Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 28 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chuyện có hậu của “Nỗi niềm thương binh không sổ”

Cập nhật: 14:28 ngày 28/07/2020
(BGĐT)- Tối 26/7, ông Nguyễn Văn Mừng ở thôn Bãi Cả, xã Bình Sơn (Lục Nam) gọi điện cho tôi báo tin: Chú và chú Rộn (ông Nguyễn Văn Rộn) vừa nhận được quyết định công nhận thương binh. Vậy là sau nhiều năm, câu chuyện về "Nỗi niềm thương binh không sổ" đã kết thúc có hậu.

  “Thương binh”... không sổ 

{keywords}

Giấy chứng nhận thương binh của hai ông Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Văn Rộn. 

Vào một ngày giữa tháng 7/2018, nhóm phóng viên chúng tôi được lãnh đạo cơ quan chỉ đạo xác minh thông tin tại hai xã Bình Sơn, Lục Sơn (Lục Nam) có một số cựu binh tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào trở về, cơ thể mang nhiều thương tích, nhiều mảnh đạn còn găm trong người song do vướng mắc về hồ sơ vẫn chưa được giải quyết chính sách thương binh. 

Cùng nhà thơ Đặng Vương Hưng (người thông tin vụ việc- PV), chúng tôi đã về hai xã Lục Sơn, Bình Sơn gặp các cựu binh Nguyễn Văn Mừng (SN 1952) ở thôn Bãi Cả, Nguyễn Văn Rộn (SN 1949) ở thôn Non Thần (xã Bình Sơn) và Nguyễn Văn Khái, thôn Hổ Lao (xã Lục Sơn). Thời điểm ấy, Ban CHQS huyện Lục Nam vừa trả lại hồ sơ cho các ông vì không đủ điều kiện giải quyết chính sách thương binh. Ai cũng nản chí, băn khoăn không biết có nên đề nghị nữa hay không(?).

{keywords}

Ông Nguyễn Văn Mừng (trái) và Nguyễn Văn Rộn xúc động khi được nhận giấy chứng nhận thương binh.

Trò chuyện được biết, năm 1970, các ông và một số thanh niên địa phương lên đường nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện, ba ông sang chiến đấu tại Xiêng Khoảng (Lào), biên chế tại Tiểu đoàn 7, Đoàn 959 - Mặt trận 31 (nay là Tiểu đoàn BB2 - Trung đoàn 866 - Sư đoàn 31). Trong chiến đấu, các ông bị nhiều vết thương nhưng khi trở về địa phương, do giấy tờ chứng thương bị thất lạc nên việc làm hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thương binh gặp khó khăn.

Năm 2012, các ông may mắn tìm lại được đơn vị cũ tại tỉnh Bình Định còn lưu trữ danh sách thương binh giai đoạn 1969-1973. Được đơn vị xác nhận thương tật, các ông đã làm hồ sơ chuyển cơ quan chức năng nhưng hồ sơ chuyển đi rồi lại bị trả lại với lý do “chưa hợp lệ”. Nhưng chưa hợp lệ thế nào, phải làm sao mới đúng thì lại không được hướng dẫn cụ thể… Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc suốt nhiều năm qua, hồ sơ đề nghị của các ông không được xem xét, giải quyết. Để rồi, mỗi tháng 7 về, chứng kiến cộng đồng xã hội tri ân thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công mà không khỏi chạnh lòng. 

Vì chưa được giải quyết chế độ theo quy định nên các cựu binh quyết định không phẫu thuật, giữ lại mảnh bom, đạn trong người làm chứng tích suốt gần 50 năm qua. Mỗi khi trái gió, trở trời, cơ thể lại đau nhức, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Mừng bệnh tật, nhiều lần thập tử nhất sinh; ông Rộn bị tai biến liệt hai chân, phải ngồi xe lăn cả chục năm nay… song vẫn cố chịu những cơn đau hành hạ, hy vọng một ngày hồ sơ sẽ được xem xét, giải quyết.

