Thứ năm, 25/04/2024
Bắc giang 30 °C / 25 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Khắc phục bất cập về chế độ đối với cô nuôi mầm non

Cập nhật: 09:57 ngày 26/07/2017
(BGĐT) - Nuôi dưỡng trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng ở bậc học mầm non. Thế nhưng những người trực tiếp làm công tác này (còn gọi là nhân viên cấp dưỡng - cô nuôi) lại chưa được quan tâm tương xứng.  
{keywords}

Cô nuôi Trường Mầm non Hoa Sen (TP Bắc Giang) chuẩn bị bữa ăn cho trẻ.

Năm học 2016-2017, Trường Mầm non xã Hồng Thái (Việt Yên) có hơn 600 trẻ trong độ tuổi, các cháu  đều ăn bán trú, trong khi chỉ có 3 cô nuôi. Một ngày làm việc của các cô bắt đầu từ 7 giờ, kết thúc lúc 17 giờ. Cô Phạm Thị Lưỡng, người có thâm niên nấu ăn tại trường nói: “Sáng ra, chúng tôi nhận thực phẩm đưa vào sơ chế, nấu nướng để khoảng 10 giờ dọn bữa trưa cho trẻ. Nhiều cháu ăn chậm nên không ít hôm dọn dẹp xong cũng đã sang chiều. Nghỉ ngơi chút lại tất bật chuẩn bị bữa phụ buổi chiều...". Không chỉ làm việc luôn tay, cô Lưỡng và đồng nghiệp còn chịu áp lực trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm khi chế biến thức ăn và không khỏi băn khoăn khi thấy trẻ ăn ít.

{keywords}

Trường có hơn 500 trẻ. Nhận thức tầm quan trọng của đội ngũ cô nuôi, đối với việc phát triển thể chất của trẻ, nhà trường ký hợp đồng dài hạn với 5 cô nuôi, trả lương từ 3,5 - 5 triệu đồng/người và đóng bảo hiểm cho họ theo quy định. Bởi vậy các cô đều tận tâm, trách nhiệm với nghề".


Cô Thân Thị Khắc, Hiệu trưởng Trường Mầm non tư thục Âu Cơ (Việt Yên)

Công việc đặc thù như vậy nhưng chế độ đãi ngộ với các cô rất hạn chế. Cô Lưỡng gắn bó với Trường gần chục năm nhưng vẫn chỉ là hợp đồng thời vụ, tăng lương mấy lần mới được 2,7 triệu đồng/tháng, ngoài ra không có chế độ nào khác. Muốn tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, họ phải tự đóng tiền. Theo Ban Giám hiệu Trường Mầm non Hồng Thái, nhà trường dù muốn trả lương cho các cô cao hơn nhưng  “lực bất tòng tâm”, vì tiền thuê là do phụ huynh đóng góp, ngân sách không có khoản nào chi cho vị trí việc làm này.

Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD& ĐT) huyện Việt Yên cho hay, toàn huyện có hơn 30 trường mầm non công lập với khoảng 70-80 cô nuôi đang được các trường ký hợp đồng thời vụ. Đây cũng là thực trạng chung trong hệ thống mầm non công lập các huyện, TP của tỉnh. 

Thông tin từ phòng chuyên môn Sở GD& ĐT, toàn tỉnh có 276 trường mầm non, trong đó 268 trường công lập với 1.329 cô nuôi. Toàn bộ các trường công lập hiện chỉ ký hợp đồng ngắn hạn từ 3 tháng trở xuống với vị trí cấp dưỡng, hết hạn ký lại. Có trường chỉ giao kết hợp đồng miệng. Mức lương trả cho công việc này khiêm tốn, cao khoảng 3 triệu đồng/tháng, thấp 1,5-2 triệu đồng. Đồng nghĩa với đó, chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đối với họ cũng bị các trường “lờ” đi.

Nguyên nhân các trường mầm non công lập chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật về lao động, chế độ bảo hiểm với vị trí cấp dưỡng là do chưa được bố trí chỉ tiêu, biên chế. Trong khi đó, các khoản thu, chi tại đây bị khống chế theo quy định của tỉnh, ngành và chưa có quy định đặc thù đối với vị trí này. Về phía ngành GD& ĐT chưa có hướng dẫn cụ thể đến các trường để thực hiện dẫn đến những bất cập kể trên. Bà Thân Thị Mỹ Vượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Sen, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) nói: “Biết giao kết hợp đồng như vậy chưa đúng luật nhưng do vướng cơ chế, chính sách và thiếu những quy định, hướng dẫn từ cấp trên nên nhà trường khó khăn khi triển khai”. Lương thấp không đủ sống nên các trường mầm non công lập không thu hút, giữ chân được những người có chuyên môn gắn bó với nghề. Một số cô nuôi học trung cấp nấu ăn vào làm thời gian ngắn thấy thu nhập thấp đã xin nghỉ. Đó là lý do phần đa cô nuôi đang làm việc đều ở độ tuổi 40-55, có người ngoài lục tuần. Cô Giáp Thị Lan, Trường Mầm non Hoa Sen bộc bạch: “Thu nhập eo hẹp nên chỉ người tuổi cao, không có chuyên môn, khó kiếm việc làm như chúng tôi mới trụ lại”. 

Ngoài ra, do thực hiện hợp đồng chưa đúng quy định nên khi xảy ra tranh chấp giữa người sử dụng lao động và người lao động, việc giải quyết gặp khó khăn, quyền lợi của người lao động không được bảo đảm. Trường hợp bà Nguyễn Thị Bích ở phường Thọ Xương là ví dụ. Bà Bích hợp đồng nấu ăn với Trường Mầm non Hoa Hồng, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) hơn 10 năm, bỗng dưng bị nhà trường cho nghỉ việc không rõ lý do. Nửa năm qua, bà gửi đơn đến nhiều nơi nhưng đến nay vụ việc chưa được giải quyết dứt điểm. Để bảo đảm quyền lợi của mình, bà Bích có thể phải gửi đơn đến tòa án. 

Thông tư 06 ngày 16-3-2015 của liên Bộ GD& ĐT- Bộ Nội vụ quy định: Nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non có tổ chức bán trú thì được hợp đồng lao động thực hiện nhiệm vụ nấu ăn. Cứ 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì được ký hợp đồng 1 lao động bố trí việc nấu ăn. Trên thực tế, một số địa phương trên cả nước đã quan tâm, có quy định cụ thể với đối tượng này.  

Chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cần thiết, nhất là ở bậc học mầm non. Để giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, vai trò, vị trí của cô nuôi rất quan trọng. Ý thức được điều này, nhiều trường mầm non tư thục đã quan tâm ký hợp đồng lao động và thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội với cô nuôi như giáo viên, nhờ vậy thu hút được nhiều người có chuyên môn, nghiệp vụ đến với nghề. 

Trong thời điểm chưa bố trí được chỉ tiêu, biên chế cho vị trí cô nuôi, Sở GD&ĐT cần phối hợp với các ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất HĐND, UBND tỉnh  xem xét, có quy định, chế độ đặc thù đối với vị trí này. Trước mắt, tạo điều kiện cho họ được ký hợp đồng, hưởng các chế độ bảo hiểm theo đúng quy định pháp luật. Từ đó khuyến khích những người có trình độ chuyên môn, tâm huyết gắn bó với nghề, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...