Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kiện tướng Nguyễn Anh Tuấn: Bay lên cùng quả cầu... vàng

Cập nhật: 10:10 ngày 11/08/2017
(BGĐT) - Trong khi đồng đội và đối thủ cùng trang lứa hầu hết đã chia tay sự nghiệp VĐV thì kiện tướng đá cầu Nguyễn Anh Tuấn (SN 1985) vẫn miệt mài với sân tập và những chuyến thi đấu dài ngày. Không chỉ là niềm đam mê, với đá cầu, chàng trai ở phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) đã gây dựng được sự nghiệp lừng lẫy.
{keywords}

Kiện tướng Nguyễn Anh Tuấn.

“Sau Đại hội này là... em nghỉ”

Trước Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014, trong những buổi mạn đàm bên cốc trà đá khu vực cổng nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, Nguyễn Anh Tuấn từng chia sẻ: “Thi đấu xong Đại hội này em nghỉ, vừa là để dành thời gian cho gia đình, vừa tập trung cho công tác huấn luyện”. Đại hội năm ấy, Tuấn và các đồng đội thi đấu không thành công. Cá nhân anh chỉ giành vẻn vẹn một HCĐ nội dung đội ba nam. Đại hội kết thúc, một lần nữa Tuấn nhắc lại lời đã nói với tôi: “Em nghỉ thôi”. Nhìn ánh mắt lúc đó, tôi biết Tuấn rất thất vọng, một phần vì tuổi tác không còn cho anh thể lực dồi dào để đua tài, phần khác cũng bởi lứa trẻ chưa kịp trưởng thành để  thay thế.

Sau lời khẳng định tưởng chắc như “đinh đóng cột” ấy, mọi người vẫn thấy Tuấn miệt mài đến sân tập. Ngoài huấn luyện đội trẻ, anh dành thời gian tập luyện để duy trì thể lực, kỹ thuật và phong độ. Ở nhà thi đấu thể thao tỉnh, Tuấn vẫn luôn là biểu tượng thành công đối với các VĐV trẻ. Gặp tôi, anh cười xòa: “Vẫn còn nhiệt huyết lắm anh ạ”! Câu nói đó thể hiện niềm đam mê lớn lao, trách nhiệm rất lớn của một VĐV trưởng thành với sự nghiệp thể thao tỉnh nhà. Trải qua không ít thăng trầm trong sự nghiệp, ngoài tình yêu, niềm đam mê bất tận dành cho quả cầu, anh gắn bó vì nhận thấy phía trước còn rất nhiều khó khăn, thách thức mà bộ môn đá cầu Bắc Giang phải trải qua khi lực lượng xáo trộn. 

Với trách nhiệm của mình - một người anh cả trong đội, Nguyễn Anh Tuấn không cho phép mình giã từ sự nghiệp VĐV, anh tự nhủ phải tiếp tục tham gia, dìu dắt lớp trẻ trưởng thành. Tuấn chấp nhận hy sinh quyền lợi cá nhân để gánh trên vai hai nhiệm vụ song song: HLV kiêm VĐV. Trong ba năm qua, anh đều đặn góp mặt ở tất cả những giải đấu lớn, trong đó có giải vô địch cá nhân và đồng đội toàn quốc. Với cấp độ quốc tế, sau khi giành một HCV đôi nam và một HCB đội ba nam Giải thế giới năm 2015 (tại I-ta-li-a), Anh Tuấn lại tiếp tục được tin tưởng và giao trọng trách dẫn dắt lứa tuyển thủ “đàn em” tại Giải vô địch thế giới năm 2017 tổ chức ở Hồng Kông (Trung Quốc) mới đây. 

Ở giải đấu quốc tế được coi là cuối cùng trong sự nghiệp, anh đã tạo nên cuộc bứt phá ngoạn mục, cùng đồng đội giành hai HCV đôi nam và đội ba nam, góp công lớn đưa đoàn Việt Nam lên ngôi vô địch. Xen lẫn hai giải đấu đẳng cấp ấy, Tuấn còn giành thêm hai HCV ở Đại hội thể thao bãi biển châu Á - ABG5 (năm 2016 tại Đà Nẵng)… Theo dõi trực tiếp Tuấn thi đấu, khán giả trầm trồ, khâm phục sức bật, sự dẻo dai, tinh tế và những đường cầu đẳng cấp của một VĐV đã… 32 tuổi.

{keywords}

Pha quét cầu uy lực của Anh Tuấn.

Tuấn “săn cầu” số một

Cách đây tròn 20 năm, từ cầu thủ của đội bóng đá nhi đồng tỉnh Bắc Giang, được nhiều HLV gợi ý, Anh Tuấn quyết định chuyển sang luyện tập môn đá cầu. Đó là may mắn đối với thể thao Bắc Giang và cá nhân Tuấn, bởi tất cả tài năng của anh được phát huy ở bộ môn vừa đòi hỏi thể hình, thể lực, dẻo dai lẫn kỹ thuật và sự tinh tế này. Trong khoảng thời gian đó, bằng tài năng của mình, anh đã giành vinh quang: Từ Đại hội TDTT toàn quốc năm 2006 đến năm 2011, Tuấn trở thành vị trí số 1 ở nội dung đơn nam, thậm chí là đôi nam-nữ. Anh cũng thường xuyên giành ngôi vô địch đội ba nam và đồng đội nam. 

