Thứ tư, 24/04/2024
Bắc giang 26 °C / 24 - 32 °C
Hotline: +84.0204.3 856 624

Lục Ngạn >> Tin tức - Sự kiện
Chia sẻ:
icon
0.5 1.0 1.5

Sáp nhập thôn ở Lục Ngạn: Làm trước tại nơi có điều kiện

Cập nhật: 09:32 ngày 11/04/2018
(BGĐT) Huyện Lục Ngạn có nhiều thôn quy mô nhỏ, chưa đến 50 hộ dân. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Bắc Giang về tinh gọn bộ máy, sau hơn hai năm, công tác sáp nhập thôn được huyện tích cực triển khai và đem lại hiệu quả thiết thực.
{keywords}

Sau khi sáp nhập một số thôn, chính quyền các xã quan tâm chuyển giao KHKT, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ảnh: Buổi tập huấn kỹ thuật trồng vải thiều tại thôn Cẩm Hoàng, xã Kiên Thành.

Ghép những thôn tương đồng

Trao đổi với ông Bùi Văn Hiền, Trưởng Phòng Nội vụ huyện được biết: Thôn, tổ dân phố trên địa bàn huyện phần lớn được hình thành do lịch sử để lại, quy mô nhỏ, không đồng đều, chưa bảo đảm các tiêu chí phân loại theo quy định hiện hành. Toàn huyện còn hơn 80 thôn có dưới 100 hộ; gần 200 thôn, tổ dân phố có từ 100 đến 150 hộ dân. Việc huy động nguồn lực đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, hạ tầng KT–XH, hệ thống phúc lợi công cộng rất khó khăn. Trong khi đó số lượng người hoạt động không chuyên trách kèm theo số tiền chi trả trợ cấp hằng tháng không ngừng tăng, áp lực cho ngân sách. Do vậy việc sáp nhập, kiện toàn thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng và cần thiết.

Thực hiện Công văn số 1884 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy ngày 13-1-2015 về ghép thôn, bản, từ năm 2015 đến nay, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn rà soát, quy hoạch, chủ động đề xuất phương án sáp nhập các thôn. Quá trình thực hiện, người dân e ngại, lo lắng; cán bộ không chuyên trách cũng tâm tư. Do vậy, công tác tuyên truyền trực tiếp đến từng cán bộ thôn, hộ dân đều được làm cụ thể, thấu đáo, khi người dân hiểu, đồng thuận mới triển khai.

Sau sáp nhập, xã Kiên Thành giảm 4 thôn nhỏ, thành lập 4 thôn mới là: Rừng Gai (Gai Đông, Gai Tây); Bản Mùi (Mùi Đông, Mùi Tây); Cẩm Hoàng (Cẩm Hoàng Đông, Cẩm Hoàng Tây); Bằng Công (Bằng Công, Bãi Bằng). Như vậy, xã tinh giản được 50 người hưởng thù lao và phụ cấp từ ngân sách nhà nước. Ông Vũ Văn Thuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã cho biết: “Khi tiến hành sáp nhập, chúng tôi nghiên cứu kỹ các yếu tố: Khoảng cách địa lý, văn hóa tương đồng của các thôn. Bản thân lãnh đạo xã trực tiếp đến từng thôn giải thích cho bí thư chi bộ, trưởng thôn về chủ trương của tỉnh; cùng đó chỉ đạo tuyên truyền trên loa truyền thanh hằng ngày”.

Trước đây, cụm dân cư Gia Sơn, xã Biên Sơn có 33 hộ sinh sống, thôn không có ban quản lý, không tổ chức đoàn thể. Mỗi khi có việc, người dân tập trung tại nhà cụm trưởng do chính họ bầu lên. Khi sáp nhập vào thôn Dộc Đình, bà con phấn khởi vì có nhà văn hóa để hội họp, đời sống văn hóa, tinh thần nâng lên.

{keywords}

Công an xã Tân Hoa làm thủ tục cấp lại sổ hộ khẩu cho người dân các thôn sau sáp nhập.

Không để thôn quy mô nhỏ

Từ năm 2015 đến nay, huyện Lục Ngạn đã ghép được 28 thôn quy mô dân số nhỏ thành 14 thôn lớn, tinh giản hơn 200 người hưởng thù lao và phụ cấp từ ngân sách nhà nước.

Nhìn từ thôn Xé (gồm Xé Trong, Xé Ngoài), xã Biên Sơn có thể khẳng định rõ hiệu quả của việc sáp nhập mang lại. Tuyến đường liên thôn nhỏ hẹp, đường đất lầy lội, dốc trơn trượt khó đi song bao năm người dân không có điều kiện tu sửa. Sau sáp nhập, số dân tăng lên 119 hộ nên huy động kinh phí làm đường giao thông dễ dàng hơn. Tháng 2 vừa qua, bà con họp bàn, thống nhất mức đóng góp 300 nghìn đồng/hộ để thuê máy ủi san đất, đổ đá dăm, mở rộng bề mặt đường ra 3,5m. “Hiện chỉ chờ tỉnh hỗ trợ xi-măng, địa phương giúp thêm kinh phí là chúng tôi sẽ có đường bê tông mới, đi lại bớt vất vả”, ông Nguyễn Đức Xèng, Trưởng thôn Xé phấn khởi nói.

Tuy nhiên qua tìm hiểu thực tế cũng nổi lên một số trở ngại, khiến việc ghép thôn gặp khó như cơ sở vật chất không đáp ứng được quy mô dân số sau ghép; một số thôn giáp ranh về địa lý, nhưng nét văn hóa không tương đồng hoặc chung về dân tộc nhưng địa hình cách trở… Dù vậy Đề án do huyện xây dựng từ nay đến năm 2025 sẽ giảm 18 thôn, tổ dân phố quy mô nhỏ. Kinh nghiệm cho thấy, để công tác sáp nhập thôn đạt hiệu quả cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu địa phương. Chính cán bộ chủ chốt của xã, thôn là tuyên truyền viên tích cực nhất về chủ trương, chính sách của tỉnh đến với bà con nhân dân. Trước khi thực hiện sáp nhập, huyện nghiên cứu kỹ phương án, hướng về lợi ích thiết thực của nhân dân để thực hiện; đưa ra những cơ chế khuyến khích của nhà nước, địa phương đối với các thôn thuộc diện này… Việc sáp nhập phải tiến hành từng bước, cẩn trọng, trên cơ sở sự đồng thuận của nhân dân. “Dù còn nhiều khó khăn song huyện rất quyết tâm hoàn thành Đề án, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 (khóa XII) về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy. Trước hết chúng tôi sẽ nghiên cứu, rà soát, lập kế hoạch các thôn quy mô nhỏ tương đồng văn hóa, thuận về địa lý để thực hiện ngay. Mục tiêu không để thôn quy mô nhỏ”, ông Bùi Văn Hiền, Trưởng Phòng Nội vụ cho biết thêm.

Khôi Nguyên

Chia sẻ:

Ý kiến bạn đọc (0)

Bình luận của bạn...