Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 24 °C / 24 - 27 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Dân hiến “tấc vàng”, rộng mở đường vào khu xử lý rác

Cập nhật: 09:36 ngày 03/04/2020
(BGĐT) - Giữa màu xanh trùng điệp của núi rừng Lục Ngạn, một con đường bê tông còn tươi màu xi măng uốn lượn bên sườn đồi dẫn chúng tôi vào khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung chuẩn bị được xây dựng tại thôn Cai Lé, xã Kiên Thành. "Tấc đất tấc vàng" song nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng con đường, tạo mặt bằng sạch ủng hộ địa phương làm bãi rác vì lợi ích cộng đồng.

Lấy bao nhiêu cũng được

Nhờ có con đường bê tông này mà cơn mưa rừng bất chợt không làm gián đoạn chuyến đi của chúng tôi. Ngồi trên xe, ông Vũ Văn Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiên Thành trò chuyện: “Mới trước Tết thôi, tuyến đường này còn vô cùng khó đi, rộng hơn 3m, gặp trời mưa thì chỉ có cách đứng im. Được bà con hiến đất, giờ đây đường rộng 5,5m, nối dài từ ngã ba Đèo Cạn đến điểm cuối là khu xử lý chất thải thuộc thôn Cai Lé dài gần 4,5km. Nhìn các cháu đi lại, bà con lao động sản xuất thuận lợi, ô tô xe máy bon bon mà vui”.

{keywords}

Một đoạn đường bê tông ở thôn Cai Lé.

Nhắc đến các gia đình hiến đất phải kể đến ông Hoàng Văn Hải (SN 1965), đảng viên, nguyên công an viên của xã. Trong ngôi nhà của ông, vật dụng bày biện không có gì gọi là khá giả, nhưng khi đề cập câu chuyện hiến đất, ông cười vang: “Hiến đất hả, chuyện nhỏ ấy mà. Mình ủng hộ địa phương làm đường dẫn vào khu xử lý rác là phục vụ lợi ích cộng đồng, có lợi ích của mình ở trong đó, mình thấy bình thường mà”. Rồi ông Hải kể: “Chúng tôi được tuyên truyền về việc hiến đất làm đường khoảng đầu năm 2019 thì phải. Nhưng hôm xã đến đo, tôi bị ốm phải nằm ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh điều trị. Cháu Điệp (anh Vi Văn Điệp, nguyên Trưởng Công an xã- PV) gọi điện cho tôi nói là xã muốn cắm mốc để chuẩn bị giải phóng mặt bằng. Tôi bảo các cháu ở nhà cứ tiến hành thôi, đưa máy vào mà múc, lấy bao nhiêu cũng được, thoải mái”. Tính ra, ông hiến 250m2, trên diện tích đó có hơn 20 cây vải thiều trồng được gần hai chục năm và nhiều cây rừng. Không chỉ gia đình mình, ông còn nhắc người con trai Hoàng Văn Chính hiến thêm gần 200m2 bám đường cho Nhà nước mà không đòi hỏi bất kỳ sự đền bù nào.

{keywords}

Ông Hoàng Văn Hải hiến 240m2 đất cho Nhà nước làm đường vào Khu xử lý rác.

Chúng tôi đến nhà ông Hoàng Văn Uẩn, ngôi nhà khá khang trang, chiếc ô tô Hyundai Grand i10 đỏ chót ông vừa tậu mới toanh đỗ xịch ở sân khiến tôi không khỏi ngỡ ngàng. Ở tuổi 58, cứ đôi ba ngày ông lại lái xe chở vợ ra chợ huyện cách nhà chừng 15km mua sắm đồ dùng, thức ăn cho cả nhà. “Nhờ có con đường bê tông nên tôi mới dám mua ô tô. Chứ như xưa đường đất nhỏ hẹp, có tiền cũng chả bao giờ nghĩ đến”- ông Uẩn cho biết. Khi Nhà nước đề cập đến việc làm đường, xây dựng khu xử lý rác ở thôn, gia đình ông là một trong số ít người đồng thuận ngay từ đầu. Khi được hỏi ông hiến bao nhiêu mét vuông đất, ông chau mày: “Tôi không nhớ đâu, Nhà nước cứ đo cho đủ, làm được bao nhiêu thì làm”. Nghe cha nói vậy, hai người con trai ông là Hoàng Văn Phúc và Hoàng Văn Kim tiếp lời: “Khoảng 600m2 bố ạ”. Từng có gần 20 năm làm Trưởng thôn Cai Lé, có được sự uy tín với bà con trong thôn, cứ mỗi lần đi chơi, hội họp, gặp gỡ mọi người, nhất là vào dịp lễ Tết của đồng bào, ông lại khéo léo đưa câu chuyện hiến đất làm đường, dự án xử lý rác thải vào tỉ tê tâm tình, dò hỏi tâm tư bà con. Từ đó, tuyên truyền vận động để mọi người hiểu, đồng thuận với chủ trương của Nhà nước.

Khác với nhiều nơi, việc hiến đất để mở đường rộng đẹp cho người dân đi lại thuận lợi, Cai Lé còn thêm một “nhiệm vụ” nữa là “dọn đường” cho một dự án mà ban đầu mới nghe ai cũng ngại: “Dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung” đặt ở cuối thôn giáp với xã Sơn Hải.

Ông Hoàng Văn Thắng, Trưởng thôn thông tin: Cai Lé có 45 hộ, chủ yếu là người dân tộc Nùng, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi thay khi được Đảng, Nhà nước quan tâm. “Chuyện gia đình ông Hải, ông Uẩn hiến đất không phải ngoại lệ. Việc hiến đất đã trở thành nghĩa cử cao đẹp lan tỏa trong cộng đồng, mặc dù lúc đầu gặp không ít khó khăn”. Khi hiểu rõ lợi ích chung, người dân trong thôn đã hiến tổng số 2.049m2 đất để mở rộng gần 4,5 km đường dẫn vào tận khu xử lý rác thải, tạo mặt bằng sạch cho Nhà đầu tư triển khai dự án theo đúng tiến độ, kế hoạch.

