Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện thật mà như cổ tích

Cập nhật: 09:08 ngày 30/07/2021
(BGĐT) - Chuyện về hai anh em mồ côi Đồi và Gái - con của người mẹ tâm thần năm nào từng sống lủi thủi trong một hang đá ở xã Lục Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đang ở tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh được nhiều người ví như câu chuyện cổ tích giữa đời thực. Hai tâm hồn giá lạnh, hai mảnh đời côi cút cùng thân phận hẩm hiu của người mẹ đã được sưởi ấm bằng tình thương yêu và trách nhiệm của những người làm công tác xã hội.

Mầm xanh giữa nắng ấm

Chiều cuối tuần ở Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh yên tĩnh khác hẳn với cuộc sống ồn ào bên ngoài. Tại khu trẻ mồ côi lớn, những em bé vừa thức dậy sau giấc ngủ trưa bắt đầu vệ sinh phòng ở. Như các bạn, hai anh em Đồi và Gái mỗi người một việc sắp xếp lại đồ đạc cho ngôi nhà chung sạch sẽ, ngăn nắp. Quét dọn xong, các em chạy ào ra sân tập thể dục, tiếng nói cười, gọi nhau í ới. Sau cơn mưa rào mùa hạ, nắng nhẹ vương trên cành lá. Hai anh em Đồi và Gái cùng nhóm bạn vô tư chơi đùa như những mầm xanh đang vươn lên trong nắng ấm.

{keywords}

Hai anh em Đồi và Gái tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh.

Cách đây gần chục năm, ngày 1/11/2012, Lê Văn Đồi (SN 2005) và Lê Thị Gái (SN 2010) cùng người mẹ bị tâm thần Lê Thị Tâm (SN 1973) được cơ quan chức năng đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh (nay là Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh), chấm dứt những ngày tháng sống lang thang, hoang dại giữa núi rừng heo hút gió sương. Gần 10 năm về ngôi nhà chung là cả một chặng đường dài hòa nhập gian nan của hai đứa trẻ. Cũng như bao trẻ mồ côi khác về đây đều được các cô, các bác coi như con, hết mực yêu thương chăm sóc, dạy bảo. Hai đứa trẻ như mầm xanh mọc trên rừng hoang dại, từng có năm tháng sống như “người rừng” và chưa từng nghĩ đến một ngày thoát khỏi cuộc đời tăm tối đã bước ra đón lấy ánh sáng cuộc đời.

Lần trở lại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh này, chúng tôi vui mừng khi chứng kiến sự thay đổi của bé Lê Văn Đồi. Cậu bé còi cọc đen đúa ngày nào đã lớn phổng, cao gần 1,6 m, mạnh dạn, tự tin. Còn Gái có đôi mắt tròn đen láy, lúc nào cũng nhỏ nhẹ với nụ cười duyên, lễ phép chào hỏi khi gặp người lớn. Năm học tới, Đồi bước vào lớp 9, Gái vào học lớp 6, cùng ở Trường THCS Dĩnh Kế (TP Bắc Giang).

Ông Đỗ Văn Vinh, Giám đốc Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh chia sẻ, nhờ được hưởng chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành và cộng đồng, cuộc sống của các cháu nơi đây nói chung và anh em Đồi - Gái đủ đầy hơn, được lo cái ăn, cái mặc và đến trường như bao bạn cùng trang lứa. Một ngày của những đứa trẻ bắt đầu bằng việc ngủ dậy lúc 5 giờ 30 phút sáng để vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi tự đạp xe đến trường (nếu đi học). Chiều đến tham gia tập thể dục, các bài tập vận động rèn luyện thể lực. Sau bữa cơm tối các em sẽ ngồi vào bàn học lúc 19 giờ cho đến khoảng 21 giờ 30 phút thì đi ngủ. Mọi việc đã thành nếp nên các em đều tự giác thực hiện.

