Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Làm thương hiệu cho “Na Nghĩa Phương”

Cập nhật: 06:00 ngày 18/07/2020
(BGĐT) - Những năm gần đây, cái tên “Na Nghĩa Phương”, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang ngày càng trở nên quen thuộc, thu hút người tiêu dùng. Na ở đây không chỉ mang vị ngọt thanh mát đặc trưng nhờ cách làm sáng tạo của người dân địa phương mà còn có tem nhãn nhận diện giúp sản phẩm dễ dàng tiêu thụ.

1. Tôi quen Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân thôn Suối Ván Hoàng Văn Thành, xã Nghĩa Phương, huyện Lục Nam (Bắc Giang) đã nhiều năm, kể từ khi ông bắt đầu gắn bó với cây na trên đồng đất quê hương hơn chục năm trước. Cũng như bao người dân nơi đây, khát khao làm giàu thôi thúc ông cùng mấy anh em trong thôn đến xã trọng điểm na Huyền Sơn (cùng huyện), rồi sang tỉnh Quảng Ninh học cách thâm canh, mạnh dạn phá bỏ vườn tạp đưa na vào trồng. 

{keywords}

Ông Hoàng Văn Thành (giữa) hướng dẫn kỹ thuật thụ phấn na.

Bao lần thử nghiệm cách bón phân, tưới nước, đốn tỉa cành, “kích” hoa… thất bại cũng là bấy nhiêu lần rút ra kinh nghiệm điều chỉnh, áp dụng cho những vụ sau. Toàn bộ khu vườn, ruộng và đất đồi núi Gốm quy mô hơn hai mẫu của gia đình, ông Thành dần chuyển sang trồng na. Từ đây, cuộc sống của cả nhà “trông” vào na, gắn bó với loại cây không mới nhưng cách thâm canh có sự khác biệt. “Mỗi năm, tôi thu lãi khoảng 300 triệu đồng, khoản tiền cao gấp ba, bốn lần nếu để vườn tạp, cấy lúa, trồng khoai như trước”, ông Thành cho biết.

Lợi ích kinh tế từ na mang lại được ông chia sẻ, hướng dẫn bà con cùng làm, cũng vì thế ông được tín nhiệm bầu làm Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân thôn Suối Ván. Bây giờ, hơn trăm hộ dân chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày ở đây đã chuyển hẳn sang thâm canh na. Khi được hỏi về các kỹ thuật chuyên sâu cho cây trồng này, lão nông Hoàng Văn Thành hồ hởi hướng dẫn giống như một kỹ sư trồng trọt thực thụ. 

{keywords}

Thôn Suối Ván trở thành điểm tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất na của nhiều người.

Nào cách cải tạo đất, ươm cây giống, đánh giá “sức khỏe” cây na ra sao, thời điểm bón loại phân nào, đốn cành, hái bỏ bớt hoa, cách thụ phấn… thuộc như lòng bàn tay. Nhờ những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo khi trồng na cũng như cách vận động, chia sẻ cho hội viên cách cùng làm giàu, Chi hội Trưởng Chi hội Nông dân thôn Suối Ván trở thành điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của Huyện ủy, UBND huyện Lục Nam; Hội Nông dân, Ủy ban MTTQ tỉnh và UBND tỉnh.

2. Thôn Suối Ván bây giờ bạt ngàn na dai. Thôn có 140 hộ, nhà nào cũng gắn bó với loại cây ăn trái này. Na khắp vườn nhà, trên chân ruộng cao và “leo” lên cả lưng chừng núi Gốm. Nhờ đó, thôn có rất nhiều nhà cao tầng, biệt thự lớn, bao quanh là những vườn na đều tăm tắp, xanh mát mắt. Để cây trồng có chỗ đứng vững chắc trên đất Suối Ván còn phải kể đến tổ hợp tác trồng na mà sau này là Hợp tác xã (HTX) Na dai Nghĩa Phương cũng do ông Thành giữ vai trò “đầu tàu”.

{keywords}

Nghĩa Phương coi na là cây trồng chủ lực, dành kinh phí hỗ trợ người dân, HTX kỹ thuật trồng na chất lượng cao, quảng bá sản phẩm. Năm nay, xã trợ giá 50% bao gói sản phẩm cho HTX.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã xác định đến năm 2025, nâng diện tích cây ăn quả này lên hơn 500 ha, mở rộng quy mô na VietGAP” 

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Phương Đinh Văn Khải.

Còn nhớ khi bà con coi đây là cây trồng chủ lực, ông đứng ra vận động, thành lập tổ hợp tác để cùng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật thâm canh và cùng lo đầu ra nông sản. “Chúng tôi xác định phải làm thế nào để na Suối Ván có nét đặc trưng riêng, dễ nhận diện khi đưa ra thị trường vốn đã có nhiều vùng na nổi tiếng như Huyền Sơn (Lục Nam), Chi Lăng (tỉnh Lạng Sơn)... Điều này chỉ có thể dựa vào kỹ thuật thâm canh và các quy định về tem, nhãn cho sản phẩm”, ông Thành bày tỏ.

