trong vùng lãnh hải của Thụy Điển, vụ việc này có thể sẽ làm thay đổi tình hình an ninh trong toàn bộ khu vực biển Baltic”.

Quan chức quân sự Thụy Điển cho biết, quân đội nước này đã tìm thấy 3 dấu hiệu của chiếc tàu ngầm kể từ ngày 17/10 tại địa điểm cách thủ đô Stockholm 40 km về phía Tây.

Ngày 19/10, Thụy Điển đã công bố một bức ảnh được cho là đã chụp được “một chiếc tàu lạ” từ phía xa.

Phát ngôn viên quân đội Thụy Điển Jesper Tengroth cho biết, hơn 200 binh sĩ đã tham gia công tác tìm kiếm. Tuy nhiên, ông Tengroth nhấn mạnh rằng, không giống như cuộc truy tìm tàu ngầm của Thụy Điển vào những năm 1980, quân đội nước này sẽ không sử dụng thuốc nổ hoặc các loại vũ khí chống tàu ngầm khác.

Truyền thông Thụy Điển nhận định rằng, chiếc tàu ngầm xâm nhập trái phép là tàu con của một tàu chở dầu thuộc quyền sở hữu của công ty Novoship của Nga đang hoạt động gần vùng biển của Thụy Điển.

Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 20/10, giám đốc Novoship Yuri Tsvetkov cho biết, ông rất “hãnh diện” khi được chú ý tới nhưng chiếc tàu chở dầu đó chỉ vận chuyển dầu mỏ từ Nga sang Mỹ và đang chờ đơn đặt hàng tiếp theo.

Trong khi đó, tờ Svenska Dagbladet của Thụy Điển đưa tin, tình báo Thụy Điển bắt được một tín hiệu yếu cho thấy một chiếc tàu ngầm nhỏ của Nga nằm tại vùng biển của Thụy Điển có thể đang bị hư hỏng.

Bác lại tuyên bố trên, Itar Tass dẫn lời một quan chức quốc phòng Nga cho rằng, đây là hoạt động tìm kiếm một chiếc tàu ngầm của Hà Lan tham gia tập trận chung với hải quân Thụy Điển vào tuần trước. Vị quan chức giấu tên này đề nghị Thụy Điển nên tiết kiệm “tiền thuế” của nhân dân và yêu cầu Hà Lan đưa ra lời giải thích.

Sau đó, hải quân Hà Lan tuyên bố, chiếc tàu ngầm của họ đã rời Thụy Điển ngày 16/10 và có mặt tại Estonia kể từ ngày 17/10. Tại Thụy Điển, phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Philip Simon cho biết, mục đích của hoạt động tìm kiếm không phải là chiếc tàu ngầm của Hà Lan.

Trong thập niên cuối cùng của cuộc Chiến tranh Lạnh, Thụy Điển đã triển khai một loạt các cuộc truy lùng tàu ngầm nhưng không thành công sau khi một tàu ngầm của Liên Xô chở vũ khí hạt nhân bị mắc kẹt ngoài khơi bờ biển phía Đông Nam Thụy Điển vào năm 1981.

Tình hình trong những ngày qua đang gióng lên hồi chuông cảnh báo trên biển Baltic đối với 3 nước thuộc Liên Xô cũ là Estonia, Latvia và Litva, vốn đang lo ngại về căng thẳng tại Ukraine.

Phát ngôn viên quân đội Estonia Priit Parkna cho biết, quân đội nước này đang tăng cường giám sát các vùng lãnh hải và biên giới để tìm kiếm “những dấu hiệu bất thường”. Litva lại lo ngại về sự an toàn của chiếc tàu chở khí đốt nhập khẩu đang vận chuyển hàng trên biển Baltic.

Trong khi đó, truyền thông Nga cho rằng, Thụy Điển đang phản ứng thái quá. Tờ Nezavisimaya Gazeta thậm chí còn nhận định rằng, cuộc truy tìm tàu ngầm có thể là một âm mưu của quân đội Thụy Điển nhằm tăng ngân sách quốc phòng, vốn đang bị giảm đi đáng kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Sự lo ngại về chiếc tàu ngầm bí ẩn này của Thụy Điển đến từ hàng loạt các sự cố tại biên giới có liên quan đến quân đội Nga. Các nhà phần tích phương Tây cho rằng, những sự kiện gần đây đang cho thấy quyết tâm của chính quyền Nga trong việc gia tăng sự ảnh hưởng của mình tại khu vực biển Baltic.

Tuần trước, Viện Môi trường Phần Lan cho biết, tàu quân sự của Nga đã hai lần chặn một tàu nghiên cứu của nước này trong vùng biển quốc tế.

Ngày 5/9, một nhân viên an ninh Estonia đã bị Nga bắt giữ tại biên giới giữa hai nước và hiện vẫn đang bị giam giữ tại Moscow.

Hai nước không phải thành viên NATO là Thụy Điển và Phần Lan cũng đã thông báo về các hành vi xâm phạm không phận của máy bay quân sự Nga trong hai tháng qua. Các nhà phân tích phương Tây nhận định, ngay cả trong trường hợp chỉ hoạt động tại không phận quốc tế, máy bay Nga đang triển khai cuộc diễn tập lớn nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh.

Năm 2013, chiến cơ Nga đã tiến hành các cuộc diễn tập tại biển Baltic để mô phỏng các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu tại Thụy Điển khiến nước này hết sức lo ngại bởi không quân Thụy Điển lúc đó không có bất kỳ máy bay nào đang trong trạng thái chiến đấu.

Chuyên gia phân tích chiến lược Magnus Christiansson của Đại học Quốc phòng Thụy Điển cho biết: “Đây là cuộc tập trận tấn công mạnh mẽ mà Nga muốn thể hiện một tuyên bố rõ ràng với các nước láng giềng của họ”.

NATO cho biết, các hoạt động của không quân Nga đã tăng 2,5 lần so với năm ngoái và liên minh quân sự này đang tăng cường tuần tra trên không phận của các quốc gia thành viên là Estonia, Latvia và Litva.

Tuy nhiên, hành vi xâm phạm vùng lãnh hải của một chiếc tàu ngầm là nghiêm trọng hơn nhiều so với các hoạt động xâm phạm trên không. Ông Christiansson cho biết: “Việc một lực lượng quân sự hoạt động bí mật trên lãnh thổ nước khác là một vấn đề nghiêm trọng. Đó là một hành động thù địch”.

Tạ Hiển/vov.vn


Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...