Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7: Tên các anh đã thành tên đất nước

Cập nhật: 07:00 ngày 08/07/2017
(BGĐT) - Cuối tháng 6 vừa qua, tôi vinh dự được cùng đoàn công tác của tỉnh Bắc Giang dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Đường 9 (Quảng Trị).
{keywords}

Đoàn đại biểu tỉnh Bắc Giang dâng hương tưởng nhớ các Anh hùng Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9.

Chuyến đi không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân của cán bộ, nhân dân trong tỉnh với thế hệ cha anh mà còn để lại nhiều cảm xúc về bản hùng ca bất khuất của cả dân tộc. “Bài ca không quên” ấy được viết nên bởi những chàng trai, cô gái không tiếc tuổi xuân “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/ Mà lòng phơi phới dậy tương lai!”.

Gửi trọn tấm lòng tri ân

Trong đoàn, có người không còn xa lạ với mảnh đất này nhưng cũng không ít người như tôi lần đầu được đến vùng “đất lửa” Quảng Trị. Song các thành viên đều có chung cảm xúc, bên cạnh thương đau là niềm tự hào cùng tấm lòng biết ơn sâu sắc những Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp thống nhất đất nước. Từ TP Đông Hà, đoàn di chuyển gần 40 km đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Thuộc địa phận xã Vĩnh Trường, huyện Gio Linh, nghĩa trang nằm trên khu đồi Bến Tắt bát ngát thông reo, là nơi yên nghỉ của 10.263 liệt sĩ đã chiến đấu và ngã xuống trên cung đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Trong số này có 414 người con ưu tú của tỉnh Bắc Giang.

{keywords}

Các phần mộ tại khu Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Hà Bắc.

Trong làn khói hương và tiếng nhạc "Hồn tử sĩ", các thành viên trong đoàn thành kính tưởng niệm, cầu nguyện cho anh linh các Anh hùng liệt sĩ được siêu thoát. Vẫn biết đồng hành với chiến tranh luôn là đau thương, mất mát không thể nói thành lời nhưng khi tới nơi đây, khúc tráng ca ấy lại hiện hữu rõ đến vậy. Đó là đôi mắt đượm buồn của người mẹ già “khóc những đứa con. Lần lượt ra đi... đi mãi mãi”, những người vợ mòn mỏi chờ chồng trở lại, hay người lính may mắn thoát khỏi mưa bom bão đạn nhớ lại giây phút chôn cất đồng đội… Giờ phút ấy, tôi thực sự thấm thía hết những hy sinh, mất mát to lớn của cả dân tộc và giá trị của độc lập, tự do.

Sau khi dâng hương, hoa trước Nhà tưởng niệm, đoàn di chuyển về Khu Nghĩa trang tỉnh Hà Bắc thắp những nén nhang thơm tỏ lòng tri ân các liệt sĩ. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh, trưởng đoàn công tác của tỉnh lưu ý các thành viên trong đoàn chú ý quan sát để không bỏ sót phần mộ nào. Bước chậm rãi để đọc rõ tên tuổi, quê quán, năm hy sinh của các bác, các anh, mỗi thành viên thành kính thắp hương lên từng ngôi mộ. Những giọt nước mắt xúc động lăn dài trên gương mặt mỗi người minh chứng cho lòng biết ơn sâu sắc trước “tượng đài bất tử”- những chàng trai, cô gái “tuổi xuân phơi phới” không tiếc máu xương hy sinh vì đất nước. Các anh, các chị đã tô thắm truyền thống hào hùng, vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

{keywords}

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đặt vòng hoa, dâng hương tại Di tích Quốc gia đặc biệt thành cổ Quảng Trị.