Từ không chấp nhận đến đồng thuận cao

{keywords}

Sau khi đi tham quan ở tỉnh Thái Bình, ông Hoàng Văn Uẩn rất tâm đắc với mô hình xử lý rác thải tới đây ở xã Kiên Thành (Lục Ngạn).

Khác với nhiều nơi, việc hiến đất để mở đường rộng đẹp cho người dân đi lại thuận lợi, Cai Lé còn thêm một “nhiệm vụ” nữa là “dọn đường” cho một dự án mà ban đầu mới nghe ai cũng ngại: “Dự án khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung” đặt ở cuối thôn giáp với xã Sơn Hải. Nói về vấn đề này, ông Vũ Văn Thuấn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Kiên Thành tâm trạng: “Ban đầu, nhiều người còn ngần ngại lắm. Nói đến rác thì ở đâu cũng lo, vận động mở đường cho nhà máy rác còn lo hơn. Để có được thành quả là con đường bê tông rộng dài nối thẳng vào tận cùng khu xử lý rác thải, tạo mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, chúng tôi phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động. Muốn dân nghe, dân tin, trước hết phải rạch ròi, minh bạch”. Theo ông Thuấn, người dân sợ bãi rác ảnh hưởng đến cuộc sống nên không đồng thuận. Tâm lý không nằm ở chỗ hiến bao nhiêu mét đất mà chỉ lo khi đi vào hoạt động bãi rác sẽ gây ô nhiễm môi trường.

Khắc phục nỗi lo này, chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành đoàn thể từ huyện đến xã đã tổ chức nhiều cuộc họp để “nói hết với dân”; kiên trì phân tích, giải thích để người dân hiểu, đưa ra những cơ sở thực tiễn để khẳng định việc hiến đất, làm đường đặc biệt là xây dựng khu xử lý chất thải là hoàn toàn có lợi cho dân. Trăm nghe không bằng một thấy, huyện còn tổ chức đưa người dân đi tham quan, thị sát thực tế khu Nhà máy xử lý rác thải rắn ở tỉnh Thái Bình. Với sự kết hợp đồng bộ ba giải pháp công nghệ: Tách lọc rác, hầm ủ hữu cơ làm phân vi sinh; lò đốt rác; đóng rắn nguyên liệu làm vật liệu xây dựng, nhà máy xử lý chất thải rắn được xây dựng tại đây không hề gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tạo công ăn việc làm cho khoảng 40 lao động địa phương.

Chính những người tiên phong như ông Hoàng Văn Uẩn, anh Hoàng Văn Chính và nhiều người dân khác đã trực tiếp đến nơi này. Tại đây, họ đã quay video, nghe giới thiệu quy trình xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Các loại rác qua bao khâu xử lý không hề ô nhiễm. Ngay sát nhà máy ở Thái Bình còn có trường học tồn tại bao năm mà không hề ngửi thấy mùi ô nhiễm. Sau đó, những người này trở thành "hạt nhân" đến từng hộ dân tuyên truyền, phân tích những lợi ích của việc xây dựng nhà máy, qua đó vận động các hộ tham gia hiến đất mở rộng đường, đồng thuận với chính quyền. Đơn cử như ông Hoàng Văn Tẩy, Vi Văn An… ban đầu không chấp nhận nhưng sau đó đã đồng ý hiến nhiều diện tích đất cho làm đường. Hay như ông Lục Văn Sít dành hơn 300m2 để lấy đất sạch làm dự án: “Mình đồng thuận để lấy cuộc sống cho nhiều người”.

Đến nay, 100% người dân trong thôn đã đồng thuận xây dựng Dự án Khu xử lý rác thải rắn sinh hoạt tập trung tại xã Kiên Thành. Tin rằng "đầu xuôi đuôi lọt", khi nhà máy đi vào hoạt động, cùng với giải quyết công ăn việc làm tại chỗ cho người dân và những ưu tiên đi kèm sẽ góp phần thúc đẩy KT-XH nơi đây phát triển.

Xã Kiên Thành cần tăng tốc độ phát triển kinh tế - xã hội
(BGĐT) - Đó là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thân Văn Khánh, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Lục Ngạn (Bắc Giang) tại buổi giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020 ở xã Kiên Thành ngày 18-5.
50 tình nguyện viên Hà Nội hoạt động tại xã Kiên Thành (Lục Ngạn)
(BGĐT) - Từ ngày 24 đến 25-8, Thành đoàn Hà Nội phối hợp Tỉnh đoàn tổ chức chuỗi hoạt động tình nguyện tại xã Kiên Thành, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) thu hút gần 50 tình nguyện viên tham gia. 
Lục Ngạn: Đưa vào sử dụng đường liên xã Kiên Thành-Sơn Hải-Hộ Đáp

(BGĐT)- Sau gần ba năm cải tạo, nâng cấp, tuyến đường giao thông liên xã Kiên Thành - Sơn Hải - Hộ Đáp (Lục Ngạn) vừa được bàn giao đưa vào sử dụng. Công trình do UBND huyện là chủ đầu tư.

 
3 tỷ đồng xây dựng chợ Kiên Thành
UBND xã Kiên Thành (Lục Ngạn) vừa đầu tư 3 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án di dân tái định cư Trường bắn Quốc gia TB1 xây dựng chợ.
 

Tuấn Minh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...