Thứ sáu, 26/04/2024
Bắc giang 28 °C / 27 - 38 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Cây cầu hạnh phúc trên hồ Cấm Sơn

Cập nhật: 08:05 ngày 20/09/2019
(BGĐT) - Nếu ai về xã Sơn Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trong những ngày này, hẳn sẽ bất ngờ vì sự xuất hiện của một cây cầu mới trên mặt hồ Cấm Sơn, nối từ thôn Tam Chẽ sang thôn Đấp. Sự thay đổi ấy là do 5 hộ dân trong xã vừa tạo nên thông qua việc đóng góp công sức, tiền của lắp đặt chiếc cầu phao dài hàng trăm mét giúp cho giao thông thuận tiện, an toàn hơn... 

Giấc mơ có thật

Mặc dù xe máy của cậu con trai đã lên đỉnh dốc, nhưng bà Lại Thị Còm, dân tộc Nùng ở thôn Đấp, xã Sơn Hải vẫn nán lại ngắm cây cầu phao trên hồ Cấm Sơn. Đây là chiếc cầu do 5 hộ dân ở hai thôn Đấp và Tam Chẽ (cùng xã) đầu tư kinh phí, ngày công để lắp đặt.

{keywords}

Chiếc cầu phao dài 300 m nối hai thôn.

Bà Còm nhớ lại, trước đây, người dân thôn Đấp và Đồng Mậm (cùng xã) muốn đi ra ngoài đều phải sử dụng đò. “Đã có lần, tôi suýt mất mạng vì bị cảm vào ban đêm, đò không hoạt động, gọi mãi mới được người chở đưa đi bệnh viện cấp cứu”, bà Còm tâm sự. Được biết, sáng nay, bà Còm được cậu con trai chở bằng xe máy ra Trạm Y tế xã để khám, điều trị bệnh zona thần kinh ở cổ.

Đầu giờ sáng, những ánh nắng thu trượt trên mặt hồ, chạy theo con sóng ánh lên màu vàng lấp lánh. Anh Vi Văn Thắng, ở thôn Tam Chẽ, một trong 5 người bỏ kinh phí, công sức ra làm cầu phao đứng vịn tay vào lan can cầu, đưa mắt nhìn về hòn đảo xanh mướt xa xa in bóng trên mặt hồ Cấm Sơn. 

Anh Thắng kể, do gia đình anh ở cạnh bến đò nên anh đã chứng kiến nhiều cảnh vất vả, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của người dân mỗi khi qua đây. Hồ nước chỗ này khá sâu, lên đến vài mét; khoảng cách hai bờ cũng xa. Bởi vậy, mỗi khi trời mưa to, gió lớn, các chủ đò không dám chở khách. Trong khi đó, số dân ở hai thôn Đấp và Đồng Mậm cũng lên đến 1,4 nghìn người. Hằng ngày, nhu cầu người dân đi lại khá lớn. 

Đặc biệt, lo ngại nhất là các em học sinh ở hai thôn phải thường xuyên ra trung tâm xã để học. “Vào buổi trưa, nhìn cảnh các cháu mệt mỏi đứng chờ đò để về nhà, tôi thấy thương lắm. Đã có đêm, tôi nằm mơ nơi đây có một cây cầu để dân trong vùng đi lại thuận tiện, an toàn hơn”, anh Thắng chia sẻ. Từ đó, anh Thắng càng nung nấu ước muốn xây dựng cầu.

{keywords}

Các em học sinh trong vùng đi lại thuận lợi nhờ chiếc cầu phao mới xây dựng.

Nghĩ là làm, tháng Bảy vừa rồi, anh Thắng rủ anh Giáp Văn Dương (cùng thôn) và ba người ở thôn Đấp là các anh Đàm Văn Sảo, Đàm Văn Ke, Lâm Văn Tài xin phép chính quyền xã cho lắp đặt cầu phao nối giữa hai thôn. Bằng cách vay mượn thêm anh em, bạn bè, mỗi gia đình bỏ ra hơn 100 triệu đồng để lắp đặt cầu mới, biến giấc mơ không chỉ của anh Thắng mà của mọi người dân nơi đây thành hiện thực.

