Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đi tìm dấu xưa chùa Bát Nhã

Cập nhật: 07:00 ngày 14/08/2021
(BGĐT) - Núi Bát Nhã thuộc danh sơn Huyền Đinh, nằm ở điểm cuối sườn Tây Yên Tử, cận kề sông Lục Nam. Nơi đây có mối liên hệ chặt chẽ với thánh địa Trúc Lâm Yên Tử nên còn ẩn chứa nhiều kho tàng, cổ tích. 

Chùa Bình Long (còn gọi chùa Bát Nhã) thuộc xã Huyền Sơn (Lục Nam) là một trong số các di tích đang được Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam phối hợp với ngành văn hoá Bắc Giang tổ chức khai quật khảo cổ học và phát hiện nhiều tư liệu, hiện vật quan trọng, đồng thời vẫn còn đó những bí ẩn chưa có lời giải.

Ngược núi tìm trầm tích

Một tháng qua, gần hai mươi cán bộ, chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng tỉnh Bắc Giang và người dân địa phương đã rất nỗ lực để hoàn thành công việc khai quật khảo cổ học tại phế tích chùa Bát Nhã. Theo đánh giá của giới chuyên môn, trong số những cuộc khai quật khảo cổ trên địa bàn tỉnh Bắc Giang thì đây là điểm khai quật gian nan nhất bởi địa điểm ở gần đỉnh núi, xa khu dân cư. Các thành viên trong đoàn phải ăn rừng, ngủ rừng. Dẫu khó khăn, vất vả nhưng những thông tin thu thập được là minh chứng quan trọng để địa phương có cơ sở khoa học, đánh giá toàn diện hơn về công trình chùa tháp cổ bên sườn Tây Yên Tử.

{keywords}

Lối lên chùa Bát Nhã.

Vào một ngày cuối tuần chớm thu, cùng đoàn công tác Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch lên thăm công trường khai quật tại đây, chúng tôi không những được mở mang nhiều kiến thức về lịch sử văn hoá mà còn hiểu thêm về sự gian nan, công việc đặc biệt của những nhà khảo cổ học - những người đi tìm thông tin, tư liệu từ quá khứ trong lòng đất. Đúng hẹn, chúng tôi được đoàn cán bộ UBND xã Huyền Sơn dẫn đường, phải để ô tô ở ngoài làng rồi tăng bo bằng xe máy đến chân núi và tiếp tục hành trình leo bộ hai tiếng rưỡi. 

Đoàn chia làm hai hướng, một men theo suối từ hạ nguồn ngược lên, lối này tuy gần hơn nhưng thách thức bởi đá suối trơn trượt và khó đi hơn. Nhóm còn lại đi theo lối mòn hình thành bởi những chuyến đi rừng của người dân bản địa. Với lối đi này, những con dốc dựng đứng không phải là điều đáng ngại so với nỗi sợ hãi bởi muỗi rừng, vắt núi. Tuy mệt nhưng chúng tôi được toại tâm, toại ý hành hương về một vùng danh thắng huyền thoại. 

Rừng núi vẫn khá nguyên sơ, cây cỏ rậm rạp. Chim muông líu lo, hoa dại ngát hương, măng trúc, chuối rừng bạt ngàn. Bất giác tôi nhớ đến một trước tác của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông mấy thế kỷ trước: “Véo von chim hót, liễu đầy hoa/ Thềm vẽ mây in bóng xế tà/ Khách đến chẳng bàn chi thế sự/ Lan can cùng tựa ngắm trời xa” (Xuân Canh).

Tham gia đoàn công tác có ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch. Ông chia sẻ: “Dù ngày nào mình cũng dành ra cả giờ đi bộ thể dục nhưng chẳng thấm vào đâu so với leo núi như thế này”. Cánh thanh niên chúng tôi gần như “đứt hơi”, vậy mà ở tuổi gần 60, ông Cầm vẫn bền bỉ từng bước, thật đáng phục. Anh cán bộ UBND xã Huyền Sơn kể, do chùa cổ ở trên núi, lại xa dân nên sau này bà con đã di chuyển một phần vật chất xuống thấp và dựng ngôi chùa mới lấy tên là Bình Long để thờ tự.

{keywords}

Đợt khai quật khảo cổ này là cơ sở để nghiên cứu, đánh giá cụ thể giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, đồng thời làm rõ mối liên hệ của di tích này trong hệ thống chùa tháp giai đoạn Lý - Trần trên địa bàn, thu thập tư liệu phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương), trình UNESCO công nhận là di sản thế giới”.