Nhiều kỹ thuật chuyên sâu được bà con sưu tầm, cải tiến, áp dụng thành công. Nông dân ở Suối Ván đều biết dùng phân bón để “kích” từng giai đoạn phát triển của cây, cách tỉa cành, loại bỏ hoa xấu và thụ phấn để giữ lượng quả ít nhưng to đều, chín rải vụ. Thông thường, loại cây này ra hoa vào tháng Tư, cho thu hoạch vào cuối tháng 7 và kéo dài hơn một tháng nhưng na Suối Ván chín rải đều, kéo dài đến tháng 11. 

Ông Hoàng Văn Triệu, chủ hộ có gần 2 mẫu na khoe: “Trình độ bón phân, thụ phấn của nhiều hộ ở đây “cao” đến độ có thể “bắt” na chín vào dịp trước ngày mồng Một hoặc ngày Rằm để bán được giá cao hơn. Những bông hoa mọc từ thân sẽ cho quả to hơn ở đầu cành, người trồng phải thạo kỹ thuật thụ phấn mới “đón” được lứa quả này”. Được biết, ông Hoàng Văn Triệu cũng là thành viên tích cực tham gia HTX Na dai Nghĩa Phương, mỗi năm gia đình ông thu lãi hàng trăm triệu đồng.

Cùng với nỗ lực của người dân nơi đây, từ năm 2017, được sự hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, bà con thôn Suối Ván được tiếp cận và áp dụng kỹ thuật trồng na theo tiêu chuẩn VietGAP. Những cây na được chăm sóc theo quy trình, có nhật ký ghi chép, tạo ra quả ngọt có kích thước lớn, đồng đều, khi chín mắt na tương đối phẳng, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cách làm này mang lại hiệu quả cao hơn, bà con từng bước mở rộng quy mô sản xuất na sạch lên hơn 50 ha, chiếm hơn 70% diện tích na của cả thôn. 

Không những thế, tổ hợp tác còn được hỗ trợ bao gói có tên sản phẩm “Na Nghĩa Phương”, tem truy xuất nguồn gốc qua điện thoại thông minh. Tháng 8/2019, sản phẩm “Na Nghĩa Phương” được Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định IQC công bố bảo đảm tiêu chuẩn VietGAP và HTX Na dai Nghĩa Phương thành lập, mở ra cơ hội sản xuất chuyên nghiệp hơn cho người Suối Ván.

3. Khi trái ngọt được “đặt tên”, Ban Giám đốc HTX, lãnh đạo Chi hội Nông dân thôn Suối Ván luôn quan tâm mời gọi giới thiệu, quảng bá na Nghĩa Phương qua các phương tiện truyền thông, tích cực mang sản phẩm tham gia hội chợ, triển lãm để nhiều người biết đến chất lượng, mẫu mã. Bắt đầu từ tháng Bảy, thôn Suối Ván nhộn nhịp vào mùa quả ngọt. 

Xe tải của thương nhân đến từ Hà Nội nối nhau thu mua. Bao giờ cũng vậy, những thùng hàng nhãn hiệu “Na Nghĩa Phương” của HTX luôn có giá cao hơn từ 5 đến 10 nghìn đồng/kg, được ưu ái thu mua trước và nhiều hơn. HTX yêu cầu bà con thực hiện nghiêm quy định chỉ hái quả trước một ngày khi chín thì mới giữ được độ ngọt, thanh, mát vốn có của “Na Nghĩa Phương”. Đây cũng là cách người Suối Ván giữ chữ tín cho sản phẩm của mình.

Đến nay, không chỉ người dân Suối Ván, nhiều hộ ở các thôn trong xã như: Trí Yên, Tó, Kỳ Sơn, Mương Làng… thấy trồng na hiệu quả cũng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, tham gia HTX. Gần 100% số gia đình ở Suối Ván là hộ khá và giàu. Vùng quả ngọt Nghĩa Phương trở thành điểm sáng phát triển kinh tế của huyện, mỗi năm mang lại doanh thu 125 tỷ đồng. 

Chia sẻ về những dự định cho cây na và HTX Na dai Nghĩa Phương, ông Hoàng Văn Thành cho biết sẽ giữ vững chất lượng, từng bước mở rộng vùng na VietGAP, thực hiện các quy định được đăng ký quyền bảo hộ sản phẩm và hướng tới xuất khẩu “Na Nghĩa Phương”.

Huyền Sơn vào mùa na chín
Cuối hạ, sang thu, xã Huyền Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang), nơi được mệnh danh là “thủ phủ na dai” vào mùa thu hoạch. Từ nhiều năm nay, cây na đã trở thành cây phát triển kinh tế, mang lại cuộc sống ổn định cho người dân vùng bán sơn địa này.
Củ, quả “khủng” ở Lễ hội trái cây Nam Bộ
Lễ hội trái cây Nam Bộ năm 2018 do Sở Du lịch, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Du lịch văn hóa Suối Tiên phối hợp tổ chức diễn ra từ ngày 1 đến 17-6 tại Khu du lịch văn hóa Suối Tiên (quận 9, TP Hồ Chí Minh). Tại đây, các nhà vườn đã mang đến trưng bày nhiều loại củ, quả với kích thước, hình dáng đột biến, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách thập phương.

Khai mạc Lễ hội Trái cây Nam Bộ
Ngày 1-6, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương TP và các đơn vị liên quan tổ chức khai mạc Lễ hội Trái cây Nam Bộ lần thứ 14 - năm 2018.

Cao Minh Ngọc 

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...