Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Võ đường bên lũy tre xanh

Cập nhật: 08:00 ngày 24/10/2020
(BGĐT) - “Điều tôi cảm thấy hạnh phúc nhất sau 20 năm đào tạo, huấn luyện môn vật cổ truyền dân tộc cho các thế hệ, đó là không có cháu nào vi phạm pháp luật. Tôi chỉ mong có sức khỏe tốt để tiếp tục truyền dạy cho lớp trẻ biết trân trọng, gìn giữ di sản cha ông để lại”, ông Nguyễn Văn Tụng (SN 1958), thôn Sơn Quang, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) tâm sự. 

Trốn gia đình đi thi vật

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Tụng nhận được nhiều phần thưởng trong những năm tháng thi đấu.

Ông Tụng gây ấn tượng cho người đối diện bởi tác phong nhanh nhẹn, thân hình săn chắc, nở nang đúng chất của dân thể thao. Bên chén trà nóng trò chuyện cùng phóng viên, bao kỷ niệm, ký ức thời trai trẻ của ông ùa về. Ông Tụng là người mê vật từ nhỏ, mỗi khi làng này, xã kia rộn ràng tiếng trống hội vật, ông đều có mặt. 

Năm 1975, ông được Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Việt Yên chọn thi đấu Giải vật tỉnh Hà Bắc và giành Huy chương Đồng. Sau đó, ông được tập huấn cùng với các đô vật nổi tiếng thi đấu giải toàn quốc tổ chức tại Suối Hoa (Bắc Ninh). “Ở giải này, hạng cân nhỏ nhất là 35-38kg, lúc đó, tôi chưa đủ cân đành phải cho thêm 1 quả gang trong người để đủ trọng lượng thi đấu và giành Huy chương Vàng”, ông Tụng kể lại.

Kỷ niệm không bao giờ quên với "lão đô" ấy là lúc 16-17 tuổi, ông trốn gia đình, lặn lội đi bộ gần 100 cây số lên tỉnh Thái Nguyên thi vật. Tiền không có, đường sá xa xôi lại chẳng quen ai, cứ vừa đi vừa hỏi. Thấy ông người nhỏ, gầy gò, thành viên Ban tổ chức rất băn khoăn. Vậy mà tại đây, nhiều đô vật có tiếng bị ông “hạ gục” với những miếng gồng hiểm hóc. 

Với chiến thắng thuyết phục cùng phong cách se đài dân tộc cổ truyền đẹp mắt, ông được Ban tổ chức trao phần thưởng là chiếc âu đựng cơm, dân làng ngưỡng mộ thưởng ông 5 hào. “Đêm đó, tôi được một người dân địa phương mời về nhà chơi, nấu cơm cho ăn, cho ngủ nhờ. Sáng hôm sau, trên đường đi bộ về nhà, cầm chiếc âu đựng cơm được tặng, tôi thấy sung sướng vô cùng, bao mệt nhọc tan biến”, ông Tụng nói.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Tụng truyền dạy cách se đài môn vật cho các em nhỏ tại sới vật gia đình.

Năm 1981, sau 4 năm phục vụ quân ngũ trở về quê hương, ông Tụng lập gia đình và tiếp tục theo đuổi môn vật dù ngày ấy phong trào ở địa phương có phần chìm lắng. Quyết tâm không để môn vật cổ truyền bị mai một, hễ nghe tin ở đâu có giải vật lớn ông tìm đến xem, thi đấu. Ở đó, ông học hỏi nhiều điều từ lớp đàn anh, đó là kỹ thuật gồng sườn của đô Tư, đô Kha ở huyện Hiệp Hòa; đô Thỉnh, đô Phong ở huyện Quế Võ (Bắc Ninh)...

Kể từ năm 1988, phong trào vật phát triển trở lại, ở một số lễ hội truyền thống lớn hay Đại hội Thể dục Thể thao của tỉnh, ông đều được chọn để tham gia màn se đài. Ông Tụng chia sẻ, nghi thức se đài mang tính biểu trưng thể hiện ở trước cửa đình, tế thánh, tế thần khi làng mở hội. 

Người được chọn se đài không chỉ có nhiều thành tích trong thi đấu mà còn phải có đạo đức, lối sống tốt, được nhân dân trong vùng tín nhiệm. Nghi thức trình diễn này thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc đồng thời gửi gắm mong ước của dân làng, cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt, hội làng đông vui.

Trong căn phòng rộng khoảng 40m2 của gia đình ông Tụng treo rất nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen, cờ, ảnh kỷ niệm ghi nhận những cống hiến, đóng góp của ông đối với môn vật cổ truyền suốt mấy chục năm qua. Nhiều kỷ vật, phần thưởng vẫn được ông gìn giữ đến bây giờ. 

