Thứ năm, 18/04/2024
Bắc giang 27 °C / 25 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Về thôn lập nghiệp

Cập nhật: 07:00 ngày 29/08/2020
(BGĐT) - Trẻ trung, năng động với nụ cười tươi và ánh mắt tự tin là những điều tôi cảm nhận ở đảng viên Hoàng Đức Anh, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ Hoàng Anh (HTX Hoàng Anh), trụ sở tại thôn Quyết Chiến, xã Lão Hộ, huyện Yên Dũng (Bắc Giang). Ở tuổi 30, Đức Anh là điển hình của thanh niên Yên Dũng trong khởi nghiệp.

Không ngại thử thách

Sinh năm 1990 tại vùng quê Lão Hộ, khác với nhiều bạn bè cùng trang lứa muốn đến thành thị lập nghiệp, công tác thì Đức Anh lại có mong muốn ngược lại: Thích theo học lĩnh vực liên quan đến nông nghiệp để sau này có điều kiện gắn bó với quê hương. 

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đúng theo nguyện vọng, Đức Anh nhận cùng lúc hai tin vui: Nhà trường giữ lại làm trợ giảng và được đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tranh thủ khoảng thời gian làm việc tại đây, anh đăng ký học thạc sĩ quản lý kinh tế kiêm thêm công việc bồi dưỡng ôn thi đại học tại một số trung tâm đào tạo.

{keywords}

Anh Hoàng Đức Anh kiểm tra sản phẩm sau khi hoàn thiện.

Ở lại Thủ đô với nhiều cơ hội, tương lai rộng mở nhưng Đức Anh lại không thiết tha. Cuối năm 2015, sau khi lập gia đình, anh quyết định về TP Bắc Giang xin vào làm việc tại một doanh nghiệp kinh doanh ô tô tải. Để trải nghiệm và có thu nhập, anh làm mọi việc, từ nhân viên kinh doanh cho tới phụ trách kho, làm giấy tờ, hồ sơ đăng ký xe. 

Chưa đầy một năm sau, anh thêm một lần thay đổi môi trường khi bước sang lĩnh vực hoàn toàn mới: Kinh doanh trang thiết bị giáo dục. Công việc này đem lại thu nhập khá và ổn định và nhiều mối quan hệ thế nhưng vẫn không níu được anh gắn bó lâu dài.

Qua gần hai năm với nhiều đêm trăn trở, Đức Anh quyết định thử sức mình ở một lĩnh vực khác. Thời điểm năm 2018, ở TP Bắc Giang và một số khu vực lân cận có một số cơ sở sản xuất túi siêu thị dễ tiêu hủy, thân thiện với môi trường. 

Với kinh nghiệm tích lũy sau vài năm lăn lộn trên thương trường, Đức Anh nhận thấy đây là sản phẩm có tiềm năng để phát triển. Việc hợp tác sản xuất sản phẩm này sẽ là một cơ hội tốt để thử sức mình. Anh liên hệ với doanh nghiệp sản xuất túi xách siêu thị xuất khẩu có trụ sở tại xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) để tìm kiếm cơ hội hợp tác. 

“Nhận được cái “gật đầu”, tôi vay mượn vốn đầu tư xây dựng nhà xưởng ngay trên phần đất rộng chừng 200m2 của gia đình ở thôn Quyết Chiến, xã Lão Hộ. Cùng đó mua sắm máy móc, trang thiết bị để bắt tay vào sản xuất, gia công hoàn thiện túi theo hợp đồng ký kết” - Đức Anh chia sẻ về bước ngoặt của bản thân.

Vượt qua thất bại

Đầu tư hơn một tỷ đồng cho cơ sở vật chất, thành lập HTX để thuận tiện cho hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng bước khởi đầu của anh trên con đường lập nghiệp không tránh khỏi gian nan. Thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực may mặc, quản lý, trong khi lao động tay nghề thấp khiến anh rơi vào cảnh thua lỗ trong mấy tháng liên tiếp. “Có tháng HTX lỗ tới hơn 100 triệu đồng. Nhiều thời điểm, sản phẩm liên tục phải gia công lại do chất lượng hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu của các đối tác” - Anh nhớ lại.

Không chấp nhận thất bại, Đức Anh quyết tâm khắc phục bằng việc thuê người có tay nghề giỏi đến cơ sở sản xuất để nhờ họ truyền đạt thêm kinh nghiệm, kỹ năng may túi, sau đó đào tạo lại cho lao động của HTX. Bản thân anh cũng chủ động, kiên trì nghiên cứu, mày mò học hỏi để có thể tự sửa chữa các trang thiết bị trong xưởng mà không phải thuê thợ bên ngoài nhằm giảm chi phí.

{keywords}

Hoạt động tại xưởng gia công túi xách siêu thị của Hợp tác xã Sản xuất , kinh doanh, dịch vụ Hoàng Anh.

Khó khăn dần qua đi, sản phẩm do HTX nhận gia công ngày càng được cải thiện, đáp ứng tốt hơn yêu cầu về chất lượng, trong khi số lượng tăng mạnh. Toàn bộ sản phẩm được công ty đầu mối xuất khẩu đến thị trường lớn như Mỹ và một số quốc gia châu Âu. 

