Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 31 °C / 25 - 31 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Giải quyết chế độ người có công ở xã Xuân Hương (Lạng Giang): Cán bộ tắc trách, người dân mòn mỏi đợi chờ

Cập nhật: 16:34 ngày 15/08/2018
(BGĐT) - Nộp hồ sơ  đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho người thân hy sinh từ hơn 60 năm trước về xã, rồi chờ đợi mãi không thấy hồi âm, ông Trịnh Trọng Tiến hỏi và rất bức xúc khi nghe cán bộ chuyên môn trả lời chưa nhận được?! Đây là sự việc xảy ra tại xã Xuân Hương, huyện Lạng Giang (Bắc Giang). 
{keywords}

Ông Trịnh Trọng Tiến (đeo kính) và người thân phản ánh sự việc với phóng viên.

Ông Trịnh Trọng Tiến (SN 1960) ở thôn Lẻ, xã Xuân Hương thông tin: “Ông bà nội tôi có ba người con tham gia kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hai người hy sinh, một người bị thương. Trong đó, ông Trịnh Văn Điều hy sinh năm 1967 đã được Nhà nước tặng bằng Tổ quốc ghi công. Còn ông Trịnh Văn Thường, nhập ngũ năm 1949, hy sinh năm 1954 trong chiến dịch Điện Biên Phủ chưa được cấp bằng.

Được biết, ông Thường không có vợ con, việc thờ cúng được gia đình giao cho ông Trịnh Trọng Tiến. “Thấy chú hy sinh đã hơn 60 năm vẫn chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công trong khi hầu hết liệt sĩ ở xã đều đã có, cách đây vài năm, tôi mới tìm hiểu thủ tục làm hồ sơ đề nghị. Sau đó tôi phải đi lại nhiều lần lên xã, huyện, thậm chí vài lần lên tỉnh Điện Biên mới xin được giấy xác nhận theo đúng yêu cầu của cán bộ giải quyết chính sách Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lạng Giang để hoàn thiện thủ tục theo quy định. Giữa năm 2017, tôi trực tiếp nộp hồ sơ cho anh Nguyễn Văn Lực, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã nhưng chờ đợi mãi không thấy hồi âm”- ông Tiến kể lại.

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi vào ngày 7-8 vừa qua, ông Nguyễn Văn Lực, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Xuân Hương và ông Nguyễn Mạnh Thắm, Chính trị viên Ban CHQS huyện Lạng Giang đều khẳng định chưa bao giờ nhìn thấy hồ sơ của liệt sĩ Trịnh Văn Thường. Biết tin này, ông Tiến rất bức xúc và luôn khẳng định đã nộp hồ sơ cho anh Lực. Ông Tiến cho hay: “Trước khi làm thủ tục, tôi nhiều lần đến gặp anh Lực nhờ hướng dẫn. Thà anh ấy nói do sơ ý để thất lạc, chứ bảo gia đình không nộp hồ sơ nghe vô cảm và thiếu trách nhiệm quá!”.

Trao đổi với phóng viên, ông Phạm Văn Thắng, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Hương cho biết, một số lần thấy ông Tiến cầm giấy tờ lên UBND xã làm hồ sơ đề nghị cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trịnh Văn Thường. Thực tế, ông Trịnh Trọng Tiến năm nay mới 58 tuổi, năng lực hành vi bình thường, không mắc bệnh gì về trí nhớ, không lẽ ông Tiến chưa nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng lại đi khiếu nại việc chậm muộn giải quyết?.

Để làm rõ nghi vấn, phóng viên tiếp tục xác minh và phát hiện cùng đợt làm hồ sơ với ông Tiến còn nhiều trường hợp khác, trong đó có gia đình ông Dương Minh Thà ở thôn Hoa. Ông Thà có người anh hy sinh trong kháng chiến chống Pháp chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công. Khi ông Thà làm hồ sơ đã được Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Nguyễn Văn Lực cho mượn tờ xác nhận của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Điện Biên đối với liệt sĩ Trịnh Văn Thường. Trước mặt phóng viên, ông Thà trao trả ông Tiến tờ giấy này và ghi bút tích khẳng định anh Lực cho mình mượn. Ngoài ra ông Thà còn thông tin thêm, cách đây không lâu, anh Lực còn cho biết hồ sơ của ông và ông Tiến nộp đã được gửi lên huyện.

