Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp sống trẻ
Nhịp sống trẻ
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Sắp xếp việc làm phù hợp cho đội viên trí thức trẻ

Cập nhật: 07:00 ngày 04/06/2017
(BGĐT) - Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ có trình độ đại học về làm phó chủ tịch UBND xã thuộc 63 huyện nghèo trong cả nước (gọi tắt là Dự án 600) của Bộ Nội vụ sắp kết thúc. Huyện Sơn Động (Bắc Giang) có 19 đội viên tham gia Dự án. Công tác sắp xếp, bố trí vị trí làm việc cho đội ngũ này đến nay cơ bản đã hoàn thành.
{keywords}

Anh Triệu Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Hưu (Sơn Động), đội viên trí thức trẻ hướng dẫn nông dân chăm sóc cây trồng.  Ảnh: Xuân Thỏa 

Khẳng định vị trí

Gần 5 năm tăng cường 19 đội viên về làm phó chủ tịch các xã khó khăn, dù phụ trách ở lĩnh vực nào, họ cũng đều nỗ lực vượt khó, cố gắng hết mình đem tri thức và sức trẻ cùng chính quyền địa phương phát triển KT-XH, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Nhiều mô hình, đề án của họ đã mang lại hiệu quả cao, được chính quyền và nhân dân ghi nhận.

{keywords}

Sơn Động là một trong những địa phương làm khá tốt, bài bản công tác sắp xếp, bố trí vị trí việc làm cho đội viên Dự án 600. Chúng tôi sẽ báo cáo kết quả này tại hội nghị tổng kết Dự án sắp tới để các địa phương khác tham khảo cách làm của huyện”.


Ông Vũ Đăng Minh, Vụ trưởng Vụ công tác thanh niên (Bộ Nội vụ), Giám đốc Ban quản lý Dự án 600

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Kỹ thuật - Công nghiệp, đội viên Bùi Thị Kim Dung (SN 1983) được phân công làm Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn, phụ trách mảng kinh tế. Thấy bà con trồng nhiều vải thiều nhưng chưa có kiến thức chăm sóc đúng nên năng suất, chất lượng quả thấp, chị xây dựng đề án "Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây vải thiều". Đề án đem lại hiệu quả và được đa số hộ dân trong xã ứng dụng. Với vai trò lãnh đạo xã, chị Dung luôn tìm kiếm cơ hội giúp bà con phát triển kinh tế. Mới đây, chị vận động hộ ông Bế Văn Sáu, thôn Gốc Gạo chuyển từ mô hình trồng nấm rơm sang nấm lim. Đồng thời kết nối với Viện Khoa học Nông nghiệp cử cán bộ về tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho gia đình. 

Ở xã Quế Sơn, từ người già đến trẻ nhỏ ai cũng biết đến nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Trần Sỹ Trung (SN 1982). Dù không phải người Sơn Động song với kiến thức tích lũy tại Đại học Lâm nghiệp cùng nhiệt huyết, trong thời gian công tác tại địa phương, anh đã xây dựng mô hình mang lại hiệu quả cao như: Quy trình xử lý nước, rác thải bằng vòng tròn chuối và giun đất; nhân giống và trồng cây dược liệu bản địa trà hoa vàng dưới tán cây lâm nghiệp. Hai mô hình đã được Sở Khoa học và Công nghệ công nhận, đánh giá tốt. Cùng góp sức trẻ cho 19 xã của huyện Sơn Động, nhiều đội viên Dự án 600 đã phát huy được năng lực, khẳng định vị trí của bản thân như: Nguyễn Thành Phong (xã Tuấn Đạo) với đề án trồng khoai tây; La Thị Hằng (xã An Bá) xây dựng đề án bảo tồn và phát triển bản sắc truyền thống Sình ca của người Cao Lan; Đào Hải Hà (xã Vĩnh Khương) có mô hình "Xây dựng hợp tác xã nông nghiệp"…

Phát huy năng lực của trí thức trẻ 

Ông Nguyễn Quang Ngạn, Chủ tịch UBND huyện Sơn Động cho biết: “Chúng tôi coi việc sắp xếp công việc cho 19 trí thức trẻ là nhiệm vụ quan trọng của địa phương, trên cơ sở công việc mới phải phù hợp với trình độ chuyên môn của từng đồng chí, bảo đảm sau sắp xếp, các trí thức trẻ tiếp tục phát huy năng lực, sở trường”. 

{keywords}

Chị Bùi Thị Kim Dung (ngoài cùng, bên phải), Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Đàn cùng Đại sứ Israel thăm mô hình trồng nấm lim.

Được biết, huyện chỉ đạo các xã trên cơ sở đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ để sắp xếp, bố trí công việc cho các đội viên tham gia Dự án. Tiếp đó, huyện Sơn Động triển khai chính sách tinh giản biên chế đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng, tổ chức chính trị xã hội; chuyển đổi vị trí công tác; thay thế cán bộ không đủ điều kiện về trình độ, năng lực, phẩm chất để dành vị trí cho trí thức trẻ đủ khả năng… Một số xã đưa đội viên Dự án 600 vào quy hoạch trước đại hội Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên cấp cơ sở. 

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện, đến nay, việc bố trí vị trí công tác mới cho các đội viên bảo đảm kế hoạch đề ra. Hiện nay có 6 đồng chí làm việc tại các phòng, ban cấp huyện; 10 đồng chí làm công chức chuyên môn cấp xã. Với ba đội viên còn lại, UBND huyện đã có phương án cụ thể, dự kiến hoàn thành trong tháng 6 năm nay. Anh Trần Sỹ Trung chia sẻ: "Từ tháng 7 - 2016, tôi chuyển về làm việc tại Phòng Nội vụ huyện. Tôi luôn tự nhủ dù ở cương vị nào cũng luôn cố gắng học hỏi, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ”.  

Tuy nhiên, qua tìm hiểu, khi Dự án 600 sắp kết thúc phát sinh một số khó khăn. Ngoài vấn đề khung định biên của địa phương cơ bản đã đầy đủ thì một số đội viên có trình độ chuyên môn không phù hợp với chức danh còn trống. Do vậy, có ý kiến đề nghị T.Ư có cơ chế đặc thù, tạo thuận lợi cho huyện sắp xếp, phát huy vai trò của các trí thức trẻ. Bản thân mỗi đội viên cũng cần thể hiện quyết tâm, tinh thần nỗ lực phấn đấu, khẳng định rõ về năng lực công tác.

Hoài Thu

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...