Thứ ba, 23/04/2024
Bắc giang 31 °C / 24 - 29 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Xã Quang Châu (Việt Yên): Nhiều diện tích lúa thất thu chưa rõ nguyên nhân

Cập nhật: 08:44 ngày 02/06/2017
(BGĐT) - Nhiều diện tích lúa xuân tại cánh đồng thứ Chín, thôn Quang Biểu, xã Quang Châu, huyện Việt Yên (Bắc Giang) đang lên xanh tốt vậy mà chỉ thời gian ngắn sau đó bị chết hoặc sinh trưởng, phát triển kém. Cơ quan chuyên môn đã phân tích mẫu đất, nước song đến nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây ra hiện tượng này.
{keywords}

Ruộng lúa bị mất trắng nằm cạnh Nhà máy xử lý nước thải của KCN Quang Châu.

Cùng cán bộ khuyến nông xã Quang Châu Nguyễn Thị Lương, chúng tôi có mặt tại cánh đồng thứ Chín, nơi tiếp giáp với Nhà máy xử lý nước thải của Khu công nghiệp (KCN) Quang Châu. Tại đây, một số chân ruộng lúa thưa thớt, ruộng thì bông lép thâm đen, lúa không trổ đòng. Nhổ cây lúa lên, chị Lương nói: “Cô thấy đấy, rễ thâm đen thế này thì lúa lớn thế nào được”. Bà Nguyễn Thị Xê, người dân trong thôn phản ánh, hai vụ trước, gia đình bà đều đặn thu hơn hai tạ thóc mỗi sào. Thế nhưng vụ này, lúa lên chậm, vàng vọt, nhất là qua một trận mưa lớn, nước từ trong khu xử lý nước thải, nơi khác tràn vào ruộng khiến cây lụi dần, vàng và chết khô. Hơn 4,5 sào lúa xuân mất trắng. Tổng hợp của UBND xã Quang Châu, thôn Quang Biểu có khoảng 4 ha lúa của gần 30 hộ cũng chung cảnh ngộ. Trong đó 0,7 ha thiệt hại 100%. Theo lời chị Lương, năm nay, lúa bị ảnh hưởng nên ước tính thất thu khoảng chục tấn thóc.

Được biết, hiện tượng lúa bị vàng lá, chậm lớn xuất hiện vào cuối tháng 3. Ngay khi nắm được tình hình, ngày 4-4, ngoài  khuyến cáo nông dân chăm sóc tốt diện tích lúa, Phòng Nông nghiệp và PTNT, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cùng đơn vị liên quan tiến hành lấy mẫu đất, nước tại cánh đồng, một mẫu nước thải sau xử lý của KCN Quang Châu. Đến ngày 23-5, kết quả phân tích cho thấy chỉ tiêu BOD5 (nhu cầu ô xy sinh học); CDO (nhu cầu ô xy hóa học), amoniac ở cánh đồng đều vượt tiêu chuẩn quy định. Riêng chỉ tiêu nước thải sau xử lý của KCN Quang Châu nằm trong ngưỡng cho phép.

Ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Việt Yên cho biết: “Dù kết quả phân tích đã có nhưng để xác định nguyên nhân lúa chết tại khu đồng là rất khó bởi mẫu nước thải sau xử lý vẫn đạt. Vì vậy, huyện có văn bản xin ý kiến của Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và PTNT”.

Theo đó, ngày 24-5, đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và PTNT là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (BVTV) kiểm tra thực tế tại cánh đồng; đồng thời cho rằng mật độ lúa không đều, bông nhỏ, lá thâm đen, một số ruộng chết chòm không do sâu, bệnh hại; gốc có mùi thối và hắc của amoniac. Ngoài ra, các ruộng lúa gần với nhà máy xử lý nước thải bị thất thu nặng hơn so với chân ruộng ở xa. Những biểu hiện này không giống triệu chứng của bệnh hại trên lúa gây ra. Hơn nữa, đây là cánh đồng mẫu của xã, đều cấy giống lúa BC 15 chịu thâm canh, thường xuyên được cán bộ chuyên môn chỉ đạo sát sao về kỹ thuật chăm sóc; lượng phân bón cho một sào gồm: 4-5 kg đạm urê + 15 đến 20 kg NPK Lâm Thao + 4 đến 6 kg kali; hoặc bón với lượng phân bón Việt Nhật 10-12 kg/sào + 1-1,5 kg đạm urê. Mặt khác, nông dân không sử dụng thuốc trừ cỏ. Ông Vũ Đình Phượng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định: “Với lượng phân bón cộng với kỹ thuật chăm sóc của nông dân như trên thì hiện tượng lúa sinh trưởng kém, chết tại khu đồng không phải do yếu tố phân bón hay sử dụng thuốc BVTV gây nên”.  

Trong văn bản phúc đáp ngày 29-5 của Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, quá trình quan trắc không lấy mẫu lúa phân tích là chưa khoa học. Do vậy không có căn cứ để xác định nguyên nhân lúa chết. Sở đề nghị UBND huyện Việt Yên chỉ đạo đơn vị chuyên môn của huyện phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT để đánh giá nguyên nhân; xem xét xử lý vi phạm về môi trường của Công ty cổ phần KCN Sài Gòn-Bắc Giang (nếu có).

Người dân mong mỏi từng ngày để được biết nguyên nhân lúa chết song với cách “hồi âm” của các bên liên quan thì chưa thỏa đáng. Qua trao đổi với ông Nguyễn Văn Viễn, Phó Chủ tịch UBND xã Quang Châu được biết, đây không phải là lần đầu tiên có hiện tượng này mà vào vụ xuân năm 2015, hơn 10 ha lúa tại cánh đồng này từng bị ảnh hưởng bởi nước thải của KCN Quang Châu. Công ty cổ phần KCN Sài Gòn-Bắc Giang (đơn vị vận hành nhà máy) đã bồi thường thiệt hại cho người dân. 

Cũng theo ông Viễn, hàng chục năm qua, người dân canh tác lúa bình thường, chỉ khi có nhà máy xử lý nước thải, lúa mới bị ảnh hưởng. Mẫu nước, đất tại cánh đồng ở thời điểm lúa chết, kém sinh trưởng lại có một số chỉ tiêu vượt ngưỡng cho phép. Thậm chí hàm lượng amoniac có mẫu cao gấp hơn chục lần tiêu chuẩn. Trong khi đó, người dân chỉ sử dụng đạm nitrat để bón cho lúa, cánh đồng xa khu dân cư thì amoniac ở đâu ra? Có ý kiến cho rằng có thể lượng nước mặt tràn ở khu xử lý ra cánh đồng bởi vào thời gian đó xảy ra một số trận mưa lớn. Đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, sớm giải đáp băn khoăn, thắc mắc của người dân; quy rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.

Trường Sơn

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...