Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Tình nguyện mùa Đông: Đổi mới cách làm, nâng cao hiệu quả

Cập nhật: 13:43 ngày 15/01/2018
(BGĐT) - Bắc Giang là nơi khởi nguồn chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa Đông, được đánh giá cao trong toàn quốc. Nhiều năm gần đây, hoạt động tình nguyện ngày càng đa dạng nhưng làm thế nào để nâng cao hiệu quả vẫn là băn khoăn, trăn trở của nhiều người.
{keywords}

Đoàn viên thanh niên Công an tỉnh phối hợp với Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh tư vấn sức khỏe cho người dân xã Đèo Gia (Lục Ngạn).

Của cho không bằng cách cho

Năm 2017, các cấp  bộ đoàn, hội trực thuộc Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) tỉnh đã thi công hơn 750 phần việc, công trình thanh niên; trang bị 25 điểm vui chơi cho thiếu nhi; thắp sáng 10 km đường quê… Tuy vậy, từ thực tế có không ít cơ sở đoàn, hội, nhóm tổ chức hoạt động tình nguyện chưa hiệu quả, lãng phí nguồn lực, chưa để lại dấu ấn tại địa phương.

Theo anh Nguyễn Duy Bảo, Trưởng Ban Phong trào, Ban Điều phối nguồn lực tình nguyện (Hội LHTN tỉnh), việc lãng phí nguồn lực, tốn kém thời gian, kinh phí khi tổ chức hoạt động tình nguyện xảy ra ở một số nhóm tình nguyện tự phát, chưa có kinh nghiệm triển khai. Đến những thôn bản khó khăn của các huyện Sơn Động, Lục Ngạn hay Yên Thế, việc làm của các đoàn tình nguyện thường rất đơn giản. Trước chuyến đi, các nhóm quyên góp quần áo ấm, chăn màn, gạo… trao cho các gia đình. Đây là một cách thể hiện tình thương yêu, sự đồng cảm và mong muốn họ bớt khó khăn trong cuộc sống, nhất là trong mùa đông. Tuy nhiên chính vì thiếu sự kết nối giữa các nhóm, tổ chức tình nguyện nên hoạt động còn lẻ tẻ, không bài bản, chưa thực sự đáp ứng đúng nhu cầu của người dân.

Đơn cử như nhóm TNT (TP Bắc Giang) thành lập vài năm nay nhưng số lần tổ chức hoạt động rất ít. Đầu năm 2017, nhóm tặng 7 chiếc chăn cho người dân xã Thạch Sơn (Sơn Động). Để tổ chức chuyến đi, nhóm phải thuê xe ô tô 7 chỗ, chi phí sinh hoạt khá tốn kém.

Gần đây, thôn Đồng Cao, xã Thạch Sơn (Sơn Động) được giới trẻ biết đến là địa điểm du lịch đẹp, thích hợp với hoạt động trải nghiệm ngoài trời. Vì vậy, nhiều nhóm tình nguyện tự phát hay chi đoàn của các cơ quan, doanh nghiệp kết hợp tổ chức vui chơi, trải nghiệm gắn với hoạt động tình nguyện. Đơn cử, chỉ tính dịp cuối năm 2016, đầu năm 2017, xã đón hơn 10 đoàn tình nguyện, mỗi đoàn tặng vài chiếc chăn, hơn chục suất quà. Tấm lòng của các bạn trẻ là rất đáng quý nhưng những món quà này chưa thực sự đáp ứng mong muốn, nhu cầu của người dân. Thực tế, nơi đây cơ sở vật chất trường, lớp học, sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh còn thiếu thốn, giao thông xuống cấp, nếu như hoạt động tình nguyện đáp ứng đúng những cái khó trên thì chắc chắn sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

{keywords}

Hội Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh, CLB Chung một tấm lòng (Hiệp Hòa) tặng sách, đồ dùng học tập cho học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Sơn Động.

