Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng / Biển đảo quê hương
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chỗ dựa cho ngư dân bám biển

Cập nhật: 10:29 ngày 10/02/2018
(BGĐT) - Không khí Tết đã tràn ngập xã đảo Song Tử Tây, huyện Trường Sa (Khánh Hòa) khi chuyến tàu chở hàng từ đất liền cập cảng mang theo cả mùa xuân ra đảo. Bên cạnh những người lính trực tiếp cầm súng canh giữ biển trời thì đồng đội của họ - anh em trong Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá tại âu tàu Song Tử Tây âm thầm ngày đêm giúp đỡ để ngư dân kịp chuyến ra khơi dù cái Tết đã cận kề. 

{keywords}

Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Song Tử Tây hướng dẫn thuyền dân neo đậu trong âu tàu.

Khác với cái se lạnh của mùa đông miền Bắc, ở Trường Sa, nắng vẫn rải vàng trong những ngày giáp Tết. Khi chiếc thuyền cuối cùng trong ngày rời âu tàu Song Tử Tây, anh em Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá mới có chút thời gian nghỉ. Thiếu tá Nguyễn Đức Quân, Đội trưởng Đội dịch vụ âu tàu Song Tử Tây cho biết: Mấy tháng nay, chúng tôi khá bận rộn vì rất đông thuyền dân từ các nơi ra đánh bắt và tránh trú bão. Khi nhận được lệnh của chỉ huy đảo, cán bộ nhân viên đã triển khai ngay nhiệm vụ. Việc hướng dẫn các tàu cá vào âu trong điều kiện sóng to, gió lớn gặp nhiều khó khăn và nguy hiểm. Do các loại tàu cá và tàu mực của bà con vào nhiều nên việc sắp xếp bố trí phải hết sức khoa học, khẩn trương mới đáp ứng yêu cầu. 

Kể từ khi Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động thuyền đánh bắt xa bờ lưu lại âu tàu Song Tử Tây ngày càng nhiều. Nếu như trước đây họ chỉ đánh bắt từ 20 ngày đến 1 tháng thì nay ở lại 45 ngày, thậm chí lâu hơn. Anh Lê Văn Tuấn, 54 tuổi (phường Vĩnh Trường, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chủ của 5 thuyền lớn và cũng là khách thường xuyên của xã đảo này chia sẻ: "Chúng tôi đã 2 lần đón tết tại khu vực Trường Sa.  Các cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở đây giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí vì có hệ thống thu mua trung chuyển, được cung cấp các mặt hàng thiết yếu nên thuyền có thể lưu lại trên biển đến vài tháng". 

Được biết, anh Tuấn là người đầu tiên ở Khánh Hòa phát hiện ra câu cá ngừ bằng phương pháp mành chụp (tức sử dụng dàn đèn để câu cá ngừ) từ một thuyền tận Vân Đồn, Quảng Ninh. Về Khánh Hòa, anh áp dụng và đã trở thành tỷ phú từ nghề câu cá ngừ đại dương bằng phương pháp này. Năm nay, một lần nữa, anh lại cùng đội thuyền của mình đón một mùa xuân mới trên vùng biển Trường Sa. 

{keywords}

Thu hoạch cá lồng bè trên đảo Đá Tây.

Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá huyện đảo Trường Sa ra đời nhằm cung ứng lương thực thực phẩm, nhiên liệu, chất đốt… cho thuyền của ngư dân đánh bắt trên khu vực biển Trường Sa với giá bằng giá bán tại đất liền. Ngoài ra, họ còn có nhiệm vụ sửa chữa các loại tàu thuyền, cấp nước ngọt miễn phí, cứu hộ, tiếp nhận và điều trị những trường hợp ốm đau, bệnh tật, giúp ngư dân trú bão... 

Trong năm qua, Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đã cấp hàng trăm tấn nhiên liệu, hàng chục tấn lương thực, thực phẩm cho ngư dân. Còn ở đảo Song Tử Tây vào thời điểm biển động mạnh, áp thấp nhiệt đới hoặc gió bão như mấy tháng gần đây, âu tàu đón hàng trăm tàu cá với hàng nghìn ngư dân vào neo đậu tránh bão. 

{keywords}

Bình yên trên âu tàu Song Tử Tây.

Ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho ghe dân vào âu tàu tránh trú bão, nhiều trường hợp thuyền bị hư hỏng nặng khi đang hoạt động trên vùng biển Trường Sa đã được cán bộ, nhân viên âu tàu sửa chữa miễn phí, giúp ngư dân tiếp tục bám biển. Ngay cả tàu cá nước ngoài bị nạn cũng được Tổ dịch vụ hậu cần giúp đỡ tận tình. Còn nhớ gần 3 năm trước, Tổ dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Song Tử Tây phối hợp với lực lượng Hải quân đã cứu được 6 ngư dân trên tàu cá Bat 06-0252 của Philippines. Sau khi khám chữa bệnh, cung cấp thuốc men, thực phẩm, tổ dịch vụ đã tiến hành sửa chữa tàu cho các ngư dân Philippines để họ trở về nước.

Hoạt động của Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Trường Sa đã giúp bà con ngư dân kéo dài thời gian của những chuyến đi biển, góp phần giảm chi phí, tăng thu nhập. Đơn vị như ngọn hải đăng giữa trùng khơi, là chỗ dựa vững chắc cho ngư dân bám biển.

Hồ Anh Mão

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...