Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 26 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Canh rừng ngày xuân

Cập nhật: 10:19 ngày 13/02/2018
(BGĐT) - Tết là dịp mọi người nghỉ ngơi, thăm hỏi, chúc mừng người thân, bạn bè nhưng lực lượng kiểm lâm vẫn cần mẫn làm việc, ngày đêm lặng lẽ tuần tra, canh trực, giữ bình yên cho những cánh rừng. Với họ, Tết cũng gắn với công việc giữ rừng.
{keywords}

Cán bộ kiểm lâm Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử tuần tra, bảo vệ rừng.

Cả đời gắn bó với rừng xanh

Đặt lịch từ trước nên vừa đến Trạm Kiểm lâm địa bàn Khe Rỗ (Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử) ở xã An Lạc (Sơn Động), tôi đã thấy anh Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban Quản lý bảo tồn Tây Yên Tử cùng một số kiểm lâm viên ngồi đợi. Bốn bề núi non trùng điệp, cuối năm tiết trời nơi đây càng thêm lạnh giá, cái rét tê tái như cứa vào da thịt. 

Sau thủ tục chào hỏi, tôi được các anh đưa cho đôi giày đi rừng cổ cao, buộc dây, có cỡ nhỏ nhất. Hành trang tôi đeo trên người chỉ là chiếc máy ảnh nhỏ, trong khi các anh - người đeo ba lô đựng lương khô, nước uống, người mang theo vật dụng đi rừng cần thiết.

Theo chân những cán bộ kiểm lâm tuần tra vài vạt rừng, hai chân tôi đã mỏi nhừ. Nghỉ chân bên bờ suối, anh Sơn kể: “Tôi gắn bó với nghề này đến nay ngót 37 năm. Quá nửa quãng thời gian ấy, tôi đón giao thừa giữa rừng già”. 

Nói rồi, anh tâm sự, những năm đầu thập kỷ 80 của thế kỷ trước, khi mới lên nhận nhiệm vụ bảo vệ rừng ở khu vực xã An Lạc, cuộc sống thiếu thốn, bốn bề chỉ thấy có rừng. Bây giờ thông tin liên lạc, đường đi lại thuận tiện hơn song việc giữ rừng lại vất vả, gian nan hơn bởi lâm tặc hoạt động ngày càng tinh vi, tình trạng người dân phá rừng cũng nhiều hơn.

Ông Đồng Xuân Thanh, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) cũng là một kiểm lâm viên gạo cội. Gần 60 tuổi, ông có gần 40 năm làm nghề giữ rừng. Hết Sơn Động đến Yên Thế, bao năm làm nghề là từng ấy cái Tết ông dành thời gian ở rừng. 

Theo lời ông, công việc của kiểm lâm địa bàn chủ yếu là nắm tình hình, tham mưu cho UBND các địa phương có rừng và tham gia tuần tra, truy quét ngăn chặn vi phạm về quản lý, bảo vệ rừng. Nói thì đơn giản vậy, nhưng để bảo vệ được từng khoảnh rừng là cả một cuộc chiến đầy cam go, không ít nguy hiểm. 

Khi được hỏi giữ rừng ngày Tết có gì khác, ông trải lòng: “Kiểm lâm không có thời gian nghỉ Tết. Đón Tết trong rừng đã thành lệ của cán bộ kiểm lâm. Mỗi khi Tết đến, mọi người, mọi nhà quây quần bên gia đình, "cánh" kiểm lâm vẫn canh rừng cũng thấy chạnh lòng lắm. Khi mọi nhà đón năm mới, mình ngủ giữa rừng già, giữ chốt, trạm cũng thấy tủi thân. Nhưng nếu xa rừng vài ngày lại nhớ vô cùng…”, ông Thanh bộc bạch.

Không chủ quan, lơ là

Với những cán bộ kiểm lâm và người làm nhiệm vụ giữ rừng, dịp Tết cũng là thời gian cao điểm của công tác đấu tranh, ngăn chặn phá rừng và trực phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR). Bởi đây là đỉnh cao của mùa khô, cộng với các đối tượng xấu thường lợi dụng những ngày Tết để phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. 

Ông Từ Quốc Huy, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh nói: “Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các Hạt kiểm lâm, Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng; đội kiểm lâm cơ động và PCCCR tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác, truy quét xóa bỏ triệt để các tụ điểm mua bán, cất giữ, vận chuyển gỗ, lâm sản trái phép. Với các trạm kiểm lâm có rào chắn (barie), Chi cục tăng cường lực lượng, bố trí biên chế hợp lý để bảo đảm trực kiểm tra, kiểm soát 24/24 giờ”.

Thời điểm giáp Tết, các phương án, kịch bản tuyên chiến với hành vi xâm hại tài nguyên rừng, nhất là vận chuyển gỗ lậu, PCCCR được lực lượng kiểm lâm ở các địa phương chuẩn bị chi tiết. Để giữ rừng, từng cán bộ kiểm lâm địa bàn thuộc Hạt Kiểm lâm Sơn Động phối hợp với các lực lượng khác kiểm tra, truy quét, ngăn chặn các hành vi khai thác, cất giữ, vận chuyển, kinh doanh lâm sản trái phép, trong đó tập trung vào các tuyến, địa bàn trọng điểm như: Quốc lộ 279, quốc lộ 31; các xã: An Lạc, Tuấn Mậu, Vân Sơn, Hữu Sản...

Thực tế, từ đầu năm đến nay, nhiều vụ mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ bị ngăn chặn. Điển hình, ngày 23-1, trong quá trình tuần tra, bảo vệ rừng, tổ công tác Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động phát hiện Vũ Văn Bách (SN 1988), trú tại xã Nghĩa Phương (Lục Nam) đang vận chuyển hơn 1,4 m3 gỗ gù hương thuộc loài nguy cấp, quý hiếm. Mới đây, ngày 29-1, Hạt Kiểm lâm huyện Sơn Động bắt quả tang Nguyễn Danh Ngọc (SN 1979), trú tại phường Đa Mai (TP Bắc Giang) có hành vi mua, bán trái phép 0,871 m3 gỗ và 14 tấn củi rừng tự nhiên...

Còn tại huyện Yên Dũng - “điểm nóng” về cháy rừng của tỉnh, 100% các xã, thị trấn có rừng đã xây dựng phương án, bố trí chốt bảo vệ rừng. Anh Lã Mạnh Cường, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Dũng chia sẻ: “Chiều 29 Tết năm ngoái, do bất cẩn khi thắp hương tảo mộ, người dân làm lửa bén sang lớp thực bì nên xảy ra cháy gây thiệt hại 2,8 ha rừng trồng. Rút kinh nghiệm, năm nay, cùng với tăng cường kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm, tuyên truyền để người dân nâng cao cảnh giác khi xử lý thực bì và tảo mộ dịp Tết, chúng tôi bố trí lực lượng, phương tiện trang thiết bị phù hợp tại các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao để xử lý tình huống kịp thời, tại chỗ không để xảy ra cháy và cháy lớn”.

Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...