Trên đấu trường quốc tế, bộ sưu tập của Tuấn lại càng phong phú. Ngoài 6 lần tham dự giải vô địch thế giới (lần nào cũng giành HCV), anh còn lên ngôi vô địch đá cầu Đại hội thể thao bãi biển, Đại hội thể thao trong nhà châu Á, vô địch SEA Games - Đại hội thể thao Đông Nam Á. Trong lần hiếm hoi nước Pháp tổ chức giải đá cầu (năm 2013), anh và đồng đội Bắc Giang cũng gặt hái thành tích bằng tấm HCV danh giá... Chẳng thế mà ông Trương Văn Đức, Phó Trưởng Phòng Huấn luyện và Thi đấu kiêm Trưởng bộ môn đá cầu (Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh) luôn đánh giá về Tuấn với niềm tự hào: “Nguyễn Anh Tuấn thuộc lứa VĐV đặc biệt xuất sắc của đá cầu Bắc Giang. Khả năng quan sát, bắt bài đối thủ tốt, cổ chân khéo léo, đầy sức mạnh cùng những cú dứt điểm chính xác chính là đặc điểm nổi bật tạo nên “thương hiệu” của Tuấn trong suốt sự nghiệp thi đấu”.

{keywords}
Anh Tuấn và chiếc cúp Nhất toàn đoàn Giải vô địch đá cầu thế giới 2017.

Thực tế, tài năng của Tuấn được giới đá cầu trong và ngoài nước ghi nhận. Thời điểm phong độ đỉnh cao, khi thi đấu đơn nam, anh thường xuyên có những pha kết thúc bằng tình huống quét cầu mạnh mẽ, gần như không cho đối phương cơ hội chống đỡ. Uy lực của cú quét ấy đến nỗi đối thủ đặt luôn cho anh biệt danh Tuấn “bổ củi”. Sau này, khi thể lực không còn cho phép đá đơn, Tuấn chuyển sang thi đấu chủ yếu là vị trí bắt cầu ở nội dung đôi và đội ba người nam. Và thêm một lần nữa, khả năng đặc biệt của anh lại phát tiết. Những pha cầu dũng mãnh lúc trẻ được thay thế bằng sự tinh tế. 

Với khả năng quan sát và một chút “ma mãnh”, Tuấn thường xuyên “đọc vị” hiệu quả những pha tấn công trên lưới của đối thủ, để rồi khi cầu chưa kịp chạm đất đã được bàn chân khéo léo của anh “săn” thành công. Cùng với khả năng này, việc sở hữu sức rướn và sải chân dài giúp anh đảm nhiệm tốt vai trò trên sân. Ở vị trí “săn" cầu, Tuấn được làng cầu Việt Nam đánh giá là số một quốc gia.

Cũng phải thấy rằng, do làm chủ được tình huống và quả cầu nên mỗi pha nêu cầu, phát động tấn công của Tuấn đều có độ chính xác cao, tạo điều kiện thuận lợi cho đồng đội dứt điểm. Đẳng cấp và phong độ xuất sắc mà Tuấn thể hiện trong những năm tháng thi đấu đã tạo nên sự nể phục của hầu hết đối thủ. Tuyển thủ quốc gia Lê Thanh Tuấn (Đồng Tháp) từng thẳng thắn thừa nhận: “Phải đối đầu với Anh Tuấn là điều không đối thủ nào muốn nghĩ tới. Ở VĐV ấy hội tụ rất nhiều yếu tố để có thể quyết định trận đấu. Trong đó, ngoài tài năng và đẳng cấp còn có sự ngẫu hứng”.

{keywords}

Một pha quét cầu của Anh Tuấn (số 6).

Chuẩn bị cho "trận đánh" lớn

Sau Giải vô địch thế giới năm 2017 giành hai HCV, Nguyễn Anh Tuấn lại khiến giới đá cầu trong nước, quốc tế phải nhắc đến tên mình. Mới đây, vẫn bên hàng trà đá thuở nào ở cổng nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang, tôi lại có dịp ngồi trò chuyện cùng Tuấn. Tuấn chia sẻ: “Em thi đấu nốt Đại hội 2018 này rồi nghỉ thật anh ạ!” Tôi nói vui: “Chú trả hết nợ cho thất bại của Đại hội 2014 rồi mới được nghỉ chứ”. Không trả lời cho câu nói của tôi nhưng nụ cười, ánh mắt của Tuấn lại thể hiện quyết tâm đó. 

Chưa biết môn đá cầu liệu có được đưa vào chương trình thi đấu của Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018 hay không, nếu có đó sẽ là “trận đánh” lớn cuối cùng trên cương vị VĐV của Nguyễn Anh Tuấn. Chắc chắn chàng trai ấy sẽ dốc toàn lực, vừa mang lại thành tích cho thể thao tỉnh nhà, vừa để trả “món nợ” mà anh cùng các đồng đội đã thất bại trước đó 4 năm. Đó cũng là cách mà chàng VĐV kiêm HLV Nguyễn Anh Tuấn đặt dấu ấn trên con đường thấm đẫm mồ hôi, sự nhọc nhằn nhưng vinh quang của mình. Chúc anh - một huyền thoại của đá cầu Việt Nam thành công!.

Quốc Trường

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...