Như để minh chứng, vợ ông chạy vào nhà ngang tìm được chiếc xoong và mâm nhôm là phần thưởng mà ông cất giữ hơn 30 năm qua. “Chiếc mâm này đã bị mòn thủng ở giữa nhưng ông nhà tôi vẫn giữ lại, thỉnh thoảng lại mang ra ngắm nghía!”, bà Vũ Thị Khuê - vợ ông Tụng nói.

Bồi dưỡng nhiều tài năng

Từ năm 1995, ông Tụng bắt đầu dạy miễn phí vật cho nhiều trẻ nhỏ trong, ngoài xã. Năm 2000, được sự đồng ý của ngành chức năng huyện và tỉnh, ông đã đứng ra thành lập Câu lạc bộ (CLB) vật của huyện Việt Yên đặt tại nhà mình. 

Mặc dù thời điểm đó, kinh tế gia đình rất khó khăn, ngoài làm ruộng, vợ chồng ông không có nguồn thu nào khác, trong khi các con đang tuổi ăn học, ông bàn với vợ chặt bỏ hàng chục gốc tre, cây ăn quả có giá trị, đổ đất, san nền làm sới vật, bỏ tiền mua đồ hỗ trợ tập luyện, thuốc xoa bóp, làm mái che.

Hiện nay, vào thứ Năm, thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần các em nhỏ lại đến sới vật để luyện tập, số lượng khoảng 30 em, có thời điểm 50-60 em. Dịp hè, nhiều cháu ở xa đi lại vất vả, ông bố trí nghỉ ở nhà truyền thống của gia đình, có lắp điều hòa, ti vi để bảo đảm sức khỏe. Phụ huynh, học sinh tin tưởng, gửi gắm con em đến tập luyện. 

Từ nhiều năm, nơi đây trở thành địa chỉ ươm mầm, đào tạo học sinh có năng khiếu môn vật cung cấp cho Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh Bắc Giang. Dù thù lao được 1,5 triệu đồng/tháng, chỉ đủ tiền điện, nước uống phục vụ các cháu hằng tháng song ông cảm thấy hạnh phúc. 

Năm ngoái, ông Tụng tham gia giải vật ở Ninh Hiệp (Hà Nội) được giải Nhất lão đô với phần thưởng 12 triệu đồng. Ông dùng số tiền đó mua chiếc ti vi màn hình lớn đặt ở phòng truyền thống để học sinh xem, học vật qua đĩa, Internet lúc giải lao. Nhiều giải được 5-7 triệu đồng ông đều mua quà, tổ chức liên hoan cho học sinh. Từ năm 2010-2013, ông mở thêm lớp vật miễn phí ở thôn Trung, xã Nghĩa Trung và thôn Quang Biểu, xã Quang Châu (Việt Yên), mỗi lớp 30-40 em.

Câu chuyện giữa tôi và ông Tụng bị gián đoạn khi ông Nguyễn Văn Giang, thôn Nguộn, xã Tự Lạn đưa hai cháu nội (6 tuổi) đến gặp ông Tụng theo học vật. Trông hai cậu bé rất kháu khỉnh, khỏe khoắn, tác phong nhanh nhẹn. Ông Giang cho biết, cứ tuần 3 buổi, ông lại đưa cháu đến đây. Tụi trẻ rất ham học, từ ngày theo học hầu như không nghỉ buổi nào, đứa nào cũng khỏe khoắn, nhanh nhẹn, ý thức kỷ luật rất tốt.

Năm nay dù 62 tuổi nhưng ông Tụng vẫn theo đuổi đam mê với môn vật cổ truyền. Bà Khuê-vợ ông Tụng cho biết, công việc đồng áng vốn đã vất vả, mệt nhọc song cứ có hội vật ở đâu là ông lại đến xem, thi đấu. Nhiều đám cỗ, liên hoan ông phải nhờ vợ đi thay để ở nhà dạy học sinh.

Từ khi thành lập CLB đến nay, ông Tụng đào tạo khoảng 2 nghìn học sinh. Nhiều em giành thứ hạng cao ở giải quốc gia, khu vực Đông Nam Á trong những năm gần đây như: Thân Thị Anh, Nguyễn Văn Lương, Nguyễn Huy Hoàng, Vũ Thị Kim Anh, Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Thị Mai… 

 Anh Đặng Đình Tùng (SN 1999), xã Minh Đức (Việt Yên) là một trong số hàng trăm học trò được ông Tụng truyền dạy môn vật từ nhỏ. Anh Tùng nhớ lại, có thời điểm anh đạp xe gần 10 cây số đến ngôi chùa xã Nghĩa Trung (Việt Yên) học vật miễn phí do thầy Tụng dạy; ngày nắng cũng như ngày mưa, đều đặn 3 buổi/tuần. 