Hai người được công nhận thương binh

{keywords}

Các cựu binh trò chuyện với phóng viên Báo Bắc Giang. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi Báo Bắc Giang đăng bài viết Nỗi niềm “thương binh” không sổ vào năm 2018, Ban CHQS huyện Lục Nam đã chỉ đạo bộ phận liên quan phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương hướng dẫn các cựu binh làm thủ tục. 

Cùng đó, Ban CHQS huyện có công văn gửi đơn vị cũ của các cựu binh nhờ cung cấp một số giấy tờ cần thiết, tạo thuận lợi hoàn thiện hồ sơ. Trong năm 2018, hồ sơ của các ông được chuyển lên Bộ CHQS tỉnh, sau đó là Bộ Tư lệnh Quân khu I. Tháng 5 vừa qua, các cựu binh được mời đi giám định thương tật và dịp 27/7 này, ông Mừng và ông Rộn được Ban CHQS huyện Lục Nam mời lên nhận quyết định thương tật. 

Đáng chú ý, cả hai thương binh đều được hưởng chế độ từ năm 2013 với mức tiền truy lĩnh trên dưới 100 triệu đồng/người. Riêng ông Nguyễn Văn Khái, do trục trặc về giấy tờ nên gần đây mới được mời đi giám định thương tật để xét hưởng chế độ thời gian tới. 

Sau gần 50 năm trở về từ chiến trường, lần đầu tiên được nhận quà nhân ngày thương binh, liệt sĩ (27/7) từ chính quyền địa phương, các cựu binh xúc động rơi nước mắt:  “Tôi không nghĩ mình còn sống đến ngày được nhận quyết định và chế độ đãi ngộ của Nhà nước! ”, ông Rộn cảm động. Thương binh Nguyễn Văn Mừng cũng bộc bạch: “Giờ được nhận quyết định thương tật, tuy muộn nhưng vô cùng ý nghĩa đối với chúng tôi và gia đình. Hạnh phúc này không lời nào kể hết. Chỉ buồn là vợ tôi (bà Hoàng Thị Năng - người đã không quản vất vả chăm sóc và động viên chồng kiên trì theo đuổi việc làm hồ sơ suốt từ năm 2000 đến nay) không còn để chứng kiến niềm vui này!”. 

Các cựu binh cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Báo Bắc Giang, nhà thơ Đặng Vương Hưng, bạn bè, người thân đã quan tâm, giúp đỡ  được hưởng chế độ đãi ngộ theo quy định, không còn là “thương binh” không sổ với bao mặc cảm, tủi thân. 

Giải quyết chế độ người có công ở xã Xuân Hương (Lạng Giang): Cán bộ tắc trách, người dân mòn mỏi đợi chờ
(BGĐT) - Nộp hồ sơ  đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho người thân hy sinh từ hơn 60 năm trước về xã, rồi chờ đợi mãi không thấy hồi âm, ông Trịnh Trọng Tiến hỏi và rất bức xúc khi nghe cán bộ chuyên môn trả lời chưa nhận được?! Đây là sự việc xảy ra tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). 
Cụ Trần Thị Bé được giải quyết chế độ người có công
(BGĐT) - Báo Bắc Giang ngày 1-8-2018 có bài “Giải quyết chế độ người có công đối với cụ Trần Thị Bé: Cần thấu tình, đạt lý”. 
Nỗi niềm “thương binh” không sổ
(BGĐT) - Họ là những người lính tham gia chiến đấu ở chiến trường Lào, ngày chiến thắng trở về, cơ thể mang nhiều thương tích, thậm chí vẫn còn mảnh đạn găm trong người. Tuy vậy, do vướng mắc về hồ sơ, đến giờ họ vẫn chưa được hưởng chính sách dành cho thương binh. 
Bắc Giang: Khởi công xây nhà cho gia đình bà Trịnh Thị Mạn
(BGĐT) - Ngày 20-7, Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) tổ chức khởi công xây nhà ở cho gia đình bà Trịnh Thị Mạn, thôn Sòi. Ngôi nhà rộng 100 m2, tường gạch, đổ trần, dự kiến hoàn thành cuối tháng 9-2018, nguồn kinh phí đang trong quá trình vận động.

Thùy Ninh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...