Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chủ tịch xã đam mê làm du lịch

Cập nhật: 11:41 ngày 12/12/2020
(BGĐT) - Đam mê làm du lịch, những năm qua, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) Giáp Hồng Đăng đã mạnh dạn trong chỉ đạo và từng bước đầu tư phát triển du lịch trên lòng hồ Cấm Sơn. Nhờ đó, Sơn Hải đã và đang hình thành một loại hình du lịch cộng đồng, thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm.

Ước mơ từ nhỏ

- Alo! Anh Đăng à. Sáng mai là ngày nghỉ, tôi muốn lên anh để cùng đi hồ Cấm Sơn - Tôi bấm điện thoại gọi Chủ tịch UBND xã Sơn Hải Giáp Hồng Đăng - một trong 4 xã thuộc vùng lòng hồ Cấm Sơn.

- Sẵn sàng thôi, nhưng đi sớm mới thăm hết hồ - anh Đăng vui vẻ nhận lời.

Do tuyến đường từ thị trấn Chũ vào xã Sơn Hải xuống cấp, khó đi nên tôi quyết định chuyển hướng vòng qua xã Thanh Hải.

{keywords}

Chủ tịch UBND xã Sơn Hải (Lục Ngạn) Giáp Hồng Đăng.

Mùa này, tiết trời đầu đông, nước hồ Cấm Sơn trong xanh hơn. Đến nơi, anh Đăng cùng một cán bộ Trạm Bảo vệ rừng Sơn Hải mặc áo phao đã ngồi trên mũi thuyền chờ tôi. Vừa đưa cho tôi chiếc áo phao để mặc, anh Đăng vừa nói: “Gia đình tôi vừa mua thêm vài chục chiếc áo phao mới để phục vụ du khách khi xuống thuyền. Tham quan hồ Cấm Sơn, áo phao là vật dụng không thể thiếu”.

Thuyền nổ máy, rẽ sóng ra hồ. Ngồi trên mạn thuyền, ngắm khung cảnh hồ Cấm Sơn mênh mông, hơi nước từ mặt hồ phả lên tạo cảm giác thật khoan khoái.

Anh Đăng tâm sự: “Từ bé, tôi đã thích làm du lịch. Nhìn phong cảnh hồ Cấm Sơn sơn thủy hữu tình, được ôm ấp bởi những cánh rừng nguyên sinh, tôi luôn ước ao sẽ bồi đắp, giữ gìn những hòn đảo quanh hồ thật đẹp để đón khách gần xa đến tham quan, trải nghiệm”.

Anh Đăng kể, lúc còn nhỏ, gia đình anh ở làng Tính thuộc xã Ninh Sơn, nay là xã Sơn Hải. Năm 1966, cũng là năm anh mới sinh ra, khi công trình xây dựng đập hồ Cấm Sơn hoàn thành, nước dâng cao, làng Tính bị ngập, các hộ dân được Nhà nước hỗ trợ chuyển về sinh sống tại thôn Đồng Mận cách đó không xa, nhưng lại khá xa trung tâm xã. Bà con ở đây muốn ra xã bắt buộc phải di chuyển bằng thuyền.

Sinh ra, lớn lên ở thôn được coi là “vùng sâu, xa” của xã Sơn Hải song anh Đăng rất tích cực tham gia công tác xã hội. Năm 1989, hoàn thành nghĩa vụ quân sự về địa phương, anh Đăng được tín nhiệm bầu làm Trưởng thôn, rồi Bí thư Chi bộ thôn. Từ năm 1998 anh làm cán bộ Tư pháp, Trưởng Công an, Phó Chủ tịch, Chủ tịch UBND rồi Bí thư Đảng ủy xã; nay lại được phân công làm Chủ tịch UBND xã. Có lẽ, do đặc thù công việc nhiều nên anh thường xuyên phải dùng thuyền để đi làm việc. Cũng từ đây, anh có nhiều cách nhìn táo bạo về phát triển du lịch trên hồ Cấm Sơn.

