Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Kết nối yêu thương, tiếp sức cho trẻ em nghèo

Cập nhật: 10:35 ngày 03/03/2017
(BGĐT) - Mấy chục năm công tác, lúc về hưu, có điều kiện sum vầy bên con cháu nhưng bà Dương Thị Lợi không nghỉ mà tiếp tục tham gia công tác xã hội. Là Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em (BVQTE) tỉnh Bắc Giang, bà đã kết nối, giúp đỡ hàng nghìn trẻ em nghèo, thiếu may mắn có thêm động lực vươn lên. 
{keywords}

Bà Dương Thị Lợi.

Từ lòng trắc ẩn

Nhìn dáng vẻ nhanh nhẹn, nụ cười thân thiện và sự tích cực trong vai trò Chủ tịch Hội BVQTE tỉnh, ít ai nghĩ bà Lợi đã 66 tuổi. Từng giữ cương vị Đại biểu Quốc hội; Thường trực HĐND tỉnh; Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh... năm 2008 bà về nghỉ hưu. Đây cũng là thời điểm Hội BVQTE Việt Nam ra đời. Lúc này, bà Lợi đứng ra sáng lập Chi hội BVQTE Bắc Giang, tiền thân của Hội BVQTE tỉnh, sau đó bà được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội từ đó đến nay. 

Những năm qua, bà Lợi dành nhiều thời gian, tâm sức, phối hợp với các đơn vị, cá nhân trong, ngoài tỉnh làm tốt hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em. “Tôi vốn là giáo viên dạy học ở vùng cao, sau chuyển sang công tác phụ nữ rồi mới về HĐND tỉnh, đại biểu Quốc hội khu vực tỉnh Bắc Giang. Quá trình công tác, có điều kiện đi nhiều, tiếp xúc với không ít trẻ em vì các nguyên nhân, lý do khác nhau mà chịu thiệt thòi, bất hạnh, nên khi thấy có cơ hội là tôi giúp đỡ”- Bà Lợi chia sẻ và dành nhiều thời gian kể về những thiệt thòi của từng hoàn cảnh mình gặp. Có trẻ mồ côi cả bố và mẹ, phải ở với ông bà không còn sức lao động, không có điều kiện đi học. Có gia đình bố mẹ ốm đau, trẻ nhỏ trở thành lao động chính; có em bị tàn tật, ảnh hưởng chất độc da cam, thậm chí không ít trường hợp bị ngược đãi, bạo hành... Mỗi cảnh đời, phận trẻ bất hạnh khiến bà Lợi động lòng trắc ẩn. Làm thế nào để giúp những đứa trẻ ấy có cuộc sống tốt hơn, được học tập, đến trường như bao trẻ em khác là câu hỏi bà trăn trở bấy lâu. Đó cũng là lý do bà gắn bó với công tác bảo vệ trẻ em gần 10 năm qua. Giờ đã gần tuổi thất thập, cái tuổi cần được nghỉ ngơi, an hưởng tuổi già, bà Lợi vẫn vẹn tâm huyết với công tác từ thiện. 

{keywords}

Cô Lợi và các thành viên Hội BVQTE là ân nhân của gia đình tôi. Nhờ các cô vận động hỗ trợ giúp đỡ, con tôi có điều kiện đi mổ cắt bớt lách và thay máu. Nếu không chưa biết cháu sẽ ra sao?”


Chị Nguyễn Thị Lụa, thôn Gà, xã Thanh Luận (Sơn Động).

