Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Quốc phòng
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ngày đó chúng tôi chiến đấu giải phóng miền Nam

Cập nhật: 20:11 ngày 27/04/2019
(BGĐT)- Chiến tranh đã lùi xa 44 năm, nhưng trong tâm trí các cựu chiến binh (CCB) tỉnh Bắc Giang tham gia chiến đấu giải phóng miền Nam, ký ức về những năm tháng gian khó nhưng vẻ vang và tự hào vẫn còn vẹn nguyên. Với họ, ký ức hào hùng về ngày toàn thắng của dân tộc, non sông thu về một mối không bao giờ phai mờ.

Thần tốc, thần tốc hơn nữa

Dù tuổi đã cao song CCB Nguyễn Ngọc Đượm (SN 1950) trú tại phường Ngô Quyền, TP Bắc Giang, nguyên Phó Ban Tác chiến Trung đoàn 18, Sư đoàn 325 (Quân đoàn 2) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh vẫn giữ tác phong người lính. Với trí nhớ tốt, ông kể cho tôi nghe về chặng đường hành quân của Trung đoàn 18 vào giải phóng Sài Gòn. 

Sau khi giải phóng Huế- Đà Nẵng, Trung đoàn cùng các đơn vị trực thuộc Quân đoàn 2 với tinh thần “diệt địch mà đi, sửa đường mà tiến”, thần tốc tiến vào chiến trường miền Nam, giải phóng các tỉnh, thành dọc miền duyên hải, chuẩn bị bước vào chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. 

Sáng ngày 27-4-1975, Sư đoàn 325 phối hợp với Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) nhận nhiệm vụ đánh vu hồi vào sườn trái của quân ngụy tại địa điểm cầu Nước Trong thuộc huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Đến 16 giờ 30 phút cùng ngày, Sư đoàn 325 đã làm chủ hoàn toàn khu vực Long Thành, bắt sống hơn 500 quân địch, thu giữ nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh.

Chiến thắng của Sư đoàn 325 đã góp phần phá tan tuyến phòng thủ hướng Đông Nam Sài Gòn của địch, mở rộng cửa ngõ cho bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

{keywords}

Các CCB cùng nhau ôn lại những kỷ niệm hào hùng trong chiến đấu giải phóng miền Nam.

Thời điểm đó, mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam, quyết chiến và toàn thắng” khiến thế tiến công của quân ta như vũ bão. 

CCB Hoàng Đức Sen (SN 1953) ở đường Lê Lợi, phường Dĩnh Kế (TP Bắc Giang), nguyên chiến sĩ thông tin Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 nhớ lại: “Rạng sáng 9-4-1975, quân ta đồng loạt đột phá Xuân Lộc và tiểu khu Long Khánh. Từng đợt hỏa lực của ta bắn cấp tập vào những mục tiêu trọng yếu trong thị xã. Tuy địch chống trả quyết liệt nhưng quân ta đã đánh chiếm được toàn bộ khu hành chính, cơ bản làm chủ một nửa thị xã”. 

Rạng sáng 15-4, hỏa lực của Quân đoàn 2 tập kích mãnh liệt vào sân bay Biên Hòa, chiếm giữ chi khu Gia Kiệm, ngã ba Dầu Giây tạo thế bao vây, cô lập hoàn toàn thị xã Long Khánh - khu vực trọng yếu trên tuyến phòng thủ Xuân Lộc của địch. Với sự tấn công thần tốc của quân ta, ngày 21-4, chiến dịch tiến công Xuân Lộc kết thúc thắng lợi, thị xã Long Khánh được hoàn toàn giải phóng. Ông Sen lại tiếp tục cùng đồng đội tiến vào giải phóng Sài Gòn và góp phần làm nên chiến thắng lịch sử. 

Nghi binh khiến địch hoang mang

Không trực tiếp cầm súng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhưng để làm nên chiến thắng lẫy lừng, giải phóng miền Nam, không thể không kể đến công lao của những chiến sĩ làm công tác công binh, hậu cần. Là một trong những chiến sĩ của Tiểu đoàn công binh, Sư đoàn 968, Bộ Tư lệnh Trường Sơn nhưng có lẽ nhiều năm sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ông Đỗ Văn Đát (SN 1952) ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) mới hiểu được vai trò nghi binh của đơn vị mình trong chiến dịch giải phóng Tây Nguyên. 

Cuối năm 1974, đơn vị của ông Đát trong đội hình Sư đoàn 968 bí mật từ Nam Lào về Tây Nguyên thay thế vị trí Sư đoàn 10 và Sư đoàn 320. Khi hai sư đoàn hành quân vào Đắk Lắk đã để lại toàn bộ cụm điện đài và báo vụ viên ở lại vị trí cũ, hàng ngày vẫn duy trì liên lạc như bình thường để lừa địch. Sau đó, Sư đoàn 968 bắt đầu thực hiện nghi binh bằng việc tổ chức các trận đánh diệt chốt tiền tiêu bên ngoài thị xã Pleiku. 

Bên cạnh đó, đơn vị của ông Đát còn rầm rộ đi làm đường “giả” cho xe tăng, pháo hướng vào thị xã Kon Tum và Pleiku. Việc làm của ông Đát và đồng đội khiến địch dồn quân bảo vệ Kon Tum và Pleiku, mở ra cơ hội thuận lợi cho quân ta tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột, là tiền đề giải phóng Tây Nguyên. 

Ông Đát chia sẻ: “Những ngày này, tôi lại nhớ những người dân tộc Pa Cô cùng bộ đội phạt đường “giả” khi máy bay do thám của địch bay lượn trên bầu trời. Nhất là ngày 28-2-1975, do trúng đạn của địch tôi bị thương ngất đi, chính đồng bào người dân tộc Pa Cô đã cáng tôi về trạm xá đơn vị để cứu chữa. Không có đồng bào, có lẽ tôi đã hy sinh”.

Còn với CCB Dương Văn Hiến (SN 1944) ở xã Tân Tiến (TP Bắc Giang) từng công tác tại Phòng Hậu cần, Sư đoàn 15 (Bộ Tư lệnh Công binh) thì dù không đi trước hàng quân nhưng ông cùng đồng đội trong đoàn xe chở thực phẩm luôn “ngóng” tình hình chiến sự thông qua chiếc đài Oriôngtông. Ký ức đáng nhớ nhất của ông trong hơn 10 năm tham gia chiến đấu ở khắp các chiến trường không phải là những trận mưa bom, bão đạn mà chính là khi nghe được thông tin chiến dịch Hồ Chí Minh thắng lợi. Lúc ấy, ông Hiến ôm lấy đồng đội, vừa rơi nước mắt vừa hét lên: “Tổng thống Dương Văn Minh đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện rồi, các đồng chí ơi. Sài Gòn giải phóng rồi, miền Nam giải phóng rồi, đất nước hoà bình, thống nhất rồi”.

Sống lại những ký ức về ngày 30-4 lịch sử, được trò chuyện với những người lính Cụ Hồ thời ấy, tôi càng thêm tự hào và biết ơn những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh trong sự nghiệp thống nhất đất nước. Trở về với cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa nay lại tích cực tham gia công tác xã hội, lao động sản xuất, góp sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Việt Anh

 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...