Ông Nguyễn Sĩ Cầm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Đã có rất nhiều tư liệu nói về chùa Bát Nhã. Chùa nằm trên núi Bát Nhã, ngọn núi do chính các vị cao tăng tu tại đây đặt tên. Chùa ban đầu có nguồn gốc thời Lý - Trần. Nhà sư trụ trì tại đây theo lối tu luyện khổ hạnh nên đã để lại truyền tích về giếng nước ăn. Giếng nước trong mát, bên cạnh có khối đá lớn, trên vách đá người xưa khắc hai chữ Hán “Thanh Thuỷ” (hiện còn rõ nét). Theo giải thích của giới chuyên môn, Bát Nhã là một khái niệm của Phật giáo, được xem như sự hiểu biết vô tận nhằm đưa chúng sinh vượt qua bể khổ, sông mê. Từ chùa Bát Nhã đi vài quãng rừng là đến chùa Thanh Mai - một trong những công trình Phật giáo tiêu biểu thời Trần thuộc địa phận tỉnh Hải Dương.

Núi Yên Tử nằm trên cánh cung Đông Triều, sườn Đông thuộc hai tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, sườn Tây thuộc tỉnh Bắc Giang. Ở sơn hệ phía Tây núi có nhiều thắng tích gắn với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đó là: Chùa Vĩnh Nghiêm, khu Am Vãi, Suối Mỡ - Hồ Bấc, Hòn Tháp, Yên Mã… Hầu hết những di tích có từ thời Lý - Trần (thế kỷ XI đến XIV). Đa phần chùa được xây dựng trên núi cao, xa dân cư. Theo sự xoay vần của vũ trụ, trước lưỡi hái của thời gian và biến cố lịch sử, nhiều Phật đường ấy giờ chỉ là phế tích mà chùa Hồ Bấc, Bát Nhã, Mã Yên... là ví dụ.

Thắng tích bên sông Lục - núi Huyền

Miền đất sông Lục - núi Huyền được thiên nhiên ưu ái ban tặng với địa hình có sông núi xen cài. Sông Lục Nam hiền hoà được tiếp nhựa sống từ trăm suối, ngàn khe. Tại công trường khảo cổ, ông Nguyễn Ngọc Chất, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, chủ trì cuộc khai quật, nói: "Đã thực hiện nhiều đợt khai quật nhưng không ở đâu đặc biệt, đáng nhớ như ở chùa Bát Nhã. Một tháng trời liền tôi và các thành viên trong đoàn ăn ở trên núi chưa về Hà Nội, trong hoàn cảnh không điện, không sóng điện thoại. Phải mất nhiều ngày phát quang dây leo, cây bụi, xác định vị trí mặt bằng khai quật, rồi dựng lán, căng bạt bên suối, khuân vác dụng cụ, nồi niêu, lương thực, thực phẩm từ dưới lên rất vất vả. Đó là chưa kể vào mùa mưa, tiến độ khai quật bị gián đoạn, có khi đang ăn cơm thì nước lũ tràn qua tưởng như sắp cuốn phăng cả người lẫn lán".

{keywords}

Hiện vật trang trí rồng xám đen được tìm thấy tại điểm khai quật.

Những khó khăn, vất vả ấy đã được đền đáp. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các nhà khoa học đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Theo đánh giá bước đầu của ông Nguyễn Ngọc Chất, với diện tích khai quật khoảng 170 m2, đoàn đã phát hiện nền móng kiến trúc hai nếp nhà (tiền đường và thượng điện). Ở đó có nền móng một gian bếp với những vết đất cháy đỏ rực, các hiện vật tìm thấy như bát đĩa, đồ dùng sinh hoạt gần như nằm hết ở gian bếp này. Đối diện bếp là một tăng phòng. Chùa nhìn theo hướng Tây Bắc, ở độ cao gần 350 m so với mực nước biển. 

Điều đáng quan tâm là các tài liệu cổ đều viết chùa Bát Nhã có từ thời Trần nhưng qua khai quật, dấu tích thời kỳ này khá mờ nhạt, rõ nhất là thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII, XVII) và thời Nguyễn (thế kỷ XIX) với hai cấp nền mặt bằng rõ ràng. Trong đó chiều dài của toà tiền đường thời Lê Trung Hưng 14,8 m, rộng 5,8 m nhưng đến thời Nguyễn bị thu lại còn 12,7 m và 4,7 m.

