Thứ tư, 17/04/2024
Bắc giang 26 °C / 25 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Nhịp cầu bạn đọc
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Vụ tranh chấp đất tại Lục Nam: Án “ngâm” quá hạn đến bao giờ?

Cập nhật: 13:43 ngày 16/05/2018
(BGĐT) - Không thể thỏa thuận, hòa giải được tranh chấp quyền sử dụng đất, người dân mới phải khởi kiện đến tòa án để bảo vệ quyền lợi của mình. Nhưng nộp đơn rồi, đi lại, chờ đợi bao năm, vụ việc của họ vẫn chưa được toà án quan tâm giải quyết. Đây là câu chuyện đang xảy ra tại huyện Lục Nam, gây không ít bức xúc cho những người liên quan. 
{keywords}

Thửa đất bà Đỗ Thị Cửu kiện đòi lại, bị đơn đã san lấp, nhập vào mảnh đất khác không còn ranh giới (ảnh trên).

Đương sự mòn mỏi ngóng phiên tòa

Bà Đỗ Thị Cửu, thôn Phương Lạn 5, xã Phương Sơn (Lục Nam) và ông Nguyễn Văn Hội ở cùng xã tranh chấp quyền sử dụng hai thửa đất, trong đó có một thửa nằm sát quốc lộ 31. Thửa đất này, trên giấy chứng nhận quyền sử dụng mang tên bà Cửu nhưng thực tế hộ ông Hội đang sử dụng. Ngày 20-5-2012, bà Cửu làm đơn khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân (TAND) huyện Lục Nam buộc hộ ông Hội phải trả lại đất cho mình. Bà Cửu già yếu, đi lại khó khăn nên ủy quyền cho con gái là chị Lương Thị Hường tham gia vụ kiện.

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình (trừ các vụ án được xét xử theo thủ tục rút gọn hoặc vụ án có yếu tố nước ngoài) là 4 tháng, kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ có tính chất phức tạp hoặc do sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan thì chánh án tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử nhưng không quá 2 tháng… Quy định của luật là vậy, song gần 6 năm nay, bà Cửu mòn mỏi chờ đợi nhưng vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.

Nhận được giấy triệu tập dự phiên tòa ngày 27-3, chị Lương Thị Hường đến từ rất sớm nhưng được báo hoãn xử “do vắng mặt người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Phiên tòa ngày 27-4 bị hoãn tiếp với lý do tương tự. Chị Hường cư trú ở TP Hà Nội nên việc đi lại giải quyết vụ án suốt mấy năm qua gây ảnh hưởng đến đời sống, tinh thần, tốn kém nhiều tiền của, công sức, thời gian của chị và gia đình.

Trường hợp bà Nguyễn Thị Đan ở thôn Dùm, xã Nghĩa Phương, khởi kiện đề nghị TAND huyện buộc bà Phạm Thị Thập ở cùng xã trả lại đất cho mình cũng không được giải quyết đúng hạn. Đơn bà Đan khởi kiện từ tháng 7-2016. Dịp tháng 3 và 4 vừa qua, TAND huyện hai lần ra quyết định mở phiên tòa nhưng sau đó đều hoãn xử. Ông Phạm Văn Huệ, con trai bà Đan, người được ủy quyền tham gia vụ án nói: “Thẩm phán triệu tập, yêu cầu gì, tôi đều đáp ứng nhưng không hiểu sao gần hai năm rồi, vụ việc vẫn bị “ngâm” chưa xử?. Mẹ tôi đã 88 tuổi, không lẽ Tòa đợi nguyên đơn chết để khỏi xử?!”- ông Huệ bức xúc nói.

Được biết, thẩm phán thụ lý giải quyết hai vụ án trên đều là ông Nguyễn Văn Huân, Phó Chánh án TAND huyện Lục Nam.

{keywords}

Bà Đỗ Thị Cửu phản ánh sự việc với phóng viên.

Vi phạm thủ tục tố tụng

{keywords}

Tình trạng giải quyết vụ án dân sự bị quá thời hạn xảy ra không ít nhưng để kéo dài đến 6 năm như vụ bà Cửu mà chưa một lần được tuyên án thì tôi thấy lần đầu”.


Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh

Ông Đặng Văn Bảo, Chánh án TAND huyện Lục Nam lý giải việc để án quá hạn là vì các vụ có nhiều người tham gia tố tụng. Trong vụ bà Cửu, thửa đất tranh chấp đã bị san lấp, nhập vào các thửa khác không còn ranh giới. Trong khi đó, hồ sơ địa chính của UBND xã không lưu được bản đồ gốc nên việc xác định vị trí đất gặp khó khăn. Hơn nữa, vụ án ban đầu được giao cho thẩm phán khác thụ lý, đến tháng 11-2015, thẩm phán Huân mới tiếp nhận. Việc kéo dài còn do nguyên đơn nhiều lần đề nghị tạm đình chỉ…

Ngoài các nguyên nhân trên, để án chậm muộn có lỗi chủ quan của thẩm phán được phân công giải quyết án. Tìm hiểu trình tự mở phiên tòa ngày 28-3 mới đây cho thấy, thẩm phán Huân không tuân thủ thủ tục tố tụng. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và các văn bản liên quan, trước khi mở phiên tòa 15 ngày, TAND huyện phải chuyển hồ sơ vụ việc sang Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) huyện nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ. Tuy nhiên, trước phiên tòa ngày 28-3 và 27-4 vừa qua, thẩm phán Huân không chuyển hồ sơ hai vụ án trên mà đến ngày 8-5 mới đây, Viện KSND huyện mới nhận được hồ sơ hai vụ án (có biên bản giao nhận án).

Ông Trịnh Anh Tuấn, Viện trưởng Viện KSND huyện Lục Nam nói: “Do không nhận được hồ sơ các vụ án nên đơn vị không thể bố trí kiểm sát viên dự tòa”. Ông Nguyễn Đích Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phương Sơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ bà Cửu cũng khẳng định không nhận được giấy mời đến dự tòa… Đáng chú ý, ngày 27-4, sau khi quyết định hoãn phiên tòa lần hai trong năm 2018, TAND huyện mới ra thông báo công khai chứng cứ vụ bà Cửu là nguyên đơn.

Luật sư Trần Văn An, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Cửu, bà Đan trong hai vụ án nói: Giả sử các phiên tòa đó, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tham gia đông đủ thì Tòa cũng không thể xét xử được vì hồ sơ chưa được gửi sang Viện KSND nghiên cứu, thực hiện nhiệm vụ. Trong vụ bà Đan, đương sự đang có đơn khiếu nại việc thẩm phán không thụ lý yêu cầu khởi kiện bổ sung. Còn vụ bà Cửu sau khi hoãn đến lần thứ hai, Tòa án mới tổ chức buổi công khai chứng cứ… Luật sư đặt câu hỏi, TAND huyện Lục Nam đã có ý định giải quyết dứt điểm vụ án chưa, hay việc lên lịch xét xử chỉ để cho có và rồi các vụ án tiếp tục bị kéo dài thêm nhiều tháng, nhiều năm nữa?

Các vi phạm trên không đơn thuần là thiếu sót về thủ tục tố tụng mà còn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của các đương sự; ảnh hưởng đến hình ảnh của nghề thẩm phán, đặc biệt trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị Viện KSND huyện Lục Nam nghiên cứu, kiểm sát hồ sơ hai vụ án nói riêng, các vụ án quá hạn khác trên địa bàn nói chung, kịp thời kiến nghị TAND huyện xử lý, rút kinh nghiệm, bảo đảm thời hạn giải quyết đúng quy định pháp luật. Về phía TAND huyện Lục Nam cần xem xét làm rõ trách nhiệm của thẩm phán trong các vụ việc trên, có chế tài xử lý nghiêm, như không đề nghị bổ nghiệm lại đối với thẩm phán để nhiều án kéo dài sai quy định, góp phần giảm tỷ lệ án quá hạn hoặc phải hủy, sửa trên địa bàn thời gian tới.

Nhóm PV Bạn đọc

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...