Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Phóng sự - Khám phá
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

“Vàng ròng” bên sườn Tây Yên Tử

Cập nhật: 11:24 ngày 05/02/2021
(BGĐT) - Rừng Sơn Động (Bắc Giang) ẩn chứa bao loài kỳ hoa dị thảo, trước đây là một trong những vùng có nguồn trầm hương dồi dào, chất lượng nổi tiếng. Trong ký ức của những người cao tuổi, trầm hương nơi đây bị khai thác đến cạn kiệt, gần như biến mất ngoài tự nhiên. Gần đây đã xuất hiện một số mô hình trồng cây dó bầu tạo trầm tại vùng Tây Yên Tử.

Trong phần giới thiệu về rừng Khe Rỗ thuộc Khu bảo tồn Tây Yên Tử (Sơn Động) có đoạn “rừng Khe Rỗ là nơi sinh tồn của 786 loài thực vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm như: Pơmu, thông tre (la hán), trầm hương, lát lim…”. Chỉ một chút thông tin ngắn gọn như vậy thôi nhưng đằng sau đó là câu chuyện dài.

{keywords}

Tiến sĩ Nguyễn Duy Kiên, Giám đốc Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng và phát triển Trầm hương Việt Nam (bên trái) giới thiệu công nghệ tạo trầm với Bí thư Huyện ủy Sơn Động Ngụy Văn Tuyên.

Còn nhớ những lần đi sâu vào cánh rừng Tây Yên Tử, tôi được nghe nhiều chuyện về các “mỏ” trầm hương của Sơn Động xa xưa. Ông Vi Văn Tằng, dân tộc Tày ở xã An Lạc kể: Vài chục năm trước (khoảng sau năm 1975), người dân chưa hiểu rõ về giá trị của trầm hương nên khi một số người ở miền Trung tìm đến Sơn Động thu mua sản vật đặc biệt này, ông Tằng cùng nhiều người khác vào rừng khai thác khá nhiều. Có những chuyến đi rừng “ngậm ngải tìm trầm” được cả bao tải hoặc đầy ba lô rồi bán cho thương lái với giá rẻ, chỉ đủ mua gạo nuôi đàn con thời khốn khó. Đến khi người dân ý thức được sự quý giá của những khúc gỗ thơm ngát ấy thì trầm hương trong rừng gần như “tuyệt chủng”, không còn dễ dàng tìm thấy nữa.

Theo những người sành chơi, trầm hương Sơn Động có chất lượng chỉ xếp sau sản vật này ở khu vực Khánh Hòa, Quảng Nam và Hà Tĩnh. Thế nhưng do khai thác quá mức, chưa chủ động ươm trồng nên loại cây này dần mai một. Thực tế trước đây đã có vài dự án trồng cây dó bầu để tạo trầm được triển khai ở Sơn Động, tuy nhiên do kỹ thuật lạc hậu, kém hiệu quả, người dân không mặn mà. Hiện nay chỉ còn sót lại rất ít cây dó bầu được một số gia đình giữ lại, nằm rải rác ở các xã, thiếu đầu tư, chăm sóc, không tạo ra được trầm.

Trong lần đến thăm mô hình liên kết sản xuất trầm hương, Bí thư Huyện ủy Sơn Động Ngụy Văn Tuyên đánh giá cao kết quả bước đầu, tính chuyên nghiệp và trách nhiệm của doanh nghiệp. Đồng thời khẳng định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để nhân rộng những mô hình này giúp người dân thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Ông Phạm Đức Sơn (SN 1950), thôn Rõng, xã An Lạc là người có nhiều năm trồng rừng, trong diện tích 7 ha của gia đình, ông vẫn còn giữ khoảng 60 cây dó bầu hơn mười năm tuổi. Ông Sơn được nhiều và cũng mất nhiều từ trầm hương. Thời trai trẻ, người đàn ông này từng đi khắp nơi buôn bán trầm nhưng lời lãi không thấy đâu, có lần bị cướp hết. Bằng kinh nghiệm mấy chục năm, ông nhận thấy vùng núi Sơn Động đặc biệt phù hợp với cây dó bầu để sinh ra trầm hương tự nhiên. Rừng Khe Rỗ từng có những cây cho 200 kg trầm, trong đó khoảng 50 kg loại 1 hay còn gọi là kỳ nam, ví như “vàng ròng” của rừng. Mang niềm say mê với trầm hương, ông nhiều lần trồng thử cây dó bầu trong vườn và rừng của gia đình, tìm cách cấy, tạo trầm nhưng không đạt kết quả mong muốn.

