Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nông dân Lê Văn Hoan: Khởi nghiệp từ gỗ loại

Cập nhật: 07:00 ngày 15/10/2017
(BGĐT) - Từng gắn bó với ruộng đồng, lập xưởng gỗ bóc, làm cán chổi xuất khẩu rồi mới đây thành lập Công ty Lâm sản Thành An, trở thành chủ doanh nghiệp nhưng doanh nhân Lê Văn Hoan, xã Đông Sơn, huyện Yên Thế (Bắc Giang) vẫn muốn được gọi là nông dân. Mới đây tại Hà Nội, anh vinh dự được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam tuyên dương nông dân khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc. 
{keywords}
Doanh nhân Lê Văn Hoan.

Mạnh dạn tìm hướng đi mới

Sau hội nghị tuyên dương nông dân khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc tại Hà Nội, doanh nhân Lê Văn Hoan bận rộn hơn bởi kinh doanh vốn đã vất vả, nay thêm nhiều doanh nghiệp (DN), đối tác trong cả nước biết tiếng đã chủ động kết nối giao thương. Anh bảo, bởi sinh năm Quý Sửu (1973), tuổi con trâu nên số vất vả, lận đận, ngoài 40 tuổi mới có công việc tạm ổn định. Từ khi biết lo cho cuộc sống gia đình, phải quyết định lập nghiệp, anh Hoan từng kinh qua rất nhiều nghề, nếm bao thất bại mới thành công như hôm nay. Những ngày theo cánh thợ xây trong vùng phụ vữa, rồi làm than, chạy xe ôm, thu gom vận chuyển hoa quả ra Hà Nội, quay thịt lợn, mở quán internet, lái xe thuê đường dài… khiến anh suy nghĩ, phải có nghề mới, khác biệt mới dễ vươn lên trong điều kiện người người, nhà nhà mở mang kinh doanh, cạnh tranh khốc liệt. 

Một lần chở hoa quả về chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội), thấy ở khu vực cầu Đuống có nhiều người phơi gỗ bóc dọc bờ đê, anh lân la tìm hiểu và được biết làm nghề bóc gỗ, bán cho các DN đóng đồ nội thất, phục vụ xây dựng dân dụng không quá khó, thị trường cho sản phẩm này luôn rộng mở. Hơn nữa, hệ thống thiết bị không phức tạp trong khi ở vùng quê Yên Thế rất nhiều gỗ rừng trồng, có thể dùng làm nguyên liệu tại chỗ, không phải vận chuyển từ xa sẽ giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Nghĩ vậy, anh Hoan gom toàn bộ tiền bao năm tích cóp của gia đình, vay ngân hàng, bạn bè được hơn 200 triệu đồng dựng xưởng, nhờ người quen từng thuê mình chở hoa quả ở Lạng Sơn cùng sang Trung Quốc mua máy móc, thiết bị về làm. Năm 2008, mẻ gỗ bóc đầu tiên ra đời trong niềm vui sướng của gia đình. Từ đây, công việc mới bắt đầu, hàng làm ra đến đâu được khách hàng là tiểu thương, DN ở Gia Lâm (Hà Nội) đến tận nơi thu mua, cơ sở bóc gỗ ngày càng phát triển, sản phẩm từng bước đa dạng… 

Đề cao chữ "tín" 

Dáng người nhỏ nhắn, lối nói chuyện cởi mở, chất phác của người xuất thân từ làm ruộng, với doanh nhân Lê Văn Hoan, nhiều sở thích có thể từ bỏ nhưng “món” thuốc lào thì không. Trong câu chuyện về khởi nghiệp, anh liên tục “châm” thuốc, khoan khoái nhả khói và vui vẻ như một nông dân “vừa cày xong thửa ruộng”.

{keywords}
Kiểm tra cán chổi khi phơi. 

Năng động trong kinh doanh, nhanh nhạy tiếp thu cái mới nhưng cũng cẩn trọng trong từng khâu công việc. Những ngày mới làm nghề, không ít lần máy bóc gỗ hỏng, rồi hàng chục mét khối thành phẩm mốc bị bạn hàng trả lại hoặc hạ giá, có lúc phải ép tăng năng suất để kịp giao hàng đúng hẹn… buộc ông chủ vừa làm thợ, vừa làm nhân viên bán hàng, phải thích nghi, hóa giải thành công để chèo lái cơ sở vươn lên. 