“Tham gia hoạt động Hội, tôi chỉ muốn giúp trẻ em kém may mắn được chút nào tốt chút ấy, bắt đầu từ việc nhỏ, trước hết là về tinh thần để các cháu cảm nhận được sự chia sẻ, yêu thương từ đó có thêm động lực vươn lên”. Buổi trao học bổng “Chắp cánh ước mơ” cho gần 100 trẻ em nghèo ở các huyện, thành phố do Hội phối hợp với Báo Bắc Giang tổ chức mới đây diễn ra theo tinh thần ấy. Mong muốn các cháu đến dự lễ đều vui, bà Lợi đã liên hệ Ban Giám đốc khách sạn Mường Thanh (TP Bắc Giang), nhờ giúp đỡ. Nhìn trẻ thích thú ngắm Quảng trường 3-2, được nhận học bổng, vui chơi ở khách sạn sang trọng, bà Lợi vui lắm. Bà xúc động nói: “Mục đích tổ chức trao học bổng ở đây là để các cháu có cơ hội đến nơi này như bao trẻ khác”.  

Với tấm lòng tràn đầy nhân ái, bà Lợi thường xuyên chỉ đạo làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn, nâng cao kiến thức, năng lực cho hội viên, nhất là nối kết các nhà hảo tâm trong triển khai hoạt động giúp đỡ, bảo vệ trẻ em trên địa bàn. Để các cá nhân, tổ chức tin tưởng, tích cực ủng hộ hoạt động, bà chỉ đạo các cấp hội rà soát, lựa chọn chính xác, khách quan từng trường hợp, đối tượng cần giúp đỡ. Từng khoản tiền, vật chất tài trợ đều được công khai, minh bạch, có kiểm tra giám sát, bảo đảm sử dụng hiệu quả... Chị Nguyễn Thị Lụa, mẹ em Hoàng Văn Đào (SN 2002) ở thôn Gà, xã Thanh Luận (Sơn Động) bị bệnh máu huyết tán, lá lách sưng to không có tiền mổ, xúc động nói: “Cô Lợi và các thành viên Hội BVQTE là ân nhân của gia đình tôi. Nhờ các cô vận động hỗ trợ giúp đỡ, con tôi có điều kiện đi mổ cắt bớt lách và thay máu. Nếu không chưa biết cháu sẽ ra sao?” 

{keywords}
Bà Dương Thị Lợi tặng quà trẻ em nghèo hiếu học.  Ảnh Thanh Hải

Chỉ cần cá nhân, tổ chức hảo tâm nào thông tin có chương trình hỗ trợ, tặng quà cho trẻ em, dù đường đi xa mấy, khó đến đâu, bà Lợi cũng nhiệt tình phối hợp, giúp đỡ. Nhiều chuyến đi xã miền núi ở Sơn Động, phải dậy từ 4 giờ sáng, cả đi và về tới gần 200 km, người đi cùng xe ai nấy phờ phạc, mệt mỏi nhưng bà vẫn rất hào hứng khi thấy niềm vui trong mắt, trên môi những đứa trẻ được tặng quà... Dịp Tết Đinh Dậu vừa qua, nhiều cá nhân, tổ chức phối hợp trao quà cho trẻ em, có ngày bà Lợi cùng nhà hảo tâm đi 4-5 huyện, xa nhất là Sơn Động. Ngày 26, 27 Tết, kêu gọi được nhà tài trợ ủng hộ, bà lại lao đi với suy nghĩ mình cực nhọc chút mà thêm nhiều trẻ nghèo được ăn Tết đủ đầy hơn thì có thấm gì... Có lần, đêm tối, nghe thông tin một nhóm trẻ bị đối tượng xấu lợi dụng, rủ rê đưa tới một số thôn, làng ở huyện Lạng Giang hát rong xin tiền, bà lập tức cùng đồng nghiệp xuống tận xã kiểm tra và đề nghị địa phương tuyên truyền, chấn chỉnh, không để tái diễn tình trạng trẻ bị lạm dụng sức lao động trái pháp luật. Vụ khác, khi biết hoàn cảnh cháu bé mồ côi cả bố mẹ ở xã An Châu (Sơn Động) có nguy cơ bị mất đất ở, bà Lợi đã liên hệ với cán bộ sở tại và hướng dẫn gia đình làm thủ tục thừa kế cho bé. 

