Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nỗi đau từ thuốc bảo vệ thực vật

Cập nhật: 14:39 ngày 11/05/2018
(BGĐT) - Thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) được dùng trong nông nghiệp đã giúp cây trồng tăng năng suất, mùa màng bội thu. Vậy nhưng nó cũng là nỗi ám ảnh, đau thương của nhiều gia đình khi sản phẩm bị sử dụng sai mục đích. Có người dùng để kết liễu đời mình, người lại nhằm hãm hại người khác để rồi gây ra những hậu quả đau lòng.
{keywords}

Ám ảnh người ở lại

Tháng 7 năm ngoái là khoảng thời gian người dân xã Tư Mại (Yên Dũng) không thể nào quên. Bởi lẽ, chỉ trong hơn một tuần, hai người tại địa phương uống thuốc trừ cỏ tự tử. Để tìm hiểu rõ sự tình, chúng tôi được cán bộ xã dẫn vào thăm gia đình chị Lưu Thị T, thôn Bắc Am có mẹ chồng là bà Nguyễn Thị Đ (SN 1951) tử vong do uống thuốc cỏ cháy.

Ngôi nhà chị T khá khang trang, rộng rãi nằm trong một con ngõ nhỏ song chỉ có chị và hai con nhỏ sinh sống. Gương mặt đượm buồn, chị T tâm sự: “Chồng tôi đi làm thuê ở miền Nam, thi thoảng mới về. Mẹ chồng tôi mất khiến ngôi nhà trở nên trống vắng, hiu quạnh”. Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngụy Thị H, hàng xóm với bà Đ vẫn nhớ như in hôm đó. Mấy hôm trước khi xảy ra chuyện, bà Đ hay kêu mệt, buồn bã. Ai dè, một buổi sáng sớm, một số người cao tuổi đi tập thể dục thấy mảnh giấy gắn ở cổng nhà mình do bà Đ để lại. Tò mò, bà H mở ra xem mới hay bà Đ đã uống thuốc trừ cỏ. Mọi người tá hỏa đưa bà Đ đi cấp cứu. Bà H nói: “Sang nhà, tôi thấy bà ấy quằn quại, nôn ói đang bò từng bậc cầu thang. Hình ảnh đó ám ảnh tôi mãi. Sau khi được rửa ruột tại bệnh viện, bà Đ vẫn tỉnh táo, tâm sự với chúng tôi là do chán nản, buồn phiền mà nghĩ quẩn. Sau gần hai ngày, bà Đ yếu dần, bị bệnh viện trả về do không cứu được”.

{keywords}

Với thuốc trừ cỏ có chất Paraquat, người lớn uống với lượng khoảng 2 thìa cà phê thì tỷ lệ tử vong cao, chỉ khoảng trong 24 giờ. Đây là thuốc nằm trong nhóm cực độc làm suy đa tạng, nếu được lọc máu, bệnh nhân có thể ổn định sau đó thường chết do sơ phổi".


Bác sĩ Trần Quốc Hưng, Khoa Hồi sức tích cực, chống độc (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).

Sự ra đi đột ngột của bà Đ khiến gia đình, người thân không khỏi xót xa. Bố chồng chị T mất chưa được bao lâu thì mẹ chồng lại xảy ra chuyện. Nhìn các con, cặp song sinh chưa đầy hai tuổi, chị T bộc bạch: “Khi bà còn sống, cả nhà quây quần sớm tối. Có bà ở nhà, tôi cũng có thể chạy đi chạy lại lo việc đồng áng. Giờ đây thì không thể làm gì được, chỉ riêng chăm sóc hai con đã ngốn hết thời gian rồi”. 

Cũng tháng 7 năm ngoái, bà Nguyễn Thị H, thôn Tân Hưng đã dùng thuốc trừ cỏ cháy để kết liễu cuộc đời mình. Trao đổi với cán bộ địa phương được biết, bà H là mẹ đơn thân có một con trai. Bao tâm sức bà dành cho con với hy vọng nó khôn lớn, chăm ngoan, trở thành người có ích cho xã hội. Nào ngờ, thằng bé không vâng lời, hiếu thuận lại nghịch ngợm, phá phách với đủ tật như: Rượu chè, cờ bạc khiến tiền của trong nhà “đội nón” ra đi, kinh tế khánh kiệt. Khuyên bảo mãi không được, bà H đã lựa chọn cái chết bằng cách uống thuốc cỏ cháy và mất vào ngày 7-7-2017. 

Cung cấp thông tin cho phóng viên về những trường hợp tử vong do uống thuốc trừ cỏ, anh Nguyễn Văn Phương, cán bộ tư pháp xã Tư Mại chia sẻ về một trường hợp anh trực tiếp đưa đến bệnh viện. Anh bảo, dù chuyện xảy ra vài năm trước nhưng khiến người chứng kiến không thể nào quên sự đau đớn, vật vã của nạn nhân. Đó là anh Phạm Trí T, thôn Tân Ninh chỉ vì vợ chồng to tiếng, cãi vã mà uống thuốc cỏ cháy và chết ngay sau đó. Người vợ ở lại một mình vừa làm cha, vừa làm mẹ nuôi dạy các con, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Sử dụng đúng mục đích

Tìm hiểu nguyên nhân, chúng tôi nhận thấy đa phần những người tự tử bằng thuốc BVTV là do mâu thuẫn trong tình cảm, cuộc sống gia đình. Nhiều người không kiềm chế được cảm xúc dẫn tới hành động dại dột. Ví như trường hợp chị Ngụy Thị V, thôn Hưng Thịnh, xã Tư Mại. Tháng 7 năm ngoái, trong lúc nóng giận, người chồng đã nói ra câu nặng nề, chị V cảm thấy tức tối và uống thuốc diệt chuột. Được cấp cứu kịp thời, chị V đã thoát khỏi “lưỡi hái tử thần”. Hay có người bị trầm cảm, buồn bã trong thời gian dài, cuộc sống bế tắc đã có những hành động dại dột. Vào tháng 2-2018, vì giận chồng, chị Phạm Thị N ở xã Tân Dĩnh (Lạng Giang) đã ép hai con nhỏ cùng mình uống thuốc trừ cỏ. 

{keywords}

Căn nhà bà Nguyễn Thị Đ, thôn Bắc Am, xã Tư Mại (Yên Dũng) uống thuốc trừ cỏ.

Có trường hợp, người mất đi để lại những băn khoăn, day dứt với người ở lại. Anh Nguyễn Văn V (SN 1993), thôn Làng Phúc Mãn, xã Xuân Hương (Lạng Giang) buồn bã kể về cái chết đột ngột của người vợ sắp cưới. Cuối năm ngoái, gia đình hai bên chuẩn bị đầy đủ cho lễ vu quy của anh. Vậy mà, trước hôm diễn ra lễ đính hôn, anh nhận được tin báo cô dâu đã uống thuốc trừ cỏ, đang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai. Anh vội vàng đến bệnh viện thì cô cũng chỉ kịp nói với anh hai chữ “xin lỗi” rồi qua đời. Buồn chán, bị người làng dị nghị nhưng điều khiến anh luôn đặt câu hỏi là “vì sao cô ấy lại làm vậy?” bởi hai người tìm hiểu, đến với nhau hoàn toàn tự nguyện.

Tuy nhiên, cũng có người lại dùng thuốc BVTV vào mục đích hãm hại người khác. Mới đây, một chuyện xảy ra khiến người dân bất bình là đối tượng Hà Thị Móc dùng thuốc diệt chuột trộn vào cháo để đầu độc chồng là anh Lưu Bá Quyền và hai cháu nhỏ tại xã Liên Sơn (Tân Yên). 

Theo thống kê của Phòng Kế hoạch Tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), năm 2017, đơn vị ghi nhận có hơn 200 trường hợp bị ngộ độc các chất chủ yếu không phải nguồn gốc dược phẩm, trong đó chủ yếu liên quan đến thuốc BVTV. Tổng hợp của Khoa Hồi sức tích cực, chống độc của Bệnh viên, từ đầu năm đến nay, bình quân mỗi tháng, Khoa xử lý khoảng 10 ca ngộ độc thuốc BVTV. Bệnh nhân bị ngộ độc đều do tự uống. Mới đây nhất, anh Đào Văn T, xã Đông Lỗ (Hiệp Hòa) nhập viện do uống thuốc trừ sâu, đến ngày 2-5 bệnh không thuyên giảm nên gia đình xin đưa về nhà và đã tử vong. 

Bác sĩ Trần Quốc Hưng, Khoa Hồi sức tích cực, chống độc cho biết: "Những trường hợp uống thuốc trừ sâu, bệnh nếu được cấp cứu kịp thời thường qua khỏi. Riêng đối với thuốc trừ cỏ có chất Paraquat, người lớn uống với lượng khoảng 2 thìa cà phê thì tỷ lệ tử vong cao, chỉ khoảng trong 24 giờ. Đây là thuốc nằm trong nhóm cực độc làm suy đa tạng, nếu được lọc máu, bệnh nhân có thể ổn định nhưng sau đó thường chết do sơ phổi".

Từ những vụ việc trên cho thấy, ngộ độc do thuốc BVTV đang có xu hướng gia tăng ở khu vực nông thôn, đòi hỏi cần có những giải pháp tuyên truyền hiệu quả như: Tư vấn gia đình, câu chuyện gia đình hay tư vấn tâm lý từ các hội, đoàn thể nhằm giáo dục, nâng cao nhận thức cho người dân; đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn để họ hiểu và hạn chế những suy nghĩ tiêu cực dẫn tới cái chết không đáng có. Một điều đáng lưu tâm là hiện nay, các loại thuốc BVTV được mua khá dễ dàng, trong đó có nhóm thuốc diệt cỏ Paraquat. Chính việc quản lý lỏng lẻo này là nguyên nhân để số người bị ngộ độc và tử vong do thuốc BVTV ngày càng tăng, gây nên những hậu quả cực kỳ nghiêm trọng. Do đó phải quản lý chặt chẽ, hạn chế nhập hoặc cấm lưu hành những hóa chất cực độc. Đáng mừng là Bộ Nông nghiệp và PTNT đã có văn bản chỉ đạo hạn chế nhập khẩu thuốc trừ cỏ có chứa hoạt chất Paraquat và dần tiến tới cấm sử dụng. Dù vậy thì yếu tố quan trọng vẫn là thuốc BVTV phải được sử dụng đúng mục đích trong nông nghiệp để bảo vệ cây trồng. Hơn nữa cần có phiên tòa lưu động xét xử những đối tượng phạm pháp hình sự liên quan đến thuốc BVTV nhằm tạo sức răn đe trong cộng đồng.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...