Gieo yêu thương trong gia đình lớn

Bà Dương Thị Lợi, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh kể: "Để đưa hai anh em Đồi - Gái về đây là sự nỗ lực “chung tâm, chung trí, chung sức” của cán bộ, nhân viên làm công tác xã hội từ tỉnh đến huyện, xã cùng người thân. Chuyện sau gần 10 năm mà ký ức đọng lại mới như ngày nào. Khi tiếp nhận thông tin từ cơ sở phản ánh, cán bộ Hội đã nhanh chóng về địa phương xác minh. Làm việc với đại diện lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và người thân, chúng tôi vô cùng ái ngại khi biết chị Tâm bị tâm thần, ba mẹ con lang thang xin ăn, ở trong hang đá giữa rừng, uống nước suối. Khi đến gần nơi trú ngụ của ba mẹ con, ai cũng giật mình bởi hang đá chỉ có một lỗ nhỏ, người lớn phải cúi thấp, khom lưng mới bò được vào, bên trong tăm tối, hôi hám, ẩm ướt".

"Ở đời này không có con đường cùng nhưng điều quan trọng nhất là phải biến khó khăn thành động lực vượt lên nghịch cảnh", đó là lời nhắn nhủ, động viên mà các thầy, cô giáo ở trường, các cô, bác trong ngôi nhà chung đã và đang sưởi ấm tâm hồn hai anh em Đồi - Gái, nhen lên ngọn lửa khát vọng vượt lên hoàn cảnh để mai này có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Theo những người dân địa phương kể lại, chị Tâm vốn là người phụ nữ nết na, sau khi lấy chồng mới phát bệnh. Cả hai bên nội, ngoại hết sức chạy chữa song bệnh tình của chị không thuyên giảm. Sinh ra trong hoàn cảnh éo le nên cả Đồi và Gái đều không biết cha là ai. Còn người mẹ điên yêu thương, bảo vệ con theo cách riêng đó là kéo chúng vào rừng sống xa lánh người thân, họ hàng và bà con xóm làng, luôn sợ có người lạ đến gần bắt con đi.

Sau khi về Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, suốt mấy tháng trời, cán bộ rất vất vả mới tách được người mẹ tâm thần nặng sang khu chăm sóc đặc biệt và giáo dục hòa nhập đối với Đồi và Gái. Vì quen sống ở núi rừng nên hễ thấy có người là hai anh em sợ hãi, co chân bỏ chạy, trốn sau cánh cửa hoặc chui vào gầm giường, nhà vệ sinh; thậm chí còn chống đối khi cán bộ đến gần. Vậy rồi, ngày tiếp ngày, tháng tiếp tháng, cán bộ vẫn kiên trì giúp hai em dần cảm nhận được tình thương yêu và từng bước hòa nhập cuộc sống mới.

Nuôi dưỡng khát vọng vươn lên

Tại Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh, tùy theo lứa tuổi sẽ có cách nuôi dạy khác nhau. Chị Hoàng Thị Bình, cán bộ quản lý trực tiếp trẻ mồ côi lớn cho hay: “Đối với những trẻ đã lớn, hiểu chuyện đều không muốn nhắc đến quá khứ nên cán bộ, nhân viên ở Cơ sở thường chỉ nói về niềm vui và mơ ước ở một tương lai tươi sáng. Do đó, trẻ em ở đây không chỉ được dạy về văn hóa, kỹ năng sống, cách làm người mà còn được nuôi dưỡng khát vọng vươn lên, nghị lực thực hiện điều đó".

{keywords}

Hang đá trong rừng - nơi ở của ba mẹ con bà Lê Thị Tâm gần 10 năm trước. Ảnh tư liệu.

Càng lớn, Đồi và Gái bộc lộ tính cách khác nhau. Từ đứa trẻ ngờ nghệch ngày nào, giờ đây Đồi chững chạc hơn, đặc biệt là đôi tay khéo léo, thích khám phá nên có thể ngồi hàng giờ tháo lắp, tìm hiểu về các thiết bị kỹ thuật. Trò chuyện với chúng tôi, cậu cho biết sau này sẽ học nghề sửa chữa điện tử, tìm công việc có thu nhập ổn định để kiếm tiền nuôi em và chăm sóc mẹ. Nhắc đến mẹ, giọng cậu chùng hẳn xuống, ánh mắt đượm buồn.

