Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 33 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Bắc Giang: Tháo gỡ vướng mắc ở các thôn, tổ dân phố mới sáp nhập

Cập nhật: 13:45 ngày 08/07/2020
(BGĐT) - Thực hiện Nghị quyết số 19 ngày 11/7/2019 và Nghị quyết số 44 ngày 11/12/2019 của HĐND tỉnh Bắc Giang về nhập, đổi tên các thôn, tổ dân phố (TDP) trên địa bàn tỉnh, toàn tỉnh Bắc Giang đã sáp nhập 639 thôn, TDP để thành 292 thôn, TDP mới. Tính đến nay, tại 209 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh có 2.132 thôn, TDP (giảm 347 thôn, TDP so với thời điểm tháng  6/2019). 

Còn những bất cập

Khác với việc chia tách thôn, TDP cũ để thành lập các thôn, TDP mới, việc sáp nhập, đổi tên các thôn, TDP gặp rất nhiều khó khăn, phức tạp. Ngoài khó khăn phải sắp xếp lại số cán bộ cơ sở dôi dư (từ 6 chức danh mỗi thôn, chỉ còn 3 chức danh kiêm nhiệm), có lẽ rào cản lớn nhất chính là tư tưởng người dân chưa thông khi việc sáp nhập ít nhiều đã xáo trộn nếp sinh hoạt vốn đã bình yên bao năm. Cùng đó, nhiều giấy tờ, giao dịch khác cũng phải thay đổi địa chỉ.

{keywords}

Lãnh đạo Phòng Nội vụ huyện Lạng Giang, UBND xã Hương Lạc nắm bắt tình hình thôn Má Bắp sau sáp nhập.

Theo báo cáo của Ủy ban MTTQ tỉnh tại thời điểm cuối năm 2019 về kết quả giám sát việc thực hiện Đề án sáp nhập thôn, TDP trên địa bàn tỉnh: Một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa đồng thuận, thống nhất cao với việp sáp nhập. Tại một số địa phương có nhiều thôn, TDP khi lấy ý kiến nhân dân không đạt 50% trở lên (Tân Yên 27 thôn, Yên Thế 21 thôn…). Một số thôn, TDP phải tổ chức lấy ý kiến nhân dân lần 2 (Lục Nam 9 thôn, Yên Dũng 3 thôn). Mặt khác, việc xây dựng đề án sáp nhập thôn, TDP của một số xã, thị trấn chưa được quan tâm đúng mức. Nội dung đề án còn chung chung, chưa sát với tình hình thực tế ở địa phương.

Việc bố trí nơi sinh hoạt cộng đồng, cơ sở tín ngưỡng (đình, chùa) và sử dụng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, nghĩa trang nhân dân, bãi thu gom rác thải chưa rõ ràng dẫn đến những va vấp, khúc mắc nhỏ trong sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, nhà văn hóa của nhiều thôn mới sáp nhập vốn đã cũ, chật, thiếu trang thiết bị hoạt động nay sáp nhập càng trở nên khó khăn hơn, nhất là tại các thôn thuộc khu vực miền núi.

Được biết, ngay sau khi các nghị quyết của HĐND tỉnh về sáp nhập, đổi tên các thôn, TDP có hiệu lực, các địa phương đã tập trung kiện toàn tổ chức cán bộ, duy trì hoạt động tại các thôn, TDP theo mô hình mới. Tuy nhiên, do tình hình kinh tế còn gặp khó khăn, nhất là đầu năm 2020, ảnh hưởng của dịch Covid -19, nhiều kiến nghị của người dân trước khi sáp nhập chưa được quan tâm giải quyết, nhất là các kiến nghị về đầu tư hạ tầng cơ sở. Chính vì vậy nhân dân chưa yên tâm, phấn khởi. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động tại các thôn, TDP chưa được nâng cao như mục tiêu Đề án đặt ra. Tình hình này thấy rất rõ tại huyện Lục Ngạn - địa phương có tới 107 thôn, TDP sáp nhập trong năm 2019 để hình thành 53 thôn, TDP. Hơn nữa, Lục Ngạn là huyện có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, phong tục tập quán, tín ngưỡng khác nhau dẫn đến gặp nhiều khó khăn, phức tạp cả trước và sau khi thực hiện sáp nhập.

