Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bỏ phố về làng trồng măng tây xanh

Cập nhật: 10:11 ngày 03/11/2017
(BGĐT) - Thạc sĩ Nguyễn Trường Sơn (SN 1986) quyết định bỏ công việc ổn định để chọn cho mình một lối đi riêng với cây măng tây xanh. Dù con đường phía trước còn gian nan nhưng ý chí quyết tâm theo đuổi đam mê của anh đã truyền cảm hứng cho nhiều người trẻ ở quê hương.
{keywords}

Anh Nguyễn Trường Sơn trao đổi kinh nghiệm trồng măng tây xanh với đoàn viên xã Tư Mại (Yên Dũng).

Khi đang là cán bộ tại Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh Bắc Giang, anh Sơn (quê ở thôn Bắc Am, xã Tư Mại, Yên Dũng) đã thực hiện nhiều dự án hỗ trợ nông dân sản xuất rau an toàn. Nhiệt tình, trách nhiệm, anh được lãnh đạo đơn vị tín nhiệm, đánh giá cao. Có bằng Thạc sĩ ngành công nghệ sinh học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nên khi hay tin anh bỏ việc ở cơ quan nhà nước về làm nông dân, người thân, bạn bè rất bất ngờ.

Ở đơn vị từng công tác, anh Sơn nhận thấy sản xuất rau an toàn, đặc biệt là măng tây xanh đang được người tiêu dùng ưa chuộng bởi giá trị dinh dưỡng cao, tiêu thụ rất thuận lợi. Sau khi trình bày ý tưởng với lãnh đạo Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật tỉnh, đầu năm 2016, anh Sơn được hỗ trợ từ dự án "Nghiên cứu, xây dựng mô hình măng tây xanh trên địa bàn tỉnh Bắc Giang". Sản xuất trên diện tích 1 ha, cơ sở của anh được hỗ trợ 60% tiền giống. Anh cố gắng vận động thuyết phục, động viên người thân ủng hộ, tạo điều kiện. Hơn 800 triệu đồng vay được từ các nguồn, anh đầu tư mua giống, phân bón và lắp đặt hệ thống tưới tự động.

Hiện mô hình của anh Trường Sơn tạo việc làm cho 10 lao động địa phương, mức lương từ 4 đến 5 triệu đồng/tháng.

Vốn quen với công việc nghiên cứu, giờ về làm nông, anh Sơn cũng gặp không ít khó khăn. Anh phải học cách làm đất, lên luống, căng dây, xuống giống như một nông dân thực thụ. Chàng thạc sĩ trẻ quen với bàn giấy giờ cầm liềm, cuốc đất thoăn thoắt, vun luống gọn gàng. Diện tích đất ruộng thuê được phải cải tạo lại toàn bộ để điều chỉnh độ pH bằng cách bón vôi bột, bổ sung các loại phân xanh. Để có rau an toàn, anh hạn chế dùng phân hóa học mà thay vào đó là phân chuồng ủ hoai mục. Sau 6 tháng chăm sóc, cây cao từ 1,5-2m, măng cho thu hoạch chồi hằng ngày, năng suất đạt 3-5 kg/sào/ngày. Anh Sơn cho biết: “Măng tây xanh là cây rễ chùm nên gặp thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều là rễ cây sẽ bị nấm bệnh gây vàng lá, héo úa. Thêm vào đó, hiện hầu hết diện tích sản xuất chưa được đầu tư nhà lưới, nhà màng nên dễ bị nhiều loại côn trùng, sâu bệnh gây hại”. Mỗi ngày, anh đều ghi chép nhật ký chăm sóc và theo dõi cẩn thận. Việc sử dụng phân bón như thế nào hay loại thuốc gì đều được kiểm tra, đo lường chính xác. Dù đối diện với nhiều rủi ro, năng suất thấp hơn nhưng bù lại, sản phẩm do cơ sở của anh làm ra bảo đảm đạt tiêu chuẩn, không có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.

Nhằm tạo thuận lợi về đầu ra cho sản phẩm, anh Sơn đã viết hồ sơ, chủ động làm việc với hệ thống siêu thị VinGroup (Hà Nội). Mất nửa năm theo đuổi liên tục, ngay sau khi cây bắt đầu cho thu hoạch, những bó măng tây xanh của anh đã được thu mua. Sản phẩm của cơ sở hiện có chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, bán trong hệ thống siêu thị VinGroup với giá từ 80 đến 90 nghìn đồng.

Thời gian tới, anh Sơn tiếp tục đầu tư xây dựng nhà lưới trồng măng tây xanh cũng như áp dụng một số biện pháp kỹ thuật mới vào theo dõi chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, anh sẽ liên kết với một số cá nhân có diện tích trồng rau an toàn lớn để thành lập hợp tác xã của thanh niên, tạo nguồn sản phẩm ổn định.

Tuyết Mai

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...