Thấy bà tuổi cao vẫn say công tác xã hội, tham công, tiếc việc, không ít người bảo “già rồi còn ôm việc nhọc thân” nhưng bà lại cho rằng mình được nhiều hơn mất bởi đi nhiều tránh được bệnh trì trệ tuổi già, tư duy không bị lão hóa, sức khỏe dẻo dai hơn. Bà cảm thấy hạnh phúc khi thường xuyên nhận được điện thoại hỏi thăm của thân nhân và nhiều cháu trong diện được giúp đỡ. Trong những ngày đầu năm mới, biết tin em Ngô Văn Giang, học sinh Trường Chuyên Bắc Giang (trước đó nhiều lần nhận được sự giúp đỡ của Hội) đoạt giải Nhì Quốc gia môn Vật lý, được nhận học bổng gần 300 triệu đồng, bà Lợi càng vui hơn, có thêm động lực sẻ chia, tiếp sức    cho những phận đời thiếu may mắn.

Và những trăn trở

Thống kê của Hội BVQTE, riêng năm 2016, các cấp Hội đã vận động được hơn 5 tỷ đồng tiền và vật chất, đạt 168% kế hoạch. Theo đó có gần 11 nghìn trẻ em trên địa bàn tỉnh được hưởng lợi từ các hoạt động của Hội. Trong số này có gần 150 cháu được hưởng học bổng thường xuyên từ 200- 500 nghìn đồng/tháng. Với những kết quả ấy, Hội BVQTE đã được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua hạng Nhất. Cá nhân bà Dương Thị Lợi được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen.

{keywords}

Bà Dương Thị Lợi trong chuyến thăm, tặng quà học sinh nội trú xã Dương Hưu (Sơn Động).

Đã nhiều lần tiếp xúc, trao đổi, tôi nhận thấy lúc nào và ở đâu bà Lợi cũng đau đáu với trẻ em hoàn cảnh khó khăn. Không ít lần bà tâm sự: “Còn rất nhiều trẻ em khó khăn, chúng tôi chưa với đến được, cần lắm sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng”. Điều bà trăn trở, lo lắng là quá trình phối hợp thực hiện các hoạt động của Hội thời gian qua phát hiện tại huyện Sơn Động có hàng chục trẻ bị bệnh máu huyết tán (máu tự tiêu mất, thường xuyên phải đi truyền máu). Trước tình trạng này, Hội đã phối hợp với các tổ chức phi chính phủ triển khai dự án và hỗ trợ được hơn 10 cháu (trong số hơn 40 cháu toàn huyện). Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời vì bệnh rất khó chữa khỏi... Bà cũng băn khoăn khi thấy không ít trẻ ở thế hệ thứ ba bị ảnh hưởng chất độc da cam từ ông bà hiện chưa được xem xét, hưởng chế độ phơi nhiễm chất độc hóa học, đang chịu nhiều thiệt thòi. Trong số này, nhiều gia đình có 2-3 con bị ảnh hưởng. Rồi những đứa trẻ mồ côi, trẻ em bị bạo hành... sẽ sống và phát triển ra sao nếu chính những người gần gũi, xung quanh các em nhất lại không giúp đỡ tích cực...

Là Chủ tịch Hội, bà tự nhủ sẽ nỗ lực hết sức với công tác này đến khi nào sức khỏe không cho phép mới thôi để góp phần thực hiện tốt các chính sách bảo vệ, giúp đỡ trẻ em. Song hơn hết, bà muốn nhắn nhủ đến mỗi cá nhân, tổ chức trong cộng đồng: Hãy chung tay, quan tâm, giúp đỡ tích cực hơn nữa đối với thế hệ tương lai của đất nước, đặc biệt là trẻ em nghèo, kém may mắn cả về tinh thần và vật chất, tạo điều kiện cho các em được sống, học tập, phát triển bình thường như bạn bè cùng trang lứa, trở thành công dân có ích cho gia đình, xã hội.

Thùy Ninh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...