Khắc ghi quá khứ hào hùng

Rời Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, đoàn tiếp tục hướng về Nghĩa trang Đường 9. Giữa trưa hè tháng 6, dưới cái nắng chói chang cùng cơn gió Lào bỏng rát nhưng không làm chậm bước chân đoàn hành hương. Nghĩa trang quy tụ 10.650 mộ liệt sĩ (trong đó tỉnh Hà Bắc có 128), hầu hết hy sinh trên những chiến trường dọc theo đường 9 từ biên giới Việt - Lào về TP Đông Hà và những chiến sĩ ra đi trên đất bạn Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Rời mảnh đất Quảng Trị kiên trung trong niềm xúc động, chúng tôi nguyện luôn ghi nhớ quá khứ hào hùng với những tượng đài thiêng liêng, bất tử - nơi ghi dấu sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Là chiến sĩ của Sư đoàn 308, từng trực tiếp chiến đấu tại chiến trường Quảng trị năm xưa, ông Nguyễn Xuân Khởi, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh tỉnh không nén nổi xúc động. Nơi đây đã từng ghi dấu biết bao kỷ niệm về tinh thần chiến đấu, hy sinh oanh liệt của ông và đồng đội. Bước bên từng hàng mộ thẳng tắp, ông Khởi không quên tìm những người từng “chia lửa” với mình. Trước mộ liệt sĩ Nguyễn Trọng Nghĩa (SN 1949), đơn vị F308 (Sư đoàn 308), quê ở huyện Gia Lương (Bắc Ninh), ông bồi hồi nhớ lại: “Thời kỳ ấy, mỗi chúng tôi dù tuổi đời mới mười tám, đôi mươi nhưng đều mang trong mình quyết tâm duy nhất là Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!. Có những trận đánh ác liệt, cùng lúc chúng tôi phải tự tay chôn cất gần 20 đồng đội. Dù trước đó ai cũng để sẵn mẩu giấy ghi tên, tuổi, địa chỉ quê quán, đơn vị trong túi áo nhưng có người thân thể không còn nguyên vẹn do bom, đạn nên còn nhiều liệt sĩ vẫn chưa biết tên". Dù “khuyết danh” nhưng tên các anh đã mãi mãi hòa vào tên đất nước và luôn vĩnh hằng trong trái tim của các thế hệ người Việt Nam.

{keywords}

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh thả hoa tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ trên sông Thạch Hãn.

Hòa cùng những đoàn khách đến viếng, dâng hương tỏ lòng thành kính trước anh linh các liệt sĩ trên mảnh đất anh hùng, đoàn công tác của tỉnh còn đến địa chỉ tâm linh Thành cổ Quảng Trị, thả hoa tri ân trên sông Thạch Hãn. Qua giọng nói lôi cuốn, trầm ấm đầy truyền cảm của nữ thuyết minh, lịch sử oai hùng của 81 ngày đêm trong mùa hè đỏ lửa bảo vệ thành cổ như hiện ra trước mắt. Trong giây phút trầm hùng ấy, tôi được nghe câu chuyện xúc động của bà Trần Thị Phượng, Giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Kiến trúc và Thương mại Green House (Hà Nội), Giám đốc Công ty cổ phần Vĩnh Phát Bắc Giang (TP Bắc Giang) - một thành viên trong đoàn. “Gia đình tôi có ba liệt sĩ nhưng mới tìm được một hài cốt. Trong hai người còn lại, tôi luôn thấy anh Lê Đình Cầu (SN 1950), hy sinh năm 1968 báo mộng rằng đang ở khu vực Đường 9- Khe Sanh. Hôm nay được tới đây thắp nén tâm nhang thành kính, tôi hy vọng sẽ có một sợi dây tâm linh dẫn lối để gia đình hoàn thành tâm nguyện đưa các anh về với quê hương”- bà Phượng chia sẻ.

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Khởi, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh thắp hương tưởng nhớ đồng đội tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn.

Rời mảnh đất Quảng Trị kiên trung trong niềm xúc động, chúng tôi nguyện luôn ghi nhớ quá khứ hào hùng với những tượng đài thiêng liêng, bất tử - nơi ghi dấu sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Không phụ công thế hệ cha anh, những người may mắn được sống trong hòa bình hôm nay sẽ đoàn kết, quyết tâm học tập, lao động xây dựng quê hương, đất nước thêm giàu đẹp.

Tường Vi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...