Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 25 °C / 25 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Pháp luật / Pháp đình
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Ba vấn đề chờ toà tuyên án trong vụ AVG

Cập nhật: 08:37 ngày 28/12/2019
9 giờ hôm nay, TAND Hà Nội tuyên án với 14 bị cáo liên quan dự án MobiFone chi 8.900 tỷ đồng mua 95% cổ phần AVG, gây thiệt hại cho nhà nước 6.600 tỷ đồng.

14 bị cáo bị Viện KS đề nghị truy tố về ba tội: Vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, đưa hối lộ, nhận hối lộ (các điều 220, 364, 354 Bộ luật Hình sự 2015). Trong số này, cựu bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son bị đề nghị mức án cao nhất - tử hình về tội nhận hối lộ. Những người còn lại từ 2 năm đến 25 năm tù.

{keywords}

Các bị cáo tại phiên toà. 

Sau 8 ngày xét xử và ba ngày nghỉ nghị án, một số vấn đề còn nhiều tranh cãi cùng đề nghị của các luật sư, bị cáo đang chờ toà ra phán quyết cuối cùng.

Cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ có được hưởng chính sách hình sự đặc biệt?

Bản luận tội tại phiên toà khẳng định, cựu chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã hối lộ 3 triệu USD cho ông Son, 2,5 triệu USD cho cựu chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà, 500.000USD cho cựu tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải và 200.000 USD cho cựu bộ trưởng Trương Minh Tuấn.

Trước khi khởi tố vụ án, bị cáo Vũ chủ động tích cực khắc phục toàn bộ số tiền thiệt hại của MobiFone và các chi phí phát sinh liên quan đến dự án, tự thú hành vi đưa hối lộ; có nhiều hoạt động từ thiện, đóng góp cho Phật giáo... Ông Vũ vì thế được Viện KS đề nghị cho "áp dụng đầy đủ, triệt để các quy của Bộ luật Hình sự năm 2015 để giảm nhẹ đáng kể hình phạt".

Tại phiên toà, luật sư cho rằng Hội đồng xét xử (HĐXX) cần xem xét áp dụng điều 54 và 59 Bộ luật Hình sự để "miễn hình phạt" cho bị cáo Vũ nếu chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự. Theo các luật sư, tính đến hết ngày 31-10-2019, hơn 1.700 người đã ký tên xin bị cáo hưởng khoan hồng.

Vì sao AVG bán cổ phần cho MobiFone?

Lời khai của ông Vũ ở giai đoạn điều tra, truy tố thể hiện do lĩnh vực truyền hình nhạy cảm nên ngày 15-10-2014 có văn bản gửi ông Son đề nghị hướng dẫn chào bán cổ phần AVG cho đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông không trả lời.

Tại thời điểm 31-3-2015, giá trị tài sản của AVG là 3.300 tỷ đồng nhưng tổng nợ AVG phải trả là 1.300 tỷ đồng. Giá trị tài sản ròng 1.970 tỷ đồng. Tình hình tài chính của AVG rất khó khăn: kinh doanh không hiệu quả, thua lỗ kéo dài, vay nợ lớn.

Theo phương án giá ngày 18-9-2015, mức giá thấp nhất MobiFone đã thống nhất với cổ đông AVG là 11.370 tỷ đồng, trong đó giá cho mảng truyền hình là 9.370 tỷ đồng (gấp 15 lần giá trị sổ sách). Kết quả định giá này do MobiFone chủ yếu dựa vào kết quả kinh doanh dự báo các năm tiếp theo của AVG. Mức giá cuối cùng mà MobiFone ký hợp đồng với AVG vào ngày 25-12-2015 là 8.900 tỷ đồng.

Tại phiên toà, 11 bị cáo gồm hai cựu bộ trưởng, một cựu lãnh đạo cấp Vụ Bộ Thông tin Truyền thông, 8 cựu lãnh đạo MobiFone, không ai thừa nhận là người quyết mua AVG, gây thiệt hại cho nhà nước gần 6.600 tỷ đồng.

Theo nhà chức trách, quá trình triển khai dự án, ông Vũ đã gọi ông Son 85 cuộc điện thoại và 206 tin nhắn để trao đổi, liên hệ và đề nghị chỉ đạo cấp dưới sớm thực hiện việc mua bán giữa MobiFone với AVG.

Vì sao người thẩm định giá lại bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Theo hồ sơ vụ án, để thẩm định giá trị doanh nghiệp AVG, ban đầu MobiFone thuê công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tư vấn. Công ty này đã thuê lại hai công ty khác là Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (AASC) và Công ty TNHH Định giá Hà Nội - TP Hồ Chí Minh (Hanoi Valu) thực hiện.

AASC xác định giá trị AVG ở thời điểm 31-3-2015 là hơn 33.000 tỷ đồng. VCBS thẩm định là 24.500 tỷ đồng; Hanoi Valu đưa ra con số 18.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của AVG như kết quả nêu trên là không có cơ sở và VCBS không có chức năng thẩm định giá.

Sau đó MobiFone thuê tiếp Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư và Thẩm định giá AMAX (AMAX) định giá AVG dựa vào tài liệu AVG, VCBS cung cấp. AMAX xác định giá trị AVG tại thời điểm 31-3-2015 theo phương pháp tài sản là: 16.500 tỷ đồng và phương pháp thu nhập là: 17.000 tỷ đồng.

Kết quả điều tra đã xác định trong quá trình thực hiện việc thẩm định giá AVG, Hoàng Duy Quang (giám đốc chi nhánh AMAX miền Bắc) và Võ Văn Mạnh (giám đốc AMAX) đã vi phạm quy định về thẩm định giá doanh nghiệp, ký Chứng thư thẩm định giá và báo cáo xác định giá trị AVG không đúng với giá trị thực tế. Kết quả sai này sau đó lại được cung cấp cho MobiFone làm căn cứ đàm phán mua AVG.

Với việc bị truy tố về tội vi phạm các quy định về quản lý đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng (điều 220), Võ Văn Mạnh (Giám đốc Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) bị đề nghị từ 4 đến 5 năm tù, Hoàng Duy Quang (thẩm định viên Công ty TNHH tư vấn đầu tư và thẩm định AMAX) 3-4 năm tù.

Nói lời sau cùng, ông Nguyễn Bắc Son xin lỗi Tổng Bí thư và nhân dân
Sáng 24-12, các bị cáo trong vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử (HĐXX) vào nghị án.
Vụ MobiFone mua AVG: Gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son đã nộp 21 tỉ đồng khắc phục hậu quả
Chiều 23-12, tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Tổng Công ty Viễn thông MobiFone (viết tắt là MobiFone) mua 95% cổ phần của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), Hội đồng xét xử cho biết, tính đến 16 giờ 30 phút ngày 23-12, gia đình bị cáo Nguyễn Bắc Son (cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông) đã nộp 21 tỉ đồng để khắc phục hậu quả hành vi “nhận hối lộ” của bị cáo Nguyễn Bắc Son.
Luật sư đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt ở vụ án AVG
Luật sư Nguyễn Văn Dũng cho rằng cơ quan điều tra đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt với các bị cáo nhưng Viện Kiểm sát nhân dân chưa xem xét.

Theo VnExpress

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...