{keywords}

Mô hình sản xuất ván gỗ, cán chổi xuất khẩu của anh Lê Văn Hoan được Hội Nông dân đánh giá cao, là một trong 20 mô hình khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc. Anh Hoan đã biết tận dụng lõi gỗ để làm cán chổi mang lại thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động. Các cấp Hội Nông dân đã luôn đồng hành hỗ trợ, đồng thời tiếp tục tuyên truyền, làm cầu nối để các hội viên liên kết với cơ sở sản xuất này tham gia chuỗi giá trị”. 


Bà Leo Thị Lịch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh

Năm 2010, một lần tình cờ trò chuyện với nhân viên của một DN ở TP Hồ Chí Minh chuyên sản xuất và xuất khẩu cán chổi có nhu cầu tìm đối tác cung ứng nguyên liệu, anh Hoan nảy ra ý tưởng tận dụng lõi gỗ tại cơ sở của mình để cải tiến làm mặt hàng này. Trước đây, cây gỗ sau khi bóc lấy sản phẩm, chỉ còn phần lõi coi như phụ phẩm, dùng làm củi hoặc rào vườn. Chủ cơ sở học cách tuốt lại phụ phẩm theo kích cỡ cán chổi chuẩn, nắn thẳng, tiện gen, bọc nhựa… tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu của đối tác. Từng chiếc cán chổi được trau chuốt tỉ mỉ, soát xét kỹ càng loại bỏ sản phẩm lỗi trước khi đóng thùng, niêm yết khi giao hàng. Nhờ chất lượng bảo đảm, giá bán hợp lý, luôn giữ chữ tín với DN ký hợp đồng nhận hàng kể cả có lần chấp nhận lô hàng lỗ vốn do biến động thị trường nhưng bù lại, cán chổi ngày càng được mua với số lượng lớn, quy mô sản xuất mở rộng. Bây giờ, các công đoạn bóc gỗ, làm cán chổi dần tự động hóa. Mỗi tháng, DN cho ra thành phẩm 500 m3 gỗ ván bóc, ván ép; 300 nghìn chiếc cán chổi, tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập khoảng 5,5 triệu đồng/người…   

Không ngừng vươn lên             

Nói về cảm nhận khi được tôn vinh nông dân khởi nghiệp xuất sắc toàn quốc, anh Hoan kể, khắp mọi miền Tổ quốc, có rất nhiều nông dân vươn lên từ ruộng đồng, làng nghề nông thôn với những cách làm sáng tạo, hiệu quả. Đơn cử như chủ mô hình nuôi vịt trời xuất khẩu sang Nhật Bản ở Bắc Ninh, chưng cất tinh dầu quế tại Yên Bái hay nuôi chim cút lấy trứng bán cho Thái Lan ở Tiền Giang. Những nông dân tiêu biểu đều khởi nghiệp thành công từ mô hình cũ nhưng cách làm mới. “Mình may mắn hơn là sớm đưa nghề về vùng quê có tiềm năng nên nhiều cơ hội phát triển. Làm cán chổi xuất khẩu được cũng từ “nền” là uy tín của sản phẩm gỗ bóc. Bây giờ ở Bắc Giang “mọc” rất nhiều đơn vị sản xuất mặt hàng này nhưng ván bóc, cán chổi của “Hoan Đông Sơn” vẫn có sự khác biệt về chất lượng. Chẳng thế mà Tập đoàn Hòa Phát nổi tiếng cũng tìm về đây ký hợp đồng mua ván ép. DN cũng đang cải tiến quy trình bóc gỗ, làm ván ép, cán chổi, tiếp tục cho ra đời sản phẩm mới”, doanh nhân Lê Văn Hoan cho biết.  

{keywords}

Bọc nhựa, kiểm tra sản phẩm trước khi đóng gói.

Bây giờ không chỉ quẩn quanh trong xã Đông Sơn, doanh nhân Lê Văn Hoan hằng ngày đôn đáo khắp tỉnh, sang cả Thái Nguyên lo đủ nguyên liệu cho hai cơ sở sản xuất tại Yên Thế và một chi nhánh tại TP Thái Nguyên hoạt động theo đơn đặt hàng, rồi đi các tỉnh, TP tìm hiểu đối tác, ký các hợp đồng tiêu thụ ván gỗ, ván ép, cán chổi xuất khẩu, giao hàng đúng hẹn. Dù khởi nghiệp thành công, mỗi năm có thu nhập 1,5 đến 2 tỷ đồng nhưng anh chưa hề thỏa mãn. Doanh nhân này vẫn đau đáu làm thế nào để tận dụng hết nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng tại địa phương, cải tiến quy trình ép gỗ, ghép thanh gỗ thông xuất khẩu trực tiếp sang Canada hay ký hợp đồng xuất khẩu trực tiếp cán chổi sang Ai Cập, Thái Lan mà không qua  trung gian…

Cao Minh Ngọc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...