Tuy vậy các nhà khảo cổ cho rằng, không bỗng dưng mãi thế kỷ XVII các cụ mới lên đây xây chùa mà trước đó đã có di tích cổ hơn. Điều này cũng phù hợp với đặc điểm chung ở các ngôi chùa thời Lý - Trần vùng Yên Tử là dựa vào núi, trước mặt hướng ra sông suối lớn, nằm trên đỉnh núi cao, xa khu dân cư (có ý nghĩa quan trọng về quân sự, hơn nữa tư tưởng Phật giáo thời bấy giờ chùa phải ở xa dân và lánh xa cuộc sống trần tục). Nếu có thể mở rộng khai quật và đào sâu hơn rất có thể sẽ phát lộ dấu tích thời Trần. 

{keywords}

Ông Nguyễn Ngọc Chất giới thiệu về nền móng kiến trúc và hiện vật khai quật được tại chùa Bát Nhã.

Ông Chất cho biết: Ngạc nhiên là khai quật được nhiều chân tảng đá lớn của cột quân, cột cái, cột hiên song nhiều ngày không thấy vật liệu đất nung. Trước đó giả thiết được đặt ra là người xưa vẫn dùng cột gỗ dựng chùa nhưng sử dụng khung tre, cỏ tranh lợp mái. Tuy nhiên gần cuối đợt khai quật lại phát hiện một mảnh trang trí bằng rồng xám đen, một mảnh gạch xây và một mảnh ngói. Như vậy, phải chăng gạch, ngói đã được chuyển đi đâu hay vẫn nằm sâu dưới lòng đất?

Cũng hiếm gặp, tại đây các nhà khảo cổ đã tìm thấy tảng đá có nhiều lỗ hình tròn. Theo nhận định có thể đó là một công cụ lấy lửa của các cụ xưa. Về hiện vật đã tìm thấy một số mảnh gốm thời Trần, còn lại đa số gốm men, đồ sành thế kỷ XVII.

Theo ông Nguyễn Sĩ Cầm, đợt khai quật khảo cổ này là cơ sở để nghiên cứu, đánh giá cụ thể giá trị lịch sử - văn hóa của di tích, đồng thời làm rõ mối liên hệ của di tích này trong hệ thống chùa tháp giai đoạn Lý - Trần trên địa bàn, thu thập tư liệu phục vụ cho việc xây dựng hồ sơ khoa học Quần thể di tích và Danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương), trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Đồng thời tỉnh có chủ trương khôi phục, tôn tạo các di tích trở thành quần thể kiến trúc thuộc Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân, góp phần quảng bá, tạo điểm nhấn du lịch. Dự kiến tại khu vực chùa Bát Nhã sẽ phục dựng một ngôi chùa gỗ, đồng thời giữ nguyên khu nền móng chùa cổ làm bảo tàng ngoài trời.

Bài, ảnh: Tiến Đạt
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện Dự án Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử
(BGĐT) - Sáng 2/8, đồng chí Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện các dự án xây dựng Khu Du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử kiểm tra tiến độ thực hiện Dự án Khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử (Sơn Động). 
Nghe gió hú trên non cao Tây Yên Tử
(BGĐT) - Hò hẹn mãi, cuối cùng tôi cũng có ngày rảnh rang về thăm quê non cao Mai Sưu - Tây Yên Tử (Bắc Giang). Từ đầu tuần, tôi gọi điện gọi chú em cựu binh Nguyễn Hà: “Anh em mình có hai ngày lên non. Đến những nơi cao nhất chú từng đến. Sẽ hóng gió, ngắm trăng, ngủ lán qua đêm nhé”…
“Vàng ròng” bên sườn Tây Yên Tử
(BGĐT) - Rừng Sơn Động (Bắc Giang) ẩn chứa bao loài kỳ hoa dị thảo, trước đây là một trong những vùng có nguồn trầm hương dồi dào, chất lượng nổi tiếng. Trong ký ức của những người cao tuổi, trầm hương nơi đây bị khai thác đến cạn kiệt, gần như biến mất ngoài tự nhiên. Gần đây đã xuất hiện một số mô hình trồng cây dó bầu tạo trầm tại vùng Tây Yên Tử.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...