Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Mật ngọt tháng Ba

Cập nhật: 07:00 ngày 25/03/2017
(BGĐT) - Vào cữ tháng Ba, nhiều loài hoa đua nhau khoe sắc như vẫy gọi những đàn ong về làm mật. Nắm bắt quy luật này, không ít người di chuyển ong đến một số vùng cây ăn quả trọng điểm để khai thác mật hoa và thu lợi nhuận lớn. 
{keywords}
Hoa vải ngập tràn núi đồi. 

Một vốn bốn … lời

Vải sớm ra hoa đạt tỷ lệ hơn 95% nên dịp này xã Phúc Hòa (Tân Yên) có nhiều người dân trong và ngoài tỉnh đến đặt ong để khai thác mật hoa. Dưới tán vải lúp xúp hình mâm xôi hoa dày chi chít trải dài ngút tầm mắt là những chiếc thùng gỗ đựng ong. 

Ông Dương Ngọc Doanh, thôn Giếng Chảnh, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) có 70 đàn ong nội đặt ở vườn vải thôn Phúc Lễ. Hơn 30 năm gắn bó với nghề, ông Doanh tự nhân giống, tạo ra đàn ong mới nên chi phí đầu tư thấp. Với ông, ong luôn cho lợi nhuận “một vốn bốn lời”, thậm chí cao hơn. Ông tính toán, đầu tư một thùng ong khoảng 500 nghìn đồng nhưng chỉ cần một mùa hoa đã hòa vốn. Sau đó, ông tự gây được ong chúa mới và tách đàn. Cứ thế, số lượng đàn ong ngày càng tăng, cho mật kéo dài trong nhiều năm. 

Rót chén mật đặc quánh, vàng óng mời khách, ông Doanh tâm sự: “Từ đầu mùa hoa đến giờ, tôi thu được 300 lít mật. Thương nhân ở Hà Nội về thu mua hết. Tôi dự kiến trước khi hoa tàn sẽ lấy được thêm 3 lượt mật nữa, ước đạt khoảng 200 lít”.

{keywords}
Sang chiết mật ong tại thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa (Tân Yên).

Tương tự, ông Vi Văn Lượng, thôn Phúc Lễ thường xuyên duy trì 30 đàn ong. Mỗi năm, từ nguồn này, gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng.  Được đào tạo chuyên ngành và có kinh nghiệm nuôi ong, ông Lượng còn tư vấn kỹ thuật cho các hộ dân trong xã về cách chăm sóc ong để tránh xẻ đàn; phương pháp lấy mật. 

Theo ông Lượng, để mật bảo đảm chất lượng cần quay vào sáng sớm. Bởi lẽ, sau cả ngày bay khắp các vườn hoa, những con ong thợ lại thâu đêm, suốt sáng quạt đi hơi nước để giữ lại giọt mật đậm đặc, tinh khiết nhất. Vì lẽ đó mà buổi tối, khi đến gần thùng ong, chúng ta có thể nghe thấy tiếng vù vù như có chiếc quạt điện đang chạy liên hồi. 

Tổng hợp của UBND xã Phúc Hòa, dịp này toàn xã có hơn 5 nghìn đàn ong nội, ngoại khai thác mật hoa. Do hoa ra nhiều nên việc nuôi ong thuận lợi. Bình quân từ 4-5 ngày được một đợt mật trong khi năm ngoái phải sau 6-7 ngày. 

Từng là địa bàn hội tụ của nhiều chủ ong trong cả nước vào mùa xuân nhưng năm nay Lục Ngạn lại chủ yếu có đàn ong trong huyện khai thác mật hoa cây ăn quả, hoa rừng do tỷ lệ vải ra hoa rất thấp. Người nuôi ong tập trung tại xã Quý Sơn, Phượng Sơn, Tân Lập, Giáp Sơn với khoảng 10 nghìn đàn, lượng mật dự kiến thu được vụ này hơn 150 tấn, doanh thu hơn 10 tỷ đồng. 

Di cư theo mùa hoa

Lợi nhuận mang lại cao nhưng theo những người trong nghề, nuôi ong vừa dễ mà vừa khó. Dễ bởi không cần vốn đầu tư lớn cũng như chi phí thức ăn nuôi ong. Tuy nhiên lại đòi hỏi chủ ong phải am hiểu, nắm chắc điều kiện địa hình, vùng hoa để đưa ong di cư theo mùa. 

Đơn cử, trước khi vận chuyển ong về xã Phúc Hòa, ông Dương Ngọc Doanh, xã Đồng Kỳ phải mất nhiều ngày khảo sát địa điểm, thỏa thuận vị trí đặt ong. Sau khi kết thúc mùa hoa vải, ông lại vận chuyển chúng về quê lấy mật nhãn, sau đó sang xã Nội Hoàng (Yên Dũng) khai thác mật hoa bạch đàn. 

Tại Bắc Giang, cơ cấu cây trồng đa dạng, các mùa hoa cách nhau không xa nên việc khai thác dễ dàng. Với những hộ không có điều kiện di chuyển nhiều thì phải nuôi ong bằng đường khoảng hơn 3 tháng/năm. 

{keywords}

Nhiều thùng ống ngoại được đặt dưới tán vải thiều ở thôn Phúc Lễ, xã Phúc Hòa.

Những người nuôi ong chuyên nghiệp cho rằng di chuyển đàn ong theo mùa hoa sẽ nâng chất lượng mật và đa dạng sản phẩm. Mỗi nơi, hương vị mật cũng khác nhau. Thế nên cuộc sống của họ luôn nay đây, mai đó. Có kinh nghiệm nuôi ong xuyên Việt từ nhiều năm qua, anh Phạm Nguyễn Hải Long, phường Lộc Phát, TP Bảo Lộc (Lâm Đồng) đặt ong khai thác mật hoa vải tại xã Phúc Hòa chia sẻ, đưa ong theo những mùa hoa còn là biện pháp giảm chi phí đầu vào, hạn chế ong chết, bỏ tổ. Trước khi di chuyển, anh chèn chặt và cố định các cầu ong không để xê dịch, tránh làm vỡ bánh tổ; đóng cửa tổ ong và di chuyển trong đêm. Với gần một nghìn đàn ong Ý, anh thu được khoảng 2 nghìn lít mật vải.

Ong lấy mật hoa ngoài làm lợi kinh tế cho người nuôi ong còn giúp cây thụ phấn tốt, tỷ lệ đậu quả cao. Thế nên chính quyền, người dân sở tại đều tạo điều kiện cho các chủ ong đặt địa điểm, dựng lán khai thác mật. Ông Vi Văn Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Hòa cho biết: “Chúng tôi tuyên truyền vai trò của ong trong quá trình thụ phấn cho cây ăn quả; đồng thời khuyến cáo bà con chỉ bơm thuốc bảo vệ thực vật sau khi hoa nở khoảng 13 ngày. Bởi vào thời điểm đó mật hoa không còn, người nuôi ong cũng chủ động thu đàn nên không ảnh hưởng đến ong và chất lượng mật”. 

Tại huyện Lục Ngạn, đơn vị chuyên môn tập trung hướng dẫn người dân phân bổ, bố trí mật độ thùng ong hợp lý nhằm tăng năng suất mật. Ông Leo Văn Phúc, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Sau mùa hoa vải, nhãn, những người nuôi ong ngoại của huyện đều có kế hoạch di chuyển đến vùng hoa bạc hà, sú vẹt… Qua đó, nhiều hộ thu lãi hàng trăm triệu đồng mỗi năm”.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...