Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Người lao động được hưởng lợi từ Bộ luật Lao động sửa đổi

Cập nhật: 09:09 ngày 27/11/2019
(BGĐT) - Bộ luật Lao động sửa đổi vừa được Quốc hội biểu quyết thông qua, có hiệu lực từ ngày 1-1-2021. Bộ luật  gồm 9 chương và 220 điều (giảm 1 điều so với Bộ luật hiện hành), bổ sung nhiều quy định mới quan trọng có lợi cho người lao động.

Bộ luật Lao động mới đã thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN trong các Nghị quyết của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội. Góp phần hoàn thiện khung pháp luật về lao động nhằm phát triển đồng bộ, liên thông thị trường lao động, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. 

{keywords}

Lao động gia công hàng xuất khẩu tại Công ty cổ phần Tổng Công ty May Bắc Giang LNG (Lục Nam). Ảnh: Bảo Khánh

Tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013 để bảo vệ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong lĩnh vực lao động và thúc đẩy, bảo đảm bình đẳng giới tại nơi làm việc, bảo vệ nhóm lao động yếu thế; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thuận lợi trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động, từng bước hình thành thị trường lao động đồng bộ và lành mạnh.

Bên cạnh một số nội dung rất quan trọng mà số báo trước đã giới thiệu như điều chỉnh tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của nam từ 60 lên 62 vào năm 2028, của nữ từ 55 lên 60 vào năm 2035; những quy định về làm thêm giờ, tăng thêm ngày nghỉ lễ… là những quy định được sửa đổi, bổ sung theo hướng thuận lợi hơn cho người lao động. 

Đáng chú ý, Bộ luật Lao động mới đã luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế phù hợp với trình độ phát triển KT-XH và thể chế chính trị của Việt Nam, đặc biệt là các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản, tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập quốc tế và thương mại công bằng, góp phần đáng kể để đạt được tiến bộ về việc làm thỏa đáng cho mọi người lao động, cả nam và nữ.

Nội dung thay đổi quan trọng nhất trong Bộ luật Lao động sửa đổi lần này là khả năng người lao động tại DN được quyền thành lập hay tham gia một tổ chức đại diện do họ lựa chọn, không nhất thiết phải là thành viên của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. 

Đây là một quyền cơ bản được nêu trong Tuyên bố về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động năm 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), giúp cải thiện quá trình thương lượng tập thể, cho phép người lao động được hưởng lợi ích công bằng hơn và cho phép DN thỏa thuận những cải thiện năng suất năng suất cần thiết.

Ngoài ra, theo Bộ luật này, các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động được quy định rõ ràng hơn. Điểm tiến bộ được thể hiện ở những định nghĩa mới về phân biệt đối xử và quấy rối, việc cho phép người lao động được đơn phương nghỉ việc với điều kiện có thông báo trước một cách phù hợp. Bộ luật cũng đưa ra hướng dẫn chi tiết hơn về cưỡng bức lao động và lao động chưa thành niên, giúp người sử dụng lao động hiểu rõ hơn những gì được pháp luật cho phép và không cho phép, cũng như và giúp tăng cường năng lực của thanh tra lao động trong việc tư vấn và thực thi pháp luật trong những lĩnh vực này.

Bên cạnh những hành vi bị cấm trong quan hệ lao động theo pháp luật hiện hành như cấm phân biệt đối xử, cấm ngược đãi, cưỡng bức, quấy rối tình dục…, Bộ luật Lao động mới đã bổ sung thêm hành vi “lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động” tại khoản 6 điều 8. 

Đây được coi là sự ghi nhận kịp thời nhằm bảo vệ người lao động trước tình trạng các tổ chức, cá nhân ngang nhiên đưa người lao động xuất cảnh trái phép gây bức xúc dư luận thời gian qua. Luật này cũng cho phép người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng không cần lý mà chỉ cần báo trước theo thời hạn quy định tương ứng với các loại hợp đồng, với các lý do cụ thể như:

Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận,; không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn; bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động; bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc; lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền...

Luật cũng bổ sung quy định về ký hợp đồng xác định thời hạn nhiều lần với người cao tuổi. Thông thường, người cao tuổi thường là những người có nhiều năm làm việc với nhiều kinh nghiệm, đặc biệt là công việc yêu cầu trình độ cao. Do đó, để phát huy giá trị của người cao tuổi, Điều 149 Bộ luật Lao động cho phép người sử dụng lao động thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn với người cao tuổi thay vì kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới như trước đây.

Ngoài ra, Bộ luật Lao động mới bổ sung những quy định khác như mở rộng phạm vi và đối tượng điều chỉnh, chế định về hợp đồng lao động, cơ chế bảo vệ tốt hơn cho lao động chưa thành niên…

Bộ luật Lao động mới và các văn bản hướng dẫn được ban hành kịp thời góp phần quan trọng đưa pháp luật vào cuộc sống, bảo đảm hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động.

Đóng góp vào dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, cử tri đề nghị giảm giờ làm, quan tâm quyền lợi của lao động nữ
(BGĐT) - Sáng 1-10, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh phối hợp tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV với chuyên đề: Đóng góp ý kiến vào dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Cử tri là lãnh đạo, chủ tịch công đoàn và người lao động (NLĐ) của một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Dự thảo Bộ luật Lao động điều chỉnh tuổi hưu nam lên 62, nữ 60
Cùng với tăng tuổi nghỉ hưu, dự thảo Bộ luật Lao động cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động độc lập với công đoàn.
Quốc hội sẽ không xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động trong năm 2017
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) đã đưa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Lao động ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017.
Quốc hội chốt tăng tuổi nghỉ hưu, thêm 1 ngày nghỉ lễ trong năm
Sáng 20-11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi, với 90,06 % số đại biểu tán thành. Phương án tăng tuổi nghỉ hưu, bổ sung thêm một ngày nghỉ lễ trong năm cũng được sự đồng thuận, thông qua.

Luật gia Hoàng Văn Lợi

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...