“Nhân duyên” đến với ông Sơn khi Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng và phát triển Trầm hương Việt Nam ở số 406, đường Lê Lợi (TP Bắc Giang) bắt tay vào việc nâng tầm trầm hương Sơn Động vào năm 2020. Sau khi khảo sát, biết gia đình ông Sơn có nhiều cây dó bầu có thể tạo trầm mà tuổi đời 15 năm đến 20 năm, đường kính thân khoảng 30 - 50 cm, doanh nghiệp liền ký hợp đồng để hợp tác cấy tạo, khai thác trầm hương.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Kiên (SN 1982), người con ở xã Yên Lư (Yên Dũng), Giám đốc Công ty và là nhà khoa học dành trọn đam mê cho trầm hương, hào hứng chia sẻ: “Tôi đã đến tất cả những khu vực có trầm trong nước và hiện Công ty có liên kết sản xuất với diện tích lớn ở nhiều tỉnh như Hà Giang, Sơn La, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Dương… Nhưng ngay lần đầu lên Sơn Động theo lời mời, kêu gọi thu hút đầu tư của lãnh đạo huyện, tôi bất ngờ nhận ra đây là vùng đất đặc biệt phù hợp để phát triển cây dó bầu. 

Qua nhiều lần tìm hiểu thực tế, nghiên cứu điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng và trò chuyện với người dân bản địa, tôi quyết định chuyển hướng, tập trung hoạt động trên vùng đất này”. Doanh nghiệp thành lập năm 2015, là đơn vị đầu tiên tại Việt Nam ứng dụng công nghệ “Cấy tạo trầm sinh học thông thể” trên cây trầm hương, bước đầu áp dụng trên những cây dó bầu nằm rải rác ở xã Cẩm Đàn, An Lạc, Dương Hưu, Thanh Luận và thị trấn Tây Yên Tử. Sau khi cấy tạo trầm vào nhiều thân cây một thời gian, cây phát triển tốt và bắt đầu tạo trầm.

{keywords}

Ông Phạm Đức Sơn, thôn Rõng, xã An Lạc (Sơn Động) bên một cây dó bầu đã được cấy tạo trầm.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Duy Kiên chưa bằng lòng với thành quả ban đầu mà mục tiêu lâu dài là hình thành vùng sản xuất lớn, ổn định. Anh nói: “Nhu cầu tiêu thụ trầm hương trên thế giới rất lớn, trong khi trầm hương Việt Nam đặc biệt được khách hàng ưa chuộng. Tôi muốn đưa trầm hương Sơn Động trở lại “bản đồ” sản vật đặc biệt này của Việt Nam, giới thiệu với đối tác trong và ngoài nước.

Chúng tôi đang nỗ lực đưa các sản phẩm trầm hương gần tự nhiên, an toàn đến tay người tiêu dùng dựa trên nền tảng khoa học công nghệ không làm ảnh hưởng đến nguồn tài nguyên trong tự nhiên. Qua đó góp phần bảo tồn nguồn trầm hương cho thế hệ tương lai, khôi phục và phát triển ngành công nghiệp trầm hương giàu truyền thống của Việt Nam".

Trầm hương là chất nhựa được hình thành trên cây trầm hương (cây dó bầu) trong tự nhiên hoặc nhân tạo, được sử dụng như một loại dược liệu, hương liệu cao cấp. Phần lớn trầm hương chất lượng cao nhất giao dịch trên các chợ hương liệu nổi tiếng thế giới ở Trung Đông, Trung Quốc, Nhật Bản… đều có nguồn gốc từ Việt Nam.

Để đạt được điều này, doanh nghiệp sẽ phối hợp chặt chẽ với chính quyền, người dân xây dựng mô hình ba tầng sinh thái. Cụ thể là cây dó bầu tạo nên tầng cao, tầng giữa và dưới là các loại cây dược liệu bản địa của Sơn Động lấy thân, cành, lá, củ như: Ba kích, sa nhân tím, cát sâm, trà hoa vàng… Dự kiến, mỗi luân kỳ khai thác trầm hương (khoảng 7 năm), người trồng sẽ thu 300-350 triệu đồng/ha”.

Quan trọng hơn, mô hình canh tác này sẽ khắc phục được tình trạng mất cân bằng do trồng độc canh cây keo, bạch đàn trên diện tích lớn hiện nay, mang lại đa dạng sinh học, cấu trúc rừng bền vững, tiệm cận gần nhất với rừng tự nhiên, bản địa…

Quốc Phương
Bắc Giang: Tập trung giải phóng mặt bằng, hoàn thành dự án khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử
(BGĐT) - Ngày 7/1, tại huyện Sơn Động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Mai Sơn chủ trì buổi làm việc với đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, địa phương, đơn vị kiểm điểm tiến độ thực hiện dự án xây dựng khu du lịch tâm linh, sinh thái Tây Yên Tử. 
Bắc Giang: “Giọt vàng” Tây Yên Tử
(BGĐT) - Các cánh rừng mênh mông của phía Tây dãy núi Yên Tử trên địa bàn huyện Sơn Động (Bắc Giang) là vùng nguyên liệu tuyệt vời để hàng nghìn đàn ong hằng ngày chắt lọc, mang về những giọt mật quý giá. Tin vui vừa đến với những người nuôi ong ở vùng cao, sản phẩm “Mật ong Tây Yên Tử” vinh dự được tôn vinh là “Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam”.
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...