Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Phóng sự - Khám phá
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vui sao cá nặng, lưới đầy

Cập nhật: 07:00 ngày 10/12/2016
(BGĐT) - Hạ tầng bảo đảm, người nuôi cá chủ động điều tiết nước và có điều kiện áp dụng biện pháp kỹ thuật thâm canh nên năng suất thủy sản tăng. Thu nhập cao từ cá, cuộc sống của nhiều hộ dân ở Bắc Giang ngày càng sung túc.

{keywords}

Nông dân xã Song Mai (TP Bắc Giang) thu hoạch cá.

Làng cá rộn niềm vui

Trước đây, khu dộc trũng của thôn Đông Khoát, Am Vàng, xã Việt Lập (Tân Yên) chỉ cấy được một vụ lúa không ăn chắc. Mùa mưa, nước ngập trắng bờ khiến việc lưu thông của bà con gặp trở ngại. Khắc phục tình trạng này, Nhà nước đã đầu tư vốn cải tạo nâng cấp đường Cầu Lăng, đoạn qua hai thôn và hệ thống thủy lợi tưới, tiêu nước. Có công trình bảo đảm, người dân tích cực đào đắp ao thả cá nên đã hình thành vùng nuôi thủy sản tập trung với quy mô gần 30 ha. Trên mỗi bờ ao có hàng cây tỏa bóng, người dân dựng lán, lều trông cá. Vì thế, vùng này thường được gọi với cái tên thân thuộc là “làng cá”. 

Chúng tôi cùng cán bộ Thú y xã Việt Lập đến nơi đây vào buổi chiều đông. Cả vùng rộng lớn, người đang hối hả rắc vôi bột khử trùng cho ao cạn; người chăm sóc cá ở ao đầy ăm ắp nước có đàn vịt bơi lội tung tăng... Bưng thúng thức ăn công nghiệp nhanh tay hất mạnh xuống mặt nước cho đàn cá đớp mồi, anh Nguyễn Văn Dũng, thôn Đông Khoát nói: “Nghe dự báo thời tiết sắp có đợt rét đậm nên tôi thuê nhân lực khẩn trương thu hoạch cá đến lứa, đề phòng thiệt hại. Kéo ở 4 ao với diện tích hơn 1 ha, gia đình tôi thu về 18 tấn cá chim trắng, rô phi đơn tính, trừ chi phí lãi hơn 200 triệu đồng. Hiện tôi chỉ còn một ao nuôi cá giống và dự kiến sang Giêng thời tiết ấm áp hơn sẽ san dần cá sang phần nuôi thương phẩm”.

Không chỉ anh Dũng, hàng chục hộ nuôi cá trong xã cũng có thu nhập cao. Đánh giá của UBND xã Việt Lập, năm nay sản lượng thủy sản toàn xã đạt hơn một nghìn tấn trên diện tích hơn 100 ha. Giá bán khoảng 20 nghìn đồng/kg, doanh thu đạt khoảng 20 tỷ đồng.

Cũng được hỗ trợ xây dựng vùng hạ tầng nuôi thủy sản, làng cá dưới chân núi Ao Giời, thôn Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung (Việt Yên) có một năm thắng lớn nhờ cá. Năng suất bình quân 13 tấn/ha/năm; giá trị thu nhập đạt gần 250 triệu đồng/ha. Điển hình là hộ ông Nguyễn Văn Thịnh với 4 nghìn m2 mặt nước thu hoạch hơn 7,4 tấn cá mỗi vụ.  

Chú trọng đầu tư hạ tầng

Theo Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và PTNT), năm 2016 với hơn 12 nghìn ha mặt nước nuôi cá, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt gần 39 nghìn tấn, tăng hơn 2,8 nghìn tấn so với năm 2015, gần đạt mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Đóng góp quan trọng vào kết quả này ngoài người dân tuân thủ quy trình kỹ thuật, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh còn do công tác xây dựng, cải tạo vùng nuôi trồng thủy sản được chú trọng. Đơn cử, dự án xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tập trung xã Xuân Phú (Yên Dũng) với hơn 35 ha hoàn thành vào đầu năm nay đã có bờ bao quanh các ao; bể lắng, lọc xử lý nước cùng hệ thống kênh mương kiên cố tiêu thoát nước thuận lợi.

