Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ký ức không phai bên dòng Thạch Hãn

Cập nhật: 07:00 ngày 22/06/2019
(BGĐT) - 47 năm đã qua từ sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị nhưng ký ức về túi bom, chảo lửa “nghiêng lệch dòng Thạch Hãn” thì vẫn vẹn nguyên trong tâm khảm những cựu chiến binh (CCB) của tỉnh Bắc Giang tham gia trận đánh này. Qua lời kể của các cựu binh về một thời hoa lửa, chúng tôi thêm hiểu và tự hào về thế hệ đi trước.

Kéo tên lửa qua sông

Năm 1971, hưởng ứng lời kêu gọi tổng động viên, chàng trai Thân Quang Hoạt (đường Lê Lợi, phường Dĩnh Kế, TP Bắc Giang) khi đó mới 21 tuổi, đang là sinh viên Đại học Xây dựng đã tình nguyện làm đơn nhập ngũ và được biên chế vào Đại đội 7, Tiểu đoàn 371, Bộ Tư lệnh Pháo binh.

{keywords}

CCB Thân Quang Hoạt (giữa) gặp lại những đồng đội đã từng tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.

Lúc này, quân ta vừa được viện trợ tên lửa chống tăng B72 và đơn vị ông Hoạt được huấn luyện sử dụng vũ khí này. Với vũ khí mới, quân ta có thể tiêu diệt xe tăng từ khoảng cách 3 km thay vì 50 đến 70 m như trước. Tháng 3-1972, với cương vị là Trung đội trưởng Trung đội 3, ông Hoạt cùng đồng đội tham gia chiến dịch giải phóng Quảng Trị rồi bảo vệ Thành cổ. 

Là đơn vị chống tăng nên Trung đội của ông Hoạt thường xuyên được điều động di chuyển khắp chiến trường với các đơn vị bộ binh. Lúc này, chàng trai trẻ Thân Quang Hoạt thấy hết được sự khốc liệt của chiến tranh. Ông tâm sự: “Biết chiến tranh là mất mát, đau thương nhưng tôi không nghĩ nó khắc nghiệt đến thế. Không ít lần tôi chứng kiến đồng đội vừa đi bên cạnh mình nhưng chỉ vài phút sau đã anh dũng hy sinh. Có những người tôi thậm chí còn chưa kịp nhớ tên. Dù vậy, không một ai lùi bước, ai cũng muốn lao lên dẫn đầu hàng quân”.

Liên tục di chuyển trên chiến trường nên ông Hoạt không nhớ hết được số lần vượt sông Thạch Hãn. Mỗi lần vượt sông là một lần đối mặt với tử thần bởi lúc bơi qua sông là lúc địch bắn “rát” nhất, nhiều chiến sĩ đã hy sinh khi bơi qua đây. Trong khi đó, do phải vận chuyển tên lửa nên mỗi khi vượt sông, ông Hoạt lại cùng đồng đội tháo rời từng bộ phận, bọc cẩn thận để chia nhau kéo. 

Ông Hoạt chia sẻ thêm: “Là vũ khí mới, hiện đại, một tiểu đội chỉ được trang bị 4 quả nên mỗi bộ phận của tên lửa đều cực kỳ quan trọng. Chúng tôi coi những quả tên lửa này như tính mạng bởi chính đây chính là nguyên nhân khiến địch không dám dùng xe tăng để càn quét quân ta”. Sau 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông Hoạt còn tham gia nhiều trận đánh lớn, trong đó có chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Rồi ông tiếp tục công tác tại nhiều vị trí khác trước khi chuyển sang làm công tác Tuyên giáo và nghỉ hưu.

Cố thủ cứ điểm bên sông

Với ông Nguyễn Văn Tuân (SN 1946) ở thôn Giáp Sau, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) thì ký ức về những ngày chiến đấu bên dòng Thạch Hãn như mới xảy ra hôm qua. Nhập ngũ từ năm 19 tuổi, ông Tuân có 5 năm tham gia lực lượng phòng không của Tỉnh đội Hà Bắc bảo vệ cầu Phủ Lạng Thương trước khi bổ sung vào Trung đoàn 36, Sư đoàn Bộ binh 308 tham gia chiến dịch Đường 9 Nam Lào. 

{keywords}

CCB Nguyễn Văn Tuân ôn lại những năm tháng hào hùng qua các Huân, Huy chương được Đảng và Nhà nước trao tặng.

