Thứ ba, 16/04/2024
Bắc giang 29 °C / 24 - 28 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Nhịp cầu bạn đọc
icon
0.5 1.0 1.5
Chia sẻ:

Xe đưa đón công nhân: Tiện đâu đón đấy

Cập nhật: 14:44 ngày 09/06/2017
(BGĐT) - Xe đưa đón công nhân đã cũ, hết hạn kiểm định nhưng vẫn đón khách dọc đường, chở quá số người, đậu đỗ không đúng nơi quy định tiềm ẩn nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Thực trạng này đang diễn ra phổ biến đòi hỏi sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để bảo đảm an toàn cũng như quyền lợi chính đáng cho người lao động (NLĐ).

{keywords}
Phương tiện đưa đón công nhân ùn tắc tại quốc lộ 37, đoạn qua KCN Đình Trám (Việt Yên).

Thiếu điểm đón trả khách

Khoảng 6 giờ 30 phút ngày 1-6 trên đường tỉnh 293 đoạn qua xã Hương Gián (Yên Dũng) có hơn chục NLĐ đang chờ đón xe đến nơi làm việc. Chị Nguyễn Minh H làm việc tại Công ty TNHH SJ Tech, Khu công nghiệp (KCN) Vân Trung cho biết, hiện có hàng chục nhà xe mở tuyến vận tải hành khách từ thị trấn Đồi Ngô (Lục Nam) đến các KCN đi qua địa bàn. Ai có nhu cầu chỉ cần đăng ký, nộp 300 nghìn đồng/người/tháng. Hằng ngày đều có xe đến điểm hẹn đưa đi, đón về. So với phải di chuyển bằng xe máy hoặc ở trọ, đây là phương án tiết kiệm, tiện lợi nhất nên được nhiều NLĐ lựa chọn.  

Dù tiện lợi nhưng các điểm đón trả khách chủ yếu nằm trong khu dân cư, ngã ba, ngã tư nên tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông. Trong đó, điểm đón tại thôn Chỗ, xã Hương Gián (Yên Dũng) nằm ngay khu vực giao cắt giữa đường tỉnh 293 và đường liên thôn nên thường xuyên ách tắc cục bộ. Tại các tuyến đường khác như quốc lộ 1, 31, 37, 17 đoạn qua các huyện Lạng Giang, Việt Yên, Hiệp Hòa, Yên Dũng, Tân Yên cũng có tình trạng tương tự. Theo Sở Giao thông - Vận tải, toàn tỉnh hiện có 30 đơn vị với 470 phương tiện đưa đón NLĐ. Hình thức vận chuyển gồm: Doanh nghiệp ký hợp đồng với đơn vị kinh doanh vận tải hành khách; sử dụng xe nội bộ; các nhóm NLĐ cùng địa bàn, tuyến đường chung nhau thuê xe đưa đón. Ngoài các KCN trong tỉnh còn có 5 đơn vị với 224 xe đưa đón NLĐ tới các KCN ở các tỉnh, TP lân cận như Bắc Ninh, Thái Nguyên, Hà Nội. Lượng xe lớn nhưng hiện mới có 12 bãi phục nhu cầu dừng đỗ, đón khách. Trong đó chỉ có điểm tại bến xe phía Nam Hiệp Hòa và bãi đỗ xe Cụm công nghiệp Việt Tiến (Việt Yên) được cấp phép hoạt động. Nhiều xe vẫn tiện đâu dừng đón ngay trên đường gây ùn tắc, nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

{keywords}

Xe đưa đón công nhân tiềm ẩn mất an toàn giao thông.

Không chỉ thiếu điểm đón trả khách an toàn, nhiều nhà xe còn sử dụng phương tiện cũ. Đơn cử, xe 19LD - 0071 của Nhà xe Tú Chinh, thị trấn Tân An (Yên Dũng) đã hết hạn kiểm định từ tháng 4 - 2016 nhưng hằng ngày vẫn đưa đón NLĐ. Anh Đỗ Văn T, làm việc tại KCN Quang Châu chia sẻ, đa phần các xe đều cũ, chất lượng kém nhưng vẫn chở quá số người quy định. Nhiều hôm xe đang chạy bỗng nổ lốp, mất phanh khiến ai cũng lo ngại. Biết là không an toàn nhưng NLĐ không còn lựa chọn nào khác nên đành chấp nhận. 

Đồng bộ hạ tầng, siết chặt quản lý

Ông Chu Văn Khang, Giám đốc Trung tâm Kiểm định kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông cơ giới Bắc Giang cho rằng, ô tô nói chung, phương tiện chở khách nói riêng nếu quá hạn kiểm định vẫn lưu thông có nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào. Nguyên nhân là do dịch vụ đưa đón công nhân chủ yếu tự phát, nhà xe thường sử dụng xe hợp đồng phục vụ NLĐ. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng như thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông ít kiểm tra, xử lý khiến vi phạm diễn ra trong thời gian dài.

{keywords}

Xe ô tô BKS 19LD - 0071 của nhà xe Tú Chinh đã hết hạn kiểm định từ tháng 4 - 2016 nhưng vẫn đưa đón công nhân.

Theo Sở Giao thông - Vận tải, đến năm 2020, toàn tỉnh dự báo có hơn 201 nghìn công nhân (tăng 36% so với hiện tại) làm việc tại các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, khoảng 31,5 nghìn người có nhu cầu sử dụng xe đưa đón đến nơi làm việc. Toàn tỉnh cần 670 xe (tăng 200 xe) đưa đón công nhân. Để quản lý tốt dịch vụ vận tải ý nghĩa này rất cần sự vào cuộc của các cấp, ngành, lực lượng chức năng.

Trước thực trạng này, Sở Giao thông - Vận tải đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Đề án phát triển hạ tầng hỗ trợ dịch vụ đưa đón công nhân trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017-2020. Theo đó, UBND tỉnh sẽ quy hoạch, thu hút đầu tư, phát triển đồng bộ dịch vụ ý nghĩa này; xây dựng, bố trí hợp lý các bãi đỗ xe, điểm dừng đón; tăng cường hỗ trợ, khuyến khích mở rộng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2020 sẽ bố trí đủ điểm dừng đỗ với đầy đủ biển báo, vạch sơn, nhà chờ bảo đảm an toàn tại 100% tuyến đường có phương tiện đưa đón công nhân. Tổng kinh phí đầu tư gần 80 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, Nhà nước hỗ trợ một phần.  

Bên cạnh giải pháp trên, nhiều ý kiến cho rằng cần nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước đối với loại hình vận chuyển NLĐ; đồng thời huy động sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, sự cần thiết của việc phát triển dịch vụ hỗ trợ vận tải đưa đón công nhân. Cùng đó giáo dục, nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ để đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của NLĐ. Trung tá Ngô Văn Phục, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ chỉ đạo các đội cảnh sát giao thông tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Đối với những phương tiện không bảo đảm quy định sẽ kiên quyết kiến nghị đình chỉ lưu thông để bảo đảm an toàn cho NLĐ.

Hồng Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...