Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 33 °C / 24 - 33 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Nhịp sống trẻ
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Nhân Ngày sách Việt Nam 21-4: Nuôi dưỡng ước mơ từ trang sách

Cập nhật: 13:47 ngày 20/04/2018
(BGĐT) - Ở khu vực thành thị, học sinh có thể dễ dàng đến siêu thị, nhà sách tìm mua truyện, sách về đọc nhưng với trẻ em nông thôn thì không dễ. Xuất phát từ thực tiễn đó, nhiều tổ chức, cá nhân ở Bắc Giang dành thời gian, công sức xây dựng tủ sách, thư viện thân thiện, giúp các em nhỏ có cơ hội tiếp cận kho tàng tri thức phong phú.
{keywords}

Học sinh Trường Tiểu học thị trấn Neo (Việt Yên) đọc sách tại Thư viện.

Tuổi thơ nhiều gian khó khiến chị Hoàng Thị Vân (SN 1984) ở thôn Kim Sơn, xã Tiên Sơn (Việt Yên) từng có ý định bỏ học. Những năm 2002 đến 2008, Vân mở sạp bán sách báo cũ ở thị trấn Bích Động để phụ giúp mẹ trang trải cuộc sống. Những lúc vắng, cô gái ấy tìm đọc báo Tri thức trẻ, Tuổi trẻ. Cũng nhờ “sức mạnh vô hình” từ những cuốn sách quý, Vân “vực” lại tinh thần, tiếp tục nuôi chí vươn lên. Tốt nghiệp THPT năm 2002, chị tự ôn luyện rồi thi đỗ vào Trường Trung cấp Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Giang. 

Suốt những năm học chuyên nghiệp, chị liên tục giành học bổng, số tiền đó dành một phần để mua sách. Là nhân viên Thư viện Trường Tiểu học Tiên Sơn số 1 (Việt Yên) - từ tháng 8-2012 đến nay, chị tham mưu với Ban Giám hiệu xây dựng thư viện thân thiện, đưa sách đến với học sinh. Vậy là trong lớp học, dưới tán cây xanh rợp bóng mát hình thành các giá đựng hàng trăm cuốn sách, truyện tranh. Không quản vất vả, Vân cùng giáo viên chủ nhiệm các lớp trang trí thư viện, sắp xếp giá, kệ phù hợp với lứa tuổi, khả năng đọc nên thu hút học sinh từ lớp 1 đến lớp 5 đến đọc sách. Đến nay, thư viện nhà trường có gần 5 nghìn cuốn.

Với thầy giáo Mai Đình Nhường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lục Nam thì sách như người bạn thân thiết giúp thầy hiểu sâu sắc nhiều bài học bổ ích. Thầy là người đầu tiên của Bắc Giang thành lập Câu lạc bộ Sách và Hành động khi còn giảng dạy tại Trường THPT Yên Dũng số 2. Những cuốn sách giáo dục đạo đức, lối sống tự lập, tinh thần tự lực vươn lên, khát vọng khởi nghiệp như: “Trên đường băng”, “Cà phê cùng Tony” của tác giả Tony Buổi sáng được thầy Nhường truyền tay cho học sinh đọc. Được biết, hiện nay thầy Nhường đang thực hiện dự án vận động 10 nghìn cuốn sách tặng học sinh các xã khó khăn trong tỉnh.

Nhằm duy trì văn hóa đọc trong cộng đồng, thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có nhiều cá nhân không quản ngại vất vả đến các cơ quan, đơn vị, hộ gia đình sưu tầm sách, báo, tài liệu đưa về nông thôn. Đáng kể như ông Đào Quang Huy, xã Song Khê (TP Bắc Giang). Dù ở tuổi ngoài 80, chỉ với chiếc xe đạp cũ, 5 năm qua ông đã sưu tầm hơn 6,5 nghìn cuốn sách.  Hay như cán bộ, hội viên Chi hội Cựu giáo chức, Hội Khuyến học thôn Thượng, xã Bích Sơn (Việt Yên) chung tay xây dựng một thư viện với những đầu sách phong phú dành cho nhiều lứa tuổi.

{keywords}

Những cuốn sách hay mang lại cho em nhiều cảm xúc, biết quan tâm giúp đỡ bạn bè và người thân, làm việc tốt, vâng lời bố mẹ và thầy cô giáo”.


Em Đặng Đình Gia Nghĩa, học sinh lớp 5D, Trường Tiểu học thị trấn Neo (Yên Dũng).

Từ năm học 2015- 2016, thông qua Sở Giáo dục và Đào tạo, tổ chức Room to Read (tổ chức phi chính phủ của Hoa Kỳ về lĩnh vực phát triển giáo dục) hỗ trợ 40 trường tiểu học tại các huyện: Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa. Đến nay 100% trường tiểu học ở ba huyện trên đã xây dựng mô hình thư viện thân thiện và đang tiếp tục lan tỏa tới các trường trong tỉnh.

Thầy giáo Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Neo (Yên Dũng) cho hay: “Dù không được hỗ trợ từ dự án song nhận thấy hiệu quả từ sách mang lại với cuộc sống, nhất là giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, cách đây hai năm, chúng tôi vận động phụ huynh chung tay thiết kế thư viện ngoài trời thoáng mát, kinh phí hơn 100 triệu đồng. Giờ thì việc đọc sách của các em đã thành nền nếp. Những cuốn sách giới thiệu việc tử tế, người tốt việc tốt, truyện cổ tích… được học sinh vận dụng vào thực tiễn đời sống, cụ thể hóa bằng việc làm thiết thực ý nghĩa”.

Đơn cử như tháng 2 vừa qua, trường phát động phong trào “Bạn giúp bạn”. Gần 700 học sinh ở 19 lớp trong trường quyên góp gần 50 suất quà gồm: Bánh kẹo, quần áo, sách vở... để chia sẻ khó khăn với các bạn mồ côi, khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn. Để việc đọc sách thành nếp, ngày thứ Hai hằng tuần, nhiều trường như: THPT Yên Dũng số 2, số 3; Tiểu học Tiên Sơn số 1... chức cho học sinh sinh hoạt dưới cờ, lồng ghép hoạt động giới thiệu về cuốn sách. Học sinh được tự do trình bày suy nghĩ, cảm xúc về những câu chuyện, nhân vật cụ thể, giúp các em hứng thú hơn với văn hóa đọc.

Mai Toan

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...