Ngày 8-8, nhóm phóng viên trở lại UBND xã Xuân Hương làm việc với ông Nguyễn Văn Lực với sự có mặt của Bí thư Đảng ủy xã Phạm Văn Thắng. Tại đây, anh Lực vẫn khẳng định không nhận hồ sơ ông Tiến gửi nhưng lại thừa nhận cho ông Thà mượn tờ giấy xác nhận trong hồ sơ của liệt sĩ Thường. Ông Lực còn cho hay đã hướng dẫn ông Tiến làm hồ sơ rồi phô tô 5 bản đưa lại cho gia đình lấy chữ ký ở thôn xóm nhưng không thấy nộp lại (?!). Khi phóng viên hỏi chưa nhận hồ sơ của ông Tiến, sao lại có giấy xác nhận hy sinh của liệt sĩ Thường thì ông Lực trả lời vòng vo, không ăn nhập với câu hỏi.

Liệt sĩ Trịnh Văn Thường tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và hy sinh hơn 60 năm nay chưa được cấp bằng Tổ quốc ghi công, đây là tồn tại do lịch sử để lại và là thiếu sót trong công tác giải quyết chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân họ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng. Giả sử ông Tiến chưa gửi lại hồ sơ (như ông Lực nói) thì Ban CHQS xã phải gặp gỡ gia đình nắm tình hình, nguyên nhân, hướng dẫn hoàn thiện thủ tục. Đằng này, Ban CHQS, UBND xã đã thiếu sâu sát, bỏ quên đối tượng người có công. Cá nhân ông Lực có dấu hiệu thiếu trung thực, không làm tròn nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ, hướng dẫn thực hiện chế độ chính sách người có công.

Được biết, cùng với liệt sĩ Thường, trên địa bàn xã Xuân Hương còn 10 liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp chưa được tặng bằng Tổ quốc ghi công. Năm 2015, UBND xã đã lập danh sách các liệt sĩ đề nghị cơ quan chức năng xem xét. Hiện đã có 8 hồ sơ chuyển lên huyện, tỉnh; một hồ sơ đang bổ sung thông tin và trường hợp liệt sĩ Trịnh Văn Thường. Đề nghị Ban CHQS huyện Lạng Giang, UBND xã Xuân Hương sớm kiểm tra làm rõ, có hình thức xử lý cán bộ có thái độ tắc trách, thờ ơ, vô cảm trong tiếp nhận giải quyết chính sách cho gia đình liệt sĩ Thường. Đồng thời chỉ đạo bộ phận chuyên môn hướng dẫn gia đình hoàn thiện hồ sơ trình cấp thẩm quyền truy tặng bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Trịnh Văn Thường, bảo đảm chế độ, chính sách của Nhà nước, không để thân nhân người có công phải mòn mỏi chờ đợi, bức xúc.

Phát hiện 74 tỉ đồng tiền hưởng sai chế độ người có công, thu hồi không dễ
“Qua năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, Thanh tra Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã phát hiện 74 tỉ đồng tiền hưởng sai chế độ người có công. Tuy nhiên, thực tế chỉ truy thu được hơn 10 tỉ đồng”.
 
Xem xét giải quyết chế độ người có công đối với cụ Nguyễn Văn Đích
(BGĐT) - Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Phán (SN 1948), quê quán ở thôn Đồng Quan, xã Đồng Sơn (TP Bắc Giang) vẫn băn khoăn vì người sinh ra mình là cụ Nguyễn Văn Đích (SN 1909, mất năm 1978) chưa được xem xét, giải quyết chế độ tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. 
 
Giải quyết chế độ người có công đối với cụ Trần Thị Bé: Cần thấu tình, đạt lý
(BGĐT) - Báo Bắc Giang nhận thư công dân phản ánh cụ Trần Thị Bé (SN 1918) ở xã Phồn Xương (Yên Thế) có công nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa nhưng đến nay chưa được giải quyết chế độ ưu đãi người có công. Vì sao đề nghị của cụ Bé chưa được  giải quyết?
 
Cụ Trần Thị Bé được giải quyết chế độ người có công
(BGĐT) - Báo Bắc Giang ngày 1-8-2018 có bài “Giải quyết chế độ người có công đối với cụ Trần Thị Bé: Cần thấu tình, đạt lý”. 
 

Nhóm PV Bạn đọc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...