Thiết thực, lâu dài

{keywords}

Làm tình nguyện là kết nối tấm lòng của cộng đồng đến những mảnh đời khó khăn thì bản thân các nhóm phải thật sự chu đáo về mọi mặt. Trong đó khâu tiền trạm phải kỹ lưỡng để xác định đúng đối tượng cần giúp đỡ thì món quà mang tới mới thật sự có ý nghĩa”.


Anh Trần Tuấn Hiệp, Chủ nhiệm CLB Chung một tấm lòng (Hiệp Hòa)

Trong chiến dịch thanh niên tình nguyện mùa Đông - Xuân này, một số đơn vị đã tổ chức khâu tiền trạm, khảo sát nhu cầu, nguyện vọng của người dân có hoàn cảnh khó khăn để thực hiện công trình, phần việc phù hợp, mang tính dài hơi. Điển hình như Hội LHTN huyện Hiệp Hòa, Sơn Động, Lục Ngạn; CLB Chung một tấm lòng, Exiter Bắc Giang. Sau khảo sát tại các hộ, Chi đoàn Điện lực huyện Hiệp Hòa phối hợp với đoàn viên thanh niên các xã Xuân Cẩm, Hòa Sơn, Thường Thắng, Lương Phong sửa chữa, lắp đặt hệ thống điện cho 20 hộ hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Bà Trần Thị Lại ở thôn Chớp, xã Lương Phong sống đơn thân. Do sức khỏe yếu, lúc nhớ khi quên nên cuộc sống, sinh hoạt của bà khá khó khăn. Đường dây diện hư hỏng nhiều năm nhưng chưa có tiền sửa chữa. Đợt này, gia đình bà được lắp đường dây mới, an toàn hơn, mưa gió không còn phải lo lắng nữa.

Vừa qua, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh vận động được các đơn vị như: Công ty Sơn SUDO Bắc Giang, Hội Lái xe 98, Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh phối hợp tổ chức hoạt động sơn, sửa chữa nhà văn hóa thôn, điểm trường mầm non tại huyện Yên Thế, Tân Yên và Lục Ngạn. Tháng 12-2017, chiến dịch tình nguyện với chủ đề “Màu áo xanh truyền hơi ấm vùng cao” tại xã Đèo Gia (Lục Ngạn), hơn 40 đoàn viên thanh niên đã lợp mái che khu vui chơi điểm trường mầm non, sơn nhà văn hóa thôn Thung; tặng téc nước, lắp đặt hệ thống nước sinh hoạt tại thôn Xạ Nhỏ, xã Đèo Gia (Lục Ngạn). Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh khám, tư vấn, phát thuốc miễn phí cho hơn 200 người dân tại xã.

Tình nguyện là hoạt động cần khuyến khích nhưng làm thế nào cho hợp lý là điều đáng quan tâm. Do đó, trước khi tổ chức chuyến tình nguyện phải xác định rõ tư tưởng, đây không phải là chuyến du lịch trải nghiệm mà đòi hỏi mỗi người cần có kỹ năng nhất định. Anh Nguyễn Hữu Thống, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHTN tỉnh cho hay: “Để hoạt động tình nguyện thực sự có ý nghĩa, những người tổ chức cũng cần tính đến lợi ích lâu dài mang lại cho người thụ hưởng. Đối với những trường hợp khác nhau, nên có cách hỗ trợ khác nhau. Ví như với đối tượng mắc bệnh hiểm nghèo, gia cảnh khó khăn, có thể ủng hộ bằng tiền và hiện vật như thuốc chữa bệnh, đồ dùng thiết yếu. Còn với người dân ở vùng núi xa xôi, hẻo lánh, ngoài tặng quần áo, chăn màn nên tổ chức, vận động nguồn lực lớn hơn, giúp họ mắc đường dây điện hay hỗ trợ xây trường học, thư viện, làm đường”.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...