Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nỗi buồn dài từ ma túy

Cập nhật: 15:25 ngày 23/06/2017
(BGĐT) - Nhìn danh sách 86 học viên đang cai nghiện tại Trung tâm Giáo dục Lao động-Xã hội tỉnh, ông Thân Mạnh Quỳnh, Phó trưởng Phòng Tư vấn giáo dục hòa nhập cộng đồng của Trung tâm cho biết: Độ tuổi trung bình chỉ hơn 30 thôi; 8X, 9X rất nhiều. Lẽ ra ở lứa tuổi này, họ phải là trụ cột gia đình, là niềm vui của cha mẹ, chỗ dựa của vợ con, nguồn lao động chính của xã hội… Vậy mà ngược lại, ma túy đang là nỗi buồn dài ám ảnh bao gia đình.
{keywords}

Học viên học nghề tại Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội tỉnh.

Trẻ nhưng không khỏe

Thật bất hạnh khi trẻ mà không khỏe, trở thành tàn tạ, phế nhân, kinh khủng hơn nữa là đối mặt với tử thần khi đang tuổi thanh niên. Đó là cái kết được báo trước của những người nghiện ma túy.

Kể từ khi bập vào ma túy, cuộc sống của Hoàng Thị Quỳnh H (SN 1983) ở khu phố 9, phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) đã chệch hẳn sang một trang khác, u uẩn và đau đớn. H là học viên nữ duy nhất đang cai nghiện tại Trung tâm. Một mình trong căn phòng trống trải, không ti vi, tủ lạnh, không điện thoại, dưới cái nóng bức của mùa hè, H càng thấm thía cái giá của sự đua đòi. H kể: "Em mắc nghiện từ năm 2008, khi đó làm công nhân ở Khu công nghiệp Đình Trám. Công việc bữa làm bữa không; làm ít chơi lại nhiều. Chán nản em quay ra theo nhóm bạn hút hít, ban đầu hút thuốc lá, rồi thử thuốc phiện, rồi bay lắc. Lần đầu thử thấy nao nao, lần hai thấy thèm dần rồi những lần sau đó... em bị nghiện. Tiền lương công nhân tích cóp cứ bay theo làn khói trắng. Đến khi bập sâu, mấy thứ thuốc nhẹ đó không thể khiến em phê được nên chuyển sang dùng hêrôin. Gần chục năm trời làm gì cũng phải lệ thuộc vào chất gây nghiện, thiếu nó bủn rủn chân tay, mất ngủ triền miên. Mấy lần sốc thuốc tưởng chết, mặc dù giữ được mạng sống nhưng bác sĩ bảo ma túy ảnh hưởng quá nhiều đến hệ thần kinh. Nếu không từ bỏ sẽ rất nguy hiểm. Vì vậy em quyết tâm đi cai".

Nhắc đến cậu con trai bé nhỏ đang gửi ông bà ngoại, mắt H ầng ậc nước: "Bố mẹ em cũng đã trên dưới 80 tuổi rồi. Em ân hận lắm, giá như không dính vào ma túy thì cũng tự mình chăm sóc, nuôi dạy con, phụng dưỡng cha mẹ. Giờ đi cai ở đây, em thấy mình vô dụng lắm".

Cũng rơi vào vòng xoáy của ảo giác ma túy, Nguyễn Mạnh T (T "râu"- SN 1981) ở ngõ 172, phường Lê Lợi (TP Bắc Giang) thấy rõ nỗi nhục của người nghiện. T đã có thâm niên 5 lần đi điều trị nghiện nhưng đều thất bại. Trong tiếng xoành xoạch của máy may, T miệt mài với từng mũi khâu. Vuốt phẳng mép sản phẩm, T tâm sự: “Cha mẹ em mất rồi, vợ lại bỏ, đứa con duy nhất vừa chết do ung thư máu. Nguyên nhân đều do lỗi lầm của em. Mỗi khi lên cơn nghiện khiến cơ thể không còn sức lực, sống dặt dẹo, mất hết lý trí, chẳng còn lòng tự trọng. Niềm hy vọng lớn nhất khiến em quyết tâm cai nghiện là hình ảnh người vợ với câu nói ngay sau khi tòa án xử ly hôn là “Nếu anh sớm bỏ được ma túy, chúng ta làm lại vẫn chưa muộn”. Em biết là sẽ rất khó bỏ nhưng sẽ cố gắng. Vợ em sau 5 năm ra tòa vẫn đang hy vọng vào quyết tâm của em".

{keywords}

Tại Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội tỉnh, các học viên được điều trị theo phác đồ và học nghề để tái hòa nhập cộng đồng.