Hiện nay, mẹ của các em đang được chăm sóc tại Cơ sở Chăm sóc người tâm thần tại xã Song Mai (TP Bắc Giang), cách nơi các em đang ở không xa. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, mấy tháng nay hai em chưa được lên thăm mẹ. Nắm tay em gái, cậu bé trầm ngâm hồi lâu rồi kể: “Lần gần nhất em được gặp mẹ là trước Tết Nguyên đán vừa rồi. Em vui lắm vì mẹ tỉnh táo nhận ra em, còn ôm em vào lòng hỏi han đủ chuyện, dặn hai anh em phải ngoan, yêu thương nhau, học hành chăm chỉ. Em mong dịch bệnh sớm qua để mẹ con được gặp nhau”.

Để tạo thuận lợi cho các em hòa nhập, thời gian qua, Trường Tiểu học và THCS Dĩnh Kế luôn tạo điều kiện cho Đồi và Gái học tập, giao lưu cùng các bạn. Các em cũng được miễn đóng góp nhiều khoản học phí. Vào dịp đầu năm học hay những ngày lễ như: Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, Tết Nguyên đán... các em được thầy cô, bạn bè tặng nhiều món quà ấm áp nghĩa tình. Với chiếc xe đạp do các nhà hảo tâm tài trợ, cả hai anh em đều có thể tự đạp xe đến trường học mỗi ngày.

"Ở đời này không có con đường cùng nhưng điều quan trọng nhất là phải biến khó khăn thành động lực vượt lên nghịch cảnh", đó là lời nhắn nhủ, động viên mà các thầy giáo, cô giáo ở trường, các cô, bác trong ngôi nhà chung đã và đang sưởi ấm tâm hồn hai anh em Đồi - Gái. Chúng tôi trao cho các em những món quà nhỏ trước lúc chia tay mà trong lòng thấy ấm áp và hy vọng tình yêu thương sẽ nhen lên ngọn lửa giúp hai anh em Đồi - Gái cũng như bao đứa trẻ khác có động lực vượt lên hoàn cảnh để cuộc sống mai này tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: Mai Toan
Chuyện cổ tích bên bến sông xưa
(BGĐT) - Năm 1972, Thượng úy Trịnh Hữu Lương, nguyên Chính trị viên Huyện đội  Yên Dũng (Bắc Giang) được tăng cường vào chiến trường và hy sinh tại mặt trận Quảng Trị. Tại làng quê nghèo Tư Mại (huyện Yên Dũng) bên bờ con sông Như Nguyệt lịch sử, anh để lại người mẹ già, một người em trai bị bệnh thần kinh và cô em gái út tật nguyền yếu đuối...
Cổ tích trong khu vườn băng giá
(BGĐT) - Mưa xuân là là rắc bụi trên thảm cỏ non. Đất thở phập phồng. Những tia nắng mặt trời thỉnh thoảng lại ló ra, nhảy nhót reo vui trên núi đồi, ruộng đồng, làng mạc…
Miệt mài chở những yêu thương
(BGĐT) - Lòng mến trẻ đã khiến cô giáo Cao Thị Vân (SN 1973), Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Minh (Việt Yên) hơn 20 năm nay gắn bó với công việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Bất cứ công việc nào, cô cũng làm bằng tâm huyết, trách nhiệm và tình yêu thương. 
Phương Sơn - Dịch qua đi, tình người ở lại
(BGĐT) - Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 này, ổ dịch tại xã Phương Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) xuất hiện đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Do sự tập trung cao của cả hệ thống chính trị và vào cuộc tích cực của người dân, ổ dịch nhanh chóng được khống chế, không lây lan ra cộng đồng. Phương Sơn đã bình yên trở lại, cuộc sống trong trạng thái bình thường mới đã hiện hữu.
Bác sĩ trẻ Bắc Giang trên tuyến đầu chống Covid-19
(BGĐT) - Bất kể sáng sớm hay đêm muộn, hễ chuông reo là các y, bác sĩ trẻ lại gấp rút mang hành trang lên đường thực hiện nhiệm vụ chống dịch Covid-19. Họ tạm gác lại lo lắng về cuộc sống, dịch bệnh, thiết thực đóng góp một phần công sức để đem lại an toàn cho cộng đồng. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...