Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Trao “cần câu” giúp hộ nghèo vươn lên

Cập nhật: 10:37 ngày 13/07/2018
(BGĐT) - Một trong những chỉ tiêu quan trọng của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2015-2020 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 2-3%. Thực hiện nhiệm vụ này, cấp ủy, chính quyền các cấp đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững. 
{keywords}

Gia đình anh Lâm Văn Sự ở thôn Cấm Vải (xã Kiên Lao) phát triển kinh tế vườn đồi.

Lồng ghép các nguồn vốn

Qua đánh giá của Thường trực Huyện ủy, triển khai đồng bộ các biện pháp giảm nghèo, sau nửa nhiệm kỳ, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm bình quân từ 3-4%/ năm, vượt chỉ tiêu đề ra. Tại 12 xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ này giảm hơn 12%/năm (vượt khoảng 3 lần so với mục tiêu). 

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, với phương châm đầu tư có trọng điểm, tránh dàn trải, nhỏ lẻ, ưu tiên hỗ trợ cho vùng khó khăn hơn, đồng bào dân tộc thiểu số, hằng năm, đơn vị tham mưu với UBND huyện xây dựng kế hoạch, phân bổ vốn phù hợp tình hình thực tế mỗi địa phương. 

“Để nguồn hỗ trợ này phát huy tối đa hiệu quả, chúng tôi lồng ghép triển khai các chương trình giảm nghèo của nhà nước, tỉnh, huyện. Nắm bắt khó khăn chung của các xã là điều kiện sản xuất lạc hậu, người dân thiếu vốn, nguồn kinh phí được dùng xây dựng công trình thủy lợi nhỏ, hỗ trợ phát triển sản xuất và tăng cường cán bộ về xã để chuyển giao kỹ thuật canh tác mới cho bà con. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân có ý thức, động lực vươn lên thoát nghèo, bảo đảm giảm nghèo thực sự bền vững”, ông Hà nói.

Một kinh nghiệm được rút ra trong quá trình triển khai công tác giảm nghèo ở huyện Lục Ngạn là huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Ngay từ khi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện được ban hành, căn cứ vào hướng dẫn của cấp trên, đảng ủy các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch, chương trình hành động sát với tình hình thực tiễn, định hướng phát triển của địa phương. Đơn cử như xã Hộ Đáp, với lợi thế diện tích đồi rừng, song song với hỗ trợ phát triển cây ăn quả chủ lực là vải thiều, việc giúp người dân chuyển đổi từ trồng lúa một vụ không ăn chắc sang thâm canh bưởi, cam đã góp phần nâng cao đời sống cho bà con. Sau hai năm triển khai Nghị quyết, tỷ lệ hộ nghèo tại xã giảm từ 74,32% xuống còn 46,95% (trung bình mỗi năm giảm khoảng 13,6%).

Hướng tới mục tiêu giảm nghèo bền vững

Với việc khai thác hiệu quả các nguồn vốn, riêng năm 2017, gần 8,4 nghìn hộ nghèo trên địa bàn huyện Lục Ngạn được hỗ trợ xây dựng nhà ở và hỗ trợ trực tiếp với tổng kinh phí hơn 13,3 tỷ đồng. Ngoài ra, toàn huyện có 8 công trình giao thông, thủy lợi được xây dựng và đi vào hoạt động.

Nhờ sự chung sức, đồng lòng của cấp ủy, chính quyền, bộ mặt nông thôn nhiều xã đặc biệt khó khăn đã đổi khác, đời sống bà con từng bước cải thiện. Điển hình như ở xã Kiên Lao, trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào tự nhiên, mất mùa thường xảy ra nên năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã tới 90,9%. Được cả hệ thống chính trị dồn sức hỗ trợ xây dựng hệ thống đường giao thông, kênh mương, hiện bà con đã chủ động nước tưới sản xuất, mở rộng diện tích trồng trọt.

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm xuống còn 17,2%; nhiều hộ nghèo được vay vốn phát triển sản xuất giờ đã có thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Là một trong những hộ như thế, anh Lâm Văn Sự (SN 1981), thôn Cấm Vải chia sẻ: “Tôi được tập huấn áp dụng kỹ thuật trong chăm sóc cây ăn quả chất lượng cao như cam, bưởi kết hợp chăn nuôi. Giờ gia đình tôi thoát nghèo, kinh tế dần cải thiện, tôi xây dựng được ngôi nhà mới khang trang, có thêm điều kiện lo cho các con ăn học”.

Tuy đạt kết quả khả quan như vậy nhưng trên địa bàn huyện vẫn còn khoảng 7,5 nghìn hộ nghèo; 6 nghìn hộ cận nghèo. Trong đó có không ít hộ có khả năng tái nghèo cao. Để kết quả giảm nghèo bền vững, ở nhiều xã như: Đồng Cốc, Kiên Lao, Kim Sơn... cấp ủy, chính quyền xã chỉ đạo đẩy mạnh chuyên canh, thâm canh cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Đầu tư xây dựng hạ tầng, chú trọng xây dựng nông thôn mới, phấn đấu mỗi năm hoàn thành từ 1-2 tiêu chí. Đồng thời, làm tốt chính sách xã hội, giải quyết việc làm, đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp giảm nghèo.

Nhằm phát huy kết quả đạt đã được, không để xảy ra tình trạng tái nghèo tại một số địa bàn, thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền huyện Lục Ngạn tiếp tục lồng ghép những nguồn lực hỗ trợ, nhất là huy động tối đa trong cộng đồng dân cư. Đồng thời, tranh thủ các nguồn xã hội hóa đầu tư cho công tác giảm nghèo. Ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng KT- XH, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân. Phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo hằng năm.

Ngọc Anh

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...