“Hồ Cấm Sơn, mỗi mùa lại có vẻ đẹp, sức hút riêng”, anh Đăng nói như thể đã đúc rút từ lâu. Mùa hè, du khách có cảm giác mát mẻ bởi cả mặt hồ như một máy điều hòa khổng lồ; mùa thu, mặt hồ yên bình, du khách thỏa thích câu cá; mùa đông, nước hồ trong xanh hơn, du khách được trải nghiệm cái rét sớm của vùng cao; mùa xuân, hồ như bừng sáng, khoác lên mình chiếc áo mới bởi các loại cây rừng quanh hồ đua nhau khoe sắc…

Đánh thức tiềm năng du lịch

Vì sự đam mê với du lịch nên năm 2013, khi đang làm Bí thư Đảng ủy xã, anh Đăng đã dành hết tiền của gia đình để đóng mới chiếc thuyền máy vỏ sắt to nhất xã, chở được khoảng 30 người. Anh Đăng giải thích, đóng thuyền lớn vừa giúp gia đình vận chuyển hàng hóa dễ dàng hơn, vừa chở khách tham quan hồ được an toàn. “Những năm đó, thỉnh thoảng đã có khách thuê thuyền đi tham quan lòng hồ, nhưng do thuyền nhỏ, không an toàn nên tôi quyết định đóng thêm thuyền mới to hơn”, anh Đăng tâm sự.

Không chỉ làm du lịch cho gia đình, anh Đăng còn truyền cảm hứng cho nhiều người dân trên địa bàn, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Hải đã có gần chục chiếc thuyền chuyên phục vụ khách du lịch tham quan hồ… Đặc biệt, tới đây xã sẽ thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng hồ Cấm Sơn, tạo điều kiện quản lý, phát triển du lịch hiệu quả hơn.

Sức hút từ lòng hồ Cấm Sơn khá lớn nên ngày càng có nhiều khách du lịch về Sơn Hải liên hệ thuê thuyền của gia đình anh Đăng. Mấy năm sau, gia đình anh lại đóng mới thêm một thuyền lớn nữa, trị giá hơn trăm triệu đồng.

- Đảo của gia đình anh kia rồi à?- Đang ngồi trên thuyền, tôi buộc miệng khi thấy hòn đảo nhỏ ước gần 1 ha, có bến để thuyền neo đậu, sân khấu lớn được trang trí bắt mắt.

- Đúng vậy. Đây là nơi để du khách dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống - Anh Đăng nói.

Vừa đặt chân lên đảo, anh Đăng thông tin, làm được bao nhiêu tiền cơ bản lại tập trung đầu tư cho phát triển du lịch. Tính riêng việc xây dựng các công trình trên đảo cũng đã hết hơn 1 tỷ đồng. Vừa qua, anh còn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời trên đảo, trị giá hơn 200 triệu đồng.

Được biết, hòn đảo này cũng chính là nơi anh và gia đình sinh sống. Có lẽ do địa thế đẹp, cơ sở hạ tầng được đầu tư nên đảo của gia đình anh Đăng thường xuyên có khách đến tham quan, trải nghiệm, nhất là vào ngày nghỉ cuối tuần. Trung bình mỗi tháng gia đình anh đón 15-20 đoàn khách, mỗi đoàn khoảng 30 người. Riêng ba ngày diễn ra Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng huyện Lục Ngạn vừa rồi đón gần 10 đoàn khách. Lịch trình của các đoàn thường xuất phát từ trung tâm xã lúc 9 giờ sáng, đi thăm đập chính thuộc huyện Chi Lăng (Lạng Sơn), sau đó ăn cơm, nghỉ ngơi trên đảo của gia đình anh; đầu giờ chiều quay về điểm xuất phát, kết thúc chuyến đi.

- Là Chủ tịch UBND xã, công việc phải xử lý, giải quyết nhiều, vậy anh còn thời gian đâu làm du lịch?- Tôi tò mò hỏi.

- Tôi chủ yếu tranh thủ làm vào ngày nghỉ hoặc ngoài giờ làm việc ở cơ quan. Quan trọng là mình chỉ đạo, định hướng cho vợ con làm là chính - Anh Đăng mỉm cười nói.

{keywords}

Du khách tham quan hồ Cấm Sơn. Ảnh: TP

Anh Đăng cho biết, hiện nay, nhiều hộ dân ở xã Sơn Hải và một số xã lân cận tiếp giáp với hồ Cấm Sơn cũng đã sắm thuyền để phục vụ khách du lịch tham quan, trải nghiệm trên hồ. Thậm chí, một số gia đình còn làm nhà hàng ngay trên thuyền.

