Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 29 °C / 25 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhộn nhịp mùa vải thiều-2020
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Vườn vải làm giàu của người phụ nữ Sán Dìu

Cập nhật: 09:13 ngày 25/05/2020
(BGĐT) - Thời điểm này, hơn 2 ha vải của gia đình bà Trương Thị Kém (SN 1965, ảnh), dân tộc Sán Dìu ở thôn Muối, xã Giáp Sơn (huyện Lục Ngạn-tỉnh Bắc Giang) chuẩn bị được thu hoạch. Do trồng, chăm sóc đúng kỹ thuật nên vải thiều của gia đình bà luôn sai quả, mẫu mã đẹp, tiêu thụ rất thuận lợi.

Con đường dẫn vào căn nhà to đẹp của gia đình bà Kém ở giữa thôn Muối, chung quanh là vườn vải thiều trĩu quả. Ở vườn vải trước nhà, mỗi cây có các nhánh quả to nhỏ khác nhau. Trước sự ngạc nhiên của khách, bà Kém giải thích: “Cây này tôi ghép 3 giống khác nhau là Thanh Hà, U hồng và vải thiều Lục Ngạn. Nhờ ghép như vậy, gia đình tôi thu hoạch rải vụ từ tháng 5 đến hết tháng 7”.

{keywords}

Bà Trương Thị Kém

Cách đây nhiều năm, cuộc sống của gia đình bà Kém còn khó khăn, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào mấy sào ruộng và vườn tạp. Các con lần lượt ra đời, đời sống của cả nhà càng chật vật. Làm thuê đủ nghề rồi khi thấy mọi người trồng vải thiều, bà bàn với chồng là ông Chu Xuân Ba dọn dẹp vườn tạp, vay vốn đầu tư mua cây giống về trồng. Ban đầu bà trồng vài chục gốc vải xen canh với một số cây ăn quả, cây rau theo mùa. Do không có kinh nghiệm và chưa tìm hiểu kỹ về chế độ nước, phân bón nên nhiều cây vải bị chết và mắc các bệnh theo mùa như: Sương mai, thán thư, sâu đục cuống quả...

Xót cây, xót của, bà Kém cùng chồng đến nhiều chủ vườn vải trong huyện học thêm kinh nghiệm trồng, chăm sóc vải thiều. Thêm đó, bà đăng ký tham gia các lớp tập huấn do các cấp hội phụ nữ tổ chức. Có thêm kiến thức và kinh nghiệm, bà cùng chồng cải tạo vườn thêm một lần nữa; bỏ những cây hỏng thay thế bằng loạt giống cây mới, gốc khỏe hơn. Toàn bộ cây héo, chết được chặt bỏ rồi phun hóa chất khử mầm bệnh, xới đất bón phân chuồng đã ủ hoai mục. Sau khi xuống giống mới, bà sử dụng các loại chế phẩm sinh học thay thế thuốc bảo vệ thực vật; thường xuyên vệ sinh vườn tược, tỉa cành. Đồng thời bỏ công làm các đường rãnh tiêu thoát nước chủ động tránh ngập úng khi mưa. Do cây vải thiều thường bị bọ xít gây hại nên nhiều hôm bà dậy sớm để ngắt ổ trứng, diệt bọ xít trưởng thành.

Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, 2 ha vải của gia đình chị Kém sinh trưởng tốt, mỗi năm thu được từ 500 đến 700 triệu đồng. Chị Vi Thị Mai, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Giáp Sơn cho hay: "Không chỉ tích cực làm kinh tế, bà Kém còn là hội viên phụ nữ tiêu biểu của xã. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, gia đình bà hiến 70m2 đất vườn, phá 25m tường vành lao làm đường giao thông nông thôn. Đồng thời đóng góp 11 triệu đồng để đối ứng vốn xây dựng công trình nông thôn mới ở địa phương. Ngoài ra, gia đình bà còn tự làm 250m đường giao thông rộng 3,5 m với kinh phí hàng trăm triệu đồng giúp nhiều gia đình khác thuận lợi khi đi lại và thu hoạch vải thiều".

Bắc Giang: Đề xuất Bộ Công Thương đồng chủ trì hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020
(BGĐT)- Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Dương Văn Thái vừa có văn bản đề xuất Bộ Công Thương đồng chủ trì hội nghị trực tuyến xúc tiến tiêu thụ vải thiều năm 2020. Đây là hội nghị trực tuyến đầu tiên quy mô quốc tế về xúc tiến tiêu thụ vải thiều của Bắc Giang.
Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Vifoco thu mua 700 tấn vải thiều để chế biến xuất khẩu
(BGĐT)- Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) vừa ký hợp đồng thu mua 700 tấn vải tươi của hai hợp tác xã trên địa bàn huyện Lục Ngạn gồm: Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân; Hợp tác xã Nông nghiệp sản xuất và kinh doanh tổng hợp Xuyên Việt. 
Tiêu thụ vải thiều năm 2020: Khai thác hiệu quả thị trường nội địa
(BGĐT) - Năm 2020 được nhận định là năm có nhiều khó khăn cho tiêu thụ nông sản nói chung, vải thiều của Bắc Giang nói riêng. Vì thế, một trong những giải pháp mà tỉnh đề ra để tiêu thụ nông sản này là khai thác tối đa thị trường trong nước.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...