Thứ sáu, 19/04/2024
Bắc giang 27 °C / 23 - 36 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Nhịp cầu bạn đọc
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Thị trấn Chũ: Dân bức xúc vì cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường

Cập nhật: 09:04 ngày 17/05/2017
(BGĐT) - Dù đã có công văn đình chỉ hoạt động, yêu cầu chuyển đi nơi khác song nhiều tháng nay, cơ sở chế biến thức ăn cho ong tại khu Minh Khai, thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) vẫn sản xuất, gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. 
{keywords}

Cơ sở sản xuất nằm giữa khu dân cư.

Đình chỉ rồi để đấy

Năm 2015, gia đình ông Nguyễn Văn Trung (vợ là bà Lê Thị Gấm) ở khu Minh Khai, thị trấn Chũ đưa dây chuyền sản xuất thức ăn chăn nuôi ong vào hoạt động tại phần đất phía sau nhà. Dây chuyền gồm: Một máy rang hạt đỗ sử dụng mô tơ công suất 3,5 kW, một máy xay xát loại bỏ vỏ đỗ công suất 5,5 kW và một máy nghiền hạt công suất 22 kW. Quy trình chế biến được thực hiện theo từng công đoạn: Đỗ tương cho vào máy rang, sau đó đưa sang máy xay xát bỏ vỏ, cuối cùng chuyển vào máy nghiền thành bột rồi đóng bao bán ra thị trường. 

Do sử dụng các máy công suất lớn, sản xuất thường xuyên nên quá trình hoạt động cơ sở này gây tiếng ồn, bụi bẩn, làm rung lắc, nứt nhà một số hộ xung quanh. Người dân phản ánh, cơ quan chức năng huyện Lục Ngạn kiểm tra, phát hiện ông Nguyễn Văn Trung chưa thực hiện thủ tục pháp lý về môi trường; sử dụng đất sai mục đích. Cụ thể, cơ sở này bố trí trên đất ở, không phải đất sản xuất kinh doanh, không phù hợp với quy hoạch chung của thị trấn Chũ. 

Ngày 4-7-2016, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn có công văn số 454/UBND-TNMT về việc đình chỉ hoạt động đối với cơ sở sản xuất chế biến thức ăn chăn nuôi của hộ ông Trung, yêu cầu trước ngày 10-7-2016 phải di chuyển ra khỏi khu dân cư. 

Ngày 2-8-2016, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn tiếp tục có văn bản giao Chủ tịch UBND thị trấn Chũ kiểm tra việc chấp hành của hộ ông Trung. Nếu gia đình cố tình không thực hiện thì thiết lập hồ sơ, thủ tục xử lý vi phạm theo thẩm quyền; xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế theo quy định. Trong văn bản này, Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) giám sát, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo, tham mưu giải quyết. 

Thế nhưng đã gần 10 tháng trôi qua, cơ sở của ông Trung vẫn hoạt động bình thường, nhiều hôm còn kéo dài hơn 10 tiếng/ngày, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, gây bức xúc cho người dân xung quanh.  

Cần giải quyết dứt điểm 

Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 11-5, "mục sở thị" dây chuyền sản xuất của hộ ông Trung, chúng tôi thấy chiếc ống xả bột bằng vải nối từ máy nghiền chạy ra tận đường đi của khu dân cư. Chị Nguyễn Thị Tuyết, nhà gần đó bức xúc nói: "Mẹ tôi ốm nằm một chỗ nhiều tháng nay, không thể đi lại được. Cứ khi nào máy nhà ông Trung hoạt động là bà đòi bế ra khỏi phòng vì không chịu nổi sự rung lắc và âm thanh dội từ dưới đất lên". Cùng gia chủ lên các phòng của ngôi nhà, chúng tôi nghe rõ tiếng ù ù rất khó chịu. Ngôi nhà ba tầng của chị Tuyết dù được xây kiên cố nhưng nhiều chỗ bị nứt. Nhà của một hộ khác liền kề cơ sở sản xuất cũng bị nứt toác phần tường gần mái. Mùi đỗ tương rang bốc lên đặc không khí, càng lúc càng khó chịu. 

{keywords}
Một góc cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi của hộ ông Trung.

Được biết, bố chị Tuyết năm nay đã 90 tuổi bị bệnh nằm một chỗ. Ông vừa điều trị ở bệnh viện về vẫn rất yếu nên chị phải đưa sang nhà người em vì không chịu được tiếng ồn.  Lo cho sức khỏe của cha mẹ, bản thân rất khó chịu khi thường xuyên phải sống trong môi trường rung lắc và tiếng ồn, chị Tuyết liên tục làm đơn đề nghị cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm vụ việc, nhiều lần nhắn tin, gọi điện cho lãnh đạo UBND huyện Lục Ngạn, thị trấn Chũ và các phòng, ban liên quan vậy mà cơ sở sản xuất của ông Trung vẫn ngang nhiên hoạt động hết công suất. Ông Đoàn Thạch Bảo, nhà cách đó một đoạn cũng phàn nàn: “Tôi thường phải đóng hết cửa kính nhưng bàn ghế, đồ đạc chỉ một lúc lại phủ lớp bụi. Tình trạng này kéo dài chịu sao nổi?”. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hồ Công Viên, Chủ tịch UBND thị trấn Chũ thông tin: Thị trấn đã nhiều lần lập biên bản yêu cầu gia đình ông Trung cho máy dừng hoạt động, chuyển đi nơi khác nhưng họ vẫn cố tình không thực hiện. Cái khó hiện nay là UBND thị trấn không thể tổ chức cưỡng chế vì dây chuyền sản xuất của hộ ông Trung trị giá hơn 100 triệu đồng, vượt quá thẩm quyền. Trước tình trạng này, ngày 13-9-2016, UBND thị trấn đã có công văn báo cáo vụ việc lên UBND huyện.   

Điều khó hiểu là khi cơ sở sản xuất của hộ ông Trung đang bị người dân có đơn đề nghị di chuyển đi nơi khác thì Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện Lục Ngạn lại cấp lại cho hộ này giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, bổ sung máy chế biến thức ăn chăn nuôi vào ngành, nghề kinh doanh, gây khó khăn cho việc giải quyết. 

Người dân đã có nhiều ý kiến, UBND huyện có văn bản chỉ đạo cụ thể nhưng trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trọng Vịnh, Trưởng Phòng TN&MT huyện  lại cho rằng vụ việc khó cưỡng chế vì chưa đo được độ rung lắc, tiếng ồn (do máy đo của Trung tâm Quan trắc TN&MT Bắc Giang đang trong giai đoạn  kiểm định chất lượng theo quy định). Nói như ông Vịnh thì những người dân gần cơ sở sản xuất chế biến thức ăn nuôi ong trên sẽ còn phải tiếp tục sống trong sự ô nhiễm của tiếng ồn, khói bụi và bức xúc (?!).

Đề nghị UBND huyện Lục Ngạn nhanh chóng có biện pháp giải quyết dứt điểm vụ việc, không để tình trạng này kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân, dẫn tới tâm lý "nhờn" luật, tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự địa phương.

Tuấn Dương

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...