Như chợt nhớ ra điều gì, anh Đăng quay sang tôi nói nhỏ, lo nhất bây giờ là làm sao phát triển du lịch hồ Cấm Sơn được bền vững, bảo đảm an toàn cho khách và không gây ô nhiễm môi trường, làm hủy hoại đa dạng sinh học. Với vai trò người đứng đầu chính quyền địa phương, anh đã cùng tập thể lãnh đạo xã đề ra nhiều chủ trương, biện pháp phát triển du lịch, trong đó yêu cầu các chủ thuyền phải trang bị đầy đủ áo phao cho khách; vận động người dân không xả rác thải, nước thải ra hồ Cấm Sơn; cấm người dân dùng kích điện, lưới nhà đèn đánh bắt cá theo kiểu tận diệt.

Không chỉ làm du lịch cho gia đình, anh Đăng còn truyền cảm hứng làm du lịch cho nhiều người dân trên địa bàn, hướng tới phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Hải đã có gần chục chiếc thuyền chuyên phục vụ khách du lịch tham quan hồ… Đặc biệt, tới đây xã sẽ thành lập Hợp tác xã du lịch cộng đồng hồ Cấm Sơn, tạo điều kiện quản lý, phát triển du lịch hiệu quả hơn.

Cuối giờ chiều, khi mặt trời dần xuống mặt hồ Cấm Sơn mênh mông sóng nước, cũng là lúc thuyền chúng tôi cập bến xuất phát ban đầu. Những tia nắng lấp lánh theo con sóng chạy dài về phía đảo nhỏ, tạo ra khung cảnh thật thanh bình. Chia tay anh Đăng, trong tôi thấy vui vui bởi những dự định, mong muốn phát triển du lịch lòng hồ Cấm Sơn của anh dần hình thành, tạo thêm giá trị kinh tế ở mảnh đất còn không ít khó khăn này.

Đỗ Thành Nam
Mùa trái ngọt của thanh niên vùng hồ Cấm Sơn
(BGĐT) - Năm nay, vải thiều của các xã vùng cao, nhất là ở xã Hộ Đáp (Lục Ngạn, Bắc Giang) được mùa. Người dân vui vì vải được giá, càng vui hơn khi nhiều thanh niên trong xã giờ đã biết khai thác được lợi thế, khá giả hơn nhờ đặc sản địa phương.
Cây cầu hạnh phúc trên hồ Cấm Sơn
(BGĐT) - Nếu ai về xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trong những ngày này, hẳn sẽ bất ngờ vì sự xuất hiện của một cây cầu mới trên mặt hồ Cấm Sơn, nối từ thôn Tam Chẽ sang thôn Đấp. Sự thay đổi ấy là do 5 hộ dân trong xã vừa tạo nên thông qua việc đóng góp công sức, tiền của lắp đặt chiếc cầu phao dài hàng trăm mét giúp cho giao thông thuận tiện, an toàn hơn... 
Lên Cấm Sơn theo câu hát
(BGĐT)- Tìm theo câu hát “Núi (ư) núi, thuyền (ư) thuyền…/ Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…" của Nhạc sĩ Phó Đức Phương, mới đây, chúng tôi ngược đường lên hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) - nơi năm 1971 người nhạc sĩ tài hoa đã tức cảnh sinh tình, sáng tác nên ca khúc “Hồ trên núi” nổi tiếng. 
Cấm Sơn chuyển mình
(BGĐT) - “Cấm Sơn có núi Ba Hòn, có đoàn du kích lên non diệt thù” là câu ca  người dân xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn truyền tai để nhắc nhở nhau cùng đoàn kết vươn lên. Gần 70 năm, kể từ ngày Đội du kích núi Ba Hòn đánh thắng quân Pháp xâm lược, Cấm Sơn đã chuyển mình với bao đổi thay. 
Hồ Cấm Sơn, điểm đến hấp dẫn du khách kỳ nghỉ lễ
(BGĐT) - Dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay, người lao động được nghỉ từ 4 đến 5 ngày, bên cạnh những chuyến du lịch dài ngày thì rất đông du khách chọn hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) làm điểm đến trong kỳ nghỉ. 
Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...