Trong chiến dịch, ông Tuân với vai trò là Trung đội trưởng Trung đội 8, Đại đội 7, Tiểu đoàn 2 đã chỉ huy tiêu diệt 7 xe tăng của địch, cá nhân ông cũng tiêu diệt một đại liên và 2 tên địch. Với những thành tích xuất sắc này, tại trận đánh 81 ngày đêm lịch sử bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, ông Tuân được tin tưởng giao nhiệm vụ Chính trị viên phó Đại đội 7 rồi Chính trị viên Đại đội 6, Tiểu đoàn 2.

Khoảng tháng 7-1972, trong trận đánh cao điểm 105, ông bị thương nặng do sập hầm nên được đưa ra bệnh xá ở huyện Lệ Thủy (tỉnh Quảng Bình) để điều trị. Hơn một tháng sau, ông trở lại chiến trường Quảng Trị và được giao nhiệm vụ Chính trị viên phó Tiểu đoàn 1 bảo vệ cứ điểm Tích Tường, Như Lệ.

Ông Tuân chia sẻ: “Khi quân ta rút khỏi Thành cổ, cả khu vực phía Đông sông Thạch Hãn chỉ còn một cứ điểm do chúng tôi bảo vệ. Đồng đội hy sinh quá nhiều, đơn vị chỉ còn 31 người nên chúng tôi cũng xác định sẽ nằm lại nơi đây. Từ ngày 16-9, địch dồn bom, đạn tấn công cứ điểm bất kể ngày đêm. Lúc này, nếu để địch biết lực lượng của ta mỏng có lẽ toàn tiểu đoàn sẽ hy sinh.

Do đó, tôi nghĩ ra cách cứ tối đến cử một nhóm chiến sĩ ra khỏi hầm bắn một quả B40, ném 2 quả lựu đạn, bắn 2 loạt AK rồi rút. Mỗi tối thực hiện tại một hướng để nghi binh, khiến địch hiểu nhầm quân ta ở cứ điểm có đầy đủ vũ khí mà không dám càn quét. Nhờ cách này cùng với sự yểm trợ của pháo chiến dịch từ bên kia sông, chúng tôi đã cầm cự được cho đến khi Sư đoàn 325 đến tiếp quản”.

Sau những trận đánh ở Quảng Trị, ông được điều đi học tại Học viện Chính trị rồi phân công về công tác tại Sư đoàn 365 tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Năm 1980, với những vết thương trên người (thương binh 31%, bệnh binh 61%), ông Tuân phục viên với nhiều Huân, Huy chương Đảng, Nhà nước trao tặng.

Trở về sau chiến tranh, cuộc sống thường nhật vốn bộn bề vất vả lại mang trong mình nhiều vết thương nhưng với ý chí của người lính Cụ Hồ, ông Hoạt, ông Tuân vẫn luôn là tấm gương cho các thế hệ sau học tập, rèn luyện và phấn đấu. Chia tay các CCB Thành cổ Quảng Trị, tôi vẫn nghe văng vẳng đâu đó câu thơ “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Cứu hộ thành công 11 thuyền viên tàu hàng gặp nạn trên vùng biển Quảng Trị
Ngày 4-1, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị cho biết đơn vị đã cứu hộ, cứu nạn thành công 11 thuyền viên trên một tàu hàng gặp nạn trên biển.
Thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 TP Bắc Giang
(BGĐT)-Ngày 11-10, Ban vận động thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 TP Bắc Giang tổ chức Đại hội thành lập Hội.
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 TP Bắc Giang: Nơi trao gửi nghĩa tình
(BGĐT) - Ngày 11-10-2018, Đại hội thành lập Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 TP Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) được tổ chức. Hội là nơi tập hợp nhiều cựu chiến binh từng tham gia trận chiến kéo dài suốt 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. 
Đại hội Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Lạng Giang
(BGĐT) - Ngày 13-4, Hội Chiến sĩ thành cổ Quảng Trị năm 1972 huyện Lạng Giang (Bắc Giang) tổ chức Đại hội lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2018-2022. Tới dự có Phó Chủ tịch HĐND huyện Nguyễn Văn Lợi.
Những điểm du lịch hấp dẫn trên “đất lửa” Quảng Trị
Nằm giữa dải đất miền Trung, tỉnh Quảng Trị có các điểm tham quan, di tích lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, biển đảo, với nhiều địa danh nổi tiếng. Tuy nhiên, nhiều điểm du lịch vẫn chưa được đầu tư bài bản nên ít được du khách biết đến.
Việt Anh
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...