Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Như mạch nguồn chảy mãi

Cập nhật: 10:33 ngày 17/08/2018
(BGĐT) - Sông Cầu chảy qua địa phận huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) có vị trí địa chính trị quan trọng. 16 xã dọc dải sông này (ATK II Hiệp Hòa) đã trở thành chiếc nôi cách mạng của cả vùng, đóng góp một phần không nhỏ làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945. 
{keywords}

Cụm công nghiệp Hợp Thịnh, xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa).

Đứng trên bờ đê ngắm cầu Vát, cầu Mai Đình- Đông Xuyên in bóng xuống dòng sông mơ màng, nghĩ về phong trào cách mạng tiền khởi nghĩa và cuộc cách mạng xây dựng nông thôn mới ở ATK II hôm nay, lòng thấy tự hào biết bao.

Lịch sử gọi tên ATK

Cứ mỗi độ thu sang, ATK II Hiệp Hòa - một địa chỉ đỏ gắn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, nơi lưu giữ một phần ký ức của dân tộc lại được nhắc đến như một minh chứng không thể thiếu của lịch sử. Trước Cách mạng Tháng Tám, nơi đây là cửa ngõ, phên dậu án ngữ hai vùng chiến lược trọng yếu giữa châu thổ sông Hồng với vùng rừng núi Việt Bắc rộng lớn, là địa bàn quan trọng để T.Ư, Xứ ủy và Ủy ban Quân sự Cách mạng Bắc Kỳ tổ chức các lớp huấn luyện chính trị, quân sự cho các tỉnh. 

Đây cũng là nơi mà người dân một lòng một dạ đi theo cách mạng, tích cực nuôi giấu, bảo vệ an toàn cho nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, đồng thời cung cấp vật dụng, lương thực, thực phẩm để cưu mang những người cùng chí hướng, chung lý tưởng và lòng yêu nước.

Giữa trưa, nắng trải vàng trên khu vườn trồng kín cam, bưởi, trong ngôi nhà khang trang nằm trên khu đất mang tên Đồi Trọc thuộc thôn Nội Quan, xã Mai Trung, tôi được tiếp chuyện với cụ Ngô Khắc Thọ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã. 

Ở tuổi ngoài 80 với 55 tuổi Đảng, cụ không còn nhớ chi tiết những sự kiện lịch sử đã diễn ra ở đây, nhưng nhắc đến phong trào Cách mạng của người dân ở Hiệp Hòa, cụ Thọ đọc lại lời đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh, nguyên Trưởng Ban công tác Đội ATK II rằng: “Chưa có trường hợp nào nhân dân ở đây làm lộ bí mật. Chưa có trường hợp nào người dân ở đây đầu thú khai báo. Nhân dân ở đây rất tốt, đồng bào ở đây đã hy sinh tất cả để bảo vệ cách mạng”.

{keywords}

Cụ Ngô Khắc Thọ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Mai Trung kể về truyền thống quê hương.

Về Hiệp Hòa, tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện về những địa điểm tiêu biểu trong hệ thống di tích ATK II. Điển hình như: Đền Soi, xã Hoàng Vân - địa điểm huấn luyện quân sự của cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa; nhà ông Ngô Văn Thấu, xã Hoàng Vân - cơ sở cách mạng đầu tiên của ATK II Hiệp Hòa; nhà ông Ngô Văn Chế, xã Hoàng Vân- nơi mở lớp huấn luyện chính trị của Đảng thời kỳ tiền khởi nghĩa (tháng 11-1942); nhà ông Ngô Văn Đông, xã Hoàng Vân - địa điểm mở Hội nghị quân sự Bắc Kỳ lần thứ nhất; đình Xuân Biều- địa điểm mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trong Cách mạng Tháng Tám 1945…

Những tên đất gắn liền với phong trào cách mạng của nhân dân Hiệp Hòa như xóm Đá Hoàng Vân, Cẩm Bào, Xuân Biều, Trung Định, Trung Hưng, Đa Hội, chợ Dật, bến Vát, đình Mai Phong, chùa Trung Hòa… vẫn được ghi nhớ và khắc tên cả trong lịch sử và hiện tại hôm nay.

