Thứ bảy, 20/04/2024
Bắc giang 30 °C / 26 - 35 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thị trấn Neo (Yên Dũng): Bồi thường thu hồi đất chưa đúng luật

Cập nhật: 09:40 ngày 15/11/2017
(BGĐT) - Hai hộ dân nhận thầu đất nông nghiệp sử dụng ổn định, đúng mục đích hơn mười năm nay, không tranh chấp với ai nhưng khi địa phương thu hồi thực hiện dự án công cộng, họ không được xem xét, đền bù các chi phí đầu tư theo quy định. Đây là vụ việc xảy ra tại thị trấn Neo (Yên Dũng).
{keywords}

Khu đất hộ ông Phụng và ông Diện nhận thầu của tiểu khu 2, thị trấn Neo (Yên Dũng).

Ông Nguyễn Văn Phụng, công dân thôn Đông Hương, xã Nham Sơn (Yên Dũng) trình bày: Năm 2004, Ban quản lý tiểu khu 2, thị trấn Neo giao thầu đất ở khu đồng Quân y. Thấy người dân sở tại không ai nhận nên ba hộ dân cùng thôn với ông ký hợp đồng nhận thầu khoảng 34 nghìn m2 đất nông nghiệp để sản xuất. Thời hạn hợp đồng là 10 năm. Tiền thuê đất trả một lần. Năm 2006, các hộ này không có nhân lực sản xuất nên đã chuyển giao lại toàn bộ diện tích đất trên cho ông Phụng và ông Trần Văn Diện cùng thôn Đông Hương sử dụng tiếp. Năm 2014, hết thời hạn nhận khoán, hai hộ được Ban quản lý tiểu khu 2 ký hợp đồng giao thầu tiếp, thời hạn 5 năm. Suốt quá trình nhận thầu, các hộ sử dụng đúng mục đích, không tranh chấp với ai.

Năm 2016, khi UBND huyện Yên Dũng thu hồi đất ở khu đồng Quân y (trong đó có phần đất hai hộ trên thuê) để thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt, hai hộ đồng ý thanh lý hợp đồng với đề nghị Nhà nước đền bù tiền hoa màu và các loại chi phí khác trên đất theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị của hai hộ không được UBND thị trấn Neo và các cơ quan liên quan của huyện xem xét, giải quyết thấu tình đạt lý. Ông Phụng cho biết: "Diện tích này trước vốn là đất công ích của xã Nham Sơn, sau đó được cắt sang thị trấn Neo. Khi nhận thầu, chúng tôi nghĩ đây là đất công ích. Giờ thu hồi, cán bộ nói không phải đất công ích nên rất băn khoăn".

Ông Nguyễn Trọng Thư, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất và cụm công nghiệp huyện Yên Dũng - đơn vị được giao xây dựng phương án đền bù, bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án, nói: Đất các hộ thuê là đất nông nghiệp huyện đã giao ổn định 20 năm cho các hộ gia đình ở tiểu khu 2. Do các hộ tại địa phương thấy ruộng xa, khó canh tác nên thống nhất để tiểu khu giao thầu lấy chi phí nộp sản. Quá trình thực hiện, Trung tâm căn cứ đề nghị của UBND thị trấn đồng thời xin ý kiến Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án và các ngành liên quan để làm căn cứ lập phương án bồi thường, hỗ trợ. Theo phương án này, diện tích đất tiểu khu 2 cho hộ ông Diện và ông Phụng nhận thầu có giá đền bù là 216 nghìn đồng/m2 (bao gồm cả tiền sử dụng đất, các khoản hỗ trợ, tiền hoa màu). Trong đó, hộ nhận thầu sử dụng được nhận tiền đền bù về hoa màu là 6.600 đồng/m2, số còn lại trả cho hộ được giao đất.

Trao đổi với phóng viên về vụ việc này, ông Vũ Ngọc Hoàn, Chủ tịch UBND thị trấn Neo cũng khẳng định, diện tích các hộ nhận thầu là đất giao ổn định 20 năm nhưng không đồng ý cung cấp toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan đến việc thu hồi, bồi thường diện tích này. Nếu chỉ căn cứ vào hợp đồng giao thầu của tiểu khu 2 đã ký với các hộ thì gia đình ông Phụng và ông Diện chỉ được nhận đền bù tiền hoa màu. Thị trấn đã tham mưu bồi thường cho các hộ cả tài sản và cây cối có trên đất. Hiện các hộ có đất đã nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, hai hộ trên không đồng ý nên chưa nhận tiền.

Theo quy định của pháp luật, Ban quản lý tiểu khu 2 thị trấn Neo không có thẩm quyền cho giao thầu đất. Việc Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng dự án và cơ quan chuyên môn huyện Yên Dũng căn cứ vào hợp đồng không có giá trị pháp lý làm cơ sở xây dựng phương án bồi thường, đền bù giải phóng mặt bằng là chưa đúng quy định.

Trao đổi về sự việc này, luật sư Lê Văn Tiến, Đoàn Luật sư tỉnh cho hay: Đối chiếu với quy định của Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, hộ ông Diện và ông Phụng nhận khoán đất để sản xuất nông nghiệp lâu dài, không có tranh chấp với ai, sử dụng ngay tình, tạo lập tài sản hợp pháp trên đất, có đầu tư, nâng cao giá trị sử dụng đất… Khi Nhà nước thu hồi phục vụ mục đích quốc gia, công cộng, về nguyên tắc, các hộ được bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại, tiền hoa màu, cây cối, tài sản có trên diện tích đất thực tế đang sử dụng. Việc Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Yên Dũng không xem xét bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại cho các hộ là không đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị UBND huyện, Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt huyện Yên Dũng xem xét, xác định đúng hạng mục phải đền bù, thực hiện phương án bồi thường theo quy định pháp luật, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người sử dụng đất.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...