Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Đất thiêng

Cập nhật: 14:42 ngày 07/02/2018
(BGĐT) - Rời xa đô thị, xa lối sống thị thành, khách thăm có nhiều nơi tĩnh tâm, chầm chậm chiêm nghiệm cuộc đời. Có người bạn, châu Âu, châu Mỹ, châu Á nơi nào cũng từng đặt chân nhưng mới rồi tới được Lũng Cú, lên được Fansipan như tự giải thoát cõi lòng, bớt phần áy náy bấy lâu. Điều rất đơn giản đó là vùng đất thiêng...
{keywords}

Cột cờ Lũng Cú.

Từ Tuyên Quang, nếu theo du lịch đỏ du khách có thể tới hơn ba trăm địa danh gắn với bao huyền tích lịch sử. Đó là mảnh đất thiêng từ xa xưa ông cha dựng nước, rồi Đảng và Bác Hồ chuẩn bị khởi nghĩa dựng chính quyền công nông đầu tiên, lại trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Mái đình Hồng Thái, đình Tân Trào, cây đa hay lán Nà Lừa như chứng nhân lịch sử còn đây, cả không gian như còn âm âm lời tuyên thệ: Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do!.

Dòng người đổ lên Hà Giang bằng đủ loại phương tiện ô tô, xe máy, xe đạp, tây có ta có. Một bên là cao nguyên đá - công viên địa chất toàn cầu, một bên là vực thẳm đầy hiểm nguy nhưng hút khách đến lạ kỳ. Thành phố Hà Giang - Yên Minh - Quản Bạ - Đồng Văn - Mèo Vạc xưa kia mới nghe đã xa lắc lơ, đầy trắc trở mà giờ đây sao ấm nóng tình người. Phép lạ là lá cờ nơi địa đầu phần phật bay trong gió mỗi mét vuông đại diện cho một dân tộc anh em đất Việt, là cánh đồng hoa tam giác mạch bảy màu hun hút từ đường cái quan tới tận chân núi, là những người Mông không kể trẻ già hồn nhiên, rạng rỡ trong sặc sỡ trang phục dân tộc mang trên mình hay còn lý do nào khác? Khó bề giải thích rành rẽ, có lẽ là tất cả.

{keywords}

Một nét Đồng Văn.

Hàng trăm cây số đi trong đá, trên hay dưới đá thuộc công viên địa chất được thế giới công nhận, các phượt thủ thích thú lao vun vút và tha hồ cảm nhận, khám phá cảm giác mạnh. Từ trong kẽ đá, như có phép màu, những cây ngô, cụm bắp chồi ra và đó là nguồn nuôi dưỡng con người, vật nuôi trên mảnh đất này. Người ta treo mình trên vách đá trồng trọt, chăn thả bò dê và làm đường Hạnh phúc Mã Pí Lèng. Năm bảy chục năm nay rồi, nhiều người lớn lên đã thấy như thế những tưởng những cảnh vật ấy tồn tại tự muôn đời. Lên cột cờ Lũng Cú! Đó là mục tiêu cao cả nhất của chuyến đi. Ai cũng muốn có được tấm hình nơi cực Bắc Tổ quốc Việt Nam, nơi dấu chân mình đã trải. Một trạm thuộc Đồn biên phòng Lũng Cú ngay sát đường có barie gác chắn. Từ đây, anh em có thể kiểm soát lượng người, phương tiện lên cột cờ hằng ngày. Một hạ sĩ quan Biên phòng quê Phú Thọ đang trực phiên tâm sự như trải lòng mình:

- Khi nhận nhiệm vụ, anh em lính nghĩa vụ cứ nghĩ miễn hoàn thành công việc là được. Nào ngờ, cờ Tổ quốc Việt Nam lại có sức quyến rũ là vậy. Những ngày giá rét tới độ âm, cái đói, cái khát vật lộn cùng ùng oàng biên giới mà không chỉ bạn bè trong nước, người nước ngoài vẫn đến với chúng tôi, sưởi ấm lòng chiến sĩ nơi biên cương. Thật xúc động.

Tôi nói tự nhiên như đọc cho người lính trẻ:

- Từ đất Tổ lên đây, nhiệm vụ của các em là thiêng liêng lắm. Mảnh đất này là đất thiêng mấy nghìn năm sừng sững. Quanh quất đâu đây, hồn núi, hồn sông và hồn cốt dân tộc luôn hòa quyện nên luôn làm vững tâm mọi người. Được bảo vệ Tổ quốc nơi địa đầu là hạnh phúc không chỉ riêng mình, mà cả gia đình, dòng họ.

Mấy người nước ngoài trân trân nhìn tôi không biết có hiểu điều tôi nói nhưng người lính biên phòng thì rưng rưng vẻ thấm thía.

Ngọn núi thiêng Hàm Rồng, Lũng Cú cờ đỏ sao vàng bay trong gió chiều nay như khác lạ, rực rỡ hơn những bông hoa đào núi phớt hồng đã điểm. Lạ thế, còn tới hai tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán mà hoa đào đã nở. Có lẽ Xuân muốn sớm về với đất thiêng nghìn năm nước Việt?

Dẫu đường xa nguy hiểm nhưng lên đến Cột cờ Lũng Cú, người ta leo thoăn thoắt qua gần ba trăm bậc đá, ôm bia ghi dấu “Cột cờ quốc gia Lũng Cú, Đồng Văn, Việt Nam” rồi đi tới lui cả bát giác, xuýt xoa từng bức phù điêu khắc đá dưới chân cột. Kỹ hơn thì trèo thêm mấy chục bậc trong lòng cột lên cao ngắm nhìn xung quanh núi Rồng (Thăng Long), dưới núi đôi mắt Rồng (Long Nhãn), qua bên kia cũng điệp trùng mây núi. Tương truyền từ thời Lý trên đỉnh núi này từng có chiếc trống đồng, mỗi khi gióng lên làm âm vang cả sông núi nước Nam.

Vậy là hả hê với nắng, với mây gió Lũng Cú, du khách đến với nhà Vương, nơi Vương Chính Đức (vua Mèo) cùng con là Vương Chí Sình lập dựng. Nhà Vương cai quản cả vùng cực Bắc, một phần Đông Bắc trồng và thu hái anh túc, họ quay lưng cả với Pháp với quân Tưởng (phía bên kia là Bắc Hà, Lào Cai có Hoàng A Tưởng cũng vậy). Những gì còn lại là hiện vật gốc cả những vũ khí tiễu phỉ thuở nào, còn Vương Chí Sình đã được Cụ Hồ mời về Hà Nội tham gia Quốc hội Việt Nam dân chủ cộng hòa tới hai khóa đầu tiên. “Đắc nhân tâm” - cách thu phục lòng người của Cụ Hồ linh nghiệm biết bao.

Mảnh đất Hà Giang thương nhớ đằm sâu còn bởi phố cổ Đồng Văn, chợ phiên rượu ngô Mèo Vạc, đường đèo Mã Pí Lèng - Con đường Hạnh phúc ngang núi, trên con sông Nho Quế như dải lụa mềm. 

Ngọn núi thiêng Hàm Rồng, Lũng Cú cờ đỏ sao vàng bay trong gió chiều nay như khác lạ, rực rỡ hơn những bông hoa đào núi phớt hồng đã điểm. Lạ thế, còn tới hai tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán mà hoa đào đã nở. Có lẽ Xuân muốn sớm về với đất thiêng nghìn năm nước Việt?.

Ghi chép của Cảnh Mạnh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...