Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 32 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Chưa giải quyết dứt điểm vụ sản xuất thức ăn cho ong gây ô nhiễm môi trường ở Lục Ngạn

Cập nhật: 08:28 ngày 17/07/2019
(BGĐT) - Suốt mấy năm qua, dù người dân liên tục có ý kiến, Báo Bắc Giang đã có loạt bài phản ánh song cơ sở sản xuất nguyên liệu làm thức ăn cho ong gây ô nhiễm môi trường của gia đình ông Nguyễn Văn Trung (vợ là Lê Thị Gấm) ở khu Minh Khai, thị trấn Chũ (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) vẫn hoạt động, gây bức xúc trong nhân dân.

Như Báo Bắc Giang đã đăng bài phản ánh, năm 2015, gia đình ông bà Trung- Gấm lắp đặt dây chuyền sản xuất nguyên liệu làm thức ăn cho ong bán ra thị trường ngay trên phần đất phía sau nhà ở khu dân cư Minh Khai (đây là khu vực nằm trong quy hoạch đất ở của thị trấn Chũ, không phải đất quy hoạch sản xuất kinh doanh). 

{keywords}

Mỗi khi tách vỏ, nghiền bột đậu tương, hộ bà Gấm lại kéo chiếc vòi chứa bụi cám ra đường dân sinh, gây cản trở giao thông, bụi bẩn cho người qua lại. Ảnh chụp đầu tháng 7-2019.

Dây chuyền này gồm 3 máy: Rang hạt, tách vỏ đậu tương và nghiền bột cùng sử dụng mô tơ có tổng công suất 31KW. Quá trình hoạt động, cơ sở đã gây tiếng ồn, khói bụi, mùi khó chịu, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống của người dân xung quanh. 

Đáng chú ý, việc sản xuất nguyên liệu làm thức ăn cho ong của hộ bà Lê Thị Gấm diễn ra không đúng quy định. Trong giấy đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Lục Ngạn cấp đổi lần 1 cho hộ bà Gấm ngày 26-10-2015, nêu rất rõ: “Ngành, nghề kinh doanh: Mua bán ong giống, mật ong, sữa ong chúa, phấn hoa,...; máy chế biến thức ăn cho ong...”. 

Theo giấy phép này, hộ bà Gấm chỉ đăng ký mua bán “máy chế biến thức ăn cho ong” chứ không đăng ký sản xuất thức ăn cho ong. Trên thực tế, hộ bà Gấm vẫn sản xuất thức ăn cho ong suốt mấy năm qua, cơ quan chuyên môn huyện đã không ít lần kiểm tra nhưng không hề nhắc đến lỗi vi phạm này (?!).

Ông Nguyễn Đức Đại, Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lục Ngạn phân trần: Do nhận thức của cán bộ còn hạn chế, không xem kỹ giấy phép, cứ nghĩ hộ bà Gấm được sản xuất thức ăn cho ong nên để xảy ra tình trạng như vậy (?!). 

Được biết, ngày 20-6-2019, hộ bà Gấm mới làm thủ tục cấp đổi giấy đăng ký kinh doanh lần 2, trong giấy phép này bổ sung thêm phần nghiền bột đậu tương (thức ăn cho ong). 

Như vậy có thể nói suốt từ năm 2015 đến 19-6-2019, hộ bà Lê Thị Gấm sản xuất hàng nghìn tấn thức ăn “chui” ngay giữa trung tâm huyện mà không bị phát giác, xử lý.(?!) Một số ý kiến đặt nghi vấn hộ bà Gấm có người “chống lưng” ?

Trao đổi về việc cấp đổi giấy đăng ký kinh doanh cho hộ bà Gấm, bổ sung nội dung “nghiền bột đậu tương” trong thời điểm cơ sở này đang bị tố sản xuất gây ô nhiễm môi trường ở khu dân cư, ông Trịnh Quang Đăng, Phó trưởng Phòng Tài Chính- Kế hoạch Lục Ngạn (đơn vị cấp giấy đăng ký kinh doanh cho hộ bà Gấm) giải thích: Theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì đơn vị không thể từ chối việc cấp đổi giấy đăng ký kinh doanh khi hộ gia đình có đơn đáp ứng đủ các quy định về thủ tục. 

Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký do người thành lập hộ kinh doanh tự khai và tự chịu trách nhiệm. 

Đối với ngành nghề kinh doanh có điều kiện, sau khi đăng ký còn phải hoàn thiện các thủ tục khác theo quy định của pháp luật mới được hoạt động. Nếu chưa đáp ứng đủ đã hoạt động là sai.

Hộ bà Gấm sản xuất thức ăn cho ong thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Ngay sau khi được cấp đổi giấy đăng ký, dù chưa hoàn thiện các thủ tục theo yêu cầu song cơ sở vẫn tiếp tục vận hành dây chuyền sản xuất. 

Ngày 5-7 vừa qua, tổ công tác của UBND huyện kiểm tra, lập biên bản yêu cầu hộ bà Gấm tạm ngừng sản xuất, hoàn thiện thủ tục theo luật định. 

Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân, phải đến ngày 10-7 cơ sở mới tạm dừng. Một số người dân cho biết, thường khi cơ quan chức năng kiểm tra, cơ sở này tạm dừng hoạt động, chờ vài bữa im ắng rồi làm tiếp.