Đức Anh cho biết: “Hiện mỗi ngày, gần 30 nhân công của HTX hoàn thiện được khoảng 10 nghìn túi. Nếu duy trì hoạt động sản xuất đều đặn, sau khi trừ chi phí, mỗi năm đơn vị lãi khoảng một tỷ đồng".

Từ thành công bước đầu, nắm bắt nhu cầu thị trường, cuối năm 2019, HTX Hoàng Anh do đảng viên Hoàng Đức Anh làm chủ đã mạnh dạn xây dựng thêm ba cơ sở sản xuất tại thị trấn Đồi Ngô, xã Lan Mẫu (Lục Nam) và làng Đông, xã Dĩnh Trì (TP Bắc Giang). Mặc dù quy mô mỗi xưởng nhỏ hơn cơ sở chính nhưng cũng góp phần tạo việc làm mới cho nhiều lao động.

Ý tưởng mới

Trong câu chuyện với chúng tôi, Đức Anh tự tin: “Hơn hai năm lập nghiệp ở quê, tôi nhận thấy được nhiều giá trị của cuộc sống. Công việc hiện tại không chỉ đem lại cho gia đình nguồn thu nhập mà còn góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn, nhất là lao động nữ tại địa phương. Với tôi, đó mới thực sự là niềm vui lớn”. 

Quả thực, gần 70% nhân công trong xưởng chính là nữ và đều là người ở xã Lão Hộ; ngoài ra còn có gần chục người nhận nguyên vật liệu về gia công sản phẩm tại nhà. Tại ba xưởng còn lại ở địa bàn TP Bắc Giang và huyện Lục Nam có khoảng 20 công nhân. Những lao động này được trả lương theo sản phẩm, thu nhập đạt từ 5-7 triệu đồng/người/tháng, có người tay nghề cao đạt 9 triệu đồng.

{keywords}

Anh Hoàng Đức Anh giới thiệu sản phẩm do Hợp tác xã nhận gia công.

Gắn bó với hợp tác xã Hoàng Anh từ ngày mới thành lập, chị Hoàng Thị Chi ở thôn Quyết Chiến chia sẻ: "Tôi thấy môi trường làm việc ở đây rất tốt. Công việc nhẹ nhàng mà thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh có con nhỏ như tôi”. Không chỉ tạo ra việc làm và thu nhập, thông qua các đợt bồi dưỡng kỹ thuật ngắn hạn, HTX Hoàng Anh của đảng viên trẻ Hoàng Đức Anh còn đào tạo nghề cho khoảng 500 lao động trong và ngoài xã.

Thành công bước đầu trên con đường khởi nghiệp như đang có có lẽ là chưa đủ với khả năng và sức trẻ của Đức Anh. Bởi vậy, tôi không bất ngờ khi được anh chia sẻ về ý tưởng và dự định sắp tới. Đó là mở rộng hơn nữa quy mô sản xuất, trong đó tập trung trọng tâm vào cơ sở ở quê - xã Lão Hộ. Bên cạnh đó, điều anh quan tâm, mong muốn là tìm kiếm thêm những cơ hội hợp tác đầu tư, sản xuất, từng bước đưa túi xách thân thiện với môi trường vào hệ thống siêu thị trong tỉnh, trong nước thay vì chỉ xuất khẩu như hiện nay.

Chúc Đức Anh sớm hiện thực hóa được ý tưởng của mình trên hành trình khởi nghiệp.

Hát văn- thanh âm bên dòng suối Mỡ
(BGĐT) - “Cách đây mấy hôm đoàn mình đi Suối Mỡ, được nghe hát văn ở đền Hạ mê quá! Giá như nơi đây tổ chức hát văn thường xuyên để phục vụ khách du lịch thì hay biết mấy”, anh Trần Văn Long, du khách ở Hà Nội - người từng hoạt động trong lĩnh vực du lịch chia sẻ với tôi khi lần đầu đặt chân đến Khu Du lịch sinh thái Suối Mỡ, huyện Lục Nam (Bắc Giang).
Bắc Giang: Tình người trong vùng dịch
(BGĐT) - "Yên Định ơi cố lên! Sơn Động ơi cố lên! Mọi người cùng chung tay nhé! Nhất định chúng ta chiến thắng…!". Những dòng chữ ấy liên tục xuất hiện trên mạng xã hội những ngày qua. Quả thực, chưa bao giờ tinh thần phòng, chống dịch (PCD) ở Yên Định lại sục sôi đến thế và cũng hiếm khi nào tình người dành cho nơi đây lại ấm nồng như vậy. 
Ðộc đáo tuồng Xuân Nộn
Những tưởng trong thời công nghệ 4.0 với nhiều loại hình giải trí hiện đại, tuồng làng sẽ chẳng được mấy ai quan tâm. Nhưng ở Xuân Nộn (Ðông Anh, Hà Nội), phong trào tập luyện, biểu diễn tuồng vẫn  được chính quyền địa phương, các câu lạc bộ cùng tầng lớp nhân dân duy trì đều đặn. Ðiều này góp phần bảo tồn, phát huy giá trị bộ môn nghệ thuật độc đáo của địa phương có từ cách đây hơn 100 năm.

Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...