“Kỹ sư bản” trổ tài

Ở phía đầu cầu, thỉnh thoảng lại lóe lên ánh lửa. Nơi ấy có anh Đàm Văn Sảo, SN 1982, dân tộc Nùng- là thành viên trong nhóm làm cầu phao đang hàn những thanh sắt vào nhau, giúp cho lan can cầu chắc chắn hơn. Anh Sảo là thợ cơ khí, chuyên làm mái, cửa sắt các loại. 

Mặc dù anh mới học hết lớp 5, chả có bằng cấp về nghề hàn, song nhờ kiên trì tự học trên mạng Internet, tivi, rồi mua máy hàn về làm, qua thời gian, tay nghề của anh được nâng lên, làm được nhiều sản phẩm chất lượng, bà con trong vùng biết đến. Mọi người ở đây vẫn gọi anh với cái tên “kỹ sư bản”.

Vừa hàn xong một mối hàn, anh Sảo dừng tay khoe: “Cây cầu dài hơn 300 m này do chính 5 anh em trong nhóm tự thiết kế dựa trên nhiều mẫu cầu phao khác nhau trên địa bàn huyện”. Theo anh Sảo, cầu được làm bằng khung thép không gỉ, với 50 khúc hợp vào nhau. Mỗi khúc dài 6 m, được tạo bởi 3 cái phao làm bằng nhựa tổng hợp có khả năng chống chịu sức va đập của nước. 

Mặt cầu là những tấm gỗ keo ghép lại, rộng 2,3 m, có bắn ốc ghim. Trên cầu còn bố trí những cột đèn thắp sáng, giúp người và phương tiện lưu thông dễ dàng vào ban đêm. Đặc biệt, các khúc được dây cáp níu xuống đáy hồ bằng những khối bê tông nặng 1-2 tạ. 

Bằng cách vay mượn thêm anh em, bạn bè, mỗi gia đình bỏ ra hơn 100 triệu đồng để lắp đặt cầu mới, biến giấc mơ không chỉ của anh Thắng mà của mọi người dân nơi đây thành hiện thực.

“Khác với cầu phao trên sông, suối, cầu phao ở đây phải thay đổi liên tục vì nước hồ lúc đầy, lúc vơi. Do đó, cầu cần được thiết kế từng khúc, có tính cơ động cao. Nếu nước xuống sâu, chúng tôi sẽ tháo bớt khúc ra cho phù hợp, làm sao các phao đỡ thân cầu luôn tiếp xúc với mặt nước”, anh Sảo phân tích.

Nhờ có “kỹ sư” Sảo nên nhóm làm cầu không phải thuê thêm thợ cơ khí để làm. Anh Sảo chuyên làm nhiệm vụ hàn, cắt các thanh sắt, 4 thành viên khác phục vụ thêm vào, mỗi người một việc. Các khúc cầu được hàn thành khung, gắn phao ở trên cạn, sau đó đưa xuống nước để ráp nối và đóng ván mặt cầu. Các anh miệt mài làm liên tục trong vòng hai tháng. 

Công việc làm cầu được chính quyền xã Sơn Hải phân công cán bộ thường xuyên kiểm tra, giám sát nhằm giúp cho cây cầu bảo đảm an toàn khi đưa vào sử dụng. Ông Vi Văn Sáo, Chủ tịch UBND xã Sơn Hải cho biết: “Ngày nào chúng tôi cũng cử người đến kiểm tra, xem xét việc làm cầu. Qua đây nhắc nhở các gia đình tuân thủ đúng kỹ thuật”.

Niềm vui vỡ òa

Đúng ngày Quốc khánh 2-9 vừa qua, khu vực quanh thôn Tam Chẽ và Đấp vui như mở hội. Không chỉ vui niềm vui ngày Tết Độc lập, bà con nơi đây còn phấn khởi hơn bao giờ hết vì cây cầu phao mới đã gắn đôi bờ với nhau. 

Từ nay trở đi, người dân không vất vả mỗi khi qua khu vực này. Hàng hóa được lưu thông thuận tiện, đời sống vật chất, tinh thần sẽ được nâng lên. Đặc biệt, các em học sinh yên tâm cắp sách đến trường, không còn cảnh chen chúc trên chiếc thuyền mong manh giữa mặt hồ mênh mông sóng nước…

{keywords}

Cầu còn được bố trí lối đi cơ động để tàu, thuyền dễ dàng qua lại.

Tôi đang loay hoay tìm chỗ đứng để chụp thêm một vài kiểu ảnh về cây cầu thì bất chợt có tiếng còi xe máy phía sau. Ngoảnh lại, thấy một phụ nữ trạc tuổi 25, trên xe có mấy mớ rau xanh, thịt lợn, mì gạo... Hỏi chuyện, mới biết đó là cô giáo Lại Thị Luyện, giáo viên khu lẻ ở thôn Đấp, Trường Mầm non Sơn Hải. Cô giáo Luyện là người dân tộc Nùng, sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Mậm. 

Tốt nghiệp sư phạm, cô Luyện lấy chồng ở xã Nam Dương (cùng huyện) nhưng vẫn về đây dạy học. Ngày nào cô cũng qua khu vực này ít nhất hai lần. Vì thế, chiếc cầu phao này rất có ý nghĩa với cô. “Hôm nay, em ra đây lấy thực phẩm về để nhà trường nấu ăn cho trẻ. Trước đây phải qua đò cách trở, nay có cầu phao, nhà trường không lo thực phẩm không được tươi ngon nữa”, cô Luyện nhoẻn miệng cười, mắt lấp lánh niềm vui.

Trời về trưa, lượng người qua cầu phao tấp nập hơn. Trong đó có các em học sinh vai mang khăn quàng đỏ đi thành hàng dài, in bóng xuống mặt hồ xanh biếc, tạo nên bức tranh sinh động. Chủ tịch UBND xã Sơn Hải Vi Văn Sáo cho biết, xã đã nhất trí để các hộ làm cầu phao được thu phí 5 nghìn đồng/người và phương tiện xe đạp, xe máy qua cầu để bù vào số tiền các hộ đã bỏ ra làm cầu. 

Số tiền này bằng tiền vé đi đò như trước đây. Riêng các em học sinh được miễn tiền vé. UBND xã cũng sẽ phối hợp với các hộ dân giám sát chặt chẽ việc vận hành cầu để bảo đảm an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua đây.

Mặt trời đã đứng bóng, mẹ con bà Còm khám bệnh xong, rẽ qua chợ trung tâm xã mua vài đồ dùng sinh hoạt rồi về nhà. Gặp mấy người quen ở đầu cầu, bà Còm vui vẻ nói: “Cây cầu này nên đặt tên là cây cầu hạnh phúc”. Mọi người ồ lên hưởng ứng. 

Cậu con trai của bà Còm vững tay chở mẹ lướt nhẹ trên chiếc cầu phao về nhà. Bà Còm vẫn không thể dời mắt ngắm từng nhịp cầu với vẻ mặt phấn chấn khôn xiết. Có lẽ, đúng như lời bà Còm nói, bằng trách nhiệm xã hội vì cộng đồng, 5 hộ dân ở nơi vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn này đã tạo nên cây cầu hạnh phúc, mang niềm vui, no ấm đến bản làng...

Lên Cấm Sơn theo câu hát
(BGĐT)- Tìm theo câu hát “Núi (ư) núi, thuyền (ư) thuyền…/ Thuyền ta ngược, thuyền ta xuôi, giữa dòng nước bạc nhịp chèo ta bơi…" của Nhạc sĩ Phó Đức Phương, mới đây, chúng tôi ngược đường lên hồ Cấm Sơn (Lục Ngạn) - nơi năm 1971 người nhạc sĩ tài hoa đã tức cảnh sinh tình, sáng tác nên ca khúc “Hồ trên núi” nổi tiếng. 
Cấm Sơn chuyển mình
(BGĐT) - “Cấm Sơn có núi Ba Hòn, có đoàn du kích lên non diệt thù” là câu ca  người dân xã Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn truyền tai để nhắc nhở nhau cùng đoàn kết vươn lên. Gần 70 năm, kể từ ngày Đội du kích núi Ba Hòn đánh thắng quân Pháp xâm lược, Cấm Sơn đã chuyển mình với bao đổi thay. 
Tình thầy trò ở vùng hồ Cấm Sơn
(BGĐT) - Việc dạy và học ở các xã đặc biệt khó khăn vùng hồ Cấm Sơn, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đầy gian nan do cách trở về địa lý, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với nỗ lực của thầy và trò nên chất lượng giáo dục nơi đây từng bước nâng lên.

Đỗ Thành Nam

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...