Nhờ công lao dạy dỗ của thầy Tụng, anh Tùng được chọn thi đấu cho CLB Vật Hà Nội 10 năm, rồi vào đội tuyển quốc gia. Đến thời điểm này, anh giành 4 Huy chương Vàng tại Giải vô địch vật trẻ Đông Nam Á cùng nhiều huy chương cấp quốc gia. “Thầy Tụng còn dạy chúng tôi lối sống, cách đối nhân, xử thế. Chúng tôi không bao giờ quên ơn thầy”, anh bày tỏ.

Ông Chu Việt Bắc, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục Thể thao tỉnh cho biết: "Việc ông Tụng mở sới vật dạy miễn phí cho học sinh nhiều năm qua rất đáng trân trọng. Chúng tôi đánh giá cao lòng nhiệt tình, sự cống hiến thầm lặng của ông Tụng trong việc phát hiện, bồi dưỡng các vận động viên (VĐV) vật ở cơ sở, tạo nguồn VĐV cho tỉnh thi đấu ở các giải lớn”.

Dù đam mê bên sới vật song ông Tụng vẫn cùng vợ, con làm hơn 10 mẫu ao, hồ thả cá, chăn nuôi. Hằng ngày, ông thường đạp xe 30-40 cây số để rèn luyện sức khỏe.

Mới đây, trong số 15 người được Hội đồng cấp tỉnh đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp bộ xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Ba-năm 2021 có đề cử ông Nguyễn Văn Tụng. Đây là niềm vinh dự, tự hào để ông tiếp tục cống hiến, truyền dạy môn vật cổ truyền của cha ông cho thế hệ trẻ, góp phần bảo tồn, giữ gìn di sản quý của dân tộc.

Bắc Giang giành 6 Huy chương Giải vô địch quốc gia vật cổ điển, vật tự do
(BGĐT) - Tại Cung Thể thao tỉnh Nam Định, Giải vô địch quốc gia vật cổ điển, vật tự do năm 2020 vừa kết thúc. Giải do Tổng cục Thể dục Thể thao phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định tổ chức.
Lò vật thầy Tụng
(BGĐT) - Tôi vẫn nhớ rất rõ hình ảnh một lão đô vật thân hình nhỏ thó nhưng chắc nịch với động tác tinh nhanh mỗi khi ra sới thi đấu keo vật thờ tại lễ hội xuân. Ông là Nguyễn Văn Tụng (55 tuổi), thôn Quang Sơn, xã Trung Sơn, huyện Việt Yên (Bắc Giang) - cộng tác viên thể thao (môn vật nữ) thuộc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh.
Bế mạc giải vô địch vật dân tộc toàn quốc: Bắc Giang giành 7 huy chương
(BGĐT) - Như tin đã đưa, từ ngày 4/7 tại Nhà Thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang (khu đô thị phía Nam, TP Bắc Giang) diễn ra giải vô địch vật dân tộc toàn quốc lần thứ XXIV năm 2020. 
Khai mạc Giải vô địch Vật dân tộc toàn quốc lần thứ XXIV tại Bắc Giang
(BGĐT)- Ngày 4/7, tại Nhà thi đấu Thể thao tỉnh Bắc Giang (Khu đô thị phía Nam, TP Bắc Giang) diễn ra Giải vô địch vật dân tộc toàn quốc lần thứ XXIV năm 2020. Giải đấu do Tổng cục Thể dục - Thể thao phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang tổ chức. Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Từ Minh Hải đến dự và cổ vũ giải.
Giải vật dân tộc trẻ, thiếu niên toàn quốc: Bắc Giang giành 12 huy chương, Nhì toàn đoàn
(BGĐT)-Giải vật dân tộc trẻ, thiếu niên toàn quốc lần thứ XXI, năm 2019 vừa được tổ chức tại Khu liên hợp thể thao huyện Gia Bình (Bắc Ninh) từ ngày 1 đến 5-8.
Huyện Tân Yên nhất toàn đoàn giải vô địch vật dân tộc, tự do toàn tỉnh
(BGĐT)-Từ ngày 17 đến 20-3, tại khu vực Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng (Bắc Giang) diễn ra giải vô địch vật dân tộc, tự do toàn tỉnh năm 2019 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Yên Dũng tổ chức. 

Công Doanh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...