Tán gia, bại sản vì ma túy

Chạy theo thú vui ảo giác, nhiều người sám hối nhưng muộn màng vì đã tiêu tốn quá nhiều thời gian, tiền bạc vào bước đường lầm lỡ. Tài sản bây giờ của họ là một núi nợ mà không biết bao giờ mới trả được. Cứ làm một bài toán như này sẽ thấy ma túy tàn phá thế nào: Khi đã nghiện, ít nhất mỗi ngày ba lần hút, mỗi lần 200 nghìn đồng. Một người bình thường mỗi tháng riêng tiền mua thuốc để thỏa cơn nghiện đã mất gần 20 triệu đồng. Lấy số tiền ấy nhân lên với thời gian nghiện từ vài năm trở lên cho thấy mức độ tàn phá của ma túy như thế nào.Vì vậy nhà nào có người thân bị nghiện chỉ có khuynh gia bại sản. Không có tiền, ban đầu các con nghiện bán đồ đạc của gia đình, rồi quay sang lừa thầy dối bạn, trộm cắp, cướp giật, thậm chí giết người chỉ với mục đích có tiền hút hít, tiêm chích.

Trong ngôi nhà cấp bốn tuềnh toàng chỉ rộng hơn chục mét vuông ở ngõ 47, đường Hồ Công Dự, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang), bà Nguyễn Thị Du ngước mắt lên bàn thờ. Bên di ảnh người chồng còn có người con trai duy nhất sinh năm 1976 qua đời vì ma túy. Bà bảo: "Con trai tôi nghiện gần 10 năm. Nó mất đi để lại vợ và hai con gái, một đứa bị cong cột sống bẩm sinh, suốt ngày phải ngồi xe lăn. Nó lên Lạng Sơn làm nghề cắt tóc, đem theo cả vợ con, chịu khó làm ăn lắm. Chẳng biết thế nào mà bập vào ma túy. Khi gia đình biết đưa đi cai thì đã quá muộn". Bà Du cho biết thêm ở khu vực này, hôm trước vừa có một người bạn của con bà cũng chết, vậy là gần chục đứa ở lứa tuổi ấy nghiện ma túy đều chẳng còn ai. 

Tài sản mất sạch vào ma túy, giờ ngồi cai ở Trung tâm, Nguyễn Anh T (SN 1979) ở phường Trần Nguyên Hãn (TP Bắc Giang) ước ao thời gian quay trở lại để bản thân lý trí hơn, bản lĩnh hơn, nói không với ma túy. Trước kia, T cũng có một gia đình đàng hoàng, đủ đầy vợ con, kinh tế khá giả. Nhưng khi sang Cộng hòa Séc theo diện đoàn tụ gia đình, T nghiện ma túy lúc nào không hay. Sử dụng ma túy đá nên lại càng nguy hiểm, tài sản cứ thế lần lượt “đội nón” ra đi hết. “Chị biết không, thấy mình vô dụng, ăn tàn phá hại, em đã từng tự tử vì nghiện. Vợ cũng bỏ em rồi. Giờ đây động lực duy nhất để em cai nghiện chính là đứa con gái  sinh năm 2003 đang ở với ông bà nội, cháu học giỏi lắm” - T buồn rầu.

Cần sự quyết tâm

{keywords}
Con trai tôi nghiện gần 10 năm. Nó mất đi để lại vợ và hai con gái, một đứa bị cong cột sống bẩm sinh, suốt ngày phải ngồi xe lăn. Nó lên Lạng Sơn làm nghề cắt tóc, đem theo cả vợ con, chịu khó làm ăn lắm. Chẳng biết thế nào mà bập vào ma túy. Khi gia đình biết đưa đi cai thì đã quá muộn.

Bà Nguyễn Thị Du, ngõ 47, đường Hồ Công Dự, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang)

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh có gần hai nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của cơ quan chức năng. Đây mới là phần nổi của tảng băng chìm. Còn nhiều người nghiện nhưng không khai báo, gia đình cố tình giấu sợ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự. Ông Nguyễn Văn Hữu, Giám đốc Trung tâm Giáo dục Lao động - Xã hội tỉnh cho biết: Đa số học viên khi đến Trung tâm đã có thâm niên nghiện vài năm rồi, có người đến gần 20 năm, cai đi cai lại đến cả chục lần. Đáng buồn là việc sử dụng ma túy đang có chiều hướng gia tăng nhất là ma túy đá khiến cho công tác cai nghiện càng trở nên khó khăn, phức tạp.

Nhiều giải pháp phòng, chống ma túy đã được cơ quan chức năng, chính quyền các cấp và cộng đồng xã hội đề ra, trong đó có đưa các đối tượng nghiện vào cơ sở cai bắt buộc. Nhưng có lẽ giải pháp quan trọng và hiệu quả nhất chính là bản lĩnh, ý chí và sự quyết tâm của chính người nghiện. Trước khi có ý định thử ma túy, mỗi người hãy xác định là đang đi trên "con đường chết" với đích đến rất gần.

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...