Trước kiến nghị của công dân khu Minh Khai, ngày 17-5-2019, Chủ tịch UBND tỉnh có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn kiểm tra, xem xét, giải quyết dứt điểm vụ việc xong trước ngày 15-6-2019. 

Văn bản cấp trên chỉ đạo là vậy nhưng phải đến ngày 14-6 vừa qua, UBND huyện Lục Ngạn mới thành lập tổ công tác kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của hộ bà Lê Thị Gấm (?!).

Ông Nguyễn Đức Đại, tổ phó tổ kiểm tra thông tin: Qua kiểm tra cho thấy, hộ bà Gấm sản xuất thức ăn cho ong không đúng nội dung đăng ký; nơi sản xuất chưa đáp ứng đủ các điều kiện đối với cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, như chưa có kế hoạch bảo vệ môi trường, hệ thống xử lý chất thải không bảo đảm gây ô nhiễm; thiếu các điều kiện bảo đảm về an toàn lao động, an toàn vệ sinh; chưa có người phụ trách về chuyên môn, kỹ thuật. 

Kết quả quan trắc cũng cho thông số tiếng ồn vượt mức cho phép. Ngoài ra, cơ sở này tự ý chuyển mục đích đất ở đô thị, đất trồng cây lâu năm sang đất sản xuất kinh doanh trái quy định.

Từ kết quả kiểm tra, Phòng Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo và kiến nghị UBND huyện ban hành các quyết định giải quyết: Yêu cầu hộ bà Gấm tạm ngừng sản xuất đến khi hoàn thiện, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo quy định, chấp hành nghiêm quy định về xử phạt hành chính do không hạn chế tiếng ồn, gây ô nhiễm môi trường và người lao động; giao UBND thị trấn Chũ kiểm tra, giám sát việc chấp hành của hộ bà Gấm.

Trong vụ việc này, đề nghị UBND huyện Lục Ngạn nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan do để cơ sở sản xuất vi phạm hoạt động trái phép thời gian dài. 

Về lâu dài, để giải quyết dứt điểm vụ việc, UBND huyện Lục Ngạn cần rà soát, có phương án di dời cơ sở của hộ bà Gấm nói riêng, các cơ sở sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm nói chung ra khỏi khu dân cư, bảo đảm quy hoạch sử dụng đất, môi trường đô thị và an ninh trật tự địa phương.

Cơ sở sản xuất thức ăn cho ong ở thị trấn Chũ (Lục Ngạn) vẫn ngang nhiên hoạt động trái phép
(BGĐT)- Cơ sở sản xuất thức ăn cho ong của hộ ông Nguyễn Văn Trung ở khu Minh Khai, thị trấn Chũ đã bị cơ quan chức năng yêu cầu dừng hoạt động do gây ô nhiễm môi trường, buộc di dời khỏi khu dân cư. Nhưng hơn ba năm qua, cơ sở này vẫn cố tình hoạt động bất chấp cơ quan công luận và người dân sở tại đã nhiều lần phản ánh. Cơ quan chuyên môn huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có biết?!
Cử tri huyện Việt Yên kiến nghị đầu tư cơ sở vật chất, xử lý ô nhiễm môi trường
(BGĐT) - Ngày 21-6, đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII khu vực huyện Việt Yên và đại biểu HĐND huyện Việt Yên vừa tiếp xúc cử tri 2 xã: Thượng Lan và Việt Tiến.
Xã Mai Đình (Hiệp Hòa): Cơ sở sản xuất bếp ga gây ô nhiễm môi trường
(BGĐT)- Sản xuất, lắp ráp bếp ga trong khu dân cư gây bụi, mùi khó chịu, khi người dân đề nghị thực hiện biện pháp bảo vệ môi trường, chủ cơ sở không những không tiếp thu mà còn thách thức, gây khó khăn cho hộ liền kề. Đây là vụ việc xảy ra tại thôn Châu Lỗ, xã Mai Đình, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).  
Công ty chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang tiếp tục gây ô nhiễm môi trường
(BGĐT) - Khoảng 6 giờ ngày 7-4, hàng trăm người dân xã Long Sơn, huyện Sơn Động (tỉnh Bắc Giang) kéo đến trước cổng Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Hòa Phát Bắc Giang (gọi tắt là Công ty chăn nuôi Hòa Phát) để phản đối hoạt động của công ty gây ô nhiễm môi trường, phát tán mùi hôi thối ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Xử lý dứt điểm cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường tại xã Danh Thắng (Hiệp Hòa)
(BGĐT) - Theo phản ánh của một số hộ dân thôn Hợp Lý, xã Bắc Lý và thôn Danh Thượng 3, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang), cơ sở nuôi lợn thịt và lợn nái quy mô lớn của hộ ông Nguyễn Tu Tân, thôn Danh Thượng 3 gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng cuộc sống và sức khỏe của người dân.
Tái diễn bãi rác tự phát gây ô nhiễm môi trường
(BGĐT) - Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh Bắc Giang, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã vào cuộc thu gom, xử lý rác thải. Tuy vậy, sau hơn một năm triển khai có hiệu quả, các bãi rác tự phát, gây ô nhiễm môi trường lại tái diễn.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...