Năm 2017, toàn tỉnh Bắc Giang phấn đấu sản lượng thủy sản đạt hơn 39,5 nghìn tấn. Trong đó, sản lượng thủy sản nuôi là 36,5 nghìn tấn, sản lượng khai thác là 3 nghìn tấn.

Bên cạnh hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ đã dồn kinh phí tôn cạp ao, trồng cây tạo bóng mát quanh bờ giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt. Ví như hộ ông Hoàng Văn Cung, thôn Xuân Trung, ngay khi được chủ đầu tư bàn giao ao nuôi cá, ông bỏ thêm vốn kè bờ bao bằng bê tông. Do vậy mùa mưa lũ, người nuôi không còn tâm trạng nơm nớp lo ao bị ngập. Hay nhờ dự án hạ tầng thủy sản tại xã Đại Lâm (Lạng Giang) quy mô 35 ha, người dân có điều kiện nuôi thâm canh, đưa giống mới vào nuôi thả. Đến nay, nơi đây đã trở thành vùng nuôi cá tập trung lớn nhất huyện với diện tích gần 50 ha; giá trị thu nhập đạt hơn 200 triệu đồng/ha/năm, cao gấp 4 lần so với cấy lúa.

Được biết, mười năm qua, toàn tỉnh có khoảng 15 dự án đầu tư cho hạ tầng thủy sản nuôi thâm canh, bán thâm canh với hàng trăm tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư và tỉnh. Các dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo diện mạo mới cho sản xuất thủy sản, hình thành vùng thâm canh cá hàng hóa như: Xã Cao Thượng, Ngọc Châu, Song Vân (Tân Yên); Minh Đức, Nghĩa Trung (Việt Yên), Đông Lỗ (Hiệp Hòa)…. Hệ thống bờ bao, kênh mương cấp thoát nước, kè cống được cải tạo, nâng cấp hoàn chỉnh có tác dụng ngăn úng ngập bảo vệ sản xuất, kết hợp làm đường giao thông nông thôn. Vào mùa thu hoạch, thương nhân “đánh” ô tô đến tận ao thu mua, mang tiêu thụ khắp nơi. Đời sống người nuôi cá ngày càng được cải thiện. Một số hộ tại làng cá Tĩnh Lộc, xã Nghĩa Trung chia sẻ, may mắn được Nhà nước hỗ trợ xây bờ bao nên cuộc sống của những người ở vùng trũng ngập, quanh năm chỉ đánh bắt con tôm, con tép mới được khấm khá như hôm nay.  

Tiếp tục coi hạ tầng là tiền đề sản xuất thủy sản thành công, hạn chế tác động tiêu cực của thiên tai, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh tiếp tục triển khai ba dự án xây dựng hạ tầng thủy sản tại xã Lan Mẫu (Lục Nam); Đồng Phúc, Tiến Dũng (Yên Dũng) với diện tích hơn 200 ha. Các hạng mục chính gồm: Đường nội bộ, hệ thống kênh mương tưới, tiêu; trạm bơm. Tổng kinh phí thực hiện hơn 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách T.Ư. Đến nay các dự án đang được triển khai bảo đảm tiến độ, dự kiến hoàn thành, đưa vào sử dụng cuối năm 2019.

Đi đôi với biện pháp trên, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tăng cường giám sát, bảo đảm các dự án được sử dụng đúng mục đích nhằm phát huy hiệu quả sau đầu tư. Cùng đó, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, Sở tuyên truyền, khuyến cáo các hộ đầu tư thêm nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng, bảo vệ sản xuất của gia đình.

Trịnh Lan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...