Một vấn đề cũng phức tạp, vấp phải nhiều ý kiến trái chiều khi lấy ý kiến nhân dân, đó là việc đặt tên thôn, TDP sau khi sáp nhập. Với những thôn trước đây chia tách, nay sáp nhập lại lấy lại tên thôn cũ thì đơn giản hơn, song đối với 2 -3 thôn độc lập, nay sáp nhập lại thành một thôn rất khó đi đến thống nhất. Tại một số nơi, cán bộ cơ sở chưa làm tốt công tác vận động tuyên truyền, lại thiếu kinh nghiệm xử lý tình huống, thiếu chặt chẽ trong quá trình họp triển khai lấy ý kiến nhân dân; nhiều hộ dân chưa thấy hết trách nhiệm và quyền lợi nên không tham gia họp thôn dẫn đến tình huống khi Nghị quyết HĐND tỉnh có hiệu lực triển khai mới “tá hỏa” không đồng ý với tên gọi mới và đề nghị tiếp tục đổi tên.

Quan tâm xây dựng thiết chế văn hóa

Để hạn chế những bất cập, nhất là sau khi nghị quyết HĐND tỉnh về sáp nhập, đổi tên các thôn, TDP đã có hiệu lực, thiết nghĩ các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần tập trung làm tốt, làm kỹ từ khâu chuẩn bị. Quan tâm làm tốt công tác tư tưởng, tuyên truyền vận động, tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân. Để làm được điều này trước hết cán bộ xã, thôn cần nâng cao kỹ năng, phương pháp vận động quần chúng, biết dựa vào người có uy tín trong cộng đồng. Nêu cao trách nhiệm, giải quyết thấu đáo các tình huống khúc mắc phát sinh, nhất là xung quanh việc đặt tên thôn, TDP mới.

UBND các cấp quan tâm, ưu tiên kinh phí, kêu gọi xã hội hóa nâng cấp xây dựng nhà văn hóa, bổ sung trang thiết bị thiết chế văn hóa đối với các nhà văn hóa ở những thôn, TDP mới sáp nhập, nhất là các thôn thuộc các xã miền núi, vùng cao, tạo điều kiện cho nhân dân có nơi hội họp, sinh hoạt. Quan tâm phát động các phong trào thi đua, các cuộc thi, giao lưu văn nghệ thể thao, xây dựng tình đoàn kết xóm phố. Chú trọng làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, không thể mâu thuẫn phát sinh tại những thôn, TDP vừa mới sáp nhập.

Giải quyết dứt điểm lấn chiếm mương nước tại xã Lương Phong (Hiệp Hòa)
(BGĐT) - Cho rằng UBND xã Lương Phong chậm khôi phục đoạn mương nước thải cũ bị lấn chiếm theo kết luận Bản án số 02/2019/HCST ngày 8/11/2019 của Tòa án nhân dân (TAND) huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) ông Đoàn Ngọc Quang ở thôn Tứ gửi đơn kiến nghị đến nhiều cơ quan.
Xã Khám Lạng (Lục Nam): Bình xét hộ nghèo có khách quan?
(BGĐT) - Công dân thôn Giếng, xã Khám Lạng (Lục Nam, Bắc Giang) tố cáo Ban Quản lý thôn tự ý đưa người thân vào danh sách hộ nghèo không đúng quy định.
Xã Xuân Cẩm (Hiệp Hòa): Bị tố sử dụng bằng giả, ba cán bộ xin nghỉ việc
(BGĐT) - Bà Nguyễn Thị Phong, thôn Dinh Hương, thị trấn Thắng và một số công dân có đơn tố cáo ba cán bộ UBND xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) sử dụng bằng giả để hoàn thiện hồ sơ lý lịch, tuyển dụng vào công chức… Trong lúc cơ quan chức năng xác minh thì ba cán bộ này cùng viết đơn xin nghỉ việc.

Lê Huyền

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...