Vươn lên trên vùng quê cách mạng

Năm tháng qua đi, vùng đất ATK II hôm nay đã vươn mình cùng với sự đổi mới của cả nước. Nhiều làng quê trở thành những trung tâm dân cư đông đúc nhộn nhịp như phố thị. Trên dải sông này, hai cây cầu bê tông đã thay thế những bến đò, bến phà xưa, ngày ngày tấp nập người qua lại sang Bắc Ninh, ra Thủ đô Hà Nội, lên Thái Nguyên… đưa lao động đến các khu công nghiệp một cách thuận tiện, nhanh chóng. Cách cầu Mai Đình - Đông Xuyên không xa, một cây cầu mới đang được thi công theo vành đai 4 nối Hiệp Hòa với nút giao thông Bắc Phú (huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Khu công nghiệp Hòa Phú (xã Mai Đình) đang hình thành đón các doanh nghiệp vào sản xuất.

Ngày 8-8-2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định công nhận 16 xã dọc dải sông Cầu thuộc huyện Hiệp Hòa là ATK II của T.Ư thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945, gồm : Hoàng Vân, Hoàng An, Hoàng Thanh, Đồng Tân, Thanh Vân, Hoàng Lương, Thái Sơn, Hòa Sơn, Quang Minh, Hùng Sơn, Đại Thành, Hợp Thịnh, Mai Trung, Xuân Cẩm, Hương Lâm và Mai Đình.

Ngay sát chân cầu Vát là Cụm công nghiệp Hợp Thịnh luôn nhộn nhịp với 1.500 công nhân làm việc trong các doanh nghiệp sản xuất gạch, linh kiện điện tử và cơ khí chính xác, chế biến tinh dầu quế hồi xuất khẩu. Và đây nữa, hình hài cụm công nghiệp Hà Thịnh (xã Hợp Thịnh), Thanh Vân (xã Thanh Vân), Việt Nhật (xã Hương Lâm)… đã được xác định, tương lai gần trở thành những điểm công nghiệp sầm uất. 

Con sông Cầu ầm ập nước cho những bãi bồi phù sa màu mỡ, xanh mướt ngô, khoai, dâu tằm mang đến một diện mạo nông nghiệp mới cho ATK II Hiệp Hòa như lời cụ Ngô Khắc Thọ nói với tôi: Trước đây khó khăn trăm bề nhưng bà con vẫn luôn tin theo Đảng, nay càng tin hơn khi đời sống đã sung túc hơn nhiều. Công cuộc xây dựng nông thôn mới đã ăn sâu đến từng gia đình, trong mỗi con người. Đường bê tông rộng thênh thang, nhà cửa tươi mới, điện sáng khắp nơi, trường học, nhà văn hóa, chợ, các công trình phục vụ dân sinh cũng được xây dựng nhiều.

Nhưng để đạt được thành quả hôm nay không phải dễ dàng. Cụ Thọ trầm tư: Thôn tôi chỉ có hơn 100 hộ - dân số và diện tích vào diện nhỏ nhất xã, đã có lúc các phong trào của thôn bị trầm lắng, một số công trình không huy động được sức dân nên dang dở. Chi bộ với 10 đảng viên đã tổ chức họp, sốc lại tinh thần với sự quyết tâm cao. Như một “hội nghị Diên Hồng”, tinh thần ấy đã được thổi vào từng đảng viên và lan tỏa đến nhân dân. Chỉ trong vài tháng, nhà văn hóa được xây mới khang trang; hai sân bóng chuyền, một sân cầu lông, một bàn bóng bàn sáng chiều kín người rèn luyện. Đường ngõ mở rộng 4 mét, mương tưới tiêu đến tận chân ruộng, máy móc cơ bản thay thế sức người.

Trong mạch câu chuyện, Bí thư Đảng ủy xã Mai Trung Nguyễn Xuân Thảo phấn chấn: Để xứng đáng với truyền thống quê hương cách mạng, chúng tôi tập trung cao cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển KT-XH. Ở một xã với 4 nghìn hộ, hơn 16 nghìn dân thì việc thường xuyên tổ chức đối thoại với nhân dân, công tác dân vận luôn được coi trọng. Cải cách hành chính phục vụ nhân dân một cách tốt nhất cũng được xã đi trước toàn huyện.

Nhận thấy địa phương không có nhiều điều kiện để phát triển công nghiệp, xã chú trọng vào sản xuất nông nghiệp với việc dồn điền đổi thửa, xây dựng hai cánh đồng mẫu lớn trên diện tích 72 ha với đặc sản nếp cái hoa vàng và lúa chất lượng cao; đang xây dựng 3 mô hình nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 6 nghìn m2 nhà lưới. Công trình trường mầm non, tiểu học cũng vừa được xây dựng thêm khang trang… "Mục tiêu năm nay về đích nông thôn mới đã trong tầm tay rồi”- Bí thư Thảo khẳng định.

Bí thư Huyện ủy Hiệp Hòa Nguyễn Thị Hoa cho biết: Bộ mặt nông thôn vùng ATK II hôm nay đã có sự đổi mới nhanh chóng. Đường trục ngõ ở tất cả 16 xã cơ bản được cứng hóa. Trục thôn đã được mở rộng, bê tông hóa 100%. Trụ sở các cơ quan công quyền được xây dựng khang trang, phục vụ tốt nhất nhu cầu người dân.

Trong sản xuất nông nghiệp, vẫn là chân ruộng ấy nhưng đã là những cánh đồng được dồn đổi, tít tắp cò bay, đưa công nghệ cao, chất xám vào sản xuất. Điển hình là lúa nếp Thái Sơn, rau cần Hoàng Lương, dưa lưới Thường Thắng, rau sạch Hoàng An, dưa VietGAP Mai Đình… Một loạt các khu, cụm công nghiệp được hình thành đã và đang thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của vùng; chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi phục vụ nhu cầu nông sản cho các vùng phụ cận nhất là Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên. 

Và có một điều Bí thư Nguyễn Thị Hoa nhắc đến liên tục, đó là ký ức, truyền thống cách mạng trên quê hương Hiệp Hòa phải được giữ gìn mãi mãi. Điều này đã được đưa vào giáo án lịch sử ở các trường phổ thông trong toàn huyện; qua xuất bản sách, in bản đồ, băng đĩa và bồi dưỡng đào tạo giáo viên dạy lịch sử địa phương.

Vâng, với giá trị lịch sử đặc biệt quan trọng, như mạch nguồn mãi chảy, nhân dân các xã thuộc ATK II Hiệp Hòa luôn tự hào với truyền thống cách mạng, vững tin tiếp bước, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Hơn 1,8 tỷ đồng hỗ trợ 12 xã ATK II
(BGĐT) - Từ nguồn phân bổ vốn chương trình 135, huyện Hiệp Hòa được hỗ trợ hơn 1,86 tỷ đồng phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế giúp hộ nghèo và cận nghèo.
 
Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích An toàn khu II huyện Hiệp Hòa”
(BGĐT) - Ngày 31 - 8, tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện tổ chức hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị hệ thống di tích An toàn khu II (ATK II) huyện Hiệp Hòa”. 
 
Cuộc sống mới ở ATK Hiệp Hòa
(BGĐT) - 16 xã an toàn khu (ATK) huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) là một trong những cái nôi của phong trào cách mạng năm xưa. Nơi đây từng che chở, nuôi giấu nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước thời kỳ hoạt động bí mật. Hôm nay, vùng quê này đã và đang từng ngày thay da đổi thịt, đời sống người dân khấm khá hơn.
 
Hoàng Vân – Nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên ở Hiệp Hòa
(BGĐT) - Hiệp Hòa là vùng quê với nhiều di tích đã được xếp hạng như đền, chùa Y Sơn, xóm Đỏ, các lăng Dinh Hương, họ Ngọ, các đình Lỗ Hạnh, Vân Xuyên, Lỗ Hạnh, Xuân Biều… Trước Cách mạng tháng Tám, Hiệp Hòa đã được chọn là “An toàn khu II” của Trung ương Đảng và xứ ủy Bắc Kỳ. 
 
Đổi mới trên quê hương An toàn khu II Hiệp Hòa
(BGĐT) - Cách đây 71 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những người nông dân quê hương Hiệp Hòa (Bắc Giang) đã dựng cờ cách mạng mở màn cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám lịch sử. Hôm nay, An toàn khu II đã có nhiều đổi thay, bắt nhịp  với công cuộc đổi mới của đất nước. 
 

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...