Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 23 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Nghĩa Hồ - Phố thênh thang, làng thanh bình

Cập nhật: 07:00 ngày 21/08/2018
(BGĐT) - Tôi đến xã Nghĩa Hồ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) khi mùa thu hoạch vải thiều vừa kết thúc. Thong thả đi trên tuyến phố thênh thang hay con đường liên thôn bê tông phẳng lì dài rộng, nhìn những ngôi nhà tầng giữa bạt ngàn cây trái, nghe tiếng reo hò trên sân bóng, ngắm trẻ nhỏ háo hức vui đùa... thấy Nghĩa Hồ đang bừng lên một sức sống mới - giàu có nhưng rất thanh bình. 
{keywords}

Sân bóng chuyền hơi nhộn nhịp cuối mỗi buổi chiều.

Nghĩa Hồ là xã đi đầu trong công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện miền núi Lục Ngạn. Chị Khúc Thị Mai Hương, công chức Văn phòng UBND xã mặc dù mới chuyển về Nghĩa Hồ công tác chưa đầy một năm nhưng đã thông thuộc các tuyến đường, biết rõ nhiều gia đình. Nhiệt tình đưa tôi đến các thôn xóm, ấn tượng đầu tiên ở đây là đường làng, đường ngõ của 11 thôn đều rộng mở với một màu xanh tươi mát của cây trái dọc hai bên, nhà được xây dựng khang trang kiểu cách. Ở trục phố sát quốc lộ 31, mặc dù san sát nhà cửa nhưng nhà nào cũng dành một khoảng không gian trước hoặc sau nhà để trồng cây. Mỗi thôn đều có vài sân bóng chuyền, sáng sớm và cuối buổi chiều luôn nhộn nhịp người dân đến rèn luyện sức khỏe. Đi lòng vòng một lúc, chị Hương hỏi tôi muốn vào gia đình nào để trò chuyện? Tôi bảo "nhà nào cao tầng thì chị đưa em đến". Bất giác chị cười vang bảo rằng ở đây nhà nào chả cao tầng, xây nhà cỡ tiền tỷ là chuyện bình thường. Dừng xe vào gia đình bà Hoàng Thị An ở thôn Mới. Bà vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi trong ngôi nhà 3 tầng thiết kế kiểu biệt thự, mỗi sàn hơn 100m2 vừa được hoàn thiện. Ở tuổi 60, ngoài làm 1 mẫu vườn cây ăn quả, bà còn tranh thủ đi chợ buôn gà, nông sản, mùa nào thức ấy để tăng thu nhập. Buổi sáng, bà đi các chợ vùng cao hoặc vào tận gia đình thu mua hàng, sau đó mang ra ngoài phố gửi ô tô chuyển xuống TP Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên… đã có người đặt sẵn. Ở Nghĩa Hồ, những người có thêm nghề phụ như bà An không phải là hiếm.

Nhắc đến Lục Ngạn, mọi người nghĩ ngay đến kinh tế vườn đồi. Cả xã chỉ còn 4 hộ cấy lúa trên diện tích hơn 1ha. Cây ăn quả lan từ vườn nhà đến đến các sườn núi đồi, tràn xuống ruộng đồng với tổng diện tích 130 ha vải thiều, 138 ha cam, chanh, bưởi. Ngoài ra còn có nhãn 10,9 ha; táo 5,3ha. Nhưng chỉ trông chờ vào vườn đồi thì sẽ không thể bền vững, chưa thể giàu được. Chính vì thế, lãnh đạo xã đã biết “nhìn xa trông rộng”, có chủ trương, định hướng để người dân khai thác tiềm năng cộng với sự nhanh nhạy nắm bắt thông tin, chịu khó tìm tòi, học hỏi của bà con. Chẳng hạn dựa vào lợi thế có 5 thôn dọc quốc lộ 31, địa phương tạo điều kiện cho người dân bung ra kinh doanh, buôn bán, làm dịch vụ (khoảng 400 hộ). Nhằm phục vụ nhu cầu trong mùa thu hoạch nông sản, ngành nghề vận tải hàng hóa được khuyến khích, cả xã có tới 50 hộ mua sắm xe tải nhẹ. Rồi khai thác lợi thế đất đai rộng để phát triển đàn gia súc, gia cầm; lực lượng lao động dồi dào, thanh niên đi làm công nhân ở các khu, cụm công nghiệp trong và ngoài tỉnh. Nhà nào có diện tích vườn đồi rộng từ 0,5ha trở lên mới có người ở nhà chuyên làm vườn, cây ăn quả; còn lại là làm nghề phụ. Vì vậy, mặc dù là xã nông nghiệp nhưng thu nhập từ nông nghiệp chỉ chiếm khoảng 10%.

{keywords}

Đường vào làng Nghĩa, xã Nghĩa Hồ.

Nghĩa Hồ hôm nay thực sự đã thay da đổi thịt, vùng quê mang một diện mạo mới với đường phố thênh thang, làng quê thanh bình như lời Phó Chủ tịch UBND xã Đỗ Ngọc Tùng giới thiệu bằng nhiều cái nhất: Về đích nông thôn mới năm 2015- sớm nhất huyện; thu nhập bình quân đầu người đạt 52 triệu đồng/năm - cao nhất huyện; hộ nghèo còn 1,07% - thấp nhất huyện; với 58/60 km đường trục thôn, xóm đã được bê tông hóa, Nghĩa Hồ là địa phương có số km đường được cứng hóa, mở rộng nhiều nhất huyện Lục Ngạn. Con số 786/1.730 hộ được công nhận sản xuất kinh doanh giỏi (mức thu nhập từ 100 triệu đồng đến vài tỷ đồng/hộ/năm) đã minh chứng cho điều đó.

Theo lãnh đạo xã Nghĩa Hồ, kết quả trên có được là nhờ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, nhờ vào sức mạnh lòng dân. Từ năm 2011, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã đã đề cập đến nội dung này với 19 tiêu chí được cụ thể hóa một cách chi tiết, có kế hoạch thực hiện và hoàn thành rõ ràng. Theo đó, Đảng ủy xã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới; HĐND xã có nghị quyết phân bổ kinh phí và huy động nguồn lực từ nhân dân, thực hiện chức năng giám sát việc tổ chức thực hiện; UBND xã tổ chức triển khai các nghị quyết, ban hành chương trình hành động; MTTQ xã tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các phong trào thi đua; Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế; liên doanh liên kết tiêu thụ sản phẩm; bảo vệ môi trường; giữ gìn an ninh trật tự. Nhiều gia đình tự nguyện chặt cây, hiến đất mở rộng đường làng, ngõ xóm, đóng góp tiền của xây dựng các công trình phúc lợi. Người dân được tham gia và giám sát các hoạt động xây dựng nông thôn mới theo phương châm: Dân biết, dân bàn, dân quyết định; dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ. Nhờ đó mà thôn nào cũng khởi sắc, người dân vừa biết làm kinh tế, vừa biết gìn giữ tình làng nghĩa xóm, đời sống văn hóa tinh thần nâng lên rõ rệt. An ninh trật tự ổn định, không có tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội, không có các tổ chức, cá nhân hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước, truyền đạo trái phép, khiếu kiện đông người...

Thu Phong

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...