Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 29 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khe Đin - bản "4 không"

Cập nhật: 09:36 ngày 24/11/2017
(BGĐT) - Cùng tổ công tác của UBND xã An Lạc, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đến thăm 6 hộ dân bản Khe Đin (trước thuộc xã Lâm Ca, huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn) vừa được huyện Sơn Động tiếp nhận, chúng tôi mới thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của người dân nơi đại ngàn heo hút này. Mọi người đều mong bà con nhận được sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn của các cấp, ngành để vơi bớt những khó khăn.
{keywords}

Đường vào bản Khe Đin.

Gian nan đường vào bản

6 giờ 30 phút, chúng tôi có mặt tại trung tâm xã Vân Sơn (Sơn Động). Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Hải, Phó trưởng Công an xã Phạm Văn Tân và anh Ban Văn Thành, công an viên thôn Nà Trắng đã đợi sẵn. Đường vào Khe Đin là lối mòn nhỏ, nhiều dốc dựng đứng, có đoạn cheo leo. Cơn mưa rừng bất chợt đêm hôm trước làm đường trơn trợt, khó đi hơn. Đường ngoằn ngoèo, chạy qua những khu rừng đặc dụng khiến chúng tôi “ngợp” bởi độ nguy hiểm.

Dừng chân nghỉ giữa chặng, anh Phạm Văn Tân chia sẻ: “Tôi đi thường xuyên, quen đường nhưng nhiều lúc cũng ngã lên ngã xuống. Rất may hôm qua mưa nhỏ, nếu mưa lớn còn khó đi hơn nữa”. Đoàn xe 5 chiếc, lúc leo dốc chỉ nghe tiếng động cơ ì ì. Nhiều đoạn, xe vừa bò lên đỉnh dốc lập tức được hãm lại bằng cả phanh trước và sau để “trôi” xuống. Vừa đổ dốc, anh Ban Văn Thành vừa nhắc tôi về số 1, chân rà nhẹ phanh nếu không dễ bị ngã. Lên dốc không nguy hiểm bằng xuống dốc. Xe trước và xe sau phải giữ khoảng cách nhất định để chẳng may có sự cố không đâm vào nhau. Cứ thế, sau gần 3 giờ, Khe Đin mờ ảo hiện ra trong lớp sương núi. Từ đằng xa có thể nhận thấy những mái nhà thấp lè tè, đơn sơ, nép bên tán rừng. Lâu nay sống cách biệt với bên ngoài nên khi thấy người lạ, nhiều cháu nhỏ cứ dáo dác nép sau lưng mẹ.

{keywords}

Cuộc sống tự cung tự cấp của người dân Khe Đin.

Bản “4 không”

{keywords}

Trước mắt, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND xã An Lạc rà soát, thực hiện tốt các chính sách ưu tiên cho các hộ, trong đó tập trung hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Về lâu dài, chúng tôi sẽ tham mưu với tỉnh xây dựng phương án di dời các hộ dân ra khỏi vùng lõi, kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chăm lo cho các hộ dân”.


Ông Giáp Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Động

Bản Khe Đin thuộc quản lý hành chính của xã Lâm Ca song khu vực 6 hộ sinh sống, canh tác nằm sâu trong địa phận Bắc Giang khoảng 1 km và là vùng phục hồi sinh thái của Khu Bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử. Theo lời kể của ông Triệu Hiệu Thanh (SN 1964), Trưởng bản, năm 1981, một số hộ đồng bào Dao ở huyện Đình Lập đến khu Cam Cang, thôn Nà Trắng làm rẫy rồi định cư ở đây. Có thời điểm, đây là nơi sinh sống của 9 hộ với hơn 50 khẩu. 

Do điều kiện khó khăn, 7 hộ đã rời đi. Hai hộ còn lại tách thành 6 hộ với 25 nhân khẩu. 6 nóc nhà lọt thỏm giữa núi rừng. Nhà nào cũng trống hơ trống hoác, chẳng có vật dụng hay tiện nghi sinh hoạt có giá trị. Vừa may áo, chị Triệu Thị Ba (SN 1977), chia sẻ: “Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều thế hệ. Với chúng tôi, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là đủ gạo ăn qua ngày”.

Ghé thăm nhà bà Triệu Thị Tu (60 tuổi), thuộc diện nghèo nhất bản, chúng tôi mới thấy hết sự thiếu thốn, chật vật của người dân nơi đây. Căn nhà dựng tạm ghép từ những miếng gỗ vụn vặt, thủng lỗ chỗ. Trong nhà, dăm món đồ đạc không đáng giá bày ra cho có. Hai chiếc giường cũ là nơi ngả lưng của 5 người... Hỏi về bữa ăn, bà Tu khẽ nói: “Lá rừng, mấy thức rau trồng ở vườn, còn thịt thì được đôi lần mỗi tháng”. Mấy đứa cháu của bà cũng chịu thiệt thòi nhiều, chưa đứa nào học đến lớp 6. Mới nhất, Triệu Tài Thuận cũng bỏ học khi vừa hết lớp 5 để ở nhà chăn trâu và trông em.

Tương tự, Triệu Tiến Đức (con trai chị Triệu Thị Ba) dù đã 18 tuổi song cũng chỉ biết theo cha mẹ lên rừng kiếm củi.... Trong mạch câu chuyện ấy, anh Đỗ Xuân Hải kể, cuộc sống của đồng bào vô cùng khó khăn, các hộ sống dựa vào 4 mẫu đất nông nghiệp, 4 mẫu nương bãi và 13 ha đất trồng cây lâm nghiệp. Khu vực các hộ đang ở là bản 4 “không”: Không điện, không đường, không trường học và không dịch vụ y tế.

{keywords}

Bản Khe Đin nằm giữa núi rừng.

25 người, một ước mơ

Thực hiện chỉ đạo của T.Ư, tháng 10 vừa qua, UBND huyện Sơn Động hoàn tất thủ tục tiếp nhận 6 hộ dân Khe Đin với 25 khẩu. Ngay sau đó, huyện và xã An Lạc đã triển khai thực hiện các thủ tục hành chính như cấp đổi chứng minh thư, chuyển sổ hộ khẩu và các giấy tờ liên quan khác, đồng thời tạo điều kiện để các hộ yên tâm sản xuất. “Chúng tôi kêu gọi người dân về thôn Nà Trắng sinh sống để được chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin và có điều kiện hơn để sản xuất nhưng họ còn nghi ngại bởi lo khó thích nghi, không có đất canh tác”, Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Xuân Hải cho biết thêm.

Trò chuyện với người dân Khe Đin, ai cũng ao ước được đến nơi ở mới, có đường đi lại thuận lợi, có điện sinh hoạt, có trường học, trạm y tế để tăng gia sản xuất, các con học hành và được chăm sóc sức khỏe như bao người dân khác. Tuy vậy, do điều kiện khó khăn nên tâm lý người dân chưa muốn dời mảnh đất đã gắn bó hơn 30 năm qua.

Theo lý giải của nhiều người, nếu bán cả gia tài gồm trâu, bò và một số vật dụng khác cộng với tiền hỗ trợ theo chương trình định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số cũng không đủ mua một mảnh đất nhỏ, chưa kể xây nhà và thiếu đất để sản xuất. Anh Triệu Tiến Lưu (SN 1977) mong muốn: “Nay chúng tôi đã là công dân Bắc Giang, mong muốn các cấp, ngành tạo mọi điều kiện để bà con bớt khó khăn, hỗ trợ xây nhà cũng như bố trí đất sản xuất để chúng tôi an cư, lập nghiệp”